Bảo đảm quyền lợi cho tiểu thương Chợ du lịch Lào Cai

|

Nhiều bạn đọc phản ánh, sau khi Dự án Chợ du lịch Lào Cai (TP Lào Cai, tỉnh Lào Cai) được giao cho doanh nghiệp xây dựng trên nền chợ Phố Mới, rất nhiều hộ tiểu thương ở đây đã bị doanh nghiệp dùng nhiều cách “đẩy” ra khỏi vị trí buôn bán của mình.

Ðiều đáng nói là, chính quyền địa phương không có biện pháp giải quyết dứt điểm những cam kết của chủ đầu tư nói trên mà còn ban hành một số văn bản có lợi cho doanh nghiệp, xâm phạm quyền lợi chính đáng của người dân…

Năm 2015, trên cơ sở các nghị quyết, quyết định, văn bản, chỉ thị của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Lào Cai, dự án chợ Phố Mới được phê duyệt đầu tư trên diện tích hơn 11.000 m2 nền chợ cũ (sau dự án này đổi tên là Chợ du lịch Lào Cai). Chủ đầu tư là Hợp tác xã Ðầu tư xây dựng và Khai thác quản lý chợ Cường Phát (HTX Cường Phát). Căn cứ trên cam kết thỏa thuận giữa nhà đầu tư và tiểu thương về vị trí kinh doanh, dự án nhận được đồng ý của hầu hết tiểu thương để khởi công vào cuối năm 2016 (theo thời gian quyết định chấp thuận đầu tư). Dự kiến Dự án hoàn thành và đi vào hoạt động vào đầu năm 2019.

Trong thời gian đó, tiểu thương sẽ tạm thời kinh doanh không phải trả tiền thuê ki-ốt tại chợ tạm do nhà đầu tư quản lý. Tuy nhiên, đến giữa năm 2017 dự án mới được khởi công (theo giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh lần thứ 6). Thời gian hoàn thành toàn bộ dự án vào khoảng quý I/2021.

Cùng với thỏa thuận giữa các bên, nhà đầu tư tổ chức cho 502 hộ tiểu thương có hợp đồng thuê địa điểm tại chợ Phố Mới được bốc thăm vị trí và ký hợp đồng kinh doanh với nhà đầu tư Chợ du lịch Lào Cai. Danh sách tiểu thương đủ tư cách ký hợp đồng đã được Thanh tra tỉnh Lào Cai thẩm định chi tiết tại Báo cáo số 101/BC-TT, ngày 1/6/2017.

Biên bản thống nhất đơn giá, về quyền, nghĩa vụ thuê, cho thuê địa điểm kinh doanh giữa nhà đầu tư và tiểu thương cũng được soạn thảo và ký ngày 31/10/2016. Theo đó, tiểu thương không đồng ý với mức giá do nhà đầu tư đề xuất mà yêu cầu được áp dụng mức giá 80.000 đồng/m2/tháng cho 5 năm đầu tiên. Nhà đầu tư điều chỉnh giá thuê 5 năm/lần, mỗi lần tăng không quá 10% giá chu kỳ trước. Tuy đều đạt được sự nhất trí của các bên tham gia, nhưng biên bản này không có kết luận, các bên chưa thống nhất giá thuê cũng như thời gian, cách thức nộp tiền. Ðây chính là kẽ hở cho nhà đầu tư phủi trách nhiệm đã cam kết và “sáng tạo” ra hợp đồng với các điều khoản nhằm ép tiểu thương theo phương án có lợi cho họ.

Ðến năm 2019, mặc dù tiến độ xây dựng Chợ du lịch Lào Cai không bảo đảm như quy định, nhưng chủ đầu tư đã yêu cầu tiểu thương ký hợp đồng thuê địa điểm.

“Hợp đồng do họ đưa ra với mục đích làm khó tiểu thương, đó là về mức giá thuê và thời gian nộp tiền không đúng thỏa thuận trước đây. Họ đưa ra ba hạn mức nộp tiền là 10 năm, giá thuê 185.000 đồng/m2/tháng; 30 năm có giá 80.000 đồng/m2/tháng; cả chu kỳ dự án 64 năm (tính đến năm 2085), giá 50.000 đồng/m2/tháng. Lũy kế tăng chu kỳ 5 năm/lần. Vì lẽ đó nên chúng tôi đề nghị được trả theo đúng thỏa thuận đã thống nhất trước kia mới ký hợp đồng” - anh Ðỗ Xuân Thủy, một tiểu thương cho biết. Cùng chia sẻ bức xúc, nhiều tiểu thương cho rằng nhà đầu tư đã lợi dụng hiểu biết không đầy đủ của tiểu thương để “ép” bà con từ bỏ vị trí kinh doanh đã bốc thăm được.

Thực tế cho thấy, phần lớn trong số 400 hộ kinh doanh chưa ký hợp đồng với nhà đầu tư đã bị tước quyền thuê địa điểm. HTX Cường Phát đã bán nhiều diện tích này cho những cá nhân khác. Việc này vi phạm cam kết trước đó giữa các bên và cũng không phù hợp với chủ trương thu hút đầu tư Chợ du lịch Lào Cai của UBND tỉnh Lào Cai trước đây.

Một góc bên trong Chợ du lịch Lào Cai. 

Trước phản ứng không đồng thuận của các hộ tiểu thương, nhà đầu tư Chợ du lịch Lào Cai thông báo Kế hoạch số 2311/2020/KH-HTXCP ngày 23/11/2020, tự ý quy định thời gian yêu cầu tiểu thương ký hợp đồng. Ðồng thời quy định hai hạn mức nộp tiền là 30 năm/lần và 64 năm/lần, với mức giá như nêu trên, kèm nhiều điều khoản phụ khác. Văn bản này cũng yêu cầu tiểu thương lựa chọn 1 trong 2 phương thức thanh toán là nộp tiền một lần hoặc vay trả dần theo chu kỳ tại các tổ chức tín dụng, thế chấp bằng chính hợp đồng thuê địa điểm…

Trước những thắc mắc của tiểu thương, ông Lê Khắc Tùng, Phó Giám đốc HTX Cường Phát khẳng định không chấp nhận bất cứ một yêu cầu nào khác của tiểu thương về thời hạn cũng như các điều khoản quy định tại hợp đồng.

“Dự án Chợ du lịch Lào Cai được đầu tư theo hình thức xã hội hóa. Việc lựa chọn vào kinh doanh tại chợ mới hay không là nhu cầu của tiểu thương, HTX Cường Phát không ép buộc. Ðối với tiểu thương đã bốc thăm mà chưa ký hợp đồng sau ngày 15/12/2020 xem như không có nhu cầu kinh doanh, địa điểm bốc thăm được sẽ bị thu hồi”. Ông Lê Khắc Tùng cho rằng, trong số 502 tiểu thương đã được Thanh tra tỉnh Lào Cai kết luận đủ điều kiện được bốc thăm thuê ki-ốt tại Chợ du lịch Lào Cai: “Chỉ có gần 200 hộ kinh doanh thực tế, chính tên chính chủ. Số còn lại không có nhu cầu kinh doanh mà chỉ mục đích ép nhà đầu tư để được ký hợp đồng giá rẻ, thời hạn ngắn để sang nhượng nhằm trục lợi”.

Như vậy, HTX Cường Phát “quên mất” Dự án Chợ du lịch Lào Cai được UBND tỉnh Lào Cai phê duyệt trên cơ sở nền chợ dân sinh loại 1, là nơi buôn bán, sinh nhai của 502 hộ tiểu thương từ trước khi có dự án. Có được chấp thuận thực hiện dự án này, doanh nghiệp phải cam kết với chính quyền địa phương bảo đảm ổn định vị trí, việc làm cho các hộ tiểu thương tại chợ mới.

UBND tỉnh Lào Cai cũng đã quy định trách nhiệm cụ thể đối với HTX Cường Phát để bảo đảm quyền lợi của tiểu thương sau khi bàn giao mặt bằng; dành ưu tiên cao nhất cho tiểu thương chợ Phố Mới. Thế nhưng, để nhanh chóng thu hồi vốn, nhà đầu tư Chợ du lịch Lào Cai đã không quan tâm quyền lợi chính đáng của 400 hộ kinh doanh tại đây cũng như không giữ những cam kết đã hứa hẹn từ khi nhận quyết định phê duyệt đầu tư.

Không chỉ vậy, thay thế cho Quyết định số 14/2017/QÐ-UBND ngày 17/4/2017 với những quy định có lợi cho tiểu thương, UBND tỉnh Lào Cai tiếp tục ban hành Quyết định số 18/2020/QÐ-UBND ngày 12/6/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều có lợi cho nhà đầu tư. Ðể có thể áp dụng quyết định này, nhà đầu tư không ngại lùi tiến độ hoàn thành dự án đến tận quý I/2021. Doanh nghiệp này cũng bán luôn 23 vị trí của tiểu thương đã bốc thăm, nhưng chưa nộp tiền theo phương án họ đưa ra. Vụ việc khiến Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Trịnh Xuân Trường phải trực tiếp chỉ đạo: “yêu cầu HTX Cường Phát tiếp tục duy trì quyền và lợi ích hợp pháp của các thương nhân đã bốc thăm trong thời gian đang thực hiện thỏa thuận hợp đồng…” (Thông báo số 96/TB-VPUBND ngày 12/4/2021).

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Hoàng Quốc Khánh, về những kiến nghị của nhà đầu tư và tiểu thương Chợ du lịch Lào Cai, tỉnh và TP Lào Cai đã có những chỉ đạo quyết liệt. Thành phố đã ban hành hơn 20 văn bản các loại, tổ chức hàng chục buổi tiếp dân và giải đáp thắc mắc, thành lập tổ công tác chuyên trách…

Tuy nhiên, theo ông Hoàng Quốc Khánh, vấn đề nảy sinh vướng mắc giữa nhà đầu tư và tiểu thương phần nhiều do sự lạc hậu của các văn bản quản lý nhà nước về phát triển và quản lý chợ; một số nội dung hướng dẫn cũng không còn phù hợp thực tiễn; việc phân cấp, phân quyền quản lý cũng chồng chéo và chưa sát thực tế…

Cũng tại Thông báo số 96/TB-VPUBND ngày 12/4/2021, không có phương án giải quyết dứt điểm bảo đảm hài hòa quyền lợi giữa nhà đầu tư và tiểu thương, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai chỉ đạo hai bên có quyền khởi kiện ra tòa án dân sự. Dư luận cho rằng, trước tình hình thực tế như hiện nay, cần có những giải pháp thiết thực, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để vừa bảo đảm chủ trương của địa phương được thực hiện đúng đắn, vừa bảo vệ quyền lợi chính đáng của các hộ dân tại chợ, góp phần ổn định cuộc sống của bà con nơi đây.