Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Thầy giáo lịch sử với quyết định táo bạo đi đến Chiến thắng Điện Biên Phủ

|

Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Thầy giáo lịch sử với quyết định táo bạo đi đến Chiến thắng Điện Biên Phủ

Chiến thắng Điện Biên Phủ là một trong những mốc son chói lọi trong lịch sử nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, xứng đáng được coi như một Bạch Đằng, một Chi Lăng, một Đống Đa của thế kỷ XX. Có một chiến thắng lẫy lừng năm châu như thế, không thể không nhắc đến sự đóng góp từ quyết định quan trọng của vị tướng lỗi lạc, nhà thiên tài quân sự, Tư lệnh kiêm Bí thư Đảng ủy mặt trận Điện Biên Phủ - Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Khi “người thầy” đứng trên chiến tuyến

Đại tướng Võ Nguyên Giáp xuất thân trong một gia đình nhà Nho, được thừa hưởng sự giáo dục nghiêm túc và cẩn trọng từ cha và được hun đúc ý chí và lòng yêu nước từ những câu chuyện cha mẹ kể về các bậc hiền tướng phò vua giúp nước, bảo vệ non sông ngay từ khi còn nhỏ. Nhờ có sợi dây kết nối là tập tài liệu về "Liên đoàn các dân tộc bị áp bức trên thế giới" và một số văn kiện cuộc họp của Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội ở Quảng Châu, trong đó có 2 bài phát biểu của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Ông bước vào đời của một chiến sĩ cách mạng năm 1928, khi mới 17 tuổi. Trải qua những thăng trầm của hoạt động đấu tranh sôi nổi không ngừng, nhiều người đã rất bất ngờ khi biết trước khi trở thành người đứng đầu của Quân đội Nhân dân Việt Nam, Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng là thầy giáo dạy môn lịch sử tại trường tư thục Thăng Long từ tháng 5/1939.

 

Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ đạo trong chiến dịch Điện Biên Phủ

Năm 1940, thầy giáo Võ Nguyên Giáp cùng đồng chí Phạm Văn Đồng sang Trung Quốc để gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Chỉ sau một thời gian ngắn cùng hoạt động cách mạng, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã thấy Võ Nguyên Giáp là người triển trọng, có tố chất của một thiên tài quân sự. Sau này, Người đã giao trọng trách cho Ông thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, tổ chức tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam; là Tư lệnh Việt Nam giải phóng quân, góp phần quan trọng vào thắng lợi của cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Mặc dù không được đào tạo tại bất kỳ trường quân sự nào trước đó, không phải trải qua các cấp bậc quân hàm trong quân đội, Võ Nguyên Giáp nhận được sự tin tưởng tuyệt đối của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Mình phong quân hàm Đại tướng vào ngày 28/5/1948 theo sắc lệnh 110/SL ký ngày 20/01/1948, trở thành Đại tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam khi mới 37 tuổi.

Trong cuộc đấu tranh vũ trang trường kỳ kéo dài 9 năm chống lại sự tái chiếm Việt Nam của quân đội Pháp, trên cương vị Tổng tư lệnh quân đội kiêm Bí thư Tổng Quân ủy, được giao làm Tư lệnh kiêm Bí thư Đảng ủy mặt trận, người thầy giáo lịch sử năm nào đã tạo nên “kỳ tích” với Chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu, lưu danh sử sách. Như các danh tướng Việt Nam trong lịch sử, Đại tướng Võ Nguyên Giáp chú trọng nghệ thuật lấy ít địch nhiều, lấy yếu chế mạnh, lấy thô sơ thắng hiện đại. Tư tưởng quân sự nổi tiếng của ông với tên gọi “Chiến tranh nhân dân” kế thừa quan điểm quân sự của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tinh hoa nghệ thuật đánh giặc của cha ông từ ngàn xưa, tri thức quân sự thế giới, lý luận quân sự Mác-Lênin và được đúc rút từ kinh nghiệm cá nhân được liên tục cập nhật trong nhiều cuộc chiến tranh mà nổi bật là chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ.

Nghệ thuật chiến tranh từ quyết định khó khăn nhất cuộc đời

Trong trận đánh Điện Biên Phủ, Bộ Tư lệnh Quân đội Quốc gia và dân quân Việt Nam nhìn nhận đây là cơ hội đánh tiêu diệt lớn, tạo chiến thắng vang dội để từ đó chấm dứt kháng chiến trường kỳ và quyết tâm tiến công tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Tại đây, Trung ương Đảng Lao động Việt Nam (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam) đã hạ quyết tâm: "Tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ để tạo nên một bước ngoặt mới trong chiến tranh, trước khi đế quốc Mỹ can thiệp sâu hơn vào Đông Dương".

Tư duy của một nhà thiên tài quân sự lỗi lạc được thể hiện ngay tại Hội nghị phổ biến nhiệm vụ quân sự và kế hoạch tác chiến Đông Xuân 1953-1954 diễn ra cùng thời điểm quân Pháp nhảy dù xuống Điện Biên Phủ. Khi đó, Tổng Tư lệnh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho rằng: “địch nhảy dù xuống Điện Biên Phủ là để che chở cho Lai Châu và Thượng Lào bị uy hiếp. Như vậy là bị động phân tán lực lượng để đối phó với ta. Vô luận rồi đây, địch tình thay đổi thế nào, địch nhảy dù xuống Điện Biên Phủ căn bản là có lợi cho ta.”

Khi giao trọng trách cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp phụ trách chiến dịch Điện Biên Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặc biệt căn dặn: “Trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng. Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh”. Đây không chỉ là sự tin tưởng tuyệt đối của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, mà cao hơn là trọng trách của người cầm quân, khi vận mệnh cả dân tộc đặt trọn niềm tin vào chiến thắng này, đòi hỏi ở Đại tướng một ý chí, tinh thần thép, bản lĩnh của người chỉ huy cao nhất trên chiến trường. 

Cuối năm 1953, sau khi thị sát, phân tích, đánh giá tình hình địch ở Ðiện Biên Phủ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc cân nhắc và lựa chọn phương án “đánh nhanh, thắng nhanh”, dùng mũi thọc sâu “tạo nên sự rối loạn ở trung tâm phòng ngự địch ngay từ đầu, rồi từ trong đánh ra từ ngoài đánh vào, tiêu diệt địch trong thời gian tương đối ngắn” và quyết định nổ súng vào 17h ngày 25-1-1954. Tất cả đều chuẩn bị nhanh chóng cho chiến dịch Điện Biên Phủ.

Tuy nhiên, sau nhiều ngày khảo sát thực địa, nhận thấy địch không ngừng củng cố công sự ngày càng vững chắc, không còn ở thế phòng ngự dã chiến như ban đầu. Trong khi đó, lực lượng của ta có nhiều yếu tố khó khăn, bất lợi cả về tương quan lực lượng, kinh nghiệm chiến đấu với pháo binh, địa hình chiến đấu… mà chưa có phương án khắc phục. Luôn mang trong mình tâm niệm về lời dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước khi ra trận “Tổng Tư lệnh ra trận “Tướng quân tại ngoại”. Trao cho chú toàn quyền quyết định”. Vì vậy, sau 11 ngày thực địa, suy xét, phân tích tổng hợp lý luận và thực tiễn, so sánh tương quan lực lượng giữa ta và địch, 1 đêm thức trắng cân nhắc chiến sự, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đưa ra quyết định táo bạo, có tính quyết định đến toàn bộ chiến dịch cũng như chiến thắng về sau. Đó là chuyển từ phương châm “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc” để phù hợp với khả năng của quân đội Việt Nam và tình hình thực tiễn. Do đó, sáng ngày 26/1/1954, Đại tướng lệnh hoãn tiến công, thu quân về vị trí tập kết, chuẩn bị lại theo phương châm “đánh chắc, tiến chắc”. Quyết định này được Bộ Chính trị và chủ tịch Hồ Chí Minh đồng tình ủng hộ. Đây cũng là quyết định lịch sử, kế thừa và phát triển nghệ thuật quân sự Việt Nam “đánh lâu dài” lên tầm cao mới, mà trong hồi ký sau này, Đại tướng nhắc lại, đây là quyết định khó khăn nhất trong đời cầm quân của mình.

Quyết định táo bạo làm thay đổi cục diện cuộc chiến và đi tới thắng lợi

Quyết định “đánh chắc, tiến chắc” được cho là phù hợp với đường lối, chủ trương kháng chiến chống thực dân Pháp của Đảng tại Hội nghị lần thứ IV của Ban Chấp hành Trung ương (khóa II), ngày 25-30/1/1953: “Ta không chủ quan khinh địch, không nóng vội, không mạo hiểm. Ðánh ăn chắc tiến ăn chắc. Chắc thắng thì kiên quyết đánh cho kỳ thắng. Không chắc thắng thì kiên quyết không đánh. Nếu chủ quan, mạo hiểm mà một lần thua nặng, thì sẽ tai hại lớn. Chiến trường của ta hẹp, người của ta không nhiều, nên nói chung ta chỉ có thắng chứ không được bại, vì bại là hết vốn” và lời căn dặn của Bác Hồ “Trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng. Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh”.

Đây cũng là một quyết định vô cùng táo bạo và khó khăn, bởi việc điều chỉnh phương châm tác chiến này kéo theo việc phải chuẩn bị lại hậu cần chiến dịch, nhu cầu hậu cần sẽ tăng lên gấp nhiều lần, diễn ra trong mùa mưa và phải bố trí lại sơ đồ các trận địa pháo, phải kéo pháo ra khỏi các sườn núi rồi kéo lại vào các vị trí mới. Tuy nhiên, Quân đội nhân dân Việt Nam đã quyết tâm thực hiện và đã thực hiện được với một nỗ lực rất lớn.

Thời gian mở chiến dịch lùi lại, thời điểm tiến công bắt đầu nổ súng trong chiến dịch Điện Biên Phủ được quyết định vào ngày 13/3/1954. Với sự lãnh đạo của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, cùng ý chí kiên cường, một lòng hy sinh cho Tổ quốc của Quân đội Nhân dân Việt Nam, trải qua ba đợt tiến công với “56 ngày đêm khoét núi ngủ hầm, mưa dầm cơm vắt/ Máu trộn bùn non/ Gan không núng/ Chí không mòn!”, quân và dân Việt Nam đã viết nên thiên anh hùng ca bằng Chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy ngày 7/5/1954; gây nên cơn chấn động toàn cầu khi một đất nước thuộc địa nhỏ bé chiến thắng hoàn toàn nước thực dân phương Tây.

Việc thay đổi chiến thuật của Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một quyết định vô cùng khó khăn nhưng cũng thể hiện trí tuệ của một chiến lược gia, một thiên tài quân sự và là quyết định mang tính sống còn, có tác động lớn trong chiến thắng của Chiến dịch.

Trong hồi ký Tổng tư lệnh quân đội Pháp Navarre cũng khẳng định: "Nếu tướng Giáp tiến công vào khoảng 25/01 như ý đồ ban đầu thì chắc chắn ông ta sẽ thất bại. Nhưng không may cho chúng ta, ông ta đã nhận ra điều đó và đây là một trong những lý do khiến ông ta tạm ngưng tiến công". Qua đó, tính đúng đắn, tầm nhìn sắc bén của Đại tướng Võ Nguyên Giáp một lần nữa được khẳng định.

“Quyết định lịch sử” này không chỉ là nhân tố trực tiếp quyết định thắng lợi của trận chiến Ðiện Biên Phủ mà còn làm thay đổi vận mệnh dân tộc, kết thúc chặng đường lịch sử vẻ vang trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp trường kỳ gian khổ mà anh dũng của nhân dân Việt Nam. Chiến thắng diễn ra đúng 1 ngày trước khi Hội nghị Geneva về chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Đông Dương chính thức khai mạc đã làm thay đổi cục diện, Đoàn đại biểu Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tham dự Hội nghị với tư cách của bên chiến thắng. Việt Nam trở thành quốc gia thuộc địa đầu tiên tại châu Á dùng vũ lực buộc buộc Pháp phải công nhận nền độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của ba nước Việt Nam, Lào và Campuchia; rút ra khỏi Đông Dương góp phần thôi thúc phong trào nổi dậy, giải phóng dân tộc của các nước thuộc địa châu Phi.

Chiến thắng Điện Biên Phủ với quyết định táo bạo, quyết tâm mạnh mẽ của Tư lệnh kiêm Bí thư Đảng ủy mặt trận - Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng toàn quân và dân đã góp phần đem lại chiến thắng lừng lẫy của nhân dân Việt Nam; định hình lại vị thế quốc gia. Qua đó khẳng định đường lối kháng chiến đúng đắn, sáng tạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh; đồng thời khẳng định trí tuệ và bản lĩnh của thiên tài quân sự của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Từ một giáo viên dạy sử, với lòng yêu nước, ý chí kiên định, quật cường, tin tưởng và trung thành với đường lối của Đảng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã trở thành anh hùng dân tộc, một trong những nhà lãnh đạo quân sự lỗi lạc nhất trong lịch sử Việt Nam./.

 
Thu Hiền