Việt Nam nỗ lực giảm thiểu rác thải nhựa

|

Việt Nam nỗ lực giảm thiểu rác thải nhựa

Giải quyết ô nhiễm rác thải nhựa từ lâu đã luôn là vấn đề cấp bách trên toàn thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Nhận thức rõ được sự cấp thiết của vấn đề này, Chính phủ Việt Nam đã rất chủ động trong việc nêu ra vấn đề, kêu gọi hợp tác cùng hành động của cộng đồng quốc tế, đưa ra định hướng và các chính sách cụ thể.

1,8 triệu tấn rác thải nhựa phát sinh mỗi năm
 
Theo thống kê từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, mỗi năm tại Việt Nam có khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa thải ra môi trường (trong đó 0,28 - 0,73 triệu tấn thải ra biển) nhưng chỉ 27% trong số này được tái chế, tận dụng bởi các cơ sở, doanh nghiệp.

Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường cho biết, Việt Nam đang đối mặt với nhiều nguy cơ từ rác thải nhựa, bình quân mỗi hộ gia đình sử dụng khoảng 1 kg túi nilon/tháng, riêng hai thành phố lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh trung bình mỗi ngày thải ra môi trường khoảng 80 tấn rác thải nhựa và túi nilon.

 

Ảnh minh họa

Trong khi đó, việc phân loại, thu hồi, tái chế và xử lý rác thải nhựa hiện còn nhiều hạn chế. Thực tế, lượng chất thải nhựa và túi nilon ở Việt Nam chiếm khoảng 8-12% chất thải rắn sinh hoạt, nhưng chỉ có khoảng 11-12% số lượng chất thải nhựa, túi nilon được xử lý, tái chế. Số rác thải còn lại chủ yếu là chôn lấp, đốt và thải ra ngoài môi trường.

Cùng với đó, mỗi ngày có khoảng 22 tấn chất thải nhựa được thải ra từ các hoạt động y tế, trong số đó lẫn với rác thải nguy hại (thuốc, hóa chất…). Việc thu gom, tái chế và chôn lấp loại rác thải nhựa này đều ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng và ô nhiễm môi trường.

Về thực trạng ô nhiễm rác thải nhựa tại Việt Nam, Hiệp hội Nhựa Việt Nam cho biết, năm 2023, Việt Nam nhập khẩu khoảng 7,5 triệu tấn hạt nhựa, đồng thời sản xuất trong nước khoảng hơn 2 triệu tấn. Như vậy, nguyên liệu để sản xuất hạt nhựa nguyên sinh ở Việt Nam mỗi năm có khoảng 10 triệu tấn. Đây là con số rất lớn.

Trong khi đó, những năm qua, tiêu thụ nhựa ở Việt Nam liên tục tăng trưởng khoảng 15% mỗi năm. Hiện nay, tổng sản lượng ngành nhựa khoảng 25 tỷ USD, xuất khẩu năm 2023 khoảng 4,5 tỷ USD.

Với lượng nhựa tiêu thụ tăng mạnh, lượng rác thải nhựa ra môi trường tăng lên hàng ngày. Một phần (nhựa có giá trị) của lượng rác thải nhựa này đang được thu gom, tái chế ở các làng nghề trên cả nước. Tuy hiên, còn lượng lớn rác thải nhựa khó tái chế, giá trị thấp như bao bì, túi nilon, nhựa sử dụng 1 lần… không được tái chế, đổ ra bãi rác chôn lấp, hoặc thải trực tiếp ra môi trường.

Theo ước tính, mỗi năm Việt Nam tiêu thụ khoảng 6,2 triệu tấn nhựa. Điều này cũng đồng nghĩa với lượng rác thải nhựa cần phải xử lý rất lớn.
Nỗ lực hành động nhằm giảm thiểu rác thải nhựa
Có thể nói, vấn đề rác thải nhựa đang ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn ở Việt Nam, đặt ra những thách thức không nhỏ về quản lý môi trường. Ô nhiễm rác thải nhựa là vấn đề có tính liên vùng, xuyên biên giới. Giải quyết vấn đề này cần có sự chung tay của các các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị xã hội, các doanh nghiệp và từng người dân Việt Nam trong nỗ lực chung của khu vực và toàn cầu.

Nhận thức rõ vấn đề này, Chính phủ Việt Nam đã đưa ra định hướng và các chính sách cụ thể để giải quyết tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa. Theo đó, Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương, đặt mục tiêu giảm 75% lượng nhựa thải ra đại dương vào năm 2030. Kế hoạch hành động đề cập đến việc nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi, tăng cường thu gom và xử lý rác thải nhựa và kiểm soát nguồn rò rỉ nhựa cũng như nhu cầu hợp tác quốc tế, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ liên quan đến vấn đề chất thải nhựa.

Luật Bảo vệ môi trường 2020 và Nghị định 08/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật đã đưa ra các quy định về kinh tế tuần hoàn. Các giải pháp cụ thể bao gồm: Lộ trình hạn chế sản xuất, nhập khẩu sản phẩm nhựa sử dụng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học và sản phẩm, hàng hóa chứa vi nhựa; thúc đẩy các vật liệu thay thế thân thiện với môi trường, hạn chế các sản phẩm chứa vi nhựa và kiểm soát nhập khẩu phế liệu nhựa...

Đề án tăng cường quản lý chất thải nhựa ở Việt Nam tập trung vào thu gom, tái chế và xử lý 85% lượng chất thải nhựa vào năm 2025. Đề án đặt ra yêu cầu các Bộ, ngành liên quan thực hiện xây dựng chính sách, thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn, sửa đổi thuế và kiểm soát nhập khẩu nhựa phế liệu, trong khi yêu cầu các tỉnh và thành phố xây dựng kế hoạch quản lý chất thải nhựa tại mỗi địa phương.

Bên cạnh đó, Việt Nam tham gia thỏa thuận toàn cầu về chấm dứt ô nhiễm nhựa. Tại nhiều diễn đàn quốc tế, Việt Nam đã đề xuất các sáng kiến và tham gia cơ chế hợp tác toàn cầu, khu vực để giải quyết rác thải nhựa. Đặc biệt, Việt Nam đã cùng 175 quốc gia trên thế giới thông qua Nghị quyết 5/14 tại Hội nghị đại hội đồng môi trường toàn cầu lần 2 (UNEA5.2), thống nhất việc xây dựng một “Công cụ toàn cầu có tính ràng buộc pháp lý về chấm dứt ô nhiễm nhựa, bao gồm rác thải nhựa đại dương”.

Việt Nam cũng đã thành lập Chương trình đối tác hành động Quốc gia về nhựa (NPAP) trên cơ sở thỏa thuận hợp tác giữa Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) và Bộ Tài nguyên và Môi trường (Bộ TN&MT). Đây là nền tảng đối tác đa phương, đa chủ thể được Chính phủ thiết lập, cho phép thực hiện hợp tác giữa Chính phủ và đối tác quốc gia quan trọng khác để chuyển những cam kết về rác thải nhựa và ô nhiễm nhựa thành hành động cụ thể.

Sau hơn hai năm triển khai, Chương trình NPAP đã đạt được một số kết quả khả quan, tạo sự lan tỏa ý nghĩa về việc nâng cao ý thức, trách nhiệm, góp phần tạo sự thống nhất trong hành động của các cấp, các ngành và sự ủng hộ của người dân nhiều địa phương trên cả nước đối với vấn đề ô nhiễm nhựa. Cụ thể, Chương trình góp phần tăng cường thực thi chính sách, quy định của nhà nước thông qua hỗ trợ xây dựng một số nội dung của Luật BVMT 2020 và Thông tư hướng dẫn thực hiện và hỗ trợ đẩy mạnh thực hiện Luật và Kế hoạch hành động về quản lý rác thải nhựa.

Chương trình NPAP cũng hỗ trợ Việt Nam tham gia Thỏa thuận Toàn cầu về chấm dứt ô nhiễm nhựa bằng cách huy động nguồn lực và sự điều phối sự hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ trong quá trình chuẩn bị dữ liệu, thông tin ở từng vòng đàm phán. Đồng thời, Chương trình cũng đã xây dựng báo cáo nghiên cứu đánh giá tình hình phát sinh, quản lý rác thải nhựa và đề xuất giải pháp, lộ trình giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa ở Việt Nam; hỗ trợ xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về ô nhiễm rác thải nhựa đại dương; xúc tiến một số dự án mới thông qua nền tảng NPAP với sự tham gia tích cực và gắn kết các thành viên. Ngoài ra, chương trình cũng thu hút sự tham gia tích cực từ các khối công và tư trong việc giảm thiểu nhựa dùng 1 lần và tăng cường bình đẳng giới và hoà nhập xã hội trong ngành nhựa.

Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường cho biết, giảm thiểu rác thải nhựa đòi hỏi những giải pháp toàn diện. Việc tăng cường tuyên truyền và nâng cao nhận thức là nền tảng quan trọng. Thay đổi hành vi và ứng xử của cả cộng đồng và doanh nghiệp đối với sản phẩm nhựa và rác thải nhựa là quan trọng nhất. Những hành động nhỏ như hạn chế sử dụng túi nilon, sử dụng chai và lọ thủy tinh thay vì nhựa, ưu tiên mua sản phẩm đóng hộp giấy thay vì hộp nhựa… sẽ đóng góp tích cực vào cuộc chiến chống rác thải nhựa.

Việc giải quyết ô nhiễm chất thải nhựa sẽ là một quá trình lâu dài, cần huy động sự tham gia hiệu quả hơn nữa của toàn xã hội, cộng đồng doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế nhằm quản lý, xử lý chất thải nhựa, biến thách thức này thành cơ hội trên cơ sở phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức ứng dụng công nghệ cao, qua đó đóng góp vào nỗ lực chung toàn cầu./.


 
Tiến Long