Do tác động của dịch Covid-19 diễn ra từ những tháng đầu năm 2020, đến nay đã lan rộng và trở thành đại dịch của thế giới. Hiện nay tình hình diễn biến của dịch bệnh ngày càng phức tạp, ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của khu vực doanh nghiệp. Theo nhận định của các doanh nghiệp xây dựng trong quý I/2020 tình hình sản xuất kinh doanh không mấy khả quan
Theo số liệu của điều tra xu hướng sản xuất kinh doanh ngành xây dựng quý I/2020 do Tổng cục Thống kê tiến hành có 52,5% doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh giữ ổn định và tốt hơn, 47,5% nhận định khó khăn hơn. Các doanh nghiệp dự báo quý II/2020 tình tình hoạt động sản xuất kinh doanh khả quan hơn với 53,1% doanh nghiệp dự báo tình hình giữ ổn định và tốt hơn, 46,9% dự báo khó khăn hơn. Có thể đánh giá nhận định tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp dựa trên một số chỉ số cân bằng như: Chỉ số cân bằng về xu hướng sản xuất kinh doanh, chỉ số cân bằng về biến động tổng chi phí, chi phí nguyên, vật liệu, nhân công và chỉ số cân bằng về nhu cầu sử dụng lao động.
Biểu đồ 1: Chỉ số cân bằng về tình hình sản xuất kinh doanh ngành xây dựng
(1) Chỉ số cân bằng[i] về xu hướng sản xuất kinh doanh ngành xây dựng quý I/2020 so với quý IV/2019 là -28,7% (18,8% doanh nghiệp nhận định tốt hơn và 47,5% doanh nghiệp nhận định khó khăn hơn). Chỉ số cân bằng quý II/2020 so với quý I/2020 là -28,6% (18,3% doanh nghiệp dự báo tốt hơn và 46,9% doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn).
(2) Chỉ số cân bằng về biến động tổng chi phí[ii] cho hoạt động xây dựng quý I/2020 so với quý IV/2019 là 28,7% (47,5% doanh nghiệp nhận định tăng và 18,8% doanh nghiệp nhận định giảm), chỉ số này quý II/2020 so với I/2020 có xu hướng giảm với 27,5% (48,2% doanh nghiệp đánh giá tăng và 20,7% doanh nghiệp đánh giá giảm).
(3) Chỉ số cân bằng về chi phí nguyên, vật liệu trực tiếp quý I/2020 là 28,6% (47,1% doanh nghiệp nhận định tăng và 18,5% nhận định giảm), dự báo quý II/2020 là 28,0% (48,3% doanh nghiệp dự báo tăng và 20,3% dự báo giảm); chỉ số này của chi phí nhân công trực tiếp quý I/2020 là 23,8% (42,3% doanh nghiệp nhận định tăng và 18,5% nhận định giảm) và dự báo quý II/2020 là 23,9% (43,7% doanh nghiệp dự báo tăng và 19,8% dự báo giảm).
Biểu đồ 2: Chỉ số cân bằng về xu hướng sử dụng các yếu tố đầu vào
(4) Chỉ số cân bằng về tăng và giảm quy mô lao động quý I/2020 so với quý IV/2019 là 3,5% (23,6% doanh nghiệp nhận định tăng và 20,1% nhận định giảm). Sang quý II/2020, chỉ số cân bằng về tăng và giảm quy mô lao động có xu hướng giảm so với quý I/2020 với -2,0% (21,9% doanh nghiệp dự báo tăng và 23,9% dự báo giảm). Điều này phản ánh rõ trước những khó khăn về hoạt động sản xuất kinh doanh, nhiều doanh nghiệp cũng có xu hướng thu gọn quy mô sản xuất và cắt giảm lao động để giảm chi phí sản xuất.
Theo nhận định của các doanh nghiệp xây dựng, tình hình sản xuất kinh doanh tiếp tục khó khăn, để thúc đẩy hơn nữa hoạt động sản xuất kinh doanh trong các quý tiếp theo, cộng đồng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng đề xuất một số kiến nghị sau:
(1) Tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng các dịch vụ hành chính, giảm các thủ tục rườm rà, chồng chéo làm mất thời gian của doanh nghiệp;
(2) Đẩy mạnh công tác giao dịch hành chính điện tử, kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các ban ngành để giảm số lượng báo cáo của doanh nghiệp;
(3) Hệ thống hóa toàn diện, đầy đủ và cụ thể bằng văn bản luật đối với các chính sách hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp;
(4) Thay đổi chính sách bảo hiểm phù hợp hơn đối với các lao động thời vụ làm việc trong các doanh nghiệp xây dựng;
(5) Đảm bảo cân đối cung cầu và bình ổn giá thị trường vật liệu xây dựng;
(6) Tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp bằng các chính sách tín dụng, tài chính, giảm lãi suất, giãn nợ, giảm thuế, đồng thời có giải pháp hiệu quả cắt giảm thủ tục và rút ngắn thời gian thanh toán, giải ngân đối với các công trình có sử dụng nguồn vốn từ ngân sách nhà nước.
Điều tra xu hướng sản xuất kinh doanh ngành Xây dựng được tiến hành hàng quý với hơn 6.600 doanh nghiệp được chọn mẫu để khảo sát, đại diện cho toàn bộ khu vực doanh nghiệp có hoạt động xây dựng của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Tỷ lệ doanh nghiệp tham gia trả lời trong kỳ điều tra quý I/2020 đạt 89%. Thông tin thu thập được từ các doanh nghiệp phản ánh xu hướng sản xuất kinh doanh ngành Xây dựng về các mặt: Tổng quan hoạt động sản xuất kinh doanh ngành Xây dựng; xu hướng sử dụng các yếu tố đầu vào phục vụ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; nhận định về chính sách hỗ trợ của hệ thống hành chính Nhà nước và tình hình tiếp cận vốn phục vụ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. |
(Nguồn: Tổng cục Thống kê)
[i] Chỉ số cân bằng về xu hướng sản xuất kinh doanh thể hiện số phần trăm doanh nghiệp dự báo xu hướng sản xuất tốt hơn trừ đi số phần trăm doanh nghiệp dự báo xu hướng sản xuất khó khăn hơn.
[ii] Chỉ số cân bằng về xu hướng sử dụng tổng chi phí thể hiện số phần trăm doanh nghiệp dự báo tăng trừ đi số phần trăm doanh nghiệp dự báo giảm.