Xuất khẩu lao động trong bối cảnh đại dịch Covid-19

|

Xuất khẩu lao động trong bối cảnh đại dịch Covid-19

Dịch Covid-19 đã có những ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị trường xuất khẩu lao động của nước ta. Năm 2020, số lao động đi làm việc ở nước ngoài không đạt kế hoạch, chỉ tiêu đã đề ra. Bước sang năm 2021, trước những diễn biến phức tạp của tình hình dịch Covid-19, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã buộc phải điều chỉnh giãn chỉ tiêu đưa người ra nước ngoài làm việc.
 
Thị trường xuất khẩu lao động - Khó khăn từ cung đến cầu

Có thể thấy, trước những diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài trong thời gian qua đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Thị trường xuất khẩu lao động gặp khó khăn cả ở nguồn cung và cầu. Người lao động, các đơn vị tuyển dụng, doanh nghiệp dịch vụ đưa người đi xuất khẩu lao động,... đã gặp không ít khó khăn. Theo báo cáo của Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội), tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong năm 2020 là 78,6 nghìn lao động, đạt 60,5% kế hoạch được giao (130 nghìn lao động), bằng 112,3% kế hoạch đã điều chỉnh của năm (70 nghìn lao động) do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Trong đó, số lao động xuất cảnh tại một số thị trường chính, bao gồm: Nhật Bản: 38,8 nghìn lao động (15,9 nghìn nữ); Đài Loan: 34,5 nghìn lao động (12,4 nghìn lao động nữ); Hàn Quốc: 1,3 nghìn lao động; Rumani: 924 lao động; Trung Quốc: 596 lao động nam; Singapore: 537 lao động…

Đầu năm 2021, dịch bệnh Covid-19 vẫn đang ảnh hưởng tiêu cực đến việc xuất khẩu lao động. Theo đó, tính chung 4 tháng đầu năm 2021, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 34,9 nghìn lao động (trong đó có 13,5 nghìn lao động nữ), đạt 38,79% kế hoạch năm 2021. Trong đó chủ yếu vẫn ở hai thị trường trọng điểm là Nhật Bản với 18,3 nghìn lao động (8,1 nghìn lao động nữ) và Đài Loan với 15,0 nghìn lao động (5,2 nghìn lao động nữ). Một số thị trường khác: Trung Quốc có 415; Hàn Quốc có 289 lao động nam; Hungary có 204; Rumania có 202; Singapore có 129 lao động nam; UAE có 43 lao động…

Thực tế cho thấy, khi dịch Covid-19 bùng phát, các chính sách phòng dịch cấp thiết của nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước đã hạn chế việc di chuyển của người lao động đi/đến học tập, tham gia phỏng vấn để xuất khẩu lao động. Cùng với đó, các hoạt động như: Tư vấn, tuyển chọn lao động, cung ứng, liên kết đào tạo ngoại ngữ, giáo dục định hướng cho lao động xuất khẩu… hầu như phải tạm hoãn, hủy. Điều đó đã khiến cho việc tiếp cận thông tin chương trình và các đơn hàng tuyển dụng từ phía các đối tác nước ngoài bị hạn chế đáng kể.

 


Ảnh minh họa

 
Bên cạnh đó, những khó khăn đến từ các đối tác tiếp nhận lao động xuất khẩu của Việt Nam cũng đã làm giảm đáng kể số lượng lao động đến và làm việc theo hợp đồng lao động đã được ký kết giữa các đơn vị. Chính phủ tại các thị trường tiếp nhận lao động lớn như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan đã ban hành chính sách cấm hoặc hạn chế nhập cảnh, việc tạm dừng các chuyến bay quốc tế giữa Việt Nam và một số quốc gia tiếp nhận lao động đã khiến cho nhiều lao động Việt Nam mặc dù đã trúng tuyển, làm hồ sơ, song không thể xuất cảnh… Những nguyên nhân trên đã dẫn đến tình trạng các công ty phái cử vẫn có đơn hàng tuyển dụng tốt từ các đối tác nước ngoài, nhưng lại không thể triển khai việc cung ứng lao động.

Dịch Covid-19 cũng đã khiến cho hoạt động kinh tế - xã hội ở các quốc gia tiếp nhận lao động bị xáo trộn, điều này đã ảnh hưởng đến nhu cầu sử dụng lao động của Việt Nam. Nhiều công trình, hoạt động, sự kiện… dự kiến diễn ra với nhu cầu sử dụng lao động lớn song do dịch Covid-19 đã phải tạm hoãn, hủy. Đặc biệt, theo số liệu thống kê, tại thời điểm đầu tháng 01/2021, vẫn còn hơn 26 nghìn lao động Việt Nam hết hạn hợp đồng song chưa thể về nước do tình hình dịch Covid-19. Để giải quyết vấn đề này, các nước tiếp nhận đã ban hành các chính sách tạm thời về việc tái sử dụng số lao động hết hạn hợp đồng lao động (gia hạn hợp đồng, chuyển đổi tư cách lao động). Do vậy, các công ty tiếp nhận không có thêm nhu cầu tuyển mới. Đây cũng là nguyên nhân chính dẫn đến việc giảm nhu cầu tiếp nhận lao động mới.

Ngoài ra, do dịch bệnh nguồn cung lao động xuất khẩu của Việt Nam cũng bị ảnh hưởng, theo đó nhiều người đang trong độ tuổi lao động ở Việt Nam đang có nhu cầu tìm hiểu đi làm việc tại nước ngoài song cũng đã có thái độ e ngại so với trước thời điểm dịch bùng phát khi đăng ký, nộp hồ sơ tham gia các chương trình… điều này khiến cho nguồn cung lao động xuất khẩu cũng giảm đi đáng kể… Thị trường xuất khẩu lao động của Việt Nam thời gian qua vì thế đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng cả phía cung và cầu.

Từng bước phục hồi hoạt động xuất khẩu lao động

Theo dự báo đến cuối năm 2021, dịch Covid-19 vẫn sẽ tiếp tục có những tác động tiêu cực tới hoạt động xuất khẩu lao động. Mặc dù hiện đã có một số dấu hiệu tích cực khi một số quốc gia và vùng lãnh thổ tiếp nhận lao động Việt Nam cơ bản đã khống chế được sự lây lan của dịch bệnh Covid-19, từng bước nới lỏng các biện pháp cách ly, giãn cách xã hội để khởi động lại và tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động phát triển kinh tế, trong đó có việc tiếp nhận trở lại lao động nước ngoài vào làm việc. Tuy nhiên, những hoạt động này chưa thực sự rõ ràng và bền vững. Do đó, để từng bước phục hồi lại hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài phù hợp với tình hình và trạng thái bình thường mới, Việt Nam cần thận trọng trong việc đưa người lao động ra nước ngoài làm việc trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, đồng thời  có sự chủ động và chuẩn bị đầy đủ điều kiện, năng lực để đón nhận những cơ hội khi dịch Covid-19 được kiểm soát và các nhu cầu sử dụng lao động Việt Nam tại các nước tăng trở lại.

Các chuyên gia cho rằng việc thích ứng và linh hoạt trong tình hình mới sẽ là điều kiện tiên quyết để các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu lao động vượt qua giai đoạn khó khăn này, nhất là trong việc tuyển dụng và đào tạo lao động. Do đó, dù trong bối cảnh dịch bệnh có ảnh hưởng thì các doanh nghiệp cũng cần trang bị đủ kiến thức cho người lao động trước khi xuất cảnh. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần chủ động trao đổi với đối tác về quy định của các nước sở tại để người lao động được nhập cảnh hợp pháp, an toàn.

Trước những diễn biến của dịch bệnh, để đảm bảo an toàn và duy trì tốt hoạt động xuất khẩu lao động, mới đây Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã yêu cầu các đơn vị, doanh nghiệp xuất khẩu lao động cần triển khai đầy đủ các biện pháp đảm bảo an toàn, phòng chống dịch Covid-19. Theo đó, đối với thị trường tiếp nhận lao động không có chính sách hạn chế về việc xuất - nhập cảnh, tiếp nhận lao động nước ngoài, các doanh nghiệp cần chủ động trao đổi với đối tác nước ngoài trên cở sở chính sách, quy định của nước sở tại để bảo đảm người lao động nhập cảnh hợp pháp, an toàn, bảo đảm tối đa quyền lợi của người lao động trong trường hợp phải thực hiện cách ly sau khi nhập cảnh. Bảo đảm việc khám, chữa bệnh, chăm sóc y tế cho người lao động trong trường hợp nghi hoặc bị nhiễm dịch bệnh.

Doanh nghiệp cần thông tin đầy đủ, rõ ràng tới người lao động các chính sách người lao động được hưởng, trách nhiệm người lao động phải thực hiện liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Đồng thời, quán triệt người lao động chủ động các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu về y tế của cơ quan chức năng Việt Nam và nước, vùng lãnh thổ tiếp nhận.

Ngoài ra, doanh nghiệp cần thực hiện đầy đủ các chế độ tiền lương, sinh hoạt của người lao động theo hợp đồng đã ký và quy định sở tại trong trường hợp phải khám, chữa bệnh; giãn, giảm giờ làm, nghỉ việc do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Đối với các đơn vị khi tổ chức hoạt động tư vấn, tuyển chọn và đào tạo người lao động cần phải thực hiện nghiêm những biện pháp phòng, chống dịch theo yêu cầu của Bộ Y tế và chính quyền sở tại. Thực hiện yêu cầu 5K, trong đó có việc đeo khẩu trang bắt buộc tại nơi công cộng, tại các sự kiện tập trung đông người, trên các phương tiện giao thông công cộng; duy trì khoảng cách an toàn theo quy định; khuyến khích tổ chức tuyển chọn, đào tạo thông qua hình thức trực tuyến. Đối với các hoạt động khi tổ chức cho người lao động xuất cảnh, doanh nghiệp phải tuân thủ tuyệt đối các quy định, quy chế về phòng, chống dịch; quán triệt người lao động chủ động các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh, tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu về y tế của cơ quan chức năng Việt Nam và nước tiếp nhận lao động.

Đặc biệt, để đón đầu những cơ hội việc làm tại các thị trường có nhu cầu lớn về lao động ngay khi các nước kiểm soát được dịch bệnh, đòi hỏi các địa phương, doanh nghiệp xuất khẩu lao động phải có sự chuẩn bị tích cực hơn nữa. Trong đó, cần chú ý tới chất lượng lao động và đẩy mạnh tìm kiếm thêm đối tác mới để nâng cao thu nhập cho lực lượng đi làm việc ở nước ngoài.

Trong bối cảnh hiện tại các doanh nghiệp cần vận dụng linh hoạt các chính sách của nhà nước để tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng nghề cho người lao động. Phối hợp với các cơ sở đào tạo theo phương châm ba cùng, đó là cùng tuyển sinh, cùng đào tạo, cùng giải quyết việc làm sau đào tạo. Các đơn vị tuyển dụng cần dựa trên cơ sở dự báo của các chuyên gia, nhà khoa học, cơ quan, tổ chức để định hướng về tư vấn đào tạo, bồi dưỡng người lao động. Chuẩn bị nhiều phương án phù hợp đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động của các đối tác…

Các doanh nghiệp xuất khẩu lao động, bên cạnh việc sàng lọc các đối tác chất lượng, cần nghiên cứu triển khai các biện pháp đào tạo, phỏng vấn mới để đáp ứng nhu cầu cho phía doanh nghiệp tiếp nhận. Cụ thể: Hoàn thiện quy trình 3-ON: Khai hồ sơ online, phỏng vấn online, đào tạo online để tạm thời triển khai các đơn hàng tuyển dụng trong thời kỳ mới.

Đối với các địa phương cung ứng nguồn lao động, cần tăng cường tổ chức tư vấn, hội thảo, phiên giao dịch việc làm theo hình thức mới trong tình hình mới. Đẩy mạnh các hoạt động tư vấn, tuyển chọn lao động, cung ứng, liên kết đào tạo ngoại ngữ, giáo dục định hướng cho lao động xuất khẩu… Đối với người lao động cần có sự chủ động thích ứng, nâng cao kỹ năng, tay nghề, trau dồi kiến thức để sẵn sàng với các yêu cầu của nhà tuyển dụng…/.
Gia Linh