Tổng quan về lao động có việc làm phi chính thức ở Việt Nam

|

Tổng quan về lao động có việc làm phi chính thức ở Việt Nam

Nhiều năm qua, Chính phủ Việt Nam đã nỗ lực để phát triển kinh tế, giải bài toán chính thức hóa lao động có việc làm phi chính thức nhằm đảm bảo việc làm tử tế cho người lao động nhưng tình trạng người lao động bị buộc phải làm các công việc phi chính thức, thiếu bền vững vẫn chưa được cải thiện đáng kể, đặc biệt là dưới sự tác động mạnh của cơn bão đại dịch Covid 19 trong 2 năm 2020-2021.

Để có bức tranh tổng quan về thực trạng lao động có việc làm phi chính thức ở Việt Nam, đặc biệt là qua 2 năm chịu ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid 19, Tổng cục Thống kê với sự hỗ trợ kỹ thuật của văn phòng Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) Việt Nam đã biên soạn báo cáo “Tổng quan về lao động có việc làm phi chính thức ở Việt Nam”.

Đặc trưng của lao động phi chính thức ở Việt Nam

1. Năm 2021, Việt Nam có 33,6 triệu lao động có việc làm phi chính thức, chiếm tới 68,5% tổng số lao động có việc làm. So với một số nước trong khu vực như Cam-pu-chia, In-đô-nê-xi-a, Mi-an-ma, tỷ lệ lao động phi chính thức của Việt Nam thấp hơn, tuy nhiên so với nhiều nước trên thế giới tỷ lệ này của Việt Nam vẫn ở mức cao.

2. Lao động phi chính thức của Việt Nam không chỉ làm việc trong khu vực phi chính thức mà còn làm việc khá đông trong khu vực chính thức. Trong năm 2021, Việt Nam có gần 6 triệu lao động phi chính thức trong khu vực chính thức, trong đó 47,8% nằm trong hộ sản xuất kinh doanh cá thể và 36,9% là trong các doanh nghiệp tư nhân, đây là vấn đề cần phải được các cơ quan chức năng tiếp tục quan tâm và lưu ý.

3. Khu vực nông thôn đang chịu nhiều yếu thế hơn so với khu vực thành thị với gần ba phần tư lao động phi chính thức của Việt Nam cư trú ở nơi đây. Tỷ lệ lao động phi chính thức ở khu vực nông thôn cao hơn khá nhiều so với khu vực thành thị, 77,9% so với 52,0%.

4. Có mối tương quan theo hình chữ V giữa độ tuổi và tình trạng phải làm việc phi chính thức của người lao động. Người lao động ở độ tuổi quá trẻ (từ 15-9 tuổi) hoặc đã qua độ tuổi lao động (60+) thường phải chấp nhận làm các công việc thiếu bền vững, dễ bị tổn thương hơn lao động ở các nhóm tuổi khác.

5. Năm 2021, có đến 42 trong số 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có tỷ lệ lao động phi chính thức trên 70%, thậm chí nhiều tỉnh còn trên 80% (26 tỉnh) và dường như có mối liên hệ thuận chiều giữa tỷ lệ lao động phi chính thức với tỷ trọng lao động làm việc trong khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản (NLNTS) và tỷ lệ hộ nghèo của các tỉnh. Những tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo cao với tỷ lệ lao động làm việc trong khu vực NLNTS cao thường sẽ có tỷ lệ lao động phi chính thức cao. Ngược lại, những tỉnh phát triển tập trung nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất có tỷ trọng lao động trong nông nghiệp nhỏ thì tỷ lệ lao động phi chính thức cũng ở mức thấp hơn.

6. Đặc trưng của lao động phi chính thức là có trình độ chuyên môn thấp. Trình độ càng cao thì tỷ lệ lao động phi chính thức càng giảm, xu hướng này quan sát được qua nhiều năm và ở cả hai giới, nam và nữ.

7. Hầu hết (hơn 90%) lao động làm việc trong các ngành ngành NLNTS; Xây Dựng; Hoạt động làm thuê các công việc trong các hộ gia đình đều là lao động phi chính thức. Ở khu vực nông thôn tình trạng này thậm chí còn nghiêm trọng hơn. Lao động phi chính thức ở khu vực nông thôn làm việc trong các ngành này đều ở mức trên 96%. Riêng ngành NLNTS, con số này còn đạt mức 99%. Nghĩa là người lao động nếu làm việc trong các ngành này, đặc biệt ở khu vực nông thôn, sẽ phải làm các công việc dễ bị tổn thương và không được bảo trợ bởi các chính sách pháp luật về lao động.

8. Lao động phi chính thức thường làm các công việc giản đơn, ít đòi hỏi trình độ kỹ năng hoặc trình độ chuyên môn kỹ thuật. Khoảng 35,3% lao động phi chính thức làm nghề giản đơn, chiếm tỷ trọng cao nhất các nhóm nghề.

9. Thu nhập từ công việc chính của lao động phi chính thức trong năm 2021 là 4,4 triệu đồng, chỉ bằng một nửa thu nhập của lao động chính thức (8,2 triệu đồng). Gần một nửa (47,0%) số người lao động phi chính thức có mức thu nhập thấp hơn mức lương tối thiểu vùng.

10. Số giờ làm việc thấp cộng với thu nhập không được đảm bảo khiến nhu cầu làm thêm việc của lao động phi chính thức cao hơn rất nhiều so với lao động chính thức. Có 3,5% người lao động phi chính thức thiếu việc làm, trong khi đó, tỷ lệ này ở lao động chính thức chỉ có 1,6%, thấp hơn 2 điểm phần trăm so với tỷ lệ của lao động phi chính thức.

11. Năm 2021, có 35,6% lao động làm công hưởng lương phi chính thức làm việc vượt quá 48 giờ/ tuần, cao hơn 10,1 điểm phần trăm so với lao động làm công hưởng lương chính thức (25,5%).

12. Đa số lao động phi chính thức không có hợp đồng lao động hoặc hợp đồng không bằng văn bản (chiếm gần 79%) và chỉ có 15,3% là có hợp đồng lao động. Với thực tế này, lao động phi chính thức sẽ phải đối mặt với tình trạng không bảo đảm về việc làm, yếu thế trong thỏa thuận tiền lương, không được hưởng các chế độ phúc lợi và không được bảo đảm đầy đủ các điều kiện lao động.

13. Tỷ lệ lao động có hợp đồng lao động từ 1 tháng trở lên nhưng không có bảo hiểm xã hội vẫn chiếm một tỷ trọng không nhỏ. Trong khu vực chính thức, có đến 20,8% lao động làm công hưởng lương có kí hợp đồng lao động nhưng không được đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.

14. Có đến 97,8% lao động phi chính thức không tham gia vào bất kì một loại hình bảo hiểm nào, 35,5% trong số họ là lao động làm công hưởng lương. Chỉ có một tỷ lệ nhỏ (2,1%) người lao động phi chính thức cho biết họ có tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Tỷ lệ tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện của người lao động tăng rất chậm trong hai năm qua (từ 1,6% năm 2019 lên 2,1% năm 2021). Điều này cho thấy nhiều người lao động chưa nhận thức được tầm quan trọng của BHXH và các chính sách của BHXH chưa thực sự hấp dẫn đối với người lao động.

15. Việc làm phi chính thức vốn được coi là những việc làm bấp bênh, thiếu tính ổn định, tuy nhiên nhiều lao động vẫn chấp nhận gắn bó với công việc này trong thời gian dài. Có tới 41,1% lao động phi chính thức đã làm công việc thiếu ổn định này từ 3 đến 9 năm và 39,1% làm từ 9 năm trở lên. Hạn chế về trình độ chuyên môn kỹ thuật có thể là nguyên nhân khiến lao động phi chính thức không thể chuyển đổi công việc của mình mặc dù thu nhập từ công việc đó đôi khi không đảm bảo điều kiện sống tối thiểu.

Tác động của đại dịch Covid-19 đến lao động phi chính thức

16. Sự bùng phát và diễn biến khó lường của đại dịch Covid -19 trong năm 2020 và 2021 đã đảo chiều xu hướng giảm của tỷ lệ lao động phi chính thức đã diễn ra nhiều năm trước đó. Năm 2021, tỷ lệ lao động phi chính thức là 68,5%, tăng 0,3 điểm phần trăm so với năm 2020.

17. Lao động phi chính thức ở khu vực thành thị chịu tác động tiêu cực bởi đại dịch Covid - 19 hơn lao động ở khu vực nông thôn. Trong giai đoạn khi chưa có sự tác động của dịch Covid - 19, tỷ lệ thiếu việc làm của lao động phi chính thức của khu vực thành thị có xu hướng giảm và luôn thấp hơn ở khu vực nông thôn. Tuy đến năm 2021, tỷ lệ thiếu việc làm của lao động phi chính thức khu vực thành thị tăng lên đến 4,21%, tăng gần gấp 2 lần so với năm trước, vượt qua cả tỷ lệ thiếu việc làm ở khu vực nông thôn.

18. Diễn biến phức tạp của đại dịch Covid - 19 cũng đồng thời làm gián đoạn đà tăng trưởng thu nhập của lao động nói chung và lao động phi chính thức nói riêng sau nhiều năm. Từ năm 2017 đến năm 2019, thu nhập của lao động phi chính thức đã dần được cải thiện với mức tăng từ 3,80 triệu đồng/tháng vào năm 2017 lên 4,53 triệu đồng/tháng vào năm 2019. Tuy nhiên, trong hai năm 2020 và 2021, mức thu nhập bình quân này liên tục giảm. Điều này làm tỷ lệ lao động phi chính thức có thu nhập thấp hơn mức lương tối thiểu vùng năm 2021, tăng thêm 8,3 điểm phần trăm so với năm 2019.

19. Nữ giới làm công việc phi chính thức không chỉ có thu nhập bình quân thấp hơn nam giới mà trong đại dịch Covid - 19 họ còn chịu tổn thương nhiều hơn nam giới với mức thu nhập giảm khá sâu. Trải qua 2 năm đại dịch, thu nhập bình quân của nữ giới giảm hơn 100 nghìn đồng/tháng. Trong khi đó, mức giảm của nam giới chỉ là 26 nghìn đồng/tháng.

Một số kiến nghị

Mặc dù, lao động phi chính thức tồn tại như một tất yếu khách quan, là bệ đỡ của thị trường lao động khi nền kinh tế gặp khủng hoảng, tuy nhiên muốn có một nền kinh tế phát triển và bền vững không thể dựa vào thị trường lao động với tỷ lệ phi chính thức cao và để giảm thiểu được việc làm phi chính thức vẫn là bài toán khó với các nhà lập chính sách.

Để cải thiện tình trạng này, Tổng cục Thống kê kiến nghị một số giải pháp như sau:

1. Trên phạm vi cả nước, số người lao động phi chính thức trong khu vực chính thức khá đông, việc nghiên cứu các giải pháp phù hợp để giảm thiểu con số này là cần thiết. Các giải pháp cụ thể bao gồm:

- Hoàn thiện cơ chế, chính sách để khuyến khích người lao động và người sử dụng lao động thực hiện ký kết hợp đồng lao động, tham gia bảo hiểm xã hội;

- Tăng cường giám sát việc thực hiện các quy định ở các doanh nghiệp cũng như các cở sở sản xuất kinh doanh chính thức có thuê lao động;

- Có những chế tài xử lý mạnh hơn về những hành vi cố tình trốn tránh nghĩa vụ đối với người lao động của người chủ sử dụng lao động.

2. Trình độ chuyên môn kỹ thuật của người lao động càng cao thì xác suất người đó trở thành lao động phi chính thức càng giảm, vì vậy cần phải tiếp tục tăng cường đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực theo hướng thiết thực, hiệu quả, không dàn trải. Tập trung đào tạo những gì người lao động thực sự thấy cần thiết để nâng cao trình độ, tay nghề cho người lao động; khuyến khích người lao động tự nâng cao trình độ của mình để tìm kiếm được một công việc tốt.

3. Theo tài liệu hướng dẫn nguồn chính sách, hỗ trợ hỗ trợ quá trình chuyển đổi sang phi chính thức của ILO năm 2012, “Một yếu tố khác thúc đẩy sự hình thành khu vực phi chính thức chính là sự bất lực của ngành công nghiệp trong việc thu hút lao động vào công việc năng suất hơn. Điều này thường dẫn đến sự chiếm ưu thế của việc làm chất lượng thấp trong các ngành dịch vụ. Khi các nước đang phát triển tiến hành công nghiệp hóa, sự suy giảm giữa di cư nông thôn - đô thị và mở rộng công nghiệp thường không kèm với sự gia tăng tương ứng các công việc trong ngành công nghiệp. Thay vào đó, hầu hết các công việc cuối cùng được tạo ra đều trong lĩnh vực dịch vụ. Trong khi việc làm ngành dịch vụ trải rộng với nhiều điều kiện làm việc và mức lương, và bao gồm buôn bán nhỏ vì ngành này thực hiện các dịch vụ tài chính phức tạp, có bằng chứng cho thấy ngành này đóng góp giá trị gia tăng tổng thể thấp ở nhiều vùng. Điều này cho thấy một số lượng đáng kể của việc làm được tạo ra trong các lĩnh vực này có chất lượng kém, và năng suất thấp liên quan đến khu vực kinh tế phi chính thức”. Điều này cũng dường như đúng với điều kiện của Việt Nam, khi tỷ lệ phi chính thức ở một số ngành thuộc khu vực dịch vụ rất cao, trên 80%, do đó thúc đẩy phát triển nền công nghiệp hiện đại, năng suất cao sẽ là một giải pháp giảm thiểu lao động phi chính thức.

4. Theo như kết quả phân tích trong báo cáo, nghèo đói cũng chính là một trong những yếu tố tạo cơ sở hình thành phi chính thức, do đó tại những địa phương có tỷ lệ lao động phi chính thức cao cần phải tập trung phát triển kinh tế địa phương, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tạo điều kiện thu hút các doanh nghiệp lớn đầu tư tạo công ăn việc làm cho người lao động.

5. Như phân tích ở trên, đa phần lao động phi chính thức không tham gia bất cứ một hình thức bảo hiểm xã hội nào điều này sẽ tạo ra những hệ lụy về an sinh xã hội trong tương lai. Chính vì vậy, để tăng số lượng người có bảo hiểm xã hội cần một số giải pháp sau:

- Thực hiện tuyên truyền, giải thích hướng dẫn về tầm quan trọng và lợi ích của bảo hiểm xã hội không chỉ đối với người lao động mà với cả người sử dụng lao động.

- Hiện nay, người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện chỉ được hưởng các chế độ như chế hộ hưu trí; Trợ cấp BHXH một lần và chế độ tử tuất mà không được hưởng các chế độ ốm đau, thai sản nên chưa thực sự hấp dẫn đông đảo người lao động phi chính thức tham gia. Do đó, để cải thiện vấn đề này đối với hình thức bảo hiểm tự nguyện thì cần bổ sung thêm các chế độ được hưởng.

 
Thu Hiền
(Nguồn "Báo cáo Tổng quan Lao động có việc làm phi chính thức ở Việt Nam"
- Tổng cục Thống kê)