Bảo đảm An sinh xã hội trong bối cảnh dịch Covid-19 - Nỗ lực của cả hệ thống chính trị và từng người dân

|

Bảo đảm An sinh xã hội trong bối cảnh dịch Covid-19 - Nỗ lực của cả hệ thống chính trị và từng người dân

Bảo đảm an sinh xã hội luôn được Đảng, Quốc hội và Chính phủ Việt Nam quan tâm, đặc biệt trong bối cảnh diễn ra đại dịch Covid-19 vấn đề này tiếp tục được nâng tầm quan trọng.
 
Ngay từ khi đại dịch Covid -19 xuất hiện, Đảng, Quốc hội, Chính phủ thông qua những quyết sách kịp thời, trở thành điểm tựa cho người dân trong ứng phó với dịch bệnh; đồng thời những nghĩa cử cao đẹp, tận tâm, tận lực hết mình của đồng bào, đồng chí, chiến sỹ và cộng đồng doanh nghiệp… những tấm lòng nhân ái luôn chung tay, đồng lòng giúp đỡ hoàn cảnh khó khăn, những người gặp hoạn nạn… đã được nhân lên trong đại dịch.

Sự quyết tâm, quyết liệt của Đảng, Quốc hội và Chính phủ thông qua những quyết sách kịp thời, trở thành điểm tựa cho người dân trong đại dịch

Hệ thống an sinh xã hội (ASXH) tại Việt Nam với các trụ cột cơ bản bao gồm: Tạo việc làm, bảo hiểm xã hội, trợ giúp xã hội và giảm nghèo do nhà nước làm chủ đạo, tạo ra một lưới an toàn nhiều tầng cho tất cả các thành viên, các nhóm xã hội, nhất là các đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương khi bị suy giảm hoặc mất nguồn thu nhập, khi gặp rủi ro, hoạn nạn, đau ốm, bệnh tật,... ASXH cũng nhằm nâng cao khả năng ứng phó khi mất việc làm, đảm bảo cuộc sống ổn định cho người dân. Chính vì vậy, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang tàn phá mạnh mẽ trên quy mô toàn cầu, kinh tế suy thoái, ASXH thực sự trở thành một trụ cột quan trọng, góp phần ổn định kinh tế-xã hội ở nhiều quốc gia, khu vực trên thế giới.

Năm 2020, ngay từ khi đại dịch Covid-19 xuất hiện ở nước ta, ngày 09/4/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 42/NQ-CP và Nghị quyết số 154/NQ-CP ngày 19/10/2020 về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Kết quả đã thực hiện được hơn 33 nghìn tỷ đồng cho gần 14,5 triệu đối tượng bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, trong đó Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã tiếp nhận hồ sơ và giải quyết tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất đối với 1.846 đơn vị/doanh nghiệp cho trên 192 nghìn lao động, với tổng số tiền tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất trên 786 tỷ đồng.

Năm 2021, trước những tác động nặng nề của đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 (kể từ 27/4/2021), Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, gồm 12 chính sách hỗ trợ, trong đó nguồn từ quỹ bảo hiểm xã hội, quỹ bảo hiểm thất nghiệp và quỹ bảo hiểm tai nạn, bệnh nghề nghiệp.

Việc triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 68 đến nay đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Theo đó, tính đến hết ngày 21/12/2021, toàn Ngành BHXH đã tiếp nhận hồ sơ và giải quyết cho 842 đơn vị với 159,9 nghìn lao động tạm dừng đóng quỹ hưu trí và tử tuất với số tiền hơn 1.111,4 tỷ đồng tại 57 tỉnh, thành. Hiện đã xác nhận danh sách cho 2,9 triệu lao động của trên 70 nghìn đơn vị sử dụng lao động để hưởng các chính sách tại 63 tỉnh, thành phố. Trong đó gồm: 1,9 triệu lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương của trên 62 nghìn đơn vị; 609 nghìn lao động ngừng việc để nhận hỗ trợ 1 triệu đồng/ người của 5,8 nghìn đơn vị; 4.125 lao động được đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm; 84,5 nghìn lao động ngừng việc do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19; 228,7 nghìn người lao động được người sử dụng lao động đề nghị vay vốn để trả lương phục hồi sản xuất (đối với người sử dụng lao động phải tạm dừng hoạt động); 35,2 nghìn người lao động được người sử dụng lao động đề nghị vay vốn để trả lương phục hồi sản xuất (đối với người sử dụng lao động hoạt động trong lĩnh vực vận tải, hàng không, du lịch, dịch vụ lưu trú và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng)…

 


Ảnh minh họa

 
Ngày 24/9/2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 116/NQ-CP về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp. Nghị quyết số 116/ NQ-CP đã thể hiện sự quan tâm, chia sẻ của Đảng, Nhà nước đối với người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, góp phần hỗ trợ người lao động khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống, chống đứt gãy chuỗi cung ứng lao động và thiếu hụt lao động; hỗ trợ người sử dụng lao động giảm chi phí, nỗ lực thích ứng với trạng thái bình thường mới, duy trì sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho người lao động. Theo thống kê của BHXH Việt Nam, tính đến hết ngày 21/12/2021, BHXH các địa phương đã giải quyết hưởng hỗ trợ từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) cho 12,79 triệu lao động (trong đó: đang tham gia BHTN là 11,7 triệu lao động; đã dừng tham gia BHTN 1,09 triệu lao động) với tổng số tiền hỗ trợ là 30,31 nghìn tỷ đồng.

Đặc biệt, trong thời gian dịch bệnh bùng phát mạnh ở các tỉnh phía Nam, không chỉ ban hành các quyết sách kịp thời, Chính phủ cũng đã kịp thời chỉ đạo, điều động một lực lượng lớn cùng trang thiết bị, phương tiện vào vùng tâm dịch, phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, người dân, doanh nghiệp để quyết tâm dập dịch.

Ngoài ra, để đảm bảo tốt công tác an sinh xã hội đối với người dân trên mọi miền Tổ quốc bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, thời gian qua, đã tổ chức thực hiện hiệu quả các chính sách, giảm tối thiểu các thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, nhờ vậy các gói hỗ trợ đã kịp thời đến với người dân, người lao động và doanh nghiệp vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch…

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã triển khai áp dụng các giải pháp nhằm tháo gỡ những khó khăn về vắc xin và thuốc điều trị Covid-19; nguồn lực dành cho công tác phòng, chống dịch Covid-19; giải pháp chống đứt gẫy chuỗi cung ứng lao động; cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch; giải pháp chống đứt gẫy chuỗi cung ứng hàng hóa; đảm bảo các chính sách tín dụng. Chỉ đạo hệ thống ngân hàng hỗ trợ, đồng hành cùng tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, hướng tới phục hồi kinh tế; ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng, chống dịch Covid-19… Triển khai các giải pháp để thích ứng linh hoạt và an toàn, đảm bảo chính sách an sinh xã hội phù hợp, các nguồn lực được phân bổ công bằng, bao quát, đúng đối tượng… Tất cả những việc làm đó đã thể hiện sự quyết tâm ngăn chặn những diễn biến phức tạp của dịch bệnh, bảo đảm an sinh xã hội đối với mọi người dân, theo đúng phương châm để “không ai bị bỏ lại phía sau” trong cuộc chiến chống dịch bệnh Covid-19 của Đảng, Quốc hội và Chính phủ Việt Nam.

…Sự chung sức đồng lòng, những nghĩa cử cao đẹp, tấm lòng sẻ chia, tinh thần tương thân, tương ái của người con đất Việt

Có thể thấy, việc Đảng, Quốc hội và Chính phủ kịp thời ban hành các chủ trương, chiến lược phù hợp, từng bước đáp ứng các nhu cầu an sinh như: Hỗ trợ việc làm, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, trợ giúp xã hội, và các dịch vụ xã hội cơ bản (y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch, thông tin)... đã giúp cho những người bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 vơi đi phần nào những khó khăn, vất vả, tìm được hướng đi trong lúc hoạn nạn. Cùng với đó, trong đại dịch Covid-19 cũng đã cho thấy những nghĩa cử cao đẹp, tinh thần nhường cơm, sẻ áo, tận tâm, tận lực hết mình của đồng bào, đồng chí, chiến sĩ và cộng đồng doanh nghiệp… Niềm tin từ những tấm lòng người con đất Việt nhờ vậy cũng được thắp sáng mỗi ngày.

Những kết quả đạt được trong đảm bảo an sinh xã hội trong bối cảnh Covid-19 bên cạnh sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt, quyết liệt, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; còn là sự đoàn kết, thống nhất của mọi tầng lớp trong xã hội. Trong đó, những mô hình hay, cách làm tốt trong công tác phòng chống Covid-19 ở nước ta có sự góp sức của cộng đồng như: Tổ Covid-19 cộng đồng; Mô hình trạm y tế lưu động; Quản lý điều trị tại nhà cho người nhiễm (F0); Hỗ trợ tư vấn từ xa; Mô hình sản xuất “3 tại chỗ” trong phòng, chống dịch… góp phần không nhỏ vào thành quả bước đầu trong công tác phòng chống dịch Covid-19. Thực tế cho thấy, việc đồng lòng của người dân cùng chính quyền các cấp trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 đã mang lại những hiệu quả tốt và những mô hình đó đã trở thành những phương án tốt để các doanh nghiệp có thể duy trì sản xuất, không bị đứt gãy vì dịch bệnh; đồng thời, giúp cho rất nhiều người dân có thể tiếp cận được các dịch vụ an sinh xã hội trong bối cảnh dịch bệnh.

Đặc biệt, trong những ngày dịch bệnh có nhiều diễn biến phức tạp tại các tỉnh thành phía Nam, đã chứng kiến không chỉ là sự vào cuộc của lực lượng y bác sĩ đang còn công tác, mà còn có sự góp mặt của không ít những người đã nghỉ hưu, những chiến sĩ bộ đội, công an, những anh dân quân, chị lao công, bác bảo vệ và cả các bạn học sinh, sinh viên... tất cả mọi người cùng chung sức đồng lòng góp sức mình nhằm ngăn chặn dịch bệnh, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, những người gặp hoạn nạn. Theo thống kê trong gần 5 tháng (kể từ khi bùng phát dịch lần thứ 4), đã có hàng trăm nghìn cán bộ, y bác sĩ, kỹ thuật viên, nhân viên y tế tại các tỉnh, thành có dịch và gần 20 nghìn thầy thuốc chi viện từ các đơn vị y tế tuyến Trung ương và địa phương trực tiếp điều trị bệnh nhân tại các bệnh viện, các trung tâm y tế và tham gia công tác truy vết, xét nghiệm, tiêm vắc xin; 36,2 nghìn cán bộ, chiến sĩ dân quân tham gia phục vụ tại các khu cách ly, bệnh viện dã chiến, bệnh viện điều trị Covid-19, khu phong tỏa, chốt kiểm soát dịch; hơn 70 nghìn tình nguyện viên là đoàn viên thanh niên, sinh viên, doanh nhân, các nhà sư, nghệ sĩ, cán bộ công chức tại Thành phố Hồ Chí Minh và từ các địa phương khác trong cả nước đã tới hỗ trợ, cung cấp lương thực, thực phẩm, hỗ trợ F0 tại nhà, nấu các suất ăn phục vụ hàng chục bệnh viện, khu phong tỏa, giúp người nghèo, vô gia cư...

Riêng lực lượng quân đội, thời điểm cao nhất đã điều động hàng chục vạn cán bộ, chiến sĩ, trong đó có một vạn cán bộ y, bác sĩ, thành lập 13 cơ sở điều trị là các bệnh viện dã chiến, 660 tổ quân y lưu động, cùng hàng ngàn phương tiện vận chuyển vắc xin, vận chuyển lương thực, thực phẩm tham gia các hoạt động hỗ trợ an sinh cho người dân Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Sản xuất 47 nghìn bình oxy, cung ứng cho 79 bệnh viện điều trị ở các cơ sở phía Nam. Cùng với đó, quân đội đã triển khai trên 2.000 tổ chốt ở các biên giới để kiểm soát các khu vực đường mòn, lối mở bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19…

Lực lượng quân đội (Quân khu 7) đã triển khai mô hình “dân quân tự vệ phụ trách hộ gia đình” phối hợp với lực lượng công an trên địa bàn bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, đặc biệt trong vận chuyển hàng hóa thiết yếu giúp người dân yên tâm thực hiện giãn cách. Ký kết kế hoạch giúp Nhân dân vận chuyển và tiêu thụ nông sản, thủy sản… góp phần chống đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa, phục vụ dân sinh. Lực lượng công an đã triển khai rà soát, phân nhóm các hộ gia đình trên mỗi địa bàn theo từng diện hoàn cảnh, như: Nhóm đủ điều kiện sống, nhóm đứt bữa do không có công ăn việc làm; Nhóm lang thang, cơ nhỡ. Trên cơ sở đó tham mưu, đề xuất cấp ủy, chính quyền chính sách an sinh phù hợp, có hướng tiếp cận hỗ trợ hiệu quả và trực tiếp tham gia hỗ trợ người dân ổn định cuộc sống.

Bên cạnh đó, trong đợt dịch thứ 4, có nhiều sáng kiến mới được các tổ chức, cá nhân nghiên cứu, triển khai hiệu quả, nhằm bảo đảm an sinh xã hội cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, công nhân lao động, người dân trong các khu phong tỏa thông qua các mô hình như: “Gian hàng 0 đồng”, chương trình “Đi chợ giúp dân”, “Chuyến xe nghĩa tình”, đội hình “Người vận chuyển”, Những hộp cơm san sẻ niềm yêu thương, “ATM gạo” đầy ắp tình người, ATM oxy, xe cứu thương miễn phí, quán cơm thiện nguyện…

Chương trình “Túi an sinh”, “Triệu phần quà Đại đoàn kết” hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19 được triển khai rộng rãi tại các địa phương có dịch. Những thông điệp “giúp đời, giúp người lan tỏa điều tốt đẹp”, từ những nhóm thiện nguyện phục vụ những suất ăn miễn phí cho người vô gia cư. Những món quà nhỏ theo tay các bạn trẻ len lỏi khắp ngóc ngách của thành phố trao những phần quà đến tận tay những người nghèo khó. Mặc dù giá trị các phần quà không lớn nhưng cũng đủ làm cho những người lao động nghèo, vô gia cư ấm lòng, vơi bớt đi một phần lo lắng trong những ngày cùng cả nước chống lại dịch Covid-19.

Các đợt vận động “Toàn dân chung tay phòng, chống dịch Covid-19” trên địa bàn nhiều tỉnh thành có dịch cũng đã được lan tỏa, đi vào chiều sâu, đến từng ngõ, phố và hộ gia đình. Bên cạnh sự ủng hộ của các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp là những tấm gương của các cá nhân những người cao tuổi, những người tàn tật, người nghèo... Các em thiếu niên, nhi đồng ở mọi miền của Tổ quốc cũng có những hành động thiết thực đóng góp cho công tác phòng, chống dịch. Các em học sinh đã tiết kiệm những số tiền dành dụm từ tiền ăn sáng, tiền tiêu vặt của mình để chuyển tới những người gặp khó khăn, hoạn nạn...

Ở nhiều địa phương trong những ngày thực hiện lệnh phong tỏa, mọi người đều chấp hành nghiêm các quy định về phòng, chống dịch. Song đặc biệt nhất, ấn tượng nhất mà mọi người cảm nhận được đó là tình cảm của mọi người dành cho nhau, bởi “cách ly nhưng không cách lòng”. Cách ly khiến mọi người biết thêm về nhau, thân thiết với nhau hơn. Người dân ở mỗi khu, mỗi tổ, mỗi thôn đều nhận được sự động viên cùng cố gắng, cùng chấp hành nghiêm quy định phòng chống dịch để chung tay cùng chính quyền đẩy lùi dịch bệnh. Và trong những ngày tháng khó khăn khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, trên các trang báo, trên mạng xã hội, các hội nhóm, đâu đâu chúng ta cũng thấy những hình ảnh xúc động về sự sẻ chia, đùm bọc nhau trong mùa dịch. Bên cạnh sự “tàn khốc” của dịch bệnh Covid-19, chúng ta cảm nhận rõ hơn bao giờ hết chính là những giá trị nhân văn, là tình thương yêu của con người với con người…

Trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh Covid-19, những tấm lòng “nhường cơm sẻ áo”, “một miếng khi đói bằng một gói khi no”, “Lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều” đã được lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng, thể hiện tinh thần đoàn kết, tương trợ cùng nhau của người dân khắp mọi miền đất nước. Những hành động đẹp vì người nghèo của các nhà hảo tâm, những suất cơm miễn phí, những bao gạo, bó rau, thùng mỳ gói… đều chứa chan tình cảm, sự động viên, sẻ chia cùng vượt qua đại dịch, đi qua khó khăn giữa con người với con người. Những hành động đó, những thông điệp đó đã, đang và vẫn sẽ được lan tỏa mạnh mẽ, sâu rộng mọi nơi để không một ai bị bỏ lại phía sau trong cuộc chiến chống dịch Covid-19./.
Thu Hòa