Đầu xuân nghe trống Đọi Tam

|

Đầu xuân nghe trống Đọi Tam

Từ xa xưa, tiếng trống hội ngày Xuân đã in sâu trong tiềm thức của mỗi người dân đất Việt. Âm thanh hối hả của tiếng trống trong các lễ hội đầu năm như thúc giục người dân trong xóm, ngoài làng nô nức dự hội. Tại xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam, làng nghề làm trống Đọi Tam những ngày cận Tết luôn nô nức, tất bật với những sản phẩm đủ loại phục vụ các lễ hội xuân trên khắp đất nước.

Làng trống Đọi Tam nổi tiếng bởi lịch sử 1000 năm làm trống với các lớp thợ cả tài hoa nổi tiếng khắp vùng đã để lại nhiều dấu tích khảo cổ và truyền thuyết ở địa phương.

Theo tục lệ, nghề làm trống Đọi Tam là nghề cho truyền con nối, chỉ truyền cho con trai và con dâu, không truyền cho con gái và con rể hay người ngoài; thế hệ này cứ vậy nối tiếp thế hệ kia để gìn giữ và phát triển làng nghề. Đến nay, do nhu cầu duy trì và phát triển nghề làm trống truyền thống, con gái trong gia đình cũng được truyền dạt nghề một cách kỹ lưỡng. Không những thế, Đọi Tam còn có một đội trống nữ có một không hai ở Việt Nam chuyên phục vụ lễ hội và các ngày trọng đại của địa phương.

 

Ảnh minh họa, nguồn Internet

Trống Đọi Tam nổi tiếng nhờ độ bền, hình dáng tròn đẹp; đó là nhờ bí quyết riêng của làng nghề cùng tâm huyết của người làm trống. Trước kia, ngay từ lúc mới 10 tuổi, con trai trong làng đã biết sơ lược về cách làm trống. Đến năm 14-15 tuổi, các thợ làm trống trẻ đã bắt đầu học nghề bài bản và đến 16-17 tuổi đã có thể theo cha anh đi làm trống đại (trống sấm chỉ dành cho đàn ông khỏe mạnh, có kinh nghiệp và kỹ thuật điêu luyện). Thợ làng Ðọi Tam làm được nhiều các loại trống: Trống đại, trống đội, trống dùng trong đình, chùa, trống chèo, trống cơm, trống trường, trống trung thu, trống hội, trống múa lân sư rồng... Nghề làm trống của Ðọi Tam nổi tiếng khắp nơi, thợ của làng có mặt ở mọi miền đất nước nhưng hàng năm cứ đến ngày hội làng và ngày giỗ tổ nghề họ lại trở về quê để dự lễ. Trong ngày lễ giỗ tổ còn tổ chức các trò chơi dân gian tái hiện công việc làm trống như thi bưng trống, căng mặt trống…

Công cụ sản xuất của làng nghề gồm rất nhiều loại dụng cụ và phân chia rõ ràng, dụng cụ nào dùng để làm tâng trống, dụng cụ nào làm da trống. Các dụng cụ làm tang trống bao gồm: Ván bài, yếm bào, đòn ống, da bào, dao dựa, ca hạt mớp, ca dọc, máy xẻ gỗ, nạo, bào đứng, bào ngang, con sản. Dụng cụ làm da trống đơn giản hơn, cụ thể có: Nghiến, khom, dùi đục. Quy trình sản xuất trải qua các công đoạn: Làm da, làm tang và bưng trống. Để có một sản phẩm tốt, việc chọn nguyên liệu cũng rất công phu, tỉ mỉ. Nguyên liệu để làm trống là gỗ và da trâu. Gỗ để làm tang trống (thân) còn da trâu để bưng mặt trống. Người thợ trống ở Đọi Tam đã đúc kết được kinh nghiệm làm trống qua câu ca: “Da trâu tang mít, đánh ít kêu nhiều". Có nghĩa là: Da trâu làm mặt trống và gỗ mít làm tang thì trống sẽ rất tốt. Tang trống phải là loại gỗ mít già, vừa nhẹ, không bị ngót và quan trọng nhất là giữ được “tiếng". Người dân Đọi Tam chỉ dùng da trâu cái để bưng mặt trống, da được chọn thường là da của những con trâu già có độ bền, dẻo và dai hơn. Công đoạn căng mặt trống cũng hết sức quan trọng, sao cho vừa căng lại vừa kín, khi đánh tạo tiếng kêu vang, giòn giã.

Với bản tính năng động, nhạy bén người thợ làng nghề trống Đọi Tam luôn luôn tìm tòi và sáng tạo, làm ra các sản phẩm đáp ứng thị hiếu, thẩm mỹ của người sử dụng. Nếu như trước đây, các nghệ nhân làm các loại trống tròn, tang gỗ thì hiện nay xuất hiện nhiều kiểu trống mới, thậm chí các các loại trống của các dân tộc ít người như Chăm, Khơme và cả các loại trống là sản phẩm nhỏ trang trí để phục vụ nhu cầu của khách du lịch. Mỗi năm, làng nghề trống Đọi Tam làm ra hàng nghìn chiếc trống với nhiều công năng sử dụng khác nhau như tiêu thụ khắp mọi miền đất nước: Trống thờ, trống trong đời sống nghệ thuật dân gian, trống được sử dụng làm công cụ truyền tải thông tin. Từ đó, nghề làm trống đã mang lại lợi ích về kinh tế, nhiều người thợ đã làm giàu trên chính mảnh đất quê hương chiêm trũng bằng chính bàn tay khối óc của mình.

Tháng 10/2004, làng trống Đọi Tam đã được cấp bằng công nhận làng nghề truyền thống Tiểu thủ công nghiệp Hà Nam. Tháng 11/2007, làng trống Đọi Tam được Hiệp hội Làng nghề Việt Nam trao Bằng khen “Làng nghề tiêu biểu Việt Nam". Ngày 20/12/2019, di sản văn hóa phi vật thể nghề làm trống Đọi Tam đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 4608/QĐ- BVHTTDL nhằm tôn vinh giá trị của nghề truyền thống độc đáo đã và đang phát triển gắn liền với vùng đất cổ Duy Tiên, Hà Nam. Trong Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, làng trống Đọi Tam đã đóng góp gần 2.000 trống lớn, nhỏ, trong đó có chiếc trống lớn nhất Việt Nam và khu vực đạt chiều cao 3,1m, đường kính 2,35m, nặng khoảng 1.300kg.

Trong suốt chiều dài và bề dày lịch sử, âm sắc riêng của trống Đọi Tam từ lâu đã ăn sâu và tâm thức người dân Hà Nam nói riêng và cả nước nói chung, khơi dậy khát vọng tự hào và thổi hồn dân tộc vào các lễ hội, đặc biệt là lễ hội trong những ngày đón Tết đầu năm. Tiếng trống linh thiêng trong đêm Giao thừa không chỉ có ý nghĩa xua tan điều rủi trong năm cũ mà còn nhắc nhở các thế hệ con cháu tiếp tục phát huy truyền thống lịch sử hào hùng của cha ông trong công cuộc xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước là ý nguyện gắn kết tình cảm cộng đồng để vượt qua những khó khăn thử thách trong lao động sản xuất, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Có thể nói, giá trị văn hoá của tiếng trống Đọi Tam được kết tinh từ hàng nghìn đời nay mang đậm tính nhân văn, thể hiện ước nguyện hướng tới chân, thiện, mỹ trong đời sống tinh thần của người dân. Dù ở bất kỳ nơi đâu, dù đi ngược về xuôi nhưng ai cũng mãi nhớ âm vang tiếng trống linh thiêng, rộn rã. Sức xuân cùng âm hưởng tiếng trống hội truyền thống sẽ còn vang vọng mãi đến mai sau./.

 
Minh Huyền