Vĩnh Long chủ động phương án đảm bảo sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản thuận lợi

|

Vĩnh Long chủ động phương án đảm bảo sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản thuận lợi

Theo Cục Thống kê tỉnh Vĩnh Long, tháng 8/2024, thời tiết mưa nhiều xen kẽ nắng nóng, mưa lớn có xảy ra giông lốc, gió mạnh làm đổ ngã cây trồng; xuất hiện nhiều điểm sạt lở, sụt lún; tình hình dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi vẫn còn xảy ra… đã làm ảnh nhất định đến hoạt động sản xuất nông nghiệp - thủy sản trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chủ động hướng dẫn người dân công tác phòng trừ, quản lý dịch bệnh; hướng dẫn công tác phòng, chống thiên tai nên đã hạn chế được mức độ thiệt hại đến sản xuất. Bên cạnh đó, giá cả vật tư nông nghiệp đầu vào biến động không đáng kể; năng suất lúa đạt khá cao; nhiều loại rau màu, sản phẩm chăn nuôi, thủy sản được tiêu thụ nội địa tương đối thuận lợi.
 
Sản lượng trồng trọt duy trì ổn định và tăng trưởng khá
 
Năm 2024, toàn tỉnh Vĩnh Long đã xuống giống được 36.560,5 ha lúa Hè Thu, đạt 104,5% kế hoạch, giảm 2,03% hay giảm 758 ha so với cùng vụ năm trước. Diện tích lúa giảm chủ yếu do một số nơi cây lúa trồng kém hiệu quả nên được chuyển sang trồng rau màu, cây ăn quả có hiệu quả kinh tế cao hơn. Tính đến nay, Tỉnh đã thu hoạch toàn bộ diện tích lúa hè thu, ước tính sản lượng đạt 213.726 tấn với năng suất bình quân ước đạt 58,46 tạ/ha, tăng 4,03 tạ/ha so với cùng kỳ năm trước.
 
Tính đến ngày 20/8/2024 đã xuống giống được 34.516 ha lúa Thu Đông, đạt 115,1% kế hoạch, tăng 2,01% hay tăng 679 ha so với cùng kỳ năm trước. Hiện lúa đang giai đoạn mạ 4.743 ha, đẻ nhánh 16.807 ha, đòng trổ 11.866 ha và đã thu hoạch 1.100 ha; ước tính sản lượng trên diện tích đã thu hoạch được 6.105 tấn với năng suất bình quân ước đạt 55,5 tạ/ha. Diện tích lúa Thu Đông bị nhiễm sâu bệnh trên đồng trong tháng cao nhất là 5.188 ha, chủ yếu ở giai đoạn mạ đến làm đòng (tăng 3.070 ha so với tháng trước do tình hình thời tiết mưa nhiều kéo dài, kết hợp trà lúa vừa mới xuống giống giai đoạn mạ nên diện tích ốc bươu vàng gây hại diễn biến tăng).
 
Nhìn chung, cây lúa trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long đang phát triển tốt, sâu bệnh chủ yếu gây hại ở mức độ nhẹ. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tỉnh đã khuyến cáo nông dân tuân thủ lịch thời vụ, xuống giống tập trung, đồng loạt, tăng cường quản lý sâu bệnh, tập huấn nông dân về kỹ thuật sản xuất lúa và phòng trừ sâu bệnh, phòng chống thiên tai nên đã hạn chế được thiệt hại trong sản xuất lúa của người dân.
 

 
Bên cạnh đó, ước tính trong tháng Tám, toàn tỉnh gieo trồng được 2.883,3 ha rau màu (trong đó màu xuống ruộng được khoảng 2.200 ha), tăng 13,03% hay tăng 332,4 ha so với cùng tháng năm trước. Lũy kế 8 tháng năm 2024, diện tích gieo trồng cây màu được 24.428,4 ha, tăng 2,9 ha so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế từ đầu năm đến nay, tỉnh Vĩnh Long đã gieo trồng được 938 ha ngô (bắp), tăng 9,86% so cùng kỳ năm trước; 673,3 ha khoai lang, giảm 34,19%; 164 ha mía, giảm 13,57%; 22.332 ha rau các loại, tăng 4,77%; 275 ha đậu các loại, tăng 2,1%; … Ước sản lượng thu hoạch đến ngày 20/8/2024 được 2.522,4 tấn ngô (bắp), tăng 17,82% so cùng kỳ năm trước; 17.849 tấn khoai lang, tăng 105,82%; 10.706 tấn mía, tăng 4,96%; 420 nghìn tấn rau các loại, tăng 5,73%; 380 tấn đậu các loại, giảm 3,75%; …
 
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, toàn tỉnh hiện có 3.687 ha cây lâu năm bị nhiễm sâu bệnh, giảm 20% hay giảm 919 ha so với cùng thời điểm năm 2023. Trong tháng Tám, thời tiết mưa nhiều đã ảnh hưởng đến chất lượng một số loại trái cây làm cho giá bán giảm nhẹ. Một số sản phẩm trái cây như: thanh long các loại, đu đủ, sầu riêng, cam sành, quýt, chanh, bưởi các loại, nhãn các loại, ... giá bán giảm phổ biến từ 2-10% so với tháng trước. Nguyên nhân là do đang trong mùa mưa nên chất lượng sản phẩm thu hoạch vào thời điểm này giảm, một số loại trái cây đang vào vụ thu hoạch rộ nên nguồn cung tăng mạnh. Nhìn chung, phong trào trồng cây lâu năm trên địa bàn toàn tỉnh đang có xu hướng phát triển nâng cao về chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.
 
Kiểm soát tốt dịch bệnh trong chăn nuôi
 
Trong tháng Tám vừa qua, tình hình dịch bệnh trên gia súc, gia cầm thuộc địa bàn tỉnh Vĩnh Long được kiểm soát tốt; không phát hiện thêm ổ dịch tả heo Châu Phi và không phát hiện mới ổ dịch Cúm gia cầm. Lũy kế từ đầu năm đến nay, đã xảy ra 03 ổ dịch tả heo Châu Phi tại xã Thuận Thới, xã Vĩnh Xuân và xã Trà Côn thuộc huyện Trà Ôn, đã tiêu hủy toàn bộ 52 con heo bệnh với tổng trọng lượng 4.885 kg; phát hiện 01 ổ dịch Cúm gia cầm tại xã Hòa Bình, huyện Trà Ôn, đã tiêu hủy toàn bộ 3.500 con gà.
 
Ước tính tại thời điểm ngày 20/8/2024 đàn heo của tỉnh có 179.526 con, giảm 2,41% hay giảm 4.426 con so với cùng kỳ năm trước; đàn bò có 72.946 con, giảm 7,86% hay giảm 6.219 con; đàn gia cầm có 10.542 nghìn con, tăng 5,59% hay tăng 558 nghìn con, trong đó đàn gà có 7.412 nghìn con, tăng 6,78% hay tăng 470 nghìn con. Tình hình chăn nuôi heo tại Vĩnh Long tiếp tục có nhiều thuận lợi, giá thịt heo hơi ổn định ở mức mức cao; dự báo trong thời gian tới, giá heo hơi tiếp tục ổn định, người nuôi có lãi nên sẽ mạnh dạn tái đàn, góp phần vào tăng trưởng chung của ngành nông nghiệp. Riêng đàn bò tiếp tục xu hướng giảm là do giá bán thịt hơi vẫn đang ở mức thấp, trong khi nguồn thức ăn tự nhiên không còn nhiều, giá thức ăn chăn nuôi tăng cao.
 
Lũy kế công tác tiêm phòng từ đầu năm đến nay được: trên 25,9 nghìn liều lở mồm long móng trên heo; trên 16,1 nghìn liều tai xanh trên heo; gần 10,3 nghìn liều dịch tả heo Châu Phi; gần 37,6 nghìn liều lở mồm long móng trên trâu, bò; trên 51,5 nghìn liều viêm da nổi cục trên bò; trên 71,6 nghìn liều dại chó; tiêm phòng vaccine cúm gia cầm trên 6,33 triệu liều (trong đó, các cơ sở chăn nuôi tự tiêm vaccine cúm cho gần 2,7 triệu con gia cầm).
 
Nuôi trồng thủy sản hướng đến đa dạng sản phẩm
 
Toàn tỉnh hiện có 1.951,4 ha diện tích nuôi trồng thủy sản, giảm 0,01% so với cùng kỳ năm trước; trong đó diện tích nuôi cá tra công nghiệp là 293,5 ha, giảm 0,74% hay giảm 2,2 ha. Hiện nay tình hình xuất khẩu cá tra gặp khó khăn, giá cá thương phẩm giảm; chu kỳ nuôi được kéo dài, nuôi cầm chừng hoặc cho cá ăn ít; số lượng doanh nghiệp thu mua cá tra nguyên liệu cũng giảm đã làm ảnh hưởng nhất định đến hoạt động nuôi cá tra của tỉnh.
 
Ước tính 8 tháng năm 2024, sản lượng thủy sản nuôi trồng và khai thác của Vĩnh Long đạt 102.590,5 tấn, tăng 1,2% hay tăng 1.217 tấn so với cùng kỳ năm trước; trong đó thủy sản nuôi trồng đạt 98.323 tấn, tăng 1,23% hay tăng 1.199 tấn. Riêng cá tra nuôi công nghiệp đạt 67.689 tấn, tăng 0,93%.
 
Toàn tỉnh hiện có 207 cơ sở nuôi cá lồng, bè với 1.651 lồng, bè, tăng 34 chiếc; trong đó hiện đang thả nuôi 1.167 chiếc, tăng 01 chiếc so với cùng kỳ. Sản lượng thu hoạch cá lồng, bè 8 tháng năm 2024 ước được 12.383 tấn, tăng 2,5% hay tăng 302 tấn so với cùng kỳ năm trước. Hiện nay, giá bán thức ăn thủy sản giảm, người nuôi thay đổi giống và đa dạng các loại cá khác ngoài cá điêu hồng như cá lăng nha, cá cóc, cá he, cá chốt, … có giá trị kinh tế cao hơn và cho năng suất cao, tỷ lệ hao hụt thấp./.
 
Nguồn: Cục Thống kê tỉnh Vĩnh Long