Hà Giang: Mô hình cải tạo vườn tạp giúp bà con dân tộc thiểu số phát triển kinh tế

|

Hà Giang: Mô hình cải tạo vườn tạp giúp bà con dân tộc thiểu số phát triển kinh tế

Tỉnh Hà Giang với mô hình cải tạo vườn tạp đã và đang tạo hướng đi mới trong sản xuất cho đồng bào dân tộc thểu số (DTTS) nơi đây. Thông qua mô hình cải tạo vườn tạp giúp hộ đồng bào DTTS thay đổi nhận thức, thay đổi tập quán sản xuất và nâng cao đời sống, phát triển kinh tế hộ gia đình. Đặc biệt, nhiều hộ gia đình đã thoát nghèo từ mô hình này.


Đưa Nghị quyết vào cuộc sống

Trong những năm qua, việc triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội đối với đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của Đảng và Nhà nước luôn được tỉnh Hà Giang quan tâm triển khai thực hiện có hiệu quả. Trong đó, có thể kể đến các chính sách như: Nghị quyết 30a, Chương trình 135, Quyết định 2085 ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2017-2020 và Quyết định số 2086/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội các dân tộc rất ít người giai đoạn 2016-2025…

 

Thực hiện đồng bộ các chính sách, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi tỉnh Hà Giang có bước phát triển khá; kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội từng bước được hoàn thiện; cơ cấu kinh tế chuyển mạnh theo hướng sản xuất hàng hóa; đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc không ngừng được cải thiện; văn hóa truyền thống được giữ gìn, phát huy; đồng bào các dân tộc luôn tin tưởng và thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được và trên cơ sở bám sát tình hình thực tế đời sống của đồng bào DTTS và miền núi, ngày 1/12/2020, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Giang đã ban hành Nghị quyết 05/ NQ-TU về cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ để tạo sinh kế cho người dân, giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2021 - 2025. Nghị quyết 05 đi vào cuộc sống đã thổi một luồng gió mới trong phát triển kinh tế vườn hộ, đem lại thu nhập, giúp nhiều hộ đồng bào DTTS và miền núi cải thiện đời sống, thay đổi đáng kể nhận thức của người dân; không gian sinh sống của gia đình đồng bào DTTS và miền núi được sắp xếp lại hợp lý, khoa học. Phương thức lãnh đạo của các cấp ủy Đảng cũng đổi mới theo hình thức “cầm tay chỉ việc”.

Bên cạnh đó, các nguồn kinh phí trợ cấp từ ngân sách Trung ương và các chính sách hỗ trợ của tỉnh Hà Giang cũng góp phần giúp đồng bào DTTS và miền núi vươn lên ổn định cuộc sống.

Tiếp nối những thành tích đạt được, thời gian tới, tỉnh Hà Giang tiếp tục ưu tiên, tập trung các nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, đẩy mạnh công tác giảm nghèo bền vững. Thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030; giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1719 ngày 14/10/2021, trong đó trên địa bàn tỉnh Hà Giang có 10 dự án và 12 tiểu dự án.

Các dự án triển khai trên địa bàn tỉnh Hà Giang bao gồm: Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; quy hoạch, sắp xếp, bố trí ổn định dân cư ở những nơi cần thiết; phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị; đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS và miền núi; phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS và phát triển du lịch; chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người DTTS và phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em; thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em; đầu tư phát triển nhóm dân tộc rất ít người, nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn; đẩy mạnh truyền thông, tuyên truyền, vận động trong vùng đồng bào DTTS và miền núi. Tổng kế hoạch vốn đối với 10 dự án thành phần thực hiện Chương trình giai đoạn 2021- 2025 là hơn 8.730 tỷ đồng, trong đó vốn Trung ương gần 7.779 tỷ đồng, còn lại là vốn đối ứng của địa phương và các vốn khác.

Mô hình cải tạo vườn tạp giúp bà con dân tộc thiểu số phát triển kinh tế

Là tỉnh vùng cao biên giới cực Bắc của Tổ quốc với đặc thù điều kiện tự nhiên, khí hậu giữa các vùng nên quy mô, diện tích vườn hộ của tỉnh Hà Giang có sự khác biệt. Đánh giá về kinh tế vườn hộ trong Nghị quyết 05 cho thấy, kinh tế vườn hộ là một bộ phận cấu thành kinh tế hộ gia đình trong sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, kinh tế vườn trong những năm qua chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, thế mạnh sẵn có, người dân vẫn để vườn tạp nhiều, chưa thực sự tạo sinh kế và chưa đáp ứng được nhu cầu, thu nhập hàng năm của hộ gia đình.

Việc áp dụng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cùng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào diện tích vườn hộ sẽ đem lại thêm nguồn thu nhập ổn định, cũng như đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng cuộc sống hàng ngày của hộ gia đình một cách bền vững. Vì vậy, việc cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ để tạo sinh kế cho người dân, giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, triển khai cụ thể một trong ba khâu đột phá của Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Giang lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra: “Tạo sinh kế, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân”.

 

Qua khảo sát thực tế vườn hộ cho thấy, quy mô diện tích vườn hộ có sự khác biệt giữa các vùng; cơ cấu cây trồng nhiều chủng loại nhưng giá trị kinh tế không cao; tập quán canh tác của đồng bào dân tộc mỗi vùng có nét riêng; giá trị thu nhập từ kinh tế vườn còn thấp. Xác định việc cải tạo vườn tạp phải được triển khai đồng bộ từ các cấp, các ngành đến người nông dân, với quan điểm: “Không nóng vội, không thành tích, dễ làm trước, khó làm sau”. Nghị quyết 05 về mô hình cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ được tỉnh Hà Giang cụ thể hóa vào cuộc sống và đang phát huy hiệu quả trở thành điểm sáng trong công tác xóa đói giảm nghèo cho đồng bào DTTS và miền núi.

Để triển khai thực hiện mô hình cải tạo vườn tạp giúp bà con dân tộc thiểu số phát triển kinh tế, UBND tỉnh Hà Giang đã xây dựng, ban hành Đề án triển khai cụ thể; HĐND Tỉnh ban hành Nghị quyết số 58/2020/NQ-HĐND, ngày 9/12/2020 của HĐND tỉnh về chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế vườn hộ và phát triển bền vững cây cam Sành trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021-2025; các ngành liên quan và các huyện, thành phố tới các xã, thị trấn đều tập trung xây dựng kế hoạch thực hiện, bám sát đối tượng và điều kiện thực tiễn để triển khai hiệu quả.

Các huyện, thành phố chủ động xây dựng, triển khai kế hoạch và thành lập Ban chỉ đạo, xây dựng quy chế hoạt động, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên Ban chỉ đạo phụ trách, giúp đỡ các hộ cải tạo vườn tạp; thành lập tổ thẩm định, hướng dẫn, tư vấn, xây dựng phương án sản xuất và phê duyệt danh sách các hộ để tổ chức thực hiện và đánh giá chất lượng vườn hộ thực hiện cải tạo từ khi triển khai đến nay.

Phổ biến cơ chế, chính sách về cải tạo vườn tạp; hướng dẫn, tư vấn kỹ thuật cho người dân; cách thức quy hoạch, bố trí không gian vườn hộ; bố trí cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tư vấn kỹ thuật, lựa chọn cây trồng phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu; khả năng đầu tư của gia đình; ghi chép sổ nhật ký theo dõi sản xuất của hộ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

Ban Chấp hành Đảng bộ Tỉnh xác định rõ quan điểm cải tạo vườn tạp với mục tiêu cốt lõi là thay đổi tư duy và phương pháp trồng trọt của người dân trên chính mảnh đất vườn của mình, từ đó giúp người dân dần thay đổi nhận thức về tập quán sản xuất từ tự cung, tự cấp sang tư duy sản xuất hàng hóa gắn với liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao hệ số sử dụng đất, không để đất bỏ hoang; tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, tạo ra những hướng đi tiềm năng, mang lại hiệu quả kinh tế, giảm nghèo bền vững. Thực hiện hiệu quả mô hình cải tạo vườn tạp, nhiều hộ nghèo cải tạo vườn tạp đã giải quyết được nguồn cung cấp thực phẩm xanh cho gia đình, gia tăng thu nhập và góp phần cải thiện môi trường sinh thái, môi trường đất sản xuất, tăng độ che phủ, tạo môi trường xanh và bảo vệ sức khỏe của người dân.

Với sự chung tay, góp sức của đội ngũ cán bộ, sự đồng lòng của người dân, mô hình cải tạo vườn tạp của tỉnh Hà Giang đã mang lại hiệu quả kinh tế cao; tận dụng và phát huy tối đa diện tích đất sản xuất phù hợp với điều kiện nhân lực mỗi gia đình; ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để sản phẩm có năng suất, chất lượng tốt; liên kết giữa các hộ, nhóm hộ, địa phương để tạo ra vùng trồng các sản phẩm đủ lớn thành hàng hóa, đáp ứng nhu cầu và phù hợp với thị trường, hướng đến liên kết, cung cấp cho các hợp tác xã, doanh nghiệp chế biến... Kết quả cải tạo vườn tạp đã và đang giúp không ít gia đình có việc làm ổn định, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho đồng bào DTTS các địa phương trong Tỉnh. Nghị quyết 05 về cải tạo vườn tạp trở thành một trong những mô hình sáng của tỉnh Hà Giang trong triển khai thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững của địa phương.

Với sự chỉ đạo xuyên suốt từ Tỉnh đến cơ sở, thông qua mô hình cải tạo vườn tạp đã xuất hiện những cách làm hay, chủ động, sáng tạo, hiệu quả từ cơ sở, trong đó có thể kế đến như: Huyện Vị Xuyên, Bắc Quang xây dựng thêm các tiêu chí phù hợp với thực tế; Hoàng Su Phì áp dụng biện pháp che phủ ni-lon cho cây ngô; Quản Bạ, Bắc Mê lập nhóm thông tin qua mạng xã hội zalo để trao đổi thông tin hàng ngày, xếp đá, đổ đất, triển khai hình thức đầu tư có thu hồi; ở một số xã, các trường học hợp đồng bao tiêu sản phẩm rau; huyện Mèo Vạc, Đồng Văn thực hiện xếp đá, đổ đất để trồng cây ăn quả...

Có thể thấy, mô hình cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ, tạo sinh kế cho người dân, giảm nghèo bền vững theo Nghị quyết 05 bước đầu đã tạo được chuyển biến tích cực trong cả hệ thống chính trị và người dân. Người nông dân từng bước xác định được vai trò chủ thể của mình trong cải tạo vườn tạp, tham gia hưởng ứng mạnh mẽ, nhờ vậy năng suất, chất lượng nhiều loại cây trồng, vật nuôi được nâng lên. Các mô hình hay, cách làm khoa học, sáng tạo được nhân rộng, việc liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm giữa nông dân với các doanh nghiệp có chuyển biến tích cực, tạo điều kiện bao tiêu nông sản và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, giúp đời sống tinh thần và vật chất của người dân được cải thiện.

Kết quả, sau gần 3 năm triển khai Nghị quyết số 05, trên địa bàn Tỉnh có 2.756 hộ nghèo, cận nghèo tham gia cải tạo vườn tạp, trong đó, hơn 1.900 vườn hộ cho hiệu quả kinh tế. Đặc biệt, với phương châm không để lãng phí tài nguyên đất, chương trình đã lan tỏa khí thế thi đua cải tạo vườn ở các hộ trung bình, khá, giàu với hơn 3.400 vườn, tổng diện tích trên 304ha đã được cải tạo. Trên cơ sở thành công của Chương trình, Hà Giang quyết tâm thực hiện thành công mục tiêu năm 2025 của Nghị quyết 05 là cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn có thu nhập khá cho 6.500 hộ (tương đương 6.500 vườn)./.

PV