Đẩy mạnh chuyển đổi xanh trong ngành giao thông vận tải

|

Đẩy mạnh chuyển đổi xanh trong ngành giao thông vận tải

Để góp phần hạn chế khí thải CO2 và các loại khí thải độc hại khác ra môi trường, ngày 22/7/2022, Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí cacbon và khí metan của ngành Giao thông vận tải đã được phê duyệt theo Quyết định số 876/2022/QĐ-TTg. Điều này thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong quá trình thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh cũng như thực hiện cam kết của Việt Nam đưa phát thải ròng khí nhà kính về “0” vào năm 2050 tại Hội nghị COP26.

Sau gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận trên mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội với nhiều dấu ấn nổi bật. Tuy nhiên, quá trình phát triển kinh tế - xã hội cũng bộc lộ nhiều bất cập, trong đó tình trạng ô nhiễm môi trường tiếp tục diễn biến phức tạp, ngày càng nghiêm trọng, trở thành nguy cơ lớn cản trở mục tiêu phát triển bền vững của đất nước. Trong đó, giao thông vận tải là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến sự gia tăng ô nhiễm không khí, đặc biệt tại các đô thị lớn.

Để khắc phục tình trạng này, Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm vừa phát triển kinh tế, vừa bảo vệ môi trường. Theo đó, thực hiện chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh theo Quyết định số 876/2022/QĐ-TTg, ngành Giao thông vận tải Việt Nam đã xây dựng chương trình hành động chuyển đổi năng lượng xanh tại 5 Cục quản lý chuyên ngành. Bên cạnh đó, nhiều địa phương cũng đã ban hành chương trình hành động chuyển đổi năng lượng xanh như: Hải Phòng, Lào Cai, Quảng Bình, Quảng Ngãi, Phú Thọ, Bến Tre…

Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh là cơ hội để ngành Giao thông vận tải Việt Nam phát triển đồng bộ theo hướng hiện đại hóa và bền vững, bắt kịp với xu thế và trình độ phát triển tiên tiến của thế giới với một lộ trình hợp lý, phù hợp với khả năng huy động nguồn lực, đảm bảo tính khả thi, hiệu quả và bền vững trong thực hiện thông qua các chương trình, kế hoạch hành động cụ thể và huy động tối đa mọi nguồn lực để thực hiện chuyển đổi năng lượng xanh.

Cụ thể hóa chủ trương của Chính phủ, tại nhiều địa phương đã triển khai các giải pháp thúc đẩy việc sử dụng các phương tiện giao thông cá nhân sử dụng năng lượng sạch. Tại Hải Phòng, Thành phố đã phát động chương trình cán bộ công nhân viên chức Nhà nước là những người tiên phong thực hiện việc chuyển đổi sử dụng phương tiện giao thông chạy điện, từ đó lan tỏa đến các tổ chức, cá nhân, nhân dân trong Thành phố. TP.Hồ Chí Minh đang nghiên cứu hỗ trợ người dân đổi xe máy cũ lấy xe điện mới, nhằm thực hiện đề án kiểm soát khí thải xe máy đang lưu hành, song song mục tiêu phủ sóng phương tiện "sạch" khắp thành phố từ năm 2050. Ngoài ra, TP.HCM cũng đang phối hợp với nhóm tư vấn dự án “Sáng kiến giao thông trong Đóng góp do quốc gia tự quyết định tại các nước châu Á - NDC TIA" xây dựng kế hoạch "loại" xe xăng, "phủ" xe điện.

Nhằm khuyến khích người tiêu dùng sử dụng xe ô tô điện, tạo cơ hội để ô tô điện trong nước phát triển bắt kịp thế giới, mới đây, Bộ Giao thông Vận tải đã đề xuất chính sách hỗ trợ chuyển đổi sang xe ô tô điện. Theo đó, đề xuất miễn, giảm lệ phí trước bạ, lệ phí đăng ký biển số đối với ô tô điện. Bên cạnh đó, thúc đẩy tiếp cận tín dụng, trợ giá trực tiếp cho người mua ô tô điện 1.000 USD/xe. Đồng thời, xây dựng, ban hành các cơ chế, chính sách quy định mua sắm, sử dụng ô tô điện khi sử dụng nguồn vốn công. Đề xuất này được nhiều người dân, doanh nghiệp hoan nghênh, đánh giá là thiết thực trong thời điểm hiện tại nhằm kích cầu tiêu dùng chuyển dịch sang loại phương tiện mới trong tương lai.


Theo thống kê, hiện tại, Việt Nam có trên 60 triệu xe máy điện và khoảng 4,5 triệu ô tô điện đang lưu hành. Năm 2022, doanh số tiêu thụ xe máy điện đạt hơn 3 triệu, là lần thứ năm trong vòng 7 năm qua, thị trường xe máy điện Việt Nam đạt mốc doanh số này. Với các lợi ích tiết kiệm chi phí vận hành và bảo dưỡng, khả năng vận hành ổn định, thân thiện với môi trường, người dân Việt Nam đang dần chuyển hướng lựa chọn mua xe máy, ô tô điện thay vì xe xăng.

Đặc biệt, đẩy mạnh phát triển giao thông công cộng xe buýt xanh, nhất là các đô thị lớn, là một trong những giải pháp hiệu quả nhằm giảm thiểu ô nhiễm không khí và tiếng ồn. Theo thống kê, hiện cả nước có khoảng 200 xe buýt điện, chiếm 2,3% phương tiện điện trên toàn quốc.

Những năm gần đây, Hà Nội đã có nhiều nỗ lực trong mở rộng mạng lưới phục vụ và đầu tư đổi mới phương tiện, từng bước thay thế các xe buýt cũ, gây ô nhiễm môi trường bằng xe buýt chất lượng cao nhằm khuyến khích người dân sử dụng phương tiện công cộng. Bên cạnh đó, lãnh đạo địa phương chú trọng phát triển các phương tiện giao thông công cộng năng lượng xanh nhằm giảm mức độ phát thải khí. Tháng 12/2021, Hà Nội chính thức đưa vào khai thác thương mại 3 tuyến xe buýt điện đầu tiên kết nối với hệ thống vận tải hành khách công cộng Thủ đô. Sau đó, mạng lưới xe buýt sinh thái này tiếp tục được mở rộng. Đến nay, Hà Nội có 148 xe buýt điện hoạt động trên 9 tuyến buýt (không tính tuyến nội bộ), 139 xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch khí CNG thân thiện môi trường hoạt động trên 10 tuyến. Giai đoạn 2026 - 2030, Hà Nội dự kiến có thêm từ 60-70 tuyến mở mới (12-14 tuyến/năm), nâng tổng số tuyến buýt toàn thành phố lên 280- 300 Hà Nội đặt mục tiêu tới năm 2025, tỉ lệ xe buýt sử dụng năng lượng sạch đạt 15-20%.

Tại TP. Hồ Chí Minh, tháng 3/2022, chuyến xe buýt điện đầu tiên đã được lăn bánh, sau hơn một năm đi vào vận hành, Thành phố có 18 xe buýt điện hoạt động trên 1 tuyến và 496 xe buýt CNG hoạt động trên 17 tuyến buýt nội thành. Việc đưa xe buýt điện, taxi điện thân thiện môi trường vào thí điểm vận hành đã tạo được sự thích thú cho nhiều người dân tham gia giao thông bằng phương tiện công cộng xanh.

Ngoài hai thành phố lớn trên, một số tỉnh, thành khác như Kiên Giang, Bình Dương... cũng đẩy mạnh phát triển hệ thống giao thông công cộng xanh.

Nỗ lực giảm thiểu ô nhiễm không khí và tiếng ồn từ các phương tiện giao thông cũng có sự chung tay của cộng đồng doanh nghiệp. Tháng 4/2023 vừa qua, Việt Nam chính thức ra mặt dịch vụ taxi điện đầu tiên do Công ty cổ phần Di chuyển xanh và thông minh (GSM) cung cấp với tên gọi Taxi Xanh SM. Đây là hãng taxi thuần điện đầu tiên tại Việt Nam, cung cấp dịch vụ vận tải hành khách hoàn toàn bằng xe điện VinFast. Không mùi xăng dầu, không tiếng ồn động cơ, tốt cho sức khỏe người dùng và bảo vệ môi trường, đồng thời được trang bị nhiều tính năng giải trí thông minh, giúp hành khách có trải nghiệm thú vị trên mỗi hành trình. Theo kế hoạch, sau khi triển khai tại Hà Nội, Taxi Xanh SM sẽ tăng số lượng xe theo nhu cầu thị trường và mở rộng hoạt động tới ít nhất 5 tỉnh, thành phố trên cả nước ngay trong năm nay.

Nhằm tăng cường hệ sinh thái cho phương tiện giao thông xanh, tại các thành phố lớn cũng đưa loại hình vận tải công cộng khối lượng lớn, sử dụng nhiên liệu điện sạch, an toàn là đường sắt đô thị vào vận hành.

Tuyến đường sắt số 2A (Cát Linh - Hà Nội) là tuyến đường sắt đô thị được đưa vào khai thác đầu tiên tại Việt Nam, vào tháng 11/2021. Chiều dài tuyến là 13,05km, với 12 nhà ga, được thiết kết với lưu lượng vận chuyển tối đa khoảng 1 triệu lượt khách/ngày. Sau một năm vận hành, lượng khách vận chuyển đạt hơn 7,4 triệu lượt khách, bình quân 26.000-32.000 lượt khách/ngày. Tuyến đường sắt số 3 Nhổn - ga Hà Nội cũng đang được xây dựng, đến nay tiến độ tổng thể đạt khoảng 75%. Theo Quyết định số 519/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn 2050, Hà Nội sẽ quy hoạch 9 tuyến đường sắt đô thị và 3 tuyến tàu điện một ray.

Tại TP. Hồ Chí Minh, tuyến đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên dự kiến sẽ được đưa vào khai thác trong tháng 9 tới đây. Theo quy hoạch, Thành phố sẽ có 8 tuyến đường sắt đô thị và 3 tuyến xe điện mặt đất hoặc đường sắt một ray (Tramway hoặc Monorail).

Để góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tạo ra sản phẩm du lịch mới, tháng 12/2021, Hồ Chí Minh còn triển khai mô hình xe đạp công cộng. Giai đoạn đầu, Thành phố lắp đặt 43 trạm, đưa 388 xe đạp công cộng vào hoạt động với giá thuê 5.000 đồng trong 30 phút, 10.000 đồng 1 giờ. Các vị trí đặt xe được lựa chọn gần điểm giao thông công cộng như bến xe buýt, trường học, bệnh viện... tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận, sử dụng. Sau 2 năm triển khai thí điểm, đến nay đã có gần 300.000 tài khoản đăng ký sử dụng với trên 2 triệu km đã đi. Trung bình mỗi ngày có 700 người đăng ký mới, 100% thời gian trong ngày có khách hàng thuê xe.

Học hỏi kinh nghiệm thành công của TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội cũng tiến hành thí điểm mô hình xe đạp hai bánh kết nối với vận tải hành khách công cộng, với tuyến đầu tiên từ nhà chờ BRT Văn Khê đến Trung tâm thương mại Aeon mail Hà Đông, gồm 50 xe điện hai bánh và 10 xe đạp điện có trợ lực phục vụ người dân. Thời gian thực hiện thí điểm diễn ra trong 6 tháng từ 11/2022 đến 5/2023. Mô hình này đang được lãnh đạo địa phương nghiên cứu nhân rộng ra các điểm khác.

Trong năm 2023, Hà Nội đang nghiên cứu, chuẩn bị cơ sở hạ tầng và sẵn sàng cho phép thí điểm dịch vụ xe công cộng công nghệ số TNGo tại 6 quận nội thành. Thời gian thí điểm là 12 tháng, chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn 1, dự án cung cấp 1.000 xe đạp (trong đó có 50% là xe đạp điện), đặt tại 94 trạm. Giai đoạn 2, mở rộng vùng phục vụ ra các quận trung tâm và lân cận, quy mô đầu tư khoảng 3.000 xe đạp, bố trí tại 350 điểm.

Mô hình xe đạp công cộng cũng được tổ chức thí điểm tại Huế với sự phối hợp giữa Cơ quan hợp tác phát triển đức (GIZ) và công ty Cổ phần Vietsoftpro.

Có thể nói, với rất nhiều nỗ lực, tới nay ngành Giao thông vận tải Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong chuyển đổi năng lượng xanh. Mặc dù vậy, các chuyên gia nhận định lộ trình này vẫn còn khá nhiều vướng mắc. Một trong những rào cản lớn nhất là chi phí chuyển đổi đang rất cao, bởi không chỉ là thay thế những xe buýt chạy dầu sang chạy điện, mà còn là triển khai hoàn thiện hạ tầng trạm sạc, bến bãi. Theo mức giá khảo sát trên thị trường hiện nay, 1 xe bus điện có mức giá giao động từ 7 đến 7,5 tỷ đồng, gấp khoảng 3 lần xe buýt chạy bằng dầu diesel. Hiện nay nhiều tuyến xe buýt đang được Nhà nước trợ giá, song việc trợ giá, duy trì tính ổn định cho cả mạng lưới giao thông công cộng không phải là chuyện đơn giản, đòi hỏi chi phí ngân sách rất lớn. Một nguyên nhân khác ảnh hưởng tới việc đẩy mạnh các phương tiện sử dụng năng lượng xanh tại Việt Nam hiện nay là tiến độ xây dựng cơ sở hạ tầng trạm nạp điện, cung cấp năng lượng xanh chưa kịp thời, đồng bộ. Hơn nữa, việc bố trí nguồn vốn dành cho chuyển đổi năng lượng xanh ngành Giao thông vận tải tại các địa phương cũng gặp nhiều khó khăn.

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng, việc chuyển đổi năng lượng xanh trong ngành Giao thông vận tải trở thành nhiệm vụ cấp bách, đòi hỏi các Bộ, ngành, địa phương cần có các biện pháp quyết liệt hơn nữa, đồng thời cần có sự chung tay góp sức của cộng đồng doanh nghiệp. Xanh hóa ngành Giao thông vận tải không chỉ đối với hệ thống giao thông đường bộ, mà cần lan tỏa sang hệ thống giao thông đường sắt, đường thủy và hàng không. Các giải pháp chuyển đổi năng lượng xanh cần tập trung vào xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, quy hoạch đảm bảo việc định hướng đầu tư, xây dựng, nâng cấp, vận hành khai thác kết cấu hạ tầng giao thông phù hợp và đồng bộ với đầu tư, khai thác phương tiện, trang thiết bị giao thông sử dụng điện, năng lượng xanh, giảm phát thải khí nhà kính; xây dựng chương trình chuyển đổi sử dụng điện, năng lượng xanh đối với từng loại phương tiện giao thông; phát triển kết cấu hạ tầng giao thông xanh./.
ThS. Mai Thị Châu Lan
Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội