Quản lý nhà nước về giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện Đất Đỏ

|

Quản lý nhà nước về giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện Đất Đỏ

Thực tiễn trong những năm qua, hoạt động giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nói chung và huyện Đất Đỏ nói riêng đã thu được những kết quả quan trọng, góp phần tích cực thực hiện thành công các mục tiêu giảm nghèo, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững trật tự an ninh chính trị, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân. Tuy nhiên, những thành tựu đó mới chỉ là bước đầu và chưa thật sự bền vững, do đó, hoàn thiện quản lý nhà nước về giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện Đất Đỏ đang là một vấn đề cần thiết và cấp bách.

Thực trạng công tác quản lý nhà nước về giảm nghèo bền vững

Là huyện ven biển thuộc tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, huyện Đất đỏ hiện có trên 20.000 hộ dân hộ dân với nhiều thành phần dân tộc như: Kinh, Chơro, Hoa, Khmer, Nùng, Mường, Tày, Chăm, Ê-đê… Đời sống của đồng bào dân tộc còn nhiều khó khăn, vì vậy những năm qua công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện Đất Đỏ được thực sự quan tâm với sự tham gia vào cuộc của rất nhiều cơ quan nhà nước khác nhau từ trung ương đến địa phương. Trong hệ thống quản lý các chương trình phát triển KTXH việc phân công, phối hợp để tổ chức thực hiện chính sách giảm nghèo bền vững được giao tương ứng cho các cơ quan chuyên môn thuộc cấp tỉnh và cấp huyện.

Công tác thông tin, tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các chính sách, pháp luật và các giải pháp giảm nghèo được các cơ quan, các tổ chức đoàn thể triển khai rộng khắp, từ đó nhận thức của người dân có chuyển biến, tạo sự đồng thuận trong nhân dân đối với các chính sách, pháp luật có liên quan đến giảm nghèo.

Trên cơ sở các chủ trương, chính sách của Chính phủ, của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, UBND huyện Đất Đỏ đã cụ thể hóa bằng các văn bản đến các cơ quan, đơn vị của địa phương để kịp thời triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020; 2021-2025. Bên cạnh đó hàng năm, trên cơ sở Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội của Huyện ủy, HĐND, UBND huyện đã ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, trong đó giao chỉ tiêu kế hoạch giảm nghèo cụ thể từng xã, thị trấn. Đồng thời Huyện cũng phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên Ban chỉ đạo phụ trách địa bàn từng xã, thị trấn để theo dõi, chỉ đạo và chịu trách nhiệm thực hiện và hoàn thành các chỉ tiêu theo kế hoạch giao. Huyện đã thực hiện rà soát hộ nghèo theo tiêu chí thu nhập, từ đó đánh giá tình hình thực tế các hộ nghèo trên toàn huyện (Bảng 1).

 
 
Nhờ triển khai thực hiện rốt ráo các chính sách hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo về y tế, giáo dục, nhà ở, tín dụng ưu đãi, xây dựng mô hình giảm nghèo bền vững; đồng thời tranh thủ được sự giúp đỡ, hỗ trợ từ chính sách của Nhà nước, khai thác tốt các tiềm năng nên đời sống người dân trên địa bàn Huyện Đất Đỏ từng bước được ổn định, góp phần to lớn vào việc giảm nghèo của địa phương.

Cụ thể: Tỷ lệ hộ nghèo giảm đều qua các năm, vượt mục tiêu nghị quyết Đại hội huyện đặt ra, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân. Công tác rà soát hộ nghèo hàng năm thực hiện đúng quy trình hướng dẫn của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, công khai, minh bạch và niêm yết cụ thể tại trụ sở Ban ấp, khu phố và luôn được địa phương và các ngành liên quan kiểm tra chặt chẽ, qua đó nâng cao vai trò trách nhiệm của Bí thư Đảng ủy và người đứng đầu địa phương.

Các chỉ tiêu trong mục tiêu giảm nghèo của Huyện được cụ thể hóa thành Nghị quyết của Đảng bộ huyện, theo đó hàng năm, UBND các xã, thị trấn đều đưa chỉ tiêu thoát nghèo để triển khai thực hiện vào phát triển kinh tế - văn hoá - xã hội tại địa phương. Kết quả, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm qua từng năm.

Một số giải pháp nhằm quản lý nhà nước về giảm nghèo bền vững

Bên cạnh những kết quả nổi bật, công tác giảm nghèo của huyện Đất Đỏ thời gian qua còn có những hạn chế, đó là:

Một là, vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của một số cấp ủy, chính quyền cấp cơ sở đối với công tác giảm nghèo, năng lực điều hành, quản lý còn hạn chế, việc xác định hộ nghèo, hộ cận nghèo còn bất cập; vẫn còn tồn tại tình trạng nghèo luân phiên giữa các hộ.

Hai là, quá trình triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ cho hộ nghèo ở một số xã còn lúng túng, tiến độ thực hiện chậm so với kế hoạch chung, không được thực hiện đồng bộ, nhất quán nên chưa có những tác động sâu và rộng và chưa đạt hiệu quả cao. Một số chính sách giảm nghèo chưa thể hiện rõ tác dụng thúc đẩy, kích thích hộ nghèo vươn lên thoát nghèo,…

Ba là, thực tế một vài chính sách, dự án giảm nghèo chưa thực sự hiệu quả vì tâm lý ỷ lại của người dân, trông chờ vào nhà nước, muốn thụ hưởng những lợi ích trước mắt…

Thứ tư, việc theo dõi và giám sát giảm nghèo bền vững chưa được thực hiện thường xuyên, chưa kịp thời do kiêm nhiệm, kinh phí hoạt động kiểm tra, giám sát còn hạn chế.

Để giảm nghèo bền vững, công tác quản lý nhà nước cần quan tâm một số giải pháp sau:

Một là, xây dựng và ban hành các văn bản pháp quy về giảm nghèo, tăng cường công khai, minh bạch thông qua sự tham gia của người dân, đặc biệt là người nghèo - đối tượng thụ hưởng các chương trình, dự án chính sách được triển khai.

Hai là, cần bảo đảm tính bền vững của chương trình giảm nghèo, gắn liền việc giảm nghèo với bảo vệ môi trường sinh thái. Giảm nghèo phải gắn liền với việc tạo sinh kế bền vững cho người nghèo, tập trung hỗ trợ chăm lo để từng bước cải thiện và nâng dần điều kiện sống, mức sống và tăng cường giải pháp chống tái nghèo; chú trọng đào tạo nghề và giải quyết việc làm ổn định để từ đó góp phần tăng thu nhập cho người nghèo có tích lũy tiến tới giảm nghèo và thoát nghèo bền vững.

Ba là, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về giảm nghèo bền vững đối với các cấp ủy Đảng, chính quyền và cộng đồng người dân thông qua các kênh thông tin như tập huấn, tuyên truyền qua các văn bản chính thống, truyền thanh, truyền hình... nhằm làm chuyển biến nhận thức trong cấp ủy Đảng, chính quyền và cộng đồng nhân dân về công tác giảm nghèo bền vững tại địa phương.

Bốn là, nâng cao nhận thức, vai trò và trách nhiệm của các cấp, các ngành về chủ trương, chính sách giảm nghèo bền vững và ý thức vươn lên thoát nghèo bền vững của hộ nghèo./.

Tài liệu tham khảo
1. Quyết định số 90/2021/NĐ-CP ngày 1 tháng 3 năm 2021 về việc ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2021-2025;

2. Thông tư số 39/2016/TT- BLĐTBXH ngày 25 tháng 10 năm 2016 về Hướng dẫn quy trình kiểm tra và giám sát, đánh giá thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, 2016);
3. 
Thông tư 14/2018/TT- BLĐTBXH ngày 26/9/2018 sửa đổi bổ sung một số điều của Thông tư 17/2016/TT- BLĐTBXH ngày 28/6/2016 hướng dẫn quy trình rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hằng năm theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020 (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, 2018);
4. UBND huyện Đất Đỏ, 2019, 2020, 2021, 2022. Báo cáo tổng kết tình hình GNBV của huyện năm 2019, 2020, 2021, 2022.
 
Huỳnh Thị Ngọc Linh - UBND thị trấn Đất Đỏ, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
TS. Cảnh Chí Hoàng - Trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh