Doanh nghiệp Việt Nam năm 2019 - bức tranh toàn cảnh

|

Doanh nghiệp Việt Nam năm 2019 - bức tranh toàn cảnh

LTS. Sáng 28/4/2020, tại Hà Nội, Tổng cục Thống kê đã tổ chức Họp báo công bố Sách Trắng doanh nghiệp Việt Nam năm 2020. Nội dung Sách Trắng đã cho thấy bức tranh toàn cảnh về doanh nghiệp Việt Nam năm 2019. Đây là một trong những căn cứ quan trọng để các quản lý, các nhà làm chính sách, các nhà nghiên cứu và từng doanh nghiệp xây dựng chính sách, chiến lược phù hợp với nhu cầu, mục đích của mình.
 
Doanh nghiệp Việt Nam năm 2019 – bức tranh toàn cảnh

Về số doanh nghiệp (DN) thành lập mới

Năm 2019, cả nước có 138.139 DN thành lập mới, tăng 5,2% so với năm 2018. Theo khu vực kinh tế: Khu vực dịch vụ có số DN thành lập mới năm 2019 nhiều nhất với 99.548 DN, tăng 5,1% so với năm 2018; khu vực công nghiệp và xây dựng có 36.562 DN, tăng 5,3%; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản có 2.029 DN, tăng 9,9%. Theo địa phương: Có 30/63 địa phương có tốc độ tăng số DN thành lập mới năm 2019 so với năm 2018 cao hơn tốc độ tăng bình quân chung của cả nước, trong đó một số địa phương tập trung nhiều DN của cả nước có số DN thành lập mới năm 2019 tăng so với năm 2018: Bắc Ninh tăng 17,8%; Bình Dương tăng 11,6%; Hà Nội tăng 9,8%; Đồng Nai tăng 7,6%; Đà Nẵng tăng 6,0%. Có 10/63 địa phương có tốc độ tăng số DN thành lập mới năm 2019 so với năm 2018 thấp hơn tốc độ tăng bình quân chung cả nước. Có 23/63 địa phương có số DN thành lập mới năm 2019 giảm so với năm 2018, trong đó có 6/20 địa phương có số lượng DN thành lập mới năm 2019 lớn (trên 1000 DN) giảm so với năm 2018 gồm: Nghệ An giảm 6,5%; Hải Phòng giảm 6,4%; Kiên Giang giảm 5,8%; Thanh Hóa giảm 4,4%; Quảng Ninh giảm 3,0%; Khánh Hòa giảm 1,2%.

Tổng vốn đăng ký của các DN thành lập mới năm 2019 đạt 1,73 triệu tỷ đồng, tăng 17,1% so với năm 2018. Theo khu vực kinh tế: Năm 2019 vốn đăng ký của khu vực dịch vụ đạt cao nhất với 1,17 triệu tỷ đồng, chiếm 67,6%, tăng 12,9% so với năm 2018; khu vực công nghiệp 531,15 nghìn tỷ đồng, tăng 30,2%; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản 25,6 nghìn tỷ đồng, giảm 16,5% so với năm 2018.

Về DN quay trở lại hoạt động

Năm 2019, cả nước có 39.421 DN quay trở lại hoạt động, tăng 15,9% so với năm 2018 và đạt mức cao nhất trong giai đoạn 2014-2019. Theo khu vực kinh tế: Có 27.278 DN thuộc khu vực dịch vụ quay trở lại hoạt động, tăng 18,7% so với năm 2018; có 11.429 DN công nghiệp và xây dựng, tăng 11,6% và 714 DN nông, lâm nghiệp và thủy sản, giảm 10,0%. Những địa phương có số DN quay trở lại hoạt động trên 1000 DN và tăng so với năm 2018 gồm: Thanh Hóa là địa phương tăng cao nhất với 1.697 DN, tăng 130,9%; Hải Phòng có 1.209 DN, tăng 22,2%; Hà Nội có 7.612 DN, tăng 17,7%; thành phố Hồ Chí Minh có 11.006 DN, tăng 6,5%.

Về DN rút lui khỏi thị trường

Trong năm 2019, tổng số DN tạm ngừng kinh doanh có đăng ký trên phạm vi cả nước là 28.731 DN, tăng 5,9% so với năm 2018; có 43.711 DN chờ giải thể, tăng 41,7% và có 16.840 DN hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 3,0%.

Theo địa phương: Có 29/63 địa phương có số DN tạm ngừng kinh doanh có đăng ký trong năm 2019 giảm so với năm 2018. Có 5/63 địa phương có số DN tạm ngừng kinh doanh có đăng ký trong năm 2019 trên 1.000 DN, trong đó có 2 địa phương có số DN tạm ngừng kinh doanh giảm gồm: Thanh Hóa có 1.022 DN, giảm 11,5%; Hải Phòng có 1.035 DN, giảm 11,4% và 3 địa phương có số DN tạm ngừng kinh doanh tăng: Hà Nội có 6.319 DN, tăng 10,2%; thành phố Hồ Chí Minh có 7.800 DN, tăng 9,4%; Đà Nẵng có 1.150 DN, tăng 0,3%.

Đồng bằng sông Hồng là khu vực có số lượng DN chờ giải thể lớn nhất với 14.390 DN, chiếm 33,0% số DN chờ giải thể của cả nước; tiếp đến là khu vực Đông Nam Bộ có 14.035 DN, chiếm 32,1%.

Có 28/63 địa phương có tỷ lệ DN hoàn thành thủ tục giải thể năm 2019 so với 2018 cao hơn bình quân chung cả nước, trong đó có 3 địa phương có số DN hoàn thành thủ tục giải thể trên 1000 DN: Cà Mau có 1.439 DN, tăng 382,9%; Hà Nội có 2.110 DN, tăng 24,3%; thành phố Hồ Chí Minh có 5.146 DN, tăng 23,5%... Có 35/63 địa phương có tỷ lệ DN hoàn thành thủ tục giải thể năm 2019 so với năm 2018 thấp hơn bình quân chung cả nước.

Về DN không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký

Năm 2019, qua kiểm tra của cơ quan thuế, cả nước có 46.841 DN không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký, không tìm thấy, không liên lạc được, tăng 43,4% so với năm 2018.

Về doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả SXKD

Theo số liệu điều tra và cập nhật của ngành Thống kê tại thời điểm 31/12/2018, cả nước có 610.637 DN đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh (SXKD), tăng 9% so với thời điểm 31/12/2017. Trong đó, có 269.169 DN kinh doanh có lãi, chiếm 44,1%; có 45.737 DN kinh doanh hòa vốn, chiếm 7,5%; có 295.731 DN kinh doanh lỗ, chiếm 48,4%. Trong đó:

- Tổng số lao động đang làm việc trong các DN đang hoạt động có kết quả SXKD tại thời điểm 31/12/2018 là 14,82 triệu người, tăng 2,1% so với cùng thời điểm năm 2017.

- Tổng nguồn vốn sử dụng cho SXKD đạt 38,93 triệu tỷ đồng, tăng 18%.

- Tổng doanh thu thuần của toàn bộ khu vực DN đang hoạt động có kết quả SXKD năm 2018 đạt 23,64 triệu tỷ đồng, tăng 14,4% so với năm 2017.

- Tổng lợi nhuận trước thuế của khu vực DN năm 2018 đạt 895,56 nghìn tỷ đồng, tăng 2,1% so với năm 2017 (thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng 18% của vốn và 14,4% của doanh thu).

- Một số chỉ tiêu phản ánh hiệu quả kinh doanh của DN đang hoạt động có kết quả SXKD như sau: Hiệu suất sử dụng lao động bình quân toàn bộ khu vực DN năm 2018 đạt 15,3 lần. Chỉ số nợ chung của toàn bộ DN năm 2018 là 2,1 lần, nói cách khác, tổng số nợ bình quân của DN năm 2018 gấp 2,1 lần vốn tự có bình quân của DN. Chỉ số quay vòng vốn năm 2018 của toàn bộ khu vực DN đang hoạt động có kết quả SXKD đạt 0,6 lần, thấp hơn mức 0,7 lần của năm 2017. Hiệu suất sinh lợi trên tài sản (ROA) của toàn bộ khu vực DN năm 2018 đạt 2,4%. Hiệu suất sinh lợi trên vốn chủ sở hữu (ROE) của toàn bộ DN năm 2018 đạt 7,6%. Hiệu suất sinh lợi trên doanh thu (ROS) đạt 3,8%. Thu nhập bình quân tháng một lao động của DN đang hoạt động có kết quả SXKD năm 2018 đạt 8,82 triệu đồng, tăng 6,6% so với năm 2017.

 

Sách Trắng Doanh nghiệp Việt Nam 2020 do Tổng cục Thống kê biên soạn

Một số giải pháp phát triển doanh nghiệp trong thời gian tới

Giải pháp đề xuất hướng tới 4 nhóm chủ thể chính, đó là cơ quan nhà nước; các địa phương; doanh nghiệp và các tổ chức, hiệp hội doanh nghiệp.

Đối với các cơ quan nhà nước

1. Tiếp tục hoàn thiện môi trường pháp lý, cơ chế chính sách cho khu vực doanh nghiệp

- Thực hiện quyết liệt các giải pháp giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp, trước hết là chi phí bất hợp lý phát sinh từ quản lý nhà nước. Ngăn chặn và đẩy lùi các hành vi làm phát sinh chi phí không chính thức cho doanh nghiệp. Phấn đấu cắt giảm, đơn giản hóa quy định về đầu tư, đất đai, xây dựng, nộp thuế và bảo hiểm xã hội để Chỉ số Môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới đạt điểm số trung bình của ASEAN4.

- Tiếp tục đẩy mạnh cải cách môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia: hoàn thiện cơ chế chính sách và đồng bộ hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; rà soát cắt giảm tối đa các thủ tục hành chính; nghiêm túc thực hiện công bố công khai, minh bạch, có so sánh trước và sau khi cắt giảm, hướng dẫn cụ thể quy trình, thủ tục thực hiện.

- Nghiên cứu nội dung của hiệp định thương mại EVFTA, cải cách thể chế tạo dựng môi trường, chính sách kinh tế phù hợp với các nội dung của EVFTA; tạo dựng chính sách kinh tế để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước. Đồng thời bổ sung, hoàn thiện môi trường pháp lý và chính sách nhằm loại bỏ gian lận thương mại, minh bạch vấn đề xuất xứ hàng hóa trong thương mại quốc tế giữa Việt Nam và EU. Sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện môi trường pháp lý phù hợp với các điều khoản quy định trong EVFTA về môi trường và phát triển bền vững.

- Sửa đổi cơ chế, chính sách thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu ngành nghề, lấy sản xuất, chế biến chế tạo làm trọng tâm trên cơ sở tận dụng cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để tái cấu trúc doanh nghiệp theo hướng bền vững, sáng tạo.

- Triển khai thực hiện Kế hoạch phát triển bền vững doanh nghiệp khu vực tư nhân, trong đó khuyến khích doanh nghiệp áp dụng các mô hình kinh doanh bền vững, công nghệ sản xuất sạch, sử dụng hiệu quả tài nguyên. Đồng thời hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút và ứng dụng các công nghệ hiện đại vào sản xuất nhằm tạo ra các sản phẩm có chất lượng, sức cạnh tranh, thân thiện với môi trường.

- Có chính sách kinh tế thúc đẩy liên kết doanh nghiệp, khuyến khích doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp FDI liên doanh, liên kết với các DNNVV trong nước; đồng thời nâng cao năng lực doanh nghiệp tham gia mạng lưới sản xuất, chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu. Nghiên cứu cơ chế chính sách tập trung phát triển doanh nghiệp có quy mô lớn, tạo ra các sản phẩm chiến lược của quốc gia, khẳng định được thương hiệu Việt Nam trên trường quốc tế.

- Tiếp tục thực hiện cải cách toàn diện công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành và kết nối Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN theo các nguyên tắc: (i) áp dụng quản lý rủi ro dựa trên cơ sở đánh giá, phân tích về mức độ tuân thủ của doanh nghiệp và mức độ, quy mô rủi ro của hàng hoá; (ii) công bố công khai, dễ tiếp cận danh mục mặt hàng kiểm tra chuyên ngành với mã số HS ở cấp độ chi tiết, cách thức quản lý chuyên ngành về xuất khẩu, nhập khẩu tương ứng và chi phí mà doanh nghiệp phải trả; (iii) áp dụng dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4.

- Nghiên cứu xây dựng và hoàn thiện chính sách đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng, có tay nghề giỏi; tiếp tục phát triển mạng lưới tri thức cao người Việt đang sống và làm việc ở trong và ngoài nước, tạo thành cơ chế đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ở nhiều cấp bậc.

2. Tháo gỡ điểm nghẽn, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, khôi phục và phát triển sản xuất kinh doanh

Năm 2020, trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát, diễn biến nhanh và phức tạp trên thế giới và ngay tại Việt Nam, Nhà nước cần có các giải pháp cụ thể nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ các điểm nghẽn, đẩy lùi khó khăn để ổn định sản xuất kinh doanh và phát triển. Một số giải pháp cụ thể:

- Khai thác và phát triển thị trường nội địa

+ Hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất các nguyên phụ liệu đầu vào cho một số ngành công nghiệp như dệt may, da giày - các ngành phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên phụ liệu nhập khẩu, tăng cường sản xuất để đáp ứng một phần nhu cầu nội địa.

+ Đẩy mạnh khai thác và phát triển thị trường nội địa, nâng cao sức tiêu dùng trong nước và phát triển thương hiệu Việt. Hình thành và phát triển các chuỗi cung ứng hàng hóa, đặc biệt là các chuỗi cung ứng hàng hóa thiết yếu của thị trường trong nước, trước hết là các chuỗi cung ứng hàng nông sản thực phẩm thiết yếu của thị trường nội địa.

+ Đẩy mạnh sản xuất hàng tiêu dùng nội địa thiết yếu, vừa phục vụ quá trình chống dịch vừa thúc đẩy cơ cấu lại sản xuất của các ngành hàng theo hướng tăng cường nội lực. Tập trung vào một số ngành hàng như thực phẩm, đồ uống, hàng dệt may, thuốc chữa bệnh; ưu tiên hỗ trợ ngành hàng sản xuất có lợi thế thay thế hàng nhập khẩu, sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước, sử dụng nhiều lao động, như: các doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng, sản xuất vật liệu xây dựng, cơ khí, chế tạo, đóng tàu, phân bón.

+ Đẩy mạnh thương mại điện tử để khai thác có hiệu quả hơn sự phát triển mạnh mẽ của xu hướng số hóa nền kinh tế. Khuyến khích và sử dụng thanh toán điện tử trong lĩnh vực thương mại. Hoàn thiện chính sách thuế đối với TMĐT nói riêng và kinh tế nói chung theo hướng hài hòa với các thông lệ quốc tế. Thường xuyên rà soát khung pháp lý, chính sách và kết quả thực hiện đối với TMĐT trong nước so với các cam kết trong các FTA, đặc biệt là các FTA thế hệ mới (CPTPP, EVFTA...). Đánh giá chi tiết tác động của các quy định pháp lý đối với TMĐT và dịch chuyển dữ liệu, bảo vệ người tiêu dùng sau bán hàng... Nghiên cứu các mô hình, lĩnh vực hoạt động thương mại mới cần có các cơ chế đặc thù, thí điểm có quản lý để xử lý (ví dụ như thương mại số, xử lý tranh chấp thương mại trực tuyến...).

+ Tổ chức hoạt động hiệu quả lực lượng quản lý thị trường; triển khai có hiệu quả Chiến lược phát triển thương mại trong nước đến năm 2030 và định hướng đến năm 2045 sau khi được thông qua.

+ Xây dựng đồng bộ các tiêu chuẩn chất lượng hàng hoá, vệ sinh an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn môi trường trong thương mại, các biện pháp phi thuế quan, tự vệ, khẩn cấp, áp thuế chống bán phá giá, thuế tiêu thụ đặc biệt...

(2) Cơ cấu lại thị trường xuất, nhập khẩu:

- Khuyến khích, hỗ trợ, kết nối, tạo điều kiện để các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi sự đứt gãy chuỗi cung ứng do dịch bệnh Covid -19, chủ động tìm nguồn cung cấp nguyên phụ liệu thay thế.

- Hỗ trợ, tạo điều kiện, khuyến khích doanh nghiệp tìm kiếm thị trường mới, đặc biệt các thị trường trong khuôn khổ EVFTA và CPTPP khi dịch bệnh được kiểm soát, thông qua các biện pháp như: Hỗ trợ cung cấp thông tin, kết nối, quảng bá, xúc tiến thương mại; hỗ trợ xây dựng thương hiệu, đáp ứng tiêu chuẩn hàng hóa, dịch vụ; hoàn thiện các quy định quản lý xuất xứ hàng hóa bảo đảm tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu bài bản, nghiêm túc; tạo điều kiện, hỗ trợ doanh nghiệp đáp ứng quy tắc và tiêu chuẩn về xuất xứ hàng hóa, tận dụng được lợi thế từ EVFTA, CPTPP, đồng thời phòng ngừa hiệu quả các hoạt động gian lận thương mại.

- Hoàn thiện thể chế, đơn giản hóa các thủ tục, giảm chi phí xuất, nhập khẩu hàng hóa.

(3) Cơ cấu khu vực doanh nghiệp để kết nối, nâng cấp chuỗi giá trị toàn cầu, nâng cao năng lực cạnh tranh

- Hỗ trợ các doanh nghiệp thuộc một số ngành phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu đầu vào nhập khẩu như dệt may, kim loại chế tạo, ô tô cơ cấu lại nguồn nguyên liệu, vật liệu, linh phụ kiện.

- Tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ và một số ngành công nghiệp vật liệu cơ bản quan trọng như thép chế tạo, vải, vật liệu mới... để khắc phục sự phụ thuộc vào nguồn nguyên vật liệu, linh phụ kiện đầu vào nhập khẩu, trong đó:

+ Tăng cường các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư vượt trội thu hút chuyển dịch đầu tư các ngành sản xuất (trong đó có sản xuất linh phụ kiện) từ Trung Quốc sang Việt Nam;

+ Tập trung chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ, gia tăng tỷ lệ nội địa hóa các sản phẩm chế tạo, giảm dần phụ thuộc vào nguồn cung nguyên liệu từ nước ngoài như các ngành thép chế tạo, vải, vật liệu mới... Tập trung hỗ trợ nâng cao năng lực khu vực doanh nghiệp thông qua các giải pháp hỗ trợ về tín dụng, nguồn nhân lực, đổi mới sáng tạo và phát triển thị trường cũng như các ưu đãi về thuế và đất đai. Triển khai có hiệu quả các quy hoạch vùng nguyên liệu cho các ngành công nghiệp ưu tiên, đặc biệt là đối với các ngành công nghiệp như: dệt may, da giày, chế biến thực phẩm.

- Phát triển nhanh, chuyên sâu một số ngành công nghiệp nền tảng (cơ khí, chế tạo, năng lượng…), ngành chiến lược có lợi thế cạnh tranh (như công nghệ thông tin, công nghiệp điện tử, chế tạo thông minh...).

- Khuyến khích, tạo điều kiện hình thành các tập đoàn kinh tế lớn trong nước trong lĩnh vực công nghiệp (cơ khí, chế tạo, điện máy…) có vai trò dẫn dắt phát triển ngành và có khả năng cạnh tranh trên thị trường khu vực và thế giới.

- Thúc đẩy tăng năng suất, chất lượng trên cơ sở đổi mới sáng tạo, công nghệ, năng lực quản trị và chuyển đổi số, đặc biệt là trong chế biến, chế tạo của khu vực doanh nghiệp Việt.

Đối với các địa phương

- Xác định lợi thế và tiềm năng của địa phương để định hướng phát triển doanh nghiệp, tạo động lực tăng trưởng bứt phá, bền vững cho địa phương.

- Chủ động xây dựng, lồng ghép các nhiệm vụ, giải pháp trong Kế hoạch phát triển bền vững doanh nghiệp khu vực tư nhân đến năm 2025, tầm nhìn 2030 vào các chương trình, kế hoạch, đề án hỗ trợ phát triển doanh nghiệp của địa phương.

- Xây dựng lộ trình thực hiện, bố trí nhân lực, ngân sách hàng năm để triển khai thực hiện chính sách, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn.

- Đổi mới phương pháp theo dõi, đánh giá tình hình doanh nghiệp, nắm bắt các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp và kịp thời có các giải pháp, kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

- Nâng cao hiệu lực, hiệu quả của quản lý nhà nước trong phát triển doanh nghiệp, đặc biệt là đơn giản hóa thủ tục hành chính tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận thuận lợi, hiệu quả với nguồn hỗ trợ, ưu đãi...

Đối với doanh nghiệp

Tăng cường đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến trong sản xuất kinh doanh, đặc biệt các công nghệ lõi có tính tiên phong.

Chủ động đổi mới tư duy kinh doanh, nâng cao năng lực quản trị, năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh của sản phẩm, dịch vụ; chuẩn hóa sản xuất kinh doanh để đáp ứng các yêu cầu, tiêu chí của các thị trường quốc tế.

Tăng cường liên kết, hợp tác kinh doanh phát triển các chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm, dịch vụ, tiến tới nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.

Đổi mới mô hình sản xuất kinh doanh gắn với mục tiêu phát triển bền vững: sản xuất sạch, xanh, tiết kiệm, sử dụng hiệu quả năng lượng, bảo vệ môi trường, hướng tới nhóm người yếu thế trong xã hội…

Đối với các tổ chức, hiệp hội doanh nghiệp

- Phối hợp tích cực với các cơ quan quản lý nhà nước để khuyến nghị chính sách khuyến khích doanh nghiệp nâng cao trách nhiệm xã hội, tăng cường tham gia thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của quốc gia.

- Chủ động tìm kiếm nguồn lực, xây dựng và triển khai các sáng kiến thúc đẩy phát triển các mô hình kinh doanh bền vững, nhân rộng những mô hình kinh doanh giúp giải quyết các thách thức phát triển bền vững.

- Xây dựng các chương trình, biện pháp cụ thể, khả thi để tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động, thực hiện tốt vai trò hỗ trợ các doanh nghiệp hội viên, là cầu nối hiệu quả giữa doanh nghiệp và Chính phủ./.

 
                                                   (Nguồn: Tổng cục Thống kê)