Ngày 15/12/2021, tại phiên họp Ủy ban Liên Chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ Di sản Văn hoá phi vật thể lần thứ 16 của UNESCO diễn ra tại Thủ đô Paris (Pháp), Di sản "Nghệ thuật Xòe Thái" của Việt Nam chính thức được UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Nghệ thuật Xòe Thái là loại hình múa truyền thống đặc sắc, chiếm vị trí quan trọng trong đời sống của cộng đồng người Thái ở 4 tỉnh Tây Bắc của Việt Nam. Tiêu biểu ở các huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu; huyện Mường Lay, tỉnh Điện Biên; huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La; thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái. Nghệ thuật xòe Thái tượng trưng cho cái đẹp, chứa đựng các giá trị nghệ thuật vũ đạo, âm nhạc, ca hát, trang phục, ẩm thực và ứng xử văn hóa của cộng đồng người Thái.
Không ai biết rõ nghệ thuật múa Xòe có từ bao giờ, chỉ biết từ xa xưa, người Thái Mường Lò đã có câu hát:
Không ai biết rõ nghệ thuật múa Xòe có từ bao giờ, chỉ biết từ xa xưa, người Thái Mường Lò đã có câu hát:
“Không xòe không vui
Không xòe cây ngô không ra bắp
Không xòe cây lúa không trổ bông
Không xòe trai gái không thành đôi.”
Không xòe cây ngô không ra bắp
Không xòe cây lúa không trổ bông
Không xòe trai gái không thành đôi.”
Vì thế mà chẳng cuộc vui, ngày hội nào của người Thái vắng bóng những điệu xòe, dù là ngày vui nhỏ của mỗi gia đình hay những ngày lễ lớn của bản làng.
Ảnh minh họa, nguồn Internet
Từ xa xưa, trong cuộc mưu sinh để tồn tại, mỗi khi hoàn thành một công việc trọng đại, chinh phục được thiên nhiên hay chiến thắng thú dữ, người Thái nắm tay nhau cùng nhảy múa ăn mừng quanh đống lửa. Hoạt động ấy được lặp đi lặp lại nhiều lần, dần dần được nâng lên cả động tác lẫn ý thức, hình thành nên các điệu múa xòe sinh động. Với người Thái, múa xòe như một phần cuộc sống, như cơm ăn, nước uống hằng ngày. Và dần đã trở thành nét văn hóa chung độc đáo của cộng đồng các dân tộc Lai Châu, Sơn La, Điện Biên, Yên Bái.
Theo Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, về cơ bản, Xòe có ba loại chính: Xòe nghi lễ, Xòe biểu diễn và Xòe vòng. Các điệu Xòe nghi lễ và Xòe biểu diễn thường kết hợp với đạo cụ, vì thế được gọi theo tên các đạo cụ như Xòe khăn, Xòe nón, Xòe quạt, Xòe sạp, Xòe nhạc, Xòe gậy, Xòe hoa... Xòe vòng là màn đồng diễn mà người Xòe nối thành vòng tròn trong sự hòa đồng với tất cả mọi người, đây cũng là điệu Xòe phổ biến nhất.
Động tác cơ bản của Xòe là tay giơ lên cao, mở ra, hạ xuống, nắm lấy tay người bên cạnh rồi cùng bước chân nhịp nhàng, ngực hơi ưỡn, lưng ngả về phía sau. Các nhạc cụ tính tẩu, kèn loa, khèn bè, trống, chiêng, chũm choẹ, pí pặp, bẳng bu, mák hính... đệm theo nhịp chẵn 2/4, 4/4 trong những âm điệu đặc trưng của những quãng 2 trưởng, 3 trưởng, thứ, quãng 4,5 đúng. Những cử động uyển chuyển hòa với âm nhạc, bài hát, trang phục trong không gian nghi lễ thể hiện một hệ thống tín ngưỡng của người Thái; đồng thời các cuộc vui có Xòe vòng còn thể hiện tính cởi mở, gắn kết, thân thiện của một loại hình nghệ thuật cộng đồng.
Thống kê cho thấy, người Thái có đến trên 30 điệu xòe, nhưng tất cả đều bắt nguồn từ 6 điệu xòe cổ. Đó là điệu xòe “Khắm khăn mơi lảu” - nâng khăn mời rượu; “Phá xí” - bổ bốn; “Đổn hôn” - tiến lùi; “Nhôm khăn” - tung khăn; “Ỏm lọm tốp mư” - vòng tròn vỗ tay và điệu “Khắm khen” - nắm tay.
Chỉ một động tác, một dáng đi, cách đứng, cách xếp đội hình, cách chuyển động cũng thể hiện những cung bậc sắc thái, ý nghĩa khác nhau mà điệu xòe thể hiện. Như điệu xòe “Nhôm khăn” sôi động, với chiếc khăn thổ cẩm rực rỡ quàng qua cổ, hai tay tung khăn theo nhịp trống thể hiện sự tươi vui, phấn khởi khi mùa màng bội thu; hay điệu xòe “đổn hôn” mang ý nghĩa, dù cuộc sống có lúc nghiêng ngả, sóng gió nhưng tình người vẫn vẹn nguyên.
Âm nhạc cho múa Xòe cũng thể hiện quan điểm về thế giới quan, nhân sinh quan của người xưa, khi tiếng trống là âm thanh của mặt đất, tiếng cồng là sự vang vọng của bầu trời, tiếng chũm chọe là biểu tượng “phồn thực” của muôn loài. Có thể nói Xòe Thái chính là thể hiện của sự gắn kết thân thiết và bền vững giữa con người với thiên nhiên, giữ người với người…
Nhịp nhàng vui nhộn và rực rỡ màu sắc Xòe Thái giúp con người quên đi những mệt nhọc của cuộc sống thường nhật, để rồi sau hội xòe, trở lại với cuộc sống đời thường, con người thấy yêu lao động, yêu cuộc sống hơn. Tham gia múa xòe, các đôi trai gái cũng được gần nhau hơn, có dịp để thể hiện tình cảm riêng tư của mình…
Với những giá trị về văn hóa tinh thần không thể phủ nhận qua thời gian, đến nay nghệ thuật Xòe Thái hiện vẫn đang được duy trì và phát triển, không chỉ trong cộng đồng dân tộc Thái mà còn có sức sống mãnh liệt và lan tỏa tới nhiều dân tộc khác tại các tỉnh, thành phố trong cả nước./.