Thách thức giải ngân vốn ODA năm 2020

|

Thách thức giải ngân vốn ODA năm 2020

Theo báo cáo của Bộ Tài chính tại Hội nghị với các bộ, ngành về giải ngân vốn đầu tư công nguồn vốn vay nước ngoài (ODA) của Chính phủ, 8 tháng đầu năm 2020, tỉ lệ giải ngân vốn ODA của các bộ mặc dù đã được cải thiện, ước thực hiện hết tháng 8/2020 là 3.742 tỷ đồng, đạt 21,64% dự toán được giao, cao hơn tỷ lệ giải ngân của cùng kỳ năm 2019, tuy nhiên, nếu so với kết quả giải ngân vốn đầu tư trong nước hiện là 40% kế hoạch thì tỉ lệ giải ngân ODA thấp hơn đáng kể. Tính đến thời điểm tháng 8 năm nay, có 9 bộ, ngành đề nghị trả lại vốn ODA (trong đó có 8 bộ đã có văn bản chính thức) với tổng vốn 3.700 tỷ đồng, chiếm 32% dự toán được giao.
 
Ảnh minh họa, nguồn Internet

Cụ thể, ngay sau nhận được quyết định giao vốn 3.600 tỷ đồng thực hiện 25 dự án ODA, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nhanh chóng phân bổ vốn để thực hiện giải ngân. Tuy nhiên, căn cứ vào hiệp định vay, thỏa ước với các nhà tài trợ, kế hoạch vốn vay 2020 có thể giải ngân đến ngày 31/1/2021 của 25 dự án trên chỉ khoảng 1.830 tỷ đồng. Do đó Bộ đã đề nghị điều chuyển số vốn hơn 1.800 tỷ đồng kế hoạch vốn nước ngoài đã giao sang các bộ, ngành và địa phương khác.
 
Đối với Bộ Tài nguyên và Môi trường, tổng kế hoạch vốn vay được giao trong năm là 619 tỷ đồng. Mặc dù đã thực hiện phân bổ 100% kế hoạch vụ được giao cho các dự án ngay từ đầu năm 2020, song đến 20/8/2020, Bộ mới chỉ giải ngân ở mức rất khiêm tốn là 90 tỷ đồng, tương đương 13% tổng vốn được giao. Trước thực tế này, Bộ xin được hoàn trả 330 tỷ đồng vốn vay của nước ngoài.
 
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng gặp không ít khó khăn trong việc giải ngân vốn vay ODA. Tổng dự toán đầu năm Bộ được giao là 341 tỷ đồng và vốn chuyển sang từ năm 2019 là 95 tỷ đồng. Song theo báo cáo của các ban quản lý dự án tại địa phương, tính đến tháng 8/2020 mới giải ngân được 79 tỷ đồng (trong đó chủ yếu là vốn của năm 2019 là 61 tỷ đồng và năm 2020 chỉ là 18 tỷ đồng). Với tiến độ giải ngân như hiện nay, bộ cũng đã có văn bản đề nghị trả lại 87 tỷ đồng vốn được giao năm 2020.
 
Bên cạnh đó, Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam đề nghị hủy số tiền 300 tỷ đồng/400 tỷ đồng dự kiến bố trí cho Dự án Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội do Dự án giải ngân quá chậm; Ban quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc đề nghị giảm 50 tỷ đồng vốn nước ngoài đã giao cho Dự án Phát triển hạ tầng Khu công nghệ cao Hòa Lạc để bổ sung cho các dự án khác cần vốn.
 
Tiến độ giải ngân vốn ODA tại các địa phương cũng không mấy khả quan. Trong 8 tháng đầu năm nay, tỷ lệ giải ngân vốn vay nước ngoài của các địa phương ước chỉ đạt 22% so với dự toán giao. Mặc dù tốc độ giải ngân của tháng 7 và tháng 8/2020 so với 6 tháng đầu năm có tích cực hơn, bình quân tăng 16%, nhưng theo đánh giá, tỷ lệ giải ngân đến nay so với cùng kỳ các năm trước và yêu cầu quản lý vẫn đạt ở mức khiêm tốn, thể hiện qua những con số được báo cáo tại Hội nghị “Giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài của Chính phủ 8 tháng đầu năm 2020” giữa Bộ Tài chính và các địa phương.
 
Ảnh minh họa, nguồn Internet

Năm 2020, Hà Nội được giao 9 dự án ODA với tổng vốn kế hoạch là khoảng 6.982 tỷ đồng, trong đó vốn ODA được giao là 5.235 tỷ đồng và vốn đối ứng là 735 tỷ đồng. Ngoài ra, kế hoạch vốn ODA cấp phát chuyển của năm 2019 sang là 1.010 tỷ đồng. Tuy nhiên, tính đến hết tháng 8/2020, Hà Nội mới giải ngân được 1.657 tỷ đồng, đạt 27,75% kế hoạch. Bên cạnh đó, giá trị giải ngân kế hoạch năm 2019 nguồn vốn ODA cấp phát đạt 340 tỷ đồng, bằng 39,56% kế hoạch.

Trong khi đó tại TP Hồ Chí Minh, giải ngân vốn ODA, vốn vay lại nước ngoài trong 8 tháng qua đạt khoảng 4.637,4 tỷ đồng, bằng 44,2% kế hoạch, vốn ODA cấp phát từ Trung ương đã giải ngân hơn 1.399 tỷ đồng, đạt 27,7% kế hoạch. Nếu so với yêu cầu của Chính phủ và tiến độ triển khai các dự án theo cam kết với các nhà tài trợ thì kết quả giải ngân của địa phương này vẫn chưa đạt yêu cầu và chưa trở thành nhân tố then chốt vực dậy nền kinh tế trong bối cảnh dịch Covid -19 diễn biến phức tạp.

Tốc độ giải ngân vốn vay ODA của Thừa Thiên - Huế tính đến tháng 8/2020 cũng mới chỉ đạt được 375 tỷ đồng/1.376 tỷ đồng (đạt 27,3%) kế hoạch được giao trong năm 2020. Lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh cho biết, tiến độ giải ngân vốn vay nước ngoài của địa phương đến tháng 8 đạt 44% kế hoạch.

 
Theo phân tích, chậm giải ngân vốn vay ODA xuất phát từ cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Đánh giá từ góc độ khách quan cho thấy, một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến tình hình giải ngân vốn ODA ở các bộ và địa phương chậm là bởi các dự án sử dụng vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài bị chậm tiến độ do chịu tác động của đại dịch Covid-19, các chuyên gia nước ngoài, nhà thầu giám sát nước ngoài không thể sang để làm việc. Bên cạnh đó, một số dự án hiện đang phụ thuộc vào nguyên vật liệu, thiết bị nhập từ nước ngoài trong khi tình hình nhập khẩu gặp nhiều khó khăn. Ví dụ như Bộ Giao thông vận tải (GTVT), mặc dù được đánh giá là đơn vị giải ngân đạt tiến độ khá nhanh, dự kiến đến hết tháng 8/2020 đạt khoảng 51% kế hoạch vốn giao; trong đó giải ngân vốn ODA đạt 41,7%. Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ cho biết, so với kế hoạch thì tỷ lệ giải ngân trên được cho là chưa đạt được như kỳ vọng, mục tiêu mà nguyên nhân là do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên các chuyên gia nước ngoài không tới hỗ trợ kỹ thuật thiết kế… ảnh hưởng đến công tác đấu thầu, giao thầu dự án. Tình trạng này xảy ra tương tự ở Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT).
 
Một yếu tố khách quan khác cũng ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các dự án ODA nói chung là do phải chờ các nhà tài trợ có ý kiến không phản đối về các gói thầu, đối với từng hoạt động. Do đó, thủ tục đầu tư của các dự án ODA, sử dụng vốn vay ưu đãi thường dài hơn các dự án đầu tư công trong nước.

Một trong những nguyên nhân chủ yếu nữa là do bên cạnh việc thực hiện giải ngân theo kế hoạch vốn năm 2020, các bộ, ngành, địa phương còn phải tập trung giải ngân dự toán đã được giao của năm 2019. Trong 8 tháng đầu năm 2020, các bộ, ngành đã giải ngân phần vốn được kéo dài, chuyển nguồn của năm 2019 lên tới 2.420 tỷ đồng. Ngoài ra, một số dự án mới được phê duyệt chưa thể giải ngân, do việc chậm hoàn chứng từ đối với các khoản Chính phủ Việt Nam đã nhận nợ với nhà tài trợ nước ngoài, thủ tục thanh quyết toán hay thủ tục điều chỉnh các dự án và thủ tục pháp lý khác; Chậm giải phóng mặt bằng, vướng mắc trong tái định cư, giải quyết tranh chấp giữa chủ đầu tư và nhà thầu, các vướng mắc trong việc thực hiện các cơ chế chính sách mới cũng ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân.

 
Giải ngân là một nhân tố quan trọng thúc đẩy kinh tế năm 2020 và tạo đà những năm tiếp theo, nhất là trong bối cảnh đất nước đang chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19. Thời gian còn lại của năm 2020 không nhiều, với tiến độ giải ngân như trên thì nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài của Chính phủ đặt ra là khá nặng nề và là thách thức cho tất cả các bộ, ngành, địa phương. Chính vì vậy để bảo đảm phối hợp hoàn thành mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 theo chỉ đạo của Chính phủ, vẫn rất cần có những biện pháp thật sự cụ thể và mạnh mẽ.
 
Đối với các bộ, cơ quan Trung ương, cần coi việc hoàn thành kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 là nhiệm vụ chính trị quan trọng và có cam kết tiến độ giải ngân vốn đầu tư công nguồn ODA, vay ưu đãi nước ngoài ở mức độ 100% dự toán được giao, làm cơ sở đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ.

Đối với số vốn nước ngoài đã phân bổ các năm trước còn lại, nếu có khả năng giải ngân, các bộ, ngành cần sớm tổng hợp kế hoạch đầu tư công còn thiếu. Đặc biệt, các bộ cần chủ động đề xuất cắt, giảm, điều chuyển đối với trường hợp không có khả năng hoàn thành khối lượng dự án theo tiến độ đặt ra và thực hiện cắt giảm, chuyển giao kế hoạch vốn đã được giao. Đồng thời khẩn trương hoàn tất các thủ tục về đầu tư, xây dựng, về di dân, tái định cư, giải phóng mặt bằng để triển khai thực hiện dự án, giải quyết các khó khăn vướng mắc trong việc đấu thầu hợp đồng, đặc biệt là các tranh chấp hợp đồng để có khối lượng hoàn thành, đủ điều kiện thanh toán. Cần rà soát đề xuất trình những chương trình, dự án cần điều chỉnh chủ trương đầu tư.

Bên cạnh đó, các bộ, ngành cần bố trí đủ vốn đối ứng để thanh toán theo dự toán được giao, khẩn trương hoàn thiện hồ sơ thanh toán để kiểm soát chi theo chế độ quy định.

 
Đối với các địa phương, cần khẩn trương phân bổ chi tiết dự toán còn lại đến từng dự án, đảm bảo sát tiến độ, nhu cầu giải ngân của dự án. Chỉ đạo các chủ dự án khẩn trương hoàn tất các thủ tục đối với khối lượng công việc đã hoàn thành. Đối với các dự án giải ngân theo kết quả đầu ra, các địa phương cần làm việc chặt chẽ với các cơ quan chủ quản chương trình, dự án (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Xây dựng) để tiến hành kiểm đếm ngay cho từng dự án.

Trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ trên, Bộ Tài chính xác định rõ trách nhiệm lớn trong việc phối hợp với các bộ, ngành và địa phương để có những biện pháp xử lý các vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công một cách kịp thời, góp phần trong các nỗ lực bình ổn kinh tế vĩ mô, thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ./.

 
Kim Hải