Những năm qua, công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản địa chất, trong đó có các công viên địa chất toàn cầu UNESCO tại Việt Nam đã đạt được những thành tựu nhất định, qua đó đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập của Việt Nam với thế giới.
Bảo tồn và phát huy giá trị di sản của công viên địa chất
Công viên địa chất là một mô hình phát triển kinh tế-xã hội bền vững, khuyến khích những hoạt động thân thiện với môi trường, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị tổng thể của các loại hình di sản. Danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu có ý nghĩa quốc tế do Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hiệp quốc (UNESCO) công nhận, bảo trợ và khuyến khích phát triển.
Những năm qua, thực hiện tốt công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Công viên địa chất toàn cầu, Việt Nam đã tích cực phối hợp cùng các chuyên gia để khảo sát thực địa tại các Công viên địa chất toàn cầu, đánh giá và định hướng phát triển. Tiểu ban chuyên môn về Công viên địa chất toàn cầu Việt Nam đã lập kế hoạch và cùng với các Công viên địa chất thành viên tham dự các hoạt động và sự kiện do Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO và Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu khu vực châu Á - Thái Bình Dương phát động tổ chức, trong đó Việt Nam đã tích cực tham gia vào các sự kiện như: Ngày Trái đất (22/4), ngày Quốc tế Bảo tàng (18/5), ngày Môi trường Thế giới (5/6). Thông qua các sự kiện giúp Việt Nam tăng cường hỗ trợ các địa phương trong việc nâng cao nhận thức về ý nghĩa của các chương trình, hoạt động của UNESCO.
Trong xây dựng, phát triển, quản lý hiệu quả các Công viên địa chất, công tác phối hợp giữa Ban Quản lý Công viên địa chất với các sở, ban, ngành và địa phương liên quan được chú trọng thực hiện. Cùng với đó là việc mở rộng hợp tác với các mạng lưới quốc tế cần được đẩy mạnh qua đó tạo điều kiện hơn nữa các hoạt động phối hợp, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong nước và quốc tế trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị các danh hiệu của UNESCO nói chung và danh hiệu công viên địa chất toàn cầu UNESCO nói riêng.
Nhận thức của cấp ủy, chính quyền và người dân về Công viên địa chất được nâng cao. Các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng được bảo tồn và phát huy. Đặc biệt, hạ tầng cơ sở được quan tâm đầu tư góp phần quan trọng vào công tác bảo tồn và phát huy giá trị Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO.
Ngoài ra, việc bảo tồn và phát huy giá trị của các loại hình danh hiệu, di sản UNESCO, công tác định kỳ kiểm tra, đánh giá các điểm di sản, cơ sở vật chất trên các tuyến du lịch Công viên địa chất Non nước Cao Bằng, Công viên địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn và Công viên địa chất Đắk Nông… Cụ thể, được công nhận từ năm 2018, Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng với diện tích trên 4.000 km và có trên 130 di sản địa chất đa dạng, phong phú, trong đó có nhiều di sản hóa thạch, cảnh quan đá vôi, hang động, thác nước... đã tạo thành cảnh quan đẹp nổi tiếng như: Thác Cúc đá tay cuộn, Kéo Yên (Hà Quảng), thác Bản Giốc - Động Ngườm Ngao, Mắt Thần núi, sông Quây Sơn (Trùng Khánh)… Với các di sản địa chất đa dạng, phong phú, Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng là nơi lý tưởng để du khách tìm hiểu quá trình kiến tạo vỏ trái đất trên 500 triệu năm và được trải nghiệm sự đa dạng về di sản văn hóa, lịch sử của đồng bào các dân tộc thiểu số.
Để bảo tồn và phát huy giá trị, công viên địa chất, những năm qua, tỉnh Cao Bằng đã kết hợp hiệu quả giữa đẩy mạnh bảo tồn, phát huy các giá trị di sản địa chất với phát triển du lịch. Nhiều tạp chí ở các quốc gia phát triển đã bầu chọn Cao Bằng là điểm đến lý tưởng để ngắm cảnh thiên nhiên tươi đẹp, hùng vĩ, thơ mộng và trải nghiệm văn hóa bản địa đặc sắc. Bên cạnh đó, đáp ứng việc thẩm định lại công viên địa chất thường kỳ 2 năm/lần của chuyên gia Mạng lưới công viên địa chất toàn cầu UNESCO, Cao Bằng đã tổ chức nhiều hoạt động tập huấn, tuyên truyền về công viên địa chất cho nhân dân và đưa vào trường học, qua đó đã góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân tham gia xây dựng, bảo tồn, phát huy các di sản công viên địa chất, từ đó giúp người dân hiểu và thay đổi hành vi tham gia các hoạt động bảo vệ và phát huy các giá trị di sản Công viên địa chất. Đồng thời tham gia nhiều hoạt động do Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO tổ chức, phát động, tăng cường gắn kết các nước thành viên.
Kết quả sau 6 năm đi vào vận hành (2018-2024), Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng đã thực hiện tốt các khuyến nghị của UNESCO về giáo dục liên quan đến công viên địa chất; nâng cao nhận thức cộng đồng và người dân địa phương theo mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc; hạ tầng cơ sở được nâng cấp, cải tạo; tăng cường sự tham gia của Ban Quản lý trong các hoạt động của Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO… Từ những kết quả đạt được, Cao Bằng đã bảo vệ giá trị di sản công viên địa chất, nâng tầm và phát huy hiệu quả giá trị di sản, góp phần phát triển du lịch, thu hút du khách. Cao Bằng cũng đã được thành viên Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO đánh giá cao, bầu chọn đăng cai tổ chức Hội nghị quốc tế lần thứ 8 Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO khu vực châu Á-Thái Bình Dương năm 2024 tại Tỉnh.
Cao nguyên đá Ðồng Văn, tỉnh Hà Giang
Ngày 3/10/2010, Cao nguyên Đá Đồng Văn, tỉnh Hà Giang, được Hội đồng tư vấn của mạng lưới Công viên Địa chất toàn cầu chính thức công nhận là thành viên của mạng lưới, trở thành công viện địa chất thứ 2 ở Đông Nam Á và là công viên địa chất đầu tiên của Việt Nam. Qua 3 kỳ đánh giá thành viên mang lưới công viên địa chấn toàn cầu vào năm 2014, năm 2018 và năm 2022, tỉnh Hà Giang đã tập trung thực hiện bảo tồn các giá trị di sản địa chất, các giá trị văn hóa, phong tục tập quán để xây dựng trở thành sản phẩm du lịch. Cơ sở hạ tầng giao thông, hệ thống cung cấp nước sinh hoạt, hệ thống điện được ưu tiên khai thác thực hiện đầu tư... từ đó đã giúp các giá trị công viên địa chất được bảo tồn, phát huy gắn với phát triển kinh tế - xã hội, tạo sinh kế cho người dân vươn lên giảm nghèo bền vững.
Trong Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Hà Giang đến năm 2020, định hướng đến 2030 đưa ra quan điểm cụ thể: Phát triển đồng thời du lịch văn hóa, du lịch sinh thái và du lịch biên giới với việc lấy du lịch sinh thái gắn với khai thác các giá trị di sản Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn làm mũi nhọn, du lịch văn hóa làm nền tảng để phát huy tính đặc thù tài nguyên du lịch theo địa bàn của tỉnh. Đặc biệt, năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 310/QĐ-TTg phê duyệt “Quy hoạch tổng thể bảo tồn tôn tạo và phát huy giá trị Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn giai đoạn 2012 - 2020, tầm nhìn 2030, trong đó, đặt mục tiêu quy hoạch khai thác các giá trị di sản trong Công viên Địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn thông qua quy hoạch đầu tư để phát triển dưới dạng mô hình kinh tế du lịch. Thông qua quy hoạch đầu tư, biến công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn trở thành khu du lịch quốc gia và cùng với các trung tâm du lịch khác, nơi đây sẽ là đầu mối để thúc đẩy phát triển du lịch khu vực miền núi Bắc Bộ.
Hang động tại Công viên Địa chất Toàn cầu UNESCO Đắk Nông
Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông được UNESCO công nhận ngày 7/7/2020, Công viên có diện tích 4.760 km2 và có 150 di sản địa chất, khoảng 65 điểm di sản địa chất, địa mạo. Công viên Địa chất Đắk Nông từ lâu đã nổi tiếng là một vùng đất đỏ trù phú với hệ sinh thái rừng nhiệt đới, nơi lưu giữ các giá trị đặc trưng về đa dạng sinh học, nhiều nét độc đáo về văn hóa, địa chất, tự nhiên cũng như dấu tích hoạt động của người tiền sử. Phát huy tiềm năng, thế mạnh của Công viên Địa chất toàn cầu, Đắk Nông đã xây dựng được 3 tuyến du lịch Công viên địa chất gồm “Trường ca của nước và lửa”, “Bản giao hưởng của làn gió mới”, “Âm thanh từ trái đất” với 44 điểm di sản.
Tiếp tục bảo tồn và mở rộng mạng lưới các công viên địa chất quốc gia và công viên địa chất toàn cầu trên phạm vi cả nước
Để xây dựng một mô hình quản lý Công viên địa chất toàn cầu UNESCO ở Việt Nam thống nhất, hiệu quả, công tác phối hợp giữa Ban Quản lý Công viên địa chất với các sở, ban, ngành và địa phương liên quan được thực hiện thường xuyên và hiệu quả; tiếp tục hướng dẫn các địa phương trong công tác quản lý, bảo tồn các điểm di sản trong vùng Công viên địa chất theo tiêu chí của UNESCO; Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động phối hợp, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong nước và quốc tế trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị các danh hiệu của UNESCO nói chung và danh hiệu công viên địa chất toàn cầu UNESCO nói riêng: Tích cực tham gia các hoạt động thường niên của Mạng lưới công viên địa chất toàn cầu (GGN), Mạng lưới công viên địa chất toàn cầu khu vực châu Á Thái Bình Dương (APGN), Mạng lưới công viên địa chất toàn cầu khu vực châu Âu (EGN)…
Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Bảo tồn di sản địa chất, phát triển và quản lý mạng lưới công viên địa chất ở Việt Nam”. Theo đó, Đề án sẽ triển khai các hoạt động nghiên cứu khoa học về bảo tồn di sản địa chất và phát triển, quản lý công viên địa chất; hoàn thiện thể chế, chính sách về bảo tồn, sử dụng hợp lý di sản địa chất và công viên địa chất ở Việt Nam; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về di sản địa chất và công viên địa chất; tăng cường hợp tác quốc tế. Mục tiêu của Đề án là bảo tồn, sử dụng hợp lý các di sản địa chất, quản lý và phát triển bền vững mạng lưới công viên địa chất ở Việt Nam với các mục tiêu cụ thể phấn đấu đến năm 2020 nghiên cứu, đánh giá tổng quan (tỷ lệ 1/200.000) và chi tiết (tỷ lệ 1/50.000 - 1/25.000) di sản địa chất và triển vọng xây dựng công viên địa chất ở 25 - 30 khu vực ở miền Trung và miền Nam Việt Nam; xây dựng và trình cấp có thẩm quyền công nhận 5 - 7 công viên địa chất quốc gia; trình Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) công nhận 2 - 3 công viên địa chất toàn cầu.
Tầm nhìn đến năm 2030, tiếp tục mở rộng mạng lưới các công viên địa chất quốc gia và công viên địa chất toàn cầu trên phạm vi cả nước; phấn đấu công nhận khoảng 25 - 30 công viên địa chất quốc gia hoặc toàn cầu.
Trong những năm qua, hai tỉnh Hà Giang và Cao Bằng cũng đã tập trung nguồn lực, triển khai nhiều giải pháp nhằm bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di sản, từ đó thúc đẩy các hoạt động kinh tế-xã hội, phát triển du lịch bền vững.
Cụ thể, tại Hà Giang có 6 giải pháp bảo tồn và phát huy các giá trị của công viên địa chất được thực hiện như: (1) Nâng cao nhận thức của đối tượng: Nhà quản lý, nhà đầu tư và cộng đồng về bảo tồn và phát triển các giá trị di sản theo hướng khai thác đi đôi với bảo tồn; (2) Quản lý bảo tồn và phát triển du lịch; (3) Tăng cường và tập trung cho công tác quảng bá và tiếp thị, nhằm phát triển thị trường du lịch trong công viên và toàn tỉnh; (4) Phát triển nguồn lực cho bảo tồn và phát triển du lịch; (5) Tăng cường áp dụng khoa học công nghệ mới đặc biệt công nghệ khai thác phục vụ phát triển du lịch; (6) Tập trung đầu tư hiệu quả nguồn tài chính theo đúng nhu cầu và phân kỳ đầu tư phối hợp tối đa nguồn vốn xã hội hóa và vốn vay quốc tế./.
Từ ngày 5 - 17/9/2024, tại tỉnh Cao Bằng sẽ diễn ra Hội nghị quốc tế lần thứ 8 của Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO khu vực châu Á - Thái Bình Dương do Ủy ban Nhân dân tỉnh Cao Bằng chủ trì tổ chức; Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam, Bộ Ngoại giao đồng chủ trì Hội nghị. Hội nghị quốc tế lần thứ 8 năm nay có chủ đề: "Cộng đồng địa phương và phát triển bền vững trong vùng Công viên địa chất". Tham dự Hội nghị quốc tế có khoảng 800 - 1.000 đại biểu trong nước và quốc tế.
Đây là Hội nghị quy mô cấp Quốc tế được tổ chức luân phiên 2 năm một lần tại các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương với mục đích chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm, các mô hình hiệu quả, giải pháp hữu ích trong công tác xây dựng và phát triên danh hiệu Công viên địa chất theo các tiêu chí của UNESCO giữa các thành viên của Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO khu vực châu Á - Thái Bình Dương; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và nhân dân trong việc bảo tồn, phát huy giá trị các loại hình di sản để phát triển du lịch bền vững.
|
Trang Nguyễn