Xây dựng nông thôn mới ở huyện Bảo Yên: Nỗ lực về đích đúng hẹn

|

Xây dựng nông thôn mới ở huyện Bảo Yên: Nỗ lực về đích đúng hẹn

Ngày 10/3/2023, UBND tỉnh Lào Cai đã có Quyết định số 524/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án xây dựng huyện Bảo Yên đạt chuẩn huyện nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025 với tổng nguồn vốn thực hiện trên 3 nghìn tỷ đồng. Trên cơ sở nội dung của Đề án, chính quyền và Nhân dân các dân tộc huyện Bảo Yên tích cực triển khai, lồng ghép nhiều chương trình, dự án, đề án, tập trung khai thác tiềm năng, thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp và du lịch để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân. Đến tháng 9/2023, số tiêu chí NTM bình quân trên địa bàn Huyện đạt 11,56 tiêu chí/xã, tăng 1,25 tiêu chí/xã so với năm 2022.

Từ thành công phát triển nông nghiệp hàng hóa

Xác định mục tiêu quan trọng nhất và cũng là tiêu chí “khó nhất” của chương trình xây dựng NTM là nâng cao thu nhập cho người dân, Bảo Yên lựa chọn nông - lâm nghiệp là lĩnh vực ưu tiên đầu tư nhằm phát huy lợi thế về đất đai, nguồn lao động. Thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 26/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa tỉnh Lào Cai đến năm 2030, Huyện đã cơ cấu lại ngành nông nghiệp, xác định các sản phẩm chủ lực và có tiềm năng để hình thành những vùng hàng hóa tập trung.

Để hỗ trợ, khuyến khích người dân đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, Huyện đã cho phép chuyển đổi các diện tích đất trồng ngô, sắn, vườn tạp kém hiệu quả sang các cây trồng có giá trị kinh tế cao hơn như quế, chè, bưởi, chuối.... Song song với đó, Huyện đẩy mạnh chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học trong sản xuất nông nghiệp, hỗ trợ và tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp ứng công nghệ cao, nông nghiệp an toàn.

Bên cạnh đó, Huyện đã tranh thủ các nguồn lực để cải tạo, nâng cấp hoàn thiện hệ thống giao thông nội đồng, các công trình thủy lợi, trạm bơm và tu sửa, bảo dưỡng công trình hạ tầng thiết yếu khác phục vụ sản xuất nông nghiệp. Đến nay, Hệ thống thủy lợi được đầu tư cơ bản với 20 hồ chứa nước, tổng dung tích 1,577 triệu m3, có 492,81 km mương, trong đó có 376,4 km mương được kiên cố hóa phục vụ tưới cả năm cho lúa, hoa màu, nuôi thủy sản.

Nhờ các giải pháp đồng bộ, trên địa Huyện đã hình thành và mở rộng diện tích các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung gắn với phát triển thương hiệu như vùng trồng chè 564,8 ha tại các xã Xuân Hòa, Lương Sơn, Tân Dương,... với sản lượng chè thu hoạch đạt 350 tấn; vùng trồng chuối 256 ha tại các xã Xuân Hòa, Yên Sơn, Kim Sơn, năng suất thu hoạch trung bình đạt 20 tấn/ha. Thành công nhất phải kể tới vùng trồng quế tập trung trên 25 nghìn hecta đang cho hiệu quả kinh tế rất cao, hàng năm cung cấp cho thị trường khoảng 156.000 tấn cành lá, gần 78.000 tấn vỏ tươi và gần 70.000 m3 gỗ quế, doanh thu đạt hơn 1.200 tỷ đồng. Quá trình trồng, chăm sóc, thu hoạch, chế biến quế có sự tham gia của gần 20 nghìn hộ gia đình, chiếm trên 90% số hộ trên địa bàn. Cây quế không chỉ góp phần xóa đói, giảm nghèo cho người dân Bảo Yên mà còn giúp giữ đất, giữ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái.

Thời gian tới, để phát triển các sản phẩm chủ lực theo hướng bền vững, Huyện đang chỉ đạo tăng cường liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, kêu gọi và hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia chế biến sâu các nông sản, đặc biệt các sản phẩm từ quế, tạo ra sản phẩm đa dạng để từng bước đưa sản phẩm quế Bảo Yên thâm nhập thị trường quốc tế. Bên cạnh đó, Huyện cũng tìm cách hỗ trợ, thúc đẩy phát triển sản phẩm chè sau chế biến, xây dựng thương hiệu, quảng bá, giới thiệu sản phẩm một cách bài bản để đông đảo người tiêu dùng biết đến.

Tạo đà xây dựng nông thôn mới thành công

Những thành quả từ phát triển nông nghiệp đã tạo động lực để Bảo Yên phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng thành công huyện NTM. Song, trong quá trình triển khai xây dựng Nông thôn mới, Bảo Yên đối diện không ít khó khăn, thách thức, đó là: Nguồn thu ngân sách địa phương còn hạn chế, hiện trạng hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn còn thấp, dân cư sống không tập trung, tỷ suất đầu tư cao nên khó khăn cho việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng như giao thông, thủy lợi, điện...

Tuy nhiên, nhờ những cố gắng, nỗ lực từ chính quyền các cấp, các ngành và Nhân dân, Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM đã trở thành phong trào được cả hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân đồng tình ủng hộ. Bảo Yên đã huy động được các nguồn lực của Trung ương, địa phương và cộng đồng dân cư để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội gắn với hoàn thiện các tiêu chí. Chỉ tính riêng trong năm 2023, Huyện huy động đóng góp với tổng trên 25 tỷ đồng; trong đó: Ngân sách trung ương trên 17,8 tỷ đồng, Nhân dân, cộng đồng đóng góp trên 7,6 tỷ đồng (trong đó, có 183.550 m2 đất hiến và 6.500 ngày công).

Từ những nguồn lực quan trọng này, trong năm 2022-2023, huyện Bảo Yên thực hiện đầu tư nâng cấp 136 tuyến đường GTNT với tổng chiều dài 304,5km, quy mô nền đường rộng 6m, mặt đường bê tông xi măng rộng 3,5m dày 20cm. Tính đến cuối năm 2022, Huyện đã thực hiện đổ bê tông xi măng là 38,43 km (lũy kế đạt 162,07 km đường), đầu tư xây dựng, sửa chữa, nâng cấp 31 trường học, 07 nhà văn hóa xã, 06 nhà văn hóa thôn, bản, xây dựng 6 mô hình nhà sạch, vườn đẹp; hoàn thành 17,7km đường hoa nông thôn và 25,67km đường có điện thắp sáng. Đến tháng 9/2023, Huyện giảm 773 hộ nghèo (tương đương tỷ lệ 3,64%); 43/71 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt 60,3%, có 5/17 xã thị trấn đạt chuẩn phổ cập Mầm non cho trẻ 4 tuổi. 17/17 xã thị trấn đạt chuẩn xoá mù chữ mức độ 2... Bằng sự chủ động phát huy nội lực, cách làm thiết thực, hiệu quả, tính đến tháng 9/2023, số tiêu chí bình quân trên địa bàn Huyện được nâng lên thành 11,56 tiêu chí/xã (tăng 1,25 tiêu chí so với năm 2022).

Thời gian tới, để hoàn thành mục tiêu đạt 100% số xã đạt chuẩn NTM và ít nhất có 2 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, Huyện tiếp tục triển khai đồng bộ 11 giải pháp chủ yếu. Theo đó, trong năm 2023, Huyện sẽ tập trung tối đa nguồn lực để đưa xã Vĩnh Yên và Bảo Hà phấn đấu hoàn thành xã nông thôn mới, xã Nghĩa Đô hoàn thành xã nông thôn mới nâng cao. Còn đối với các xã đã công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới (theo bộ tiêu chí giai đoạn 2016-2020) cần tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí bảo đảm yêu cầu theo bộ tiêu chí mới, nhất là một số tiêu chí như tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn, môi trường và an toàn thực phẩm, nước sạch tập trung, tạo đà để tiến tới xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Về phát triển kinh tế, cùng với nông nghiệp, Bảo Yên cũng chú trọng đẩy mạnh tăng trưởng ngành công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch theo hướng văn minh, hiện đại trên cơ sở phát triển đa dạng loại hình dịch vụ. Để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Huyện sẽ tăng cường đầu tư phát triển hạ tầng, tạo cơ sở vật chất cho phát triển thương mại, xây dựng đô thị Bảo Hà gắn với quy hoạch Tân An - Bảo Hà trở thành đô thị cửa ngõ của Tỉnh, trung tâm du lịch tâm linh tầm cỡ khu vực và quốc gia, với trọng tâm là quần thể Di tích văn hóa lịch sử Quốc gia đền Bảo Hà.

Với sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, sự hòa quyện ý Đảng - lòng dân, tin tưởng rằng huyện Bảo Yên sẽ đạt huyện nông thôn mới đúng theo lộ trình đã đề ra, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của Nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện Bảo Yên./.

Trịnh Long