Phát triển ngành công nghiệp ô tô: Những vấn đề đặt ra

|

Phát triển ngành công nghiệp ô tô: Những vấn đề đặt ra

Nhiều năm qua, Việt Nam đã cố gắng xây dựng một ngành công nghiệp ô tô với mục tiêu sản xuất thay thế nhập khẩu và từng bước tiến tới xuất khẩu. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển ngành công nghiệp ô tô còn tồn tại nhiều vấn đề cần giải quyết

Phát triển ngành công nghiệp ôtô - Những vấn đề đặt ra

Việt Nam là quốc gia có trên 96 triệu dân, kinh tế phát triển, đời sống ngày càng nâng cao do đó nhu cầu sử dụng ôtô ngày càng nhiều, đủ để các doanh nghiệp ôtô đầu tư sản xuất với quy mô lớn. Tuy nhiên, hiện nay dung lượng thị trường trong nước chưa phát triển so với tiềm năng, do ngành công nghiệp ô tô Việt Nam chưa đủ các điều kiện về thị trường cũng như các yếu tố khác để phát triển như các quốc gia trong khu vực. Hiện, Việt Nam chỉ có hơn 350 doanh nghiệp sản xuất liên quan đến ô tô, với tổng công suất lắp ráp thiết kế khoảng 680.000 xe/năm. Trong số 350 doanh nghiệp sản xuất liên quan đến ô tô, có hơn 40 doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô; 45 doanh nghiệp sản xuất khung gầm, thân xe, thùng xe; 214 doanh nghiệp sản xuất linh kiện, phụ tùng ô tô... với sản lượng sản xuất lắp ráp trong nước đáp ứng khoảng 70% nhu cầu xe dưới 9 chỗ ngồi trong nước. Theo kế hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam, đến năm nay, tỷ lệ giá trị sản xuất đối với ô tô đến 9 chỗ ngồi là 30-40% và khoảng 40-45% năm 2025; tương tự ô tô từ 10 chỗ ngồi trở lên đạt 35-45% và 50-60% vào năm 2025; Đối với ô tô tải, tỷ lệ này phải đạt 30-40% và 45-55% năm 2025. Nhưng sau gần 20 năm phát triển, tỷ lệ nội địa hóa của xe ô tô sản xuất tại Việt Nam còn rất thấp, đa số chưa đạt mục tiêu đề ra và thấp hơn nhiều so với tỷ lệ trung bình của các nước trong khu vực. Cụ thể, xe tải dưới 7 tấn đạt tỷ lệ nội địa hóa trung bình trên 20%; xe khách từ 10 chỗ ngồi trở lên, xe chuyên dụng đạt tỷ lệ 45- 55%. Riêng đối với xe cá nhân đến 9 chỗ ngồi, tỷ lệ nội địa hóa bình quân mới đạt 7-10% (trừ dòng xe Innova của Toyota đạt 37%). Ngoài ra, các sản phẩm đã được nội địa hóa mang hàm lượng công nghệ rất thấp như: Săm, lốp ô tô, ghế ngồi, gương, kính, bộ dây điện, ắc- quy, sản phẩm nhựa… và chưa làm chủ được các các công nghệ cốt lõi như: Động cơ, hệ thống điều khiển, truyển động,..

 

 
                                                                           Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Vấn đề sức ép thị trường cạnh tranh cũng đang làm ngành công nghiệp ô tô gặp nhiều khó khăn. Nếu trước đây, Việt Nam phải nhập khẩu toàn bộ xe ôtô từ nước ngoài để đáp ứng nhu cầu trong nước, thì đến nay, một phần nhu cầu đã được doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp trong nước đáp ứng. Trên thị trường, ngoài lượng xe ôtô nhập khẩu tăng liên tục, các doanh nghiệp sản xuất ô tô Việt Nam cũng đang tìm cách mở rộng chủng loại sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu. Năm 2019, thị trường ô tô Việt Nam đạt quy mô 430 nghìn xe các loại. Dự báo của các doanh nghiệp cho thấy, thị trường ô tô năm 2020 sẽ tiếp tục tăng trưởng 15%, trong đó phân khúc xe con từ 9 chỗ ngồi trở xuống tăng khoảng 20% và thị trường ô tô có thể đạt quy mô 500 nghìn xe. Các nhãn hiệu ôtô trên thị trường Việt Nam ngày càng đa dạng và phong phú về chủng loại, đến từ nhiều hãng lớn trên thế giới đã góp mặt tại thị trường Việt Nam như: Toyota, Hyundai, Kia, Mazda, Honda, GM, Ford, Nissan… Tuy nhiên, hiện nay do lượng xe nhập khẩu về nhiều khiến cho doanh nghiệp sản xuất ô tô trong nước gặp nhiều khó khăn. Cùng với đó, thị trường xuất khẩu của các doanh nghiệp sản xuất ô tô Việt Nam cũng đang phải chịu sự cạnh tranh gay gắt đặc biệt từ các đối thủ cạnh tranh như: Trung Quốc, Ấn Độ và các nước ASEAN nên nhiều mẫu xe đã phải ngừng sản xuất lắp ráp trong nước để chuyển sang nhập khẩu. Năm 2019 là năm kỷ lục đối với kim ngạch nhập khẩu ô tô nguyên chiếc với giá trị đạt khoảng 3 tỷ USD.

Về hoạt động sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước tuy đạt được những kết quả nhất định song vẫn chưa đạt được tiêu chí của ngành sản xuất ô tô thực sự, phần lớn mới chỉ ở mức độ lắp ráp đơn giản; chưa tạo được sự hợp tác - liên kết và chuyên môn hóa giữa các doanh nghiệp sản xuất - lắp ráp và sản xuất phụ tùng, linh kiện; chưa hình thành được hệ thống các nhà cung cấp nguyên vật liệu và sản xuất linh kiện quy mô lớn. Để làm ra được một chiếc ô tô phải cần từ 30.000 - 40.000 chi tiết, linh kiện khác nhau. Vì vậy, ngành công nghiệp ô tô cần sự hợp tác của rất nhiều ngành công nghiệp khác như: Ngành cơ khí chế tạo, ngành điện tử, ngành công nghiệp hoá chất… Song việc liên kết giữa các ngành sản xuất còn lỏng lẻo, chưa có sự kết hợp chặt chẽ nên hiệu quả chưa cao. Đến nay chỉ có số ít nhà cung cấp trong nước có thể tham gia vào chuỗi cung ứng của các nhà sản xuất, lắp ráp ô tô tại Việt Nam. So với Thái Lan, quốc gia này có gần 700 nhà cung cấp cấp 1, thì Việt Nam chỉ có chưa đến 100 nhà cung cấp. Thái Lan có khoảng 1.700 nhà cung cấp cấp 2 và 3 thì Việt Nam chỉ có chưa đến 150 nhà cung cấp.

Theo các chuyên gia, nguyên nhân dẫn đến sự yếu kém ở ngành công nghiệp phụ trợ một phần là do trình độ công nghệ kỹ thuật còn nhiều hạn chế nên chưa đáp ứng được yêu cầu khắt khe của các liên doanh. Một nguyên nhân khác là do thiếu chuyên môn hoá sản xuất, dẫn đến linh kiện sản xuất tại Việt Nam có giá cao hơn các nước trong khu vực từ 2-3 lần. Hàng năm, Việt Nam phải nhập khẩu khoảng 2 - 3,5 tỷ USD các linh kiện, phụ tùng phục vụ cho sản xuất lắp ráp và sửa chữa ô tô, chủ yếu là các nhóm sản phẩm công nghiệp hỗ trợ (CNHT) có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao.

Bên cạnh đó, môi trường sản xuất kinh doanh của ngành công nghiệp ô tô còn thiếu chính sách đột phá và còn tồn tại một số hạn chế, ví dụ: Đối với Chính sách tín dụng, hiện các doanh nghiệp FDI hoạt động trong cùng lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ thường vay vốn từ công ty mẹ, hoặc từ ngân hàng nước ngoài với lãi suất chỉ 1%-3%, trong khi các doanh nghiệp Việt Nam phải vay lãi suất 8%-10%. Sự chênh lệch lớn này đã làm triệt tiêu sự cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước và làm các doanh nghiệp Việt Nam khó tiếp cận các khoản vay dài hạn để mở rộng sản xuất, đầu tư tiếp nhận công nghệ mới. Theo Nhóm công tác về ô tô xe máy của Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF), các hàng rào kỹ thuật hay hàng rào hành chính sẽ không thể giải quyết hiệu quả và tạo ra sự cân bằng hợp lý giữa xe nhập khẩu nguyên chiếc với xe lắp ráp trong nước, cũng như không tạo điều kiện phù hợp để thị trường phát triển lành mạnh. Chỉ có các giải pháp về thuế nên được triển khai để tạo ra sức cạnh tranh cho xe trong nước về lâu dài.

Ngoài ra, khó khăn lớn nhất của ngành công nghiệp ôtô Việt Nam là quy mô thị trường nhỏ bé chỉ bằng 1/4 hoặc 1/5 so với Thái Lan và Indonesia; tỷ lệ khấu hao cao, sản lượng tiêu thụ thấp nên giá xe ô tô sản xuất và lắp ráp tại Việt Nam cao hơn nhiều so với giá xe khu vực và thế giới. Đó là chưa kể, kinh nghiệm và năng lực của nhà sản xuất thấp; kỹ năng, trình độ chuyên môn sâu của người lao động ở những mặt hàng phức tạp, đòi hỏi tay nghề cao còn hạn chế.

Giải pháp thúc đẩy phát triển

Để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp ô tô thời gian tới cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:

Một là, Chính phủ cần sớm có các chính sách thúc đẩy thị trường ô tô tăng trưởng ổn định và dài hạn. Cốt yếu vẫn là chính sách thuế ưu đãi, thuế tiêu thụ đặc biệt để tạo ra sức cạnh tranh cho ngành sản xuất    ô tô trong nước; cần có cơ chế tổng thể kiểm tra, giám sát, định hướng hoạt động của các liên doanh theo đúng cam kết, phát triển nội địa hoá theo đúng tiến độ quy định, hạn chế những liên doanh chỉ khai thác thị trường, lợi dụng các chính sách ưu đãi ban đầu...

Hai là, nghiên cứu, rà soát, cải cách các chính sách thuế, phí (thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc và linh, phụ kiện; thuế tiêu thụ đặc biệt...) bảo đảm khả thi và ổn định lâu đài, phù hợp với các cam kết quốc tế trong quá trình hội nhập. Hoàn thiện đồng bộ các cơ chế, chính sách liên quan nhằm đạt những mục tiêu phát triển của công nghiệp ô tô, đặc biệt đối với những dự án đầu tư sản xuất xe thân thiện môi trường. Bảo đảm nhất quán, ổn định hệ thống chính sách trong thời gian tối thiểu 10 năm, phù hợp với xu thế hội nhập để tạo sự tin tưởng đối với người tiêu dùng và nhà sản xuất, làm tiền đề cho các hoạt động đầu tư.

Ba là, tiếp tục thực hiện, cụ thể hóa một số nội dung của Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035. Nghiên cứu thiết lập các điều kiện kinh doanh cần thiết đối với ô tô nhập khẩu; đồng thời hoàn thiện, bổ sung tiêu chuẩn kỹ thuật tối thiểu đối với ô tô sản xuất trong nước để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, phù hợp với thông lệ quốc tế.

Bốn là, điều chỉnh các chính sách về thuế và phí để giúp các DN giảm chi phí, dẫn đến giảm giá xe, người dân có nhiều cơ hội để sở hữu ô tô. Song song với chính sách mở rộng phát triển cần có những chính sách bảo vệ thị trường trước sự phát triển nhanh chóng của xe nhập khẩu. Cần kiểm soát chặt chẽ hơn đối với việc quản lý xe nhập khẩu, nhất là hạn chế gian lận thương mại.

Năm là, cần xây dựng danh mục các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ô tô, từ đó, giúp cho các nhà hoạch định chính sách, các công ty có sự nhìn nhận rõ ràng về công nghiệp hỗ trợ ô tô. Bên cạnh đó, việc xây dựng danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ bao gồm cả việc đánh giá mức độ công nghệ, hàm lượng kỹ thuật trong sản phẩm là cần thiết, để từ đó có thể định vị Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu đối với quá trình sản xuất ô tô.

Sáu là, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước có các dự án chuyển giao công nghệ và khuyến khích chuyển giao công nghệ tiên tiến vào Việt Nam. Hỗ trợ chi phí mua bản quyền cho các doanh nghiệp trong nước để phát triển ngành hỗ trợ công nghiệp ô tô. Khuyến khích các công ty trong và ngoài nước thiết lập các quy trình quản lý chất lượng, bảo vệ môi trường theo các tiêu chuẩn quốc tế.

Bảy là, các công ty phải có chính sách đào tạo, bồi dưỡng cán bộ từ những kiến thức cơ bản đến những kiến thức chuyên ngành. Chú trọng đào tạo các kỹ sư, công nhân có trình độ tay nghề vững vàng, tạo điều kiện cho các cán bộ chủ chốt đi đào tạo ở các nước chính hãng theo định kỳ để không ngừng cập nhật nâng cao kiến thức chuyên ngành./.

Linh An