Thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam từ các hoạt động M&A: Thay đổi để bứt phá

|

Thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam từ các hoạt động M&A: Thay đổi để bứt phá

Từ khi Luật đầu tư năm 2014 có hiệu lực, dòng vốn FDI đổ vào nền kinh tế Việt Nam đã tăng lên đáng kể thông qua các hoạt động mua bán, sáp nhập (M&A). Với chủ trương tạo thuận lợi cho các thương vụ, đặc biệt sau khi các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới được ký kết với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới sẽ là chất xúc tác để nhiều thương vụ M&A triển khai mạnh mẽ, đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư nước ngoài và đóng góp vào sự phát triển chung của nền kinh tế.

Thu hút FDI qua M&A ngày càng tăng trưởng mạnh mẽ

Theo thống kê của Diễn đàn M&A Việt Nam, hoạt động M&A đã tăng trưởng không ngừng và trở thành một xu thế quan trọng trong hoạt động đầu tư tại Việt Nam. Hoạt động M&A đã phát triển không chỉ về số lượng và quy mô thương vụ mà còn thực sự trở thành một kênh huy động vốn mới hiệu quả trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Nếu như năm 2009, tổng giá trị thương vụ M&A mới chỉ đạt 1,1 tỷ USD, thì đến năm 2018, con số này đã vượt mốc kỷ lục 10,2 tỷ USD, đưa tổng giá trị thương vụ trong thập kỷ qua đạt khoảng 55 tỷ USD. Không chỉ đạt kỷ lục về tổng giá trị, số lượng các thương vụ cũng tăng lên rất nhanh, diễn ra trên mọi khu vực doanh nghiệp: nhân, đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp có vốn nhà nước; thu hút sự tham gia không chỉ các nhà đầu tư tài chính chuyên nghiệp trong và ngoài nước mà còn có sự tham gia tích cực của các nhà đầu tư sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp công nghệ... 7 tháng đầu năm 2019, tổng giá trị các thương vụ M&A tại Việt Nam đạt gần 5,43 tỷ USD, trong đó bao gồm gần 2,8 tỷ USD từ các thương vụ M&A được công bố tại Việt Nam và khoảng 2,64 tỷ USD nhà đầu tư nước ngoài góp vốn mua cổ phần trong các doanh nghiệp Việt Nam. Dự báo, năm 2019, giá trị các thương vụ M&A sẽ đạt 6,7 tỷ USD, tuy thấp hơn năm 2018, nhưng theo đánh giá của các chuyên gia, thị trường M&A Việt Nam vẫn đang ở kỷ nguyên mới với nhiều cơ hội bứt phá và đưa M&A thực sự trở thành kênh thu hút đầu tư nước ngoài quan trọng.

 

Ảnh minh họa, nguồn Internet

Có thể nói, sự tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường M&A tại Việt Nam thời gian qua được tiếp sức bởi nhiều yếu tố tích cực từ nội tại nền kinh tế, cũng như các cơ hội mang lại từ việc hội nhập quốc tế. Với những nỗ lực không ngừng nghỉ của Chính phủ Việt Nam trong việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tốc độ tăng trưởng GDP những năm gần đây được duy trì ở mức cao, từ 6-7%/năm, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, thu hút đầu tư nước ngoài đạt kết quả tích cực. Năm 2018, thu hút vốn đầu tư nước ngoài đạt mức kỷ lục với 19,1 tỷ USD, tăng 9,1% so với năm 2017. Trong 9 tháng đầu 2019, ước tính các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân được 14,22 tỷ USD, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm 2018.

Bên cạnh đó, Việt Nam đang thúc đẩy hoạt động mua bán và sáp nhập gắn với cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước trong các lĩnh vực như: Vận tải, hạ tầng, lương thực, thực phẩm, nông nghiệp, viễn thông, thương mại, dịch vụ, du lịch, xây dựng... Đây sẽ là cơ hội lớn để các nhà đầu tư, doanh nghiệp quốc tế trở thành đối tác chiến lược của các doanh nghiệp Việt Nam trong các lĩnh vực có nhiều tiềm năng phát triển. Những doanh nghiệp mạnh trong nước như Habeco, Vinamilk vẫn còn chỗ trống cho nhà đầu tư nước ngoài và sẽ là
mục tiêu hấp dẫn của các tập đoàn đến từ châu Âu, Mỹ và Thái Lan.
 
Ngoài ra, những chuyển động chính sách gần đây như dự thảo sửa đổi, bổ sung một số luật quan trọng (Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán); Nghị quyết về thu hút đầu tư nước ngoài thế hệ mới của Bộ Chính trị đưa ra các định hướng chiến lược mới trong thu hút đầu tư nước ngoài theo hướng có chọn lọc, chuyển từ số lượng sang chất lượng, có giá trị gia tăng cao, lấy hiệu quả và công nghệ sử dụng làm thước đo chủ yếu gắn với bảo vệ môi trường và phát triển bền vững; Việc ký kết các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, EVIPA… cũng tạo điều kiện mở rộng thị trường xuất khẩu, thúc đẩy dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, thúc đẩy hoạt động M&A tăng trưởng đột phá.

Hoạt động M&A đã đóng vai trò tích cực vào quá trình chuyển đổi, tái cơ cấu doanh nghiệp trong nước trong bối cảnh Việt Nam đang chủ động hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng. Đồng thời, số lượng các thương vụ thành công ngày càng nhiều, với nhiều thương vụ có giá trị rất cao và được các nhà đầu tư trong và ngoài nước ngày càng quan tâm cho thấy tiềm năng to lớn của thị trường M&A Việt Nam. Các lĩnh vực M&A sôi động nhất trong năm 2018 và nửa đầu năm 2019 bao gồm: Sản xuất hàng tiêu dùng và bất động sản. Đây là hai lĩnh vực thu hút sự quan tâm lớn của các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư thuộc khối ngoại. Bên cạnh đó, các lĩnh vực như viễn thông, năng lượng, hạ tầng, dược phẩm, giáo dục… cũng được kỳ vọng sẽ đóng góp giá trị đáng kể cho thị trường M&A.

Theo thống kê từ Diễn đàn M&A Việt Nam 2019, thị trường M&A trong những năm gần đây đã chứng kiến một số thương vụ «đình đám», mang lại nguồn thu lớn cho doanh nghiệp và Nhà nước như: Thương vụ “bắt tay” giữa Công ty cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt với Công ty Samty Asia Investment Pte. Ltd và đơn vị phát triển bất động sản hàng đầu của Nhật Bản thông qua Quỹ Vietnam New Urban Center LP với tổng trị giá đầu tư lên tới 22,5 triệu USD; Quỹ đầu tư mạo hiểm VinaCapital Ventures đầu tư 4 triệu USD vào Công ty Công nghệ môi giới bất động sản Rever; Tập đoàn SK (Hàn Quốc) trở thành cổ đông chiến lược của Tập đoàn Vingroup (VIC) với giá trị 1 tỷ USD; Thương vụ bán 15% cổ phần của Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho Ngân hàng Keb Hana Bank (Hàn Quốc) với 885 triệu USD… Sự bùng nổ các thương vụ M&A đã và đang thực sự tạo ra bước ngoặt mới, mở ra một kỷ nguyên mới cho hoạt động M&A tại Việt Nam, với kỳ vọng lớn hơn giá trị và số lượng thương vụ.

Bên cạnh các lĩnh vực đầu tư M&A truyền thống, tín hiệu tích cực từ thế hệ mới cũng bắt đầu xuất hiện, cụ thể là M&A doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo (startup). Nếu như năm 2017, Việt Nam tiếp nhận 92 thương vụ đầu tư vào startup với tổng số vốn chỉ hơn 291 triệu USD, thì năm 2018 lượng vốn đầu tư mà các startup Việt Nam thu hút được đã tăng gấp 3 lần so với 2017, đạt 889 triệu USD. 5 lĩnh vực startup thu hút nhiều vốn đầu tư nhất là Fintech (công nghệ tài chính), E-commerce (thương mại điện tử), TravelTech (khởi nghiệp lĩnh vực du lịch trên nền tảng công nghệ), Logistics và Edtech (khởi nghiệp lĩnh vực giáo dục trên nền tảng công nghệ). Theo các chuyên gia, những tín hiệu tích cực này là minh chứng rõ nét nhất cho sự phát triển mạnh mẽ của thị trường M&A tại Việt Nam.
Thay đổi để bứt phá
Mặc dù hứa hẹn nhiều cơ hội tăng trưởng bứt phá, nhưng thị trường M&A 2019 cũng đang đứng trước nhiều thách thức. Về quy mô thị trường, năm 2018, hầu hết các quốc gia Đông Nam Á đều sụt giảm về giá trị M&A và Việt Nam đang xếp thứ hai về giá trị M&A chỉ sau Thái Lan. Tuy nhiên, xét về quy mô thương vụ, thị trường Việt Nam vẫn chủ yếu là các giao dịch nhỏ với quy mô 5-6 triệu USD (tương đương 100-120 tỷ VND), chiếm tới trên 90% về số lượng thương vụ. Nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục đóng vai trò quan trọng với các thương vụ quy mô vừa và lớn từ 20-100 triệu USD. Khối ngoại, đặc biệt là các nhà đầu tư từ Singapore, Hồng Kông, Thái Lan, Hàn Quốc và Nhật Bản vẫn đóng vai trò quan trọng trong hoạt động M&A tại Việt Nam. Ở khía cạnh là bên mua, các nhà đầu tư nước ngoài đang chiếm ưu thế áp đảo, còn các doanh nghiệp Việt Nam hiện giữ vai trò thụ động là bên bán.
Bên cạnh đó, còn nhiều thách thức mà thị trường M&A phải đối mặt đến từ các yếu tố khách quan cũng như nội tại nền kinh tế Việt Nam. Đó là sự thay đổi chính sách thương mại quốc tế của Mỹ, Trung Quốc; các trở ngại từ cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước đang chững lại; chất lượng doanh nghiệp, sự minh bạch trong báo cáo tài chính của doanh nghiệp; quy mô nền kinh tế chưa đủ hấp dẫn; những rào cản chính sách còn chưa được khơi thông của nền kinh tế Việt Nam… Theo kết quả khảo sát của Nhóm nghiên cứu Diễn đàn M&A Việt Nam (MAF) và Trung tâm nghiên cứu đầu tư và mua bán sáp nhật (CMAC), các yếu tố trở ngại lớn nhất đối với M&A Việt Nam đó là: Tỷ lệ sở hữu cổ phần nhà nước đang quá lớn (85%), báo cáo tài chính và công bố thông tin chưa minh bạch (80%), định giá quá cao (76%) và thời gian thực hiện thương vụ quá dài (75%). Các yếu tố khác lần lượt là: Yếu tố văn hóa và sự thay đổi, không có nhiều cơ hội chất lượng, khó tiếp cận doanh nghiệp, yếu tố ngoại ngữ. Một điểm đáng chú ý là, 8/8 yếu tố này liên quan đến nhà nước 
và doanh nghiệp nhà nước, 6/8 yếu tố liên quan đến khu vực doanh nghiệp tư nhân. Đây là điều mà các nhà hoạch định và thực thi chính sách, các nhà quản lý doanh nghiệp, chủ doanh nghiệp Việt Nam cần suy nghĩ và tìm giải pháp để giải phóng các rào cản này.
 
Để thị trường M&A có thể bứt phá tăng trưởng mạnh trong bối cảnh mới rất cần có sự thay đổi toàn diện. Thời gian tới, Chính phủ và các bên liên quan cần phải có sự quyết tâm và thay đổi mạnh mẽ, nhằm cải thiện hơn môi trường đầu tư - kinh doanh, kết nối các thương vụ giữa bên mua và bán nhằm khơi thông dòng vốn chảy trong nước và quốc tế vào lĩnh vực M&A. Theo các chuyên gia, ba yếu tố quan trọng cần thực hiện quyết liệt là: Thoái vốn mạnh mẽ hơn, thúc đẩy các tập đoàn tư nhân, doanh nghiệp cần minh bạch và công bố thông tin tốt hơn. Cụ thể, thị trường Việt Nam cần có thêm những nguồn hàng tốt hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài. Thời gian qua, hàng loạt tập đoàn, tổng công ty nhà nước cổ phần hóa, nhưng tỷ lệ cổ phần của Nhà nước vẫn còn quá cao và nhiều năm vẫn chưa lựa chọn được nhà đầu tư chiến lược. Vì vậy, mỗi năm, cần đặt mục tiêu thoái vốn tại 1-2 công ty lớn, có tính chất dẫn dắt thị trường. Bên cạnh đó, hệ thống pháp lý và thực thi liên quan đến đầu tư và M&A cần được hoàn thiện và tháo dỡ các rào cản cũng như các vấn đề về giới hạn sở hữu cho nhà đầu tư, vấn đề quy hoạch, thuế cho các giao dịch M&A. Đặc biệt, các doanh nghiệp Việt Nam, cả nhà nước cổ phần hóa và doanh nghiệp tư nhân cần minh bạch hơn về thông tin doanh nghiệp và thông tin tài chính để nhà đầu tư có thể tiếp cận thông tin nhằm ra quyết định đầu tư. Việc thúc đẩy thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn gắn liền với việc công khai, minh bạch lộ trình cổ phần hoá, thoái vốn sẽ tạo ra các sản phẩm ngày càng hấp dẫn hơn nữa cho thị trường M&A; mở rộng cơ hội cho các nhà đầu tư quan tâm và nghiên cứu cơ hội đầu tư, mua lại cổ phần tại các doanh nghiệp có vốn nhà nước, tạo cơ hội cho hoạt động M&A tăng trưởng mạnh mẽ hơn./.
 
Thu Hường