Bạc Liêu là tỉnh thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long, có 5 huyện,1 thị xã và 1 thành phố với 64 xã, phường, thị trấn; trong đó có 14 xã, phường, thị trấn có đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống. Toàn Tỉnh có 1.582 hộ dân tộc thiểu số nghèo, chiếm hơn 13,6% tổng số hộ nghèo của tỉnh. Trong giai đoạn 2021-2025, Bạc Liêu triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN (Chương trình) tại 14 xã, phường, thị trấn vùng đồng bào DTTS, với nguồn vốn được Trung ương phân bổ là 58,4 tỷ đồng, cộng với hơn 8,7 tỷ đồng nguồn đối ứng 15% của tỉnh. Riêng năm 2022 và 2023, nguồn vốn sự nghiệp và nguồn đối ứng của Tỉnh dành ra gần 47 tỷ đồng để triển khai thực hiện 8/10 dự án thuộc Chương trình.
Năm 2022, Bạc Liêu được bố trí nguồn vốn thực hiện Chương trình là 27,4 tỷ đồng; trong đó: 25,3 tỷ đồng từ vốn ngân sách Trung ương (vốn đầu tư phát triển 14,1 tỷ đồng; vốn sự nghiệp gần 1,2 tỷ đồng) và 2,1 tỷ đồng vốn đối ứng 15% ngân sách địa phương. Trên cơ sở nguồn vốn được phân bổ, Bạc Liêu triển khai thực hiện 8/10 dự án thuộc Chương trình. Dự án 1: Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; Tiểu dự án 1 của Dự án 3: Phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho người dân; Dự án 4: Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS; Tiểu dự án 1, 2, 3 của Dự án 5: Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; Dự án 6: Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch; Dự án 7: Chăm sóc sức khỏe Nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người DTTS, phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em; Tiểu dự án 2 của Dự án 9: Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS&MN và Tiểu dự án 1, 3 của Dự án 10.
Bạc Liêu đẩy mạnh giải ngân vốn thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội
vùng đồng bào DTTS&MN trong năm 2023
Trong quá trình triển khai, Bạc Liêu đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và bền vững, tập trung cho các xã, ấp, khóm khó khăn nhất; giải quyết các vấn đề bức xúc, cấp bách nhất. Tỉnh đã triển khai tương đối đầy đủ về cơ chế, quy định, hướng dẫn để quản lý, thực hiện Chương trình; phân khai nguồn Trung ương, đối ứng vốn của địa phương và ban hành các Kế hoạch thực hiện, xác định cụ thể các chính sách được thực hiện trên địa bàn tỉnh theo quy định. Một số cơ quan, đơn vị được giao chủ trì thực hiện Dự án, tiểu dự án được Trung ương hướng dẫn đầy đủ, đảm bảo nguồn vốn thực hiện. Hiện, đã kịp thời giải ngân trên 90% nguồn vốn như Sở Tư pháp, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế. Một số địa phương cũng đã từng bước giải ngân các dự án, tiểu dự án được giao phụ trách, sớm hỗ trợ xây dựng nhà ở cho các đối tượng theo quy định, việc hỗ trợ cho người dân vay vốn tại Dự án 1 cũng đã được UBND tỉnh phê duyệt danh sách đối tượng thụ hưởng.
Việc triển khai Chương trình trong thời gian qua dù đã đạt được kết quả tích cực, tuy nhiên vẫn còn tồn tại những khó khăn cần phải tháo gỡ, do đây là nhiệm vụ mới, chưa từng có tiền lệ trên cả nước. Việc giải ngân, thực hiện các dự án, tiểu dự án trên địa bàn tỉnh vẫn còn chậm trễ do còn có những lúng túng của các cơ quan chức năng trong việc hướng dẫn, chưa đảm bảo đủ cơ chế, quy định để địa phương triển khai thực hiện. Việc phân bổ vốn sự nghiệp chưa phù hợp do địa phương không có đối tượng hoặc có đối tượng nhưng địa bàn không theo quy định; nguồn vốn phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số chưa đáp ứng yêu cầu thực tế; một bộ phận hộ nghèo, hộ cận nghèo còn tư tưởng không muốn thoát nghèo để được hưởng các chế độ ưu đãi. Đồng thời, việc lồng ghép 3 Chương trình MTQG cũng gây lúng túng khiến việc giải ngân chậm trễ.
Trong năm 2023, Bạc Liêu tập trung ưu tiên nguồn lực thực hiện Chương trình và sớm giải ngân nguồn vốn của 02 năm 2022, 2023. Trong đó, giao Ban Dân tộc và Tôn giáo chủ trì, phối hợp với các cơ quan chủ dự án thành phần và cơ quan liên quan: Giải quyết dứt điểm các khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện các chương trình; nhắc nhở, đôn đốc việc giải ngân nguồn vốn; tổng hợp, báo cáo định kỳ hàng tháng kết quả thực hiện về Ủy ban nhân dân tỉnh và các kiến nghị, đề xuất của các cơ quan, đơn vị, địa phương; Rà soát các quy định, hướng dẫn của từng Bộ, Ngành Trung ương, tham mưu, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản hướng dẫn cơ chế, chính sách, quản lý, điều hành để thực hiện các dự án, tiểu dự án đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế.
Đặc biệt, đối với nguồn vốn hỗ trợ nhà ở tại Dự án 1 cần đề xuất phương án cụ thể nhằm có cơ chế, chính sách mới triển khai thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo DTTS trên địa bàn Tỉnh theo quy định. Đối với các cơ quan, đơn vị, địa phương cần phối hợp tốt hơn nữa, quyết tâm tập trung triển khai thực hiện Chương trình, đảm bảo giải ngân nguồn vốn được phân bổ của năm 2023 đạt trên 90%; điều chỉnh tăng định mức hỗ trợ chính sách nhà ở, đất ở của dự án 1 lên 46 triệu đồng/trường hợp; dự án 6 bổ sung thêm 3 nội dung thực hiện. Đặc biệt lưu tâm tới các giải pháp lồng ghép nguồn vốn các dự án, tiểu dự án của Chương trình để thực hiện hiệu quả và đạt mục tiêu kế hoạch đề ra.
Để thực hiện tốt hơn nữa công tác giải ngân vốn, góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình, Bạc Liêu đã cử cán bộ tham gia các lớp tập huấn, trong tháng 6/2023 vừa qua, Tỉnh đã cử các cán bộ liên quan tham dự Hội nghị tập huấn, triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia ở các cấp thuộc Tiểu dự án 4, Dự án 5 cho một số tỉnh vùng Đồng bằng Sông Cửu Long. Gần đây nhất là tập huấn nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ các cấp trong công tác quản lý, tổ chức triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN năm 2023 do Ủy ban Dân tộc tổ chức tại Cần Thơ vào tháng 9/2023, với sự tham dự của cán bộ lãnh đạo các Sở, Ngành có liên quan; các huyện, thị xã, thành phố; các xã, phường, thị trấn; đại diện cộng đồng, người dân của 9 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long./.
Thu Hiền