Gia Lai là thành phố lớn thứ 3 và cũng là điểm du lịch hấp dẫn nhất của khu vực Tây Nguyên. Du khách có dịp đến vùng đất Gia Lai sẽ không chỉ có cơ hội thưởng thức có khí hậu mát lành, ngắm vẻ đẹp hoang sơ, trữ tình, những cảnh đồi núi mênh mông bất tận, thiên nhiên hùng vĩ, hay tìm hiểu những phong tục tập quán của người dân thân thiện nơi đây mà còn có cơ hội được trải nghiệm thưởng thức những món ăn đặc sản ngon lạ, hấp dẫn đậm chất núi rừng Tây Nguyên hoang dã.
Phở hai tô
Một trong những món ăn phố núi Gia Lai “gây thương nhớ” cho du khách là phở khô. Món này còn có tên gọi khác là phở hai tô vì khi thưởng thức, thực khách sẽ được phục vụ hai tô, gồm 1 tô bánh phở và 1 tô nước súp... Bánh phở làm từ bột gạo xay sau đó chế biến thành sợi nhỏ, săn và mịn. Khi trụng, nóng sợi phở mềm, dai, không vón cục, không nát để khách dễ thêm tương nâu, xì dầu hoặc tương ớt. Tô phở khô nhất định không thể thiếu thịt gà xé sợi, thịt heo bằm nhỏ, bò gân, bắp bò hay bò viên và hành khô phi giòn. Còn tô nước lèo được ninh từ gà hoặc bò tùy theo bí quyết của mỗi cửa hàng. Khi thưởng thức phở hai tô, du khách có thể gia giảm nêm trộn theo khẩu vị và ăn kèm với xà lách, húng quế, giá trụng. Thưởng thức phở hai tô, du khách sẽ cảm nhận được vị dai ngọt của sợi phở, thơm đậm đà của tương, giòn của giá và ngọt thanh của nước lèo.
Bún mắm cua
Ai đã đến Tây Nguyên nắng gió hẳn sẽ bị cuốn hút bởi món bún mắm cua hay còn được gọi là bún cua thúi. Đây là món ăn rất đặc biệt và khá kén người ăn bởi mùi vị đặc trưng của nó. Nhưng đã một lần thưởng thức thì nó trở thành món ăn không thể nào quên được.
Để có một bát bún mắm cua ngon, người làm phải hết sức kỳ công. Nguyên liệu để tạo ra món bún mắm cua rất đa dạng gồm cua đồng, bún, thịt ba chỉ, măng, chả hoặc nem, da lợn chiên giòn, bánh phồng tôm và các loại gia vị ớt, mắm nêm, rau ăn kèm như: giá, bắp chuối, xà lách, ngổ, kinh giới, rau thơm… Cua đồng là một thành phần quan trọng, chủ đạo của món ăn này nên người bán thường lựa chọn cua rất kỹ. Loại mắm dùng để nấu nước lèo là mắm ủ từ cua đồng nên có mùi vị khác lạ. Bún cua có vị mặn của mắm, vị thơm các loại rau, vị nồng đặc trưng của bún mắm, vị cay của ớt, âm thanh giòn rụm của da lợn… tất cả hòa quyện nhau tạo nên món ăn rất hấp dẫn và ngon miệng.
Món bún mắm cua có mùi vị đặc trưng
Muối kiến vàng
Muối kiến vàng là một trong những đặc sản Gia Lai gây tò mò nhất với du khách. Món ăn được làm từ loại kiến vàng rừng vùng Ayunpa, Krông Pa (Gia Lai). Để làm món muối kiến vàng, người dân phải đi tìm bắt kiến vàng, loài sống sâu trong rừng. Sau đó, đem rang sơ, rồi đem giã với ớt cay thật cay, cộng thêm vài loại lá rừng, muối hột. Vị mặn của muối kết hợp vị chua thanh của kiến và vị cay nồng của ớt cùng các loại lá rừng tạo nên một loại muối chấm thịt nướng tuyệt hảo, cuốn hút.
Mới đầu, du khách có thể e dè nhưng nếu đã nếm qua hương vị muối kiến vàng này một lần thôi, sẽ hiểu vì sao món ăn này cuốn hút du khách đến thế.
Bò một nắng
Bò một nắng là một trong những sản vật khác của Gia Lai, mang đến từ nơi phố núi Krông Pa, một huyện cửa ngỏ miền núi, ngay gần cao nguyên Sơn Hòa (Phú Yên) với đồng cỏ bạt ngàn chuyên phục vụ việc chăn nuôi bò. Ban đầu hương vị bò một nắng còn đơn sơ, nhưng khi giao thoa với văn hoá ẩm thực miền xuôi nó trở nên đa vị hơn.
Để làm món bò một nắng, người ta chọn thịt đùi hoặc thịt thăn. Từng miếng thịt bò được lạng theo chiều dọc sớ, lớn cỡ bàn tay dày non một phân, được tẩm ướp gia vị kỹ càng với mắm muối, tiêu, sả, bột ngọt, ớt hiểm rồi mang phơi dưới nắng gió Tây Nguyên. Hôm nào trời quang, chỉ cần phơi một nắng là được; nếu nắng yếu hoặc trời mưa thì sấy bằng lò than. Khi thưởng thức, mỗi miếng thịt sẽ mang hương vị của núi rừng trầm mặc, đậm đà bởi hơi hướm mặn mà khẩu vị xứ biển.
Bún mắm nêm
Bún mắm nêm là món ăn dân dã nhưng đậm đà, “nịnh miệng”của người dân phố núi Pleiku đáng để du khách thưởng thức. Mắm nêm là thành phần chính, quyết định sự ngon miệng của món ăn. Mắm nêm được làm từ cá cơm rửa sạch, ướp với muối theo một tỷ lệ nhất định, cho vào hũ đậy kín lại. Tùy theo thời tiết và nhiệt độ mà mắm có thể chín sau khoảng từ 7 đến 9 ngày. Khi đó mắm hơi sền sệt với mùi thơm đặc trưng đượm vị muối, vị nắng, mang lại hương vị hoàn toàn khác biệt so với bún mắm nêm miền Nam. Mắm nêm được pha chế tỉ mỉ rồi mang trộn cùng bún thịt luộc, giò, chả, nem cùng ít dưa leo, đậu phộng và một ít rau thơm. Sự pha trộn hương vị làm nên một món ăn đậm đà và ngon miệng.
Khi ăn với bún, mắm được thêm vào nhiều gia vị như chanh, tỏi, ớt, đường và dứa bằm nhỏ để làm dịu vị mặn và dậy mùi thơm rất ngon. Đơn giản là thế, nhưng với những người đã một lần thưởng thức món ăn này sẽ không thể quên được hương vị thơm ngon, đậm đà mà nó mang lại.
Lẩu lá rừng
Núi rừng Gia Lai ban tặng cho người dân nơi đây đủ loại lá rừng tốt cho sức khỏe. Chúng vừa được coi là rau xanh, vừa giống như vị thuốc. Đến với Gia Lai đại ngàn, ngoài thắng cảnh thiên nhiên hùng vĩ, con người thân thiện, du khách sẽ còn được cảm nhận hương vị của núi rừng qua món lẩu lá rừng độc nhất vô nhị có từ ngàn đời của đồng bào dân tộc bản địa. Mỗi loại lá đều được lựa chọn kỹ càng, điều quan trọng nhất là chúng không có độc tố, không phản ứng lẫn nhau. Mỗi loại lá đều chứa đựng trong mình những chất dinh dưỡng đặc biệt, có tác dụng tốt đối với sức khoẻ. Cùng với các loại lá thì mắm thịt và nem thính được cuốn vào lá, vị cay cay nồng của lá tươi cộng với vị đậm của mắm thịt, vị khô của nem thính cho ta nhiều cảm giác lạ.
Lẩu lá rừng - món quà của núi rừng Gia Lai
Thịt bò nướng ống tre
Đến với Gia Lai, du khách còn được thưởng thức đặc sản bò nướng ống tre. Thịt bò là thành phần nguyên liệu bắt buộc phải có trong món ăn này. Để tạo nên hương vị tuyệt vời nhất cho món bò nướng ống tre, bà con đồng bào dân tộc ở Gia Lai đều chọn loại bò tơ, thịt dai mềm. Loại thịt này thường được lấy từ những con bò chăn thả rong trên đồng. Thịt bò sau khi rửa sạch sẽ được thái từng lát mỏng khoảng 2 đến 3 cm. Bên cạnh đó, các loại gia vị như sả, lá é hay rau rừng đặc trưng đều được giã nát. Sau đó, hỗn hợp gia vị này được bỏ vào thịt bò trộn ướp trong tầm khoảng 30 phút. Sau khi ướp xong, thịt bò sẽ được bỏ ống tre để nướng trên bếp lửa hồng.
Người ta thường chọn loại ống tre (nứa) còn tươi và non. Ống tre to khoảng cổ tay người lớn. Ống tre được súc với nước suối, sau đó cho thịt bò vào. Để giữ thịt bò không bị rơi ra ngoài, người ta thường lấy lá dứa bịt kín lại rồi cho vào bếp than. Sau khoảng 30 phút, vỏ ống tre (nứa) bên ngoài bắt đầu chuyển sang màu vàng cháy xém, hương thơm thoang thoảng của thịt bò lan tỏa chính là dấu hiệu cho biết món ăn đã chín.
Hương vị thịt bò nướng ống tre có một đặc trưng riêng. Đó là sự hòa quyện hương vị khó quên của vị ngọt, mềm từ thịt bò cùng hương thơm quyến rũ của các loại rau rừng một cách tinh tế. Nếu chỉ thưởng thức mòn bò nướng ống tre cùng với muối lá é, cơm lam thôi vẫn chưa đủ. Một ché rượu cần dưới ánh lửa bập bùng sẽ khiến trải nghiệm món ăn bò nướng ống tre trở nên thú vị hơn bao giờ hết.
Bánh khọt mắm cà
Một món ăn du khách không nên bỏ lỡ khi đặt chân đến Gia Lai đó là bánh khọt mắm cà. Bánh khọt được làm từ gạo ngâm, sau đó xay nước rồi được chiên bằng dầu nóng đổ trên khuôn đất nung, cho lớp vỏ ngoài giòn rụm, bên trong vẫn giữ được độ mềm ngọt và thơm của gạo quyện với vị thơm bùi của trứng cút. Nét đặc trưng nhất của bánh khọt vẫn là các đồ ăn kèm theo gồm món chua ngọt làm từ cà rốt, đu đủ cắt mỏng và một số loại rau thơm ăn cùng.
Nhưng điều tạo nên sức hấp dẫn và riêng biệt của món bánh khọt Gia Lai là đồ ăn kèm mắm cà, gồm có cà pháo, dưa leo, thơm (dứa) được cắt nhỏ, rửa sạch phơi qua nắng, sau đó được ngâm trong loại mắm cái thượng hạng thơm phức cùng một số gia vị như ớt, tỏi, gừng, bột ngọt, đường tạo nên độ đậm đà, thơm ngon cho món ăn. Những buổi chiều nắng xuống, trong không khí se lạnh của phố núi Pleiku, ngồi bên bếp than hồng rực rỡ thưởng thức đĩa bánh khọt vừa xuống lò giòn thơm béo ngậy cùng chén mắm cà đậm đà sẽ để lại một dấu ấn khó quên trong lòng khách đến nơi đây./.
Ngọc Linh