Chuyển đổi số tại Việt Nam - Những kết quả đáng ghi nhận

|

Chuyển đổi số tại Việt Nam - Những kết quả đáng ghi nhận

Chương trình Chuyển đổi số quốc gia nhằm mục tiêu kép vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu. Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và người dân, công cuộc chuyển đổi số quốc gia của Việt Nam đang ngày càng tiến nhanh, tiến mạnh và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, góp phần rút ngắn con đường đến các mục tiêu đề ra.

Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới ban hành chương trình chiến lược về Chuyển đổi số quốc gia, trở thành quốc gia có nhận thức về chuyển đổi số song hành cùng các quốc gia tiên tiến trên thế giới. Chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ quan trọng thuộc nhóm nhiệm vụ trọng tâm trong Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XIII của Đảng. Trong đó xác định “…đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thực hiện chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế…”. Đồng thời chuyển đổi số cũng nằm trong nội dung của một trong các đột phá chiến lược đó là: “…chú trọng phát triển hạ tầng thông tin, viễn thông, tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, từng bước phát triển kinh tế số, xã hội số”. Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã xác định tầm nhìn năm 2030 đưa Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp.

Các chủ trương, quan điểm của Đảng và chính sách của Nhà nước đã, đang và sẽ tiếp tục mở đường cho định hướng phát triển của Việt Nam trong kỷ nguyên số. Tạo điều kiện để chuyển đổi số tác động sâu rộng, bao trùm lên tất cả các ngành, các lĩnh vực kinh tế - xã hội, góp phần tăng năng suất lao động, chuyển đổi mô hình hoạt động, kinh doanh theo hướng đổi mới sáng tạo, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia. Năm 2023 là năm bản lề đẩy mạnh các chương trình, kế hoạch nhằm thực hiện các mục tiêu chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025. Đặc biệt đây cũng là năm tạo lập và khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị mới, trong đó tập trung vào số hóa, làm giàu và kết nối dữ liệu; tăng cường bảo vệ dữ liệu; đẩy mạnh triển khai các dịch vụ công, tiện ích phục vụ người dân và doanh nghiệp. Vì vậy, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương đã thể hiện quyết tâm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thiện thể chế nhằm tạo lập hành lang pháp lý giúp kiến tạo sự phát triển trên không gian mới (không gian số), giải quyết các vấn đề phát sinh từ thực tiễn chuyển đổi số thời gian vừa qua, giải quyết các “điểm nghẽn” nhằm thúc đẩy chuyển đổi số nhanh tại Việt Nam. Các cơ quan từ Trung ương đến địa phương đã thực hiện tốt công tác định hướng, xây dựng và ban hành thể chế, chính sách về chuyển đổi số; đã có sự tham gia, vào cuộc của Đảng, chính quyền các cấp trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Điều này thể hiện nhận thức về chuyển đổi số có những chuyển biến tích cực, dần đi vào thực thi, hành động.

Theo thông tin từ Bộ Thông tin và Truyền thông, trong 6 tháng đầu năm 2023, đã có 01 Luật, 01 Nghị định, 02 Chỉ thị, 01 Công điện, 07 Nghị quyết, 11 Thông báo kết luận của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ liên quan đến công tác chuyển đổi số đã được ban hành. Đến nay, 100% các bộ, ngành, địa phương đã thiết lập, thường xuyên duy trì và phát triển hoạt động của các chuyên trang, chuyên mục về chuyển đổi số trên Cổng Thông tin điện tử của cơ quan, địa phương. Các cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia ưu tiên triển khai, kết nối, chia sẻ phục vụ triển khai các dịch vụ cơ bản, thiết yếu cho người dân và doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả quản lý, chỉ đạo, điều hành dựa trên dữ liệu đã được các bộ, ngành đẩy mạnh triển khai, trong đó có CSDL quốc gia về đăng ký doanh nghiệp hiện chứa thông tin đăng ký doanh nghiệp theo thời gian thực của hơn 01 triệu doanh nghiệp và đơn vị trực thuộc và không ngừng được hoàn thiện. Đến tháng 06/2023, đã kết nối với 12 bộ, ngành và 63/63 địa phương phục vụ xử lý thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, nâng cao hiệu quả quản lý, chỉ đạo, điều hành; CSDL quốc gia về Dân cư; CSDL quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức…
 
CSDL quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức được triển khai kết nối, chia sẻ dữ liệu trên quy mô quốc gia với tiến độ thần tốc (trong vòng 06 tháng đạt khoảng 95% cơ quan, đơn vị) so với thời gian để các CSDL quốc gia trước đó đạt mức độ bao phủ tương tự. Tính đến hết ngày 30/06/2023, đã có 96 Bộ, ngành, địa phương (33 Bộ, ngành và 63 tỉnh, thành phố) hoàn thành kết nối và đồng bộ dữ liệu với CSDL quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức. Tổng số dữ liệu được đồng bộ tự động về CSDL quốc gia đến thời điểm này là trên 2,08 triệu hồ sơ (trong đó Bộ, ngành là 132.626/253.837 hồ sơ, đạt 50,25%), địa phương là 1,97/2,03 triệu hồ sơ, đạt 96,28%). Về hạ tầng số, các doanh nghiệp viễn thông di động đã triển khai phủ sóng được 2.416/3.924 thôn lõm sóng viễn thông, trong đó có 2.418 thôn lõm sóng giai đoạn 2021-2022 và phát sinh mới 1.506 thôn giai đoạn 2022-2023.
 
Chính phủ đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh 53 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06 và Quyết định 422 của Thủ tướng Chính phủ, đến nay, đã cung cấp 25/25 dịch vụ công thiết yếu trên môi trường điện tử. CSDL quốc gia về Dân cư đã kết nối chính thức với 13 bộ, ngành, 04 doanh nghiệp và 63/63 địa phương để phục vụ khai thác thông tin dân cư. Đã tiếp nhận tổng số trên 1.014,47 triệu yêu cầu để tra cứu, xác thực thông tin công dân; trong đó, số yêu cầu tra cứu, xác thực có thông tin đúng (100% trùng khớp các thông tin) với CSDL quốc gia về dân cư là trên 604,82 triệu yêu cầu; có thông tin sai lệch là 409,64 triệu yêu cầu. Nhờ đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ, các đơn vị đã rà soát, sửa đổi, đơn giản hóa được 388/1.146 thủ tục hành chính, đạt 34%. Cả nước có 6 Bộ, ngành và 11 địa phương tỷ lệ số hóa hồ sơ kết quả giải quyết thủ tục hành chính đạt trên 90%; có 15 Bộ, cơ quan ngang Bộ và 62/63 địa phương đã hoàn thành triển khai Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh trên cơ sở hợp nhất Cổng dịch vụ công và Hệ thống một cửa điện tử, đạt 92,77%; có 6 Bộ và 26/63 địa phương xác nhận đã hoàn thành xây dựng chức năng Kho quản lý dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính.

Đối với các dịch vụ công thiết yếu, Văn phòng Chính phủ đã phối hợp Bộ Công an và các cơ quan liên quan tích hợp, cung cấp 25/25 dịch vụ công theo Đề án số 06 và 10/28 dịch vụ công trên Cổng DVCQG... Giá trị mang lại hằng năm, tiết kiệm cho Nhà nước 2.505 tỷ đồng. Tái sử dụng dữ liệu đã được số hóa, tiết kiệm chi phí sao in hồ sơ, kết quả giải quyết, hạn chế việc phải kiểm tra xác minh.

Bên cạnh đó, Bộ Công an tiếp tục ứng dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, căn cước công dân, định danh và xác thực điện tử để phục vụ phát triển kinh tế, xã hội trên các lĩnh vực, như: Ngân hàng, Viễn thông, Y tế đã tích hợp thẻ Bảo hiểm y tế thay thế bằng thẻ căn cước công dân gắn chip triển khai tại 12.455 cơ sở khám chữa bệnh, đạt 97%, tiết kiệm tiền in thẻ BHYT giấy với số tiền 24,7 tỷ đồng…

Đáng chú ý, việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia (DVCQG) đã cho thấy những chuyển biến rõ rệt. Lũy kế đến hết tháng 6/2023, Cổng DVCQG có hơn 7,77 triệu tài khoản, tăng hơn 3,8 lần so với cùng kỳ năm ngoái; hơn 212 triệu hồ sơ đồng bộ, tăng hơn 1,76 lần; hơn 17,49 triệu lượt thực hiện các dịch vụ tiện ích, tăng hơn 03 lần; 17,72 triệu hồ sơ trực tuyến từ Cổng, tăng hơn 4,4 lần; hơn 10,98 triệu giao dịch thanh toán trực tuyến với số tiền hơn 6,056 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 3 lần…

Theo Xếp hạng đánh giá mức độ chuyển đổi số năm 2022 của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương năm 2022 (DTI 2022), Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đã vươn lên xếp thứ nhất về DTI 2022 cấp bộ cung cấp dịch vụ công, với giá trị DTI đạt là 0,8219, đứng số 1 ở tất cả các chỉ số chính về Nhận thức số; Thể chế số; Hạ tầng số; Nhân lực số; chỉ số An toàn thông tin mạng và chỉ số Hoạt động chuyển đổi số. Bộ KH&ĐT đã luôn ưu tiên thúc đẩy chuyển đổi số phục vụ người dân, doanh nghiệp, ưu tiên ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hành chính, cung cấp dịch vụ công, trước hết là trong lĩnh vực liên quan tới doanh nghiệp, người dân thông qua việc triển khai Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của Bộ (đã được kết nối với CSDL quốc gia về dân cư và Cổng dịch vụ công quốc gia); Hệ thống tiếp nhận và xử lý phản ánh kiến nghị của Bộ; Cổng dữ liệu; Cổng thông tin điện tử của Bộ.

Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với Bộ Công an tập trung triển khai các giải pháp về đồng bộ dữ liệu thuế, sử dụng Căn cước công dân, định danh điện tử là mã số thuế và định danh trong các giao dịch điện tử để nâng cao hiệu quả thu thuế. Đã triển khai cung cấp dịch vụ hóa đơn điện tử cho 100% doanh nghiệp, tổ chức và 100% hộ, cá nhân kinh doanh tại 63 tỉnh, thành phố cả nước. Tính đến cuối tháng 3/2023, Bộ Tài chính triển khai 792 dịch vụ công trực tuyến, trong đó, 433 dịch vụ công trực tuyến một phần và 359 dịch vụ công trực tuyến toàn trình; đồng thời, đưa 296/405 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 lên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Ngành Tài chính tích cực triển khai các nhiệm vụ chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ trong các lĩnh vực, đạt nhiều kết quả tích cực, mang lại hiệu quả cho toàn xã hội, góp phần rút ngắn thời gian làm thủ tục thuế, hải quan, kho bạc, giảm thiểu giấy tờ, thời gian và chi phí cho doanh nghiệp, người dân.

Kết quả đánh giá mức độ chuyển đổi số năm 2022 được Bộ Thông tin và Truyền thông cho thấy, chỉ số chuyển đổi số quốc gia năm 2022 là 0,71. So với năm 2021, tốc độ tăng trưởng chỉ số này có chậm lại, nhưng các chỉ số thành phần về chính phủ số, kinh tế số và xã hội số vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng cao từ 45-55%; 100% các Bộ, tỉnh đều có chỉ số tăng so với năm 2021. Theo Kế hoạch hoạt động của Ủy ban quốc gia năm 2023, tổng cộng có 35 mục tiêu quan trọng được đặt ra trong năm 2023, trong đó: 02/35 số mục tiêu đã hoàn thành; 15/35 số mục tiêu đã thực hiện trên 50%.

Những kết quả trên cho thấy công tác chuyển đổi số quốc gia đã đạt được nhiều thành tích nổi bật. Những thành quả đó đến từ sự nỗ lực, cố gắng của cả hệ thống chính trị và người dân thực hiện theo đường lối, chủ trương sáng suốt của Đảng và Nhà nước để hiện thực hóa công cuộc chuyển đổi số quốc gia, góp phần xây dựng, phát triển đất nước theo con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tạo mọi thuận lợi cho người dân./.

 
Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực hiện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06). Đề án 06 được coi là nhiệm vụ them chốt, quan trọng, là đột phá để thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển hạ tầng thông tin, viễn thông, tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, từng bước phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số; tạo ra nhiều tiện ích, dịch vụ, mang lại lợi ích thiết thực, phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn, hiệu quả hơn. Đề án 06 với quan điểm: Dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử là cơ sở để chuyển đổi số trong cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên các công nghệ số; Người dân và doanh nghiệp là trọng tâm của chuyển đổi số. Chính vì vậy, mục tiêu tổng quát của Đề án 06 là: Ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hệ thống định danh và xác thực điện tử, thẻ Căn cước công dân gắn chip điện tử trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia một cách linh hoạt, sáng tạo phù hợp Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 để phục vụ 5 nhóm tiện ích như sau: (1) Phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến; (2) Phục vụ phát triển kinh tế, xã hội; (3) Phục vụ công dân số; (4) Hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư; (5) Phục vụ chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp.
 
ThS. Nguyễn Văn Hoàn
Trường Chính trị Nguyễn Văn Cừ, tỉnh Bắc Ninh