Để doanh nghiệp nâng cao hiệu suất lao động, năng lực cạnh tranh và tạo ra các giá trị bền vững trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, làn sóng cách mạng công nghiệp 4.0 có sức lan tỏa mạnh mẽ cùng sự cạnh tranh ngày một gay gắt... thì thực hiện ĐMST là đòi hỏi tất yếu.
Đổi mới sáng tạo lan tỏa trong cộng đồng doanh nghiệp
Trong định hướng xây dựng ĐMST quốc gia của Việt Nam, doanh nghiệp đóng vai trò trung tâm và luôn nhận được sự quan tâm của Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương, thể hiện qua việc xây dựng và thực hiện các cơ chế, chính sách, hoạt động hỗ trợ trong những năm gần đây. Trong đó, có sự thành lập của Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) với tầm nhìn trở thành trung tâm ĐMST hàng đầu khu vực, làm cầu nối giữa các nhà đầu tư trong, ngoài nước và các doanh nghiệp ĐMST Việt Nam, từ đó góp phần thúc đẩy hệ sinh thái ĐMST, nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Các cơ chế, chính sách ưu tiên của NIC như ưu đãi thuế, tài chính, pháp lý và đặc biệt là tiếp cận với mạng lưới các nhân tài, các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo… hướng đến nhóm đối tượng hưởng lợi chủ yếu là các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Bên cạnh đó, một số tỉnh, thành phố (Hà Nội, Bà Rịa-Vũng Tàu, Lâm Đồng và Cần Thơ) cũng đã chủ động xây dựng kế hoạch, phối hợp với Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ (PTTT&DNKHCN) tổ chức ngày hội khởi nghiệp ĐMST ở quy mô cấp vùng và mang lại kết quả đáng khích lệ, góp phần hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST địa phương.
Với sự đồng hành của Chính phủ, các bộ ngành và địa phương, tinh thần ĐMST đã dần lan tỏa trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Kết quả điều tra thí điểm về hoạt động ĐMST trong các doanh nghiệp của Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia (Bộ Khoa học và Công nghệ) tiến hành trong năm 2018 cho thấy, có tới 61,6% doanh nghiệp cho biết có hoạt động ĐMST; 37,2% doanh nghiệp không có hoạt động ĐMST và 1,2% doanh nghiệp không xác định được đã thực hiện hoạt động ĐMST chưa. Trong khi đó, theo kết quả một khảo sát năm 2019, cả nước có khoảng 3.000 doanh nghiệp ĐMST, trên 350 doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST được hình thành; có hơn 40 quỹ đầu tư hoạt động đầu tư mạo hiểm được thành lập như: Câu lạc bộ Hatch Angels của một số nhà đầu tư thiên thần tại Hà Nội; Câu lạc bộ nhà đầu tư thiên thần thuộc câu lạc bộ doanh nghiệp dẫn đầu tại TP.Hồ Chí Minh; Quỹ Khởi nghiệp doanh nghiệp KHCN Việt Nam, Quỹ Ươm mầm hành động do các nhà đầu tư người Việt Nam ở nước ngoài khởi xướng...
ĐMST trong các doanh nghiệp được thể hiện rõ qua sự chuyển động tích cực và mạnh mẽ từ trong chính tư duy và hành động cụ thể của các nhà quản lý - những người đang chèo lái con thuyền và đưa doanh nghiệp tới mục tiêu phát triển. Các doanh nghiệp hiện đã dành sự quan tâm và đầu tư nhiều hơn cho việc đẩy mạnh nghiên cứu thị trường nói riêng và nghiên cứu phát triển (R&D) nói chung giúp tăng hàm lượng công nghệ cho sản phẩm, quá trình và dịch vụ mới, có tính cải tiến để đáp ứng nhu cầu của khách hàng và thị trường ngày một tốt hơn. Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, tỷ lệ phần trăm chi của doanh nghiệp cho R&D so với tổng chi R&D của cả nước tăng liên tục trong những năm gần đây, năm 2015 tỷ lệ này là 28,4%, đến năm 2019 là 64,1%.
ĐMST còn thể hiện ở việc các doanh nghiệp tận dụng sức mạnh của công nghệ, thực hiện chuyển đổi số một cách mạnh mẽ và phát triển các mô hình kinh doanh mới. Kết quả khảo sát của Viện Năng suất Việt Nam cho thấy, đến nay có khoảng 43% doanh nghiệp quan tâm tới đổi mới khoa học công nghệ. Bên cạnh đó, theo báo cáo từ các địa phương, năm 2019, cả nước có gần 14.000 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh có hoạt động đổi mới công nghệ; 161 doanh nghiệp được tỉnh phê duyệt kinh phí hỗ trợ đổi mới công nghệ; 90 công nghệ được chuyển giao, đưa vào ứng dụng; 72 hợp đồng chuyển giao công nghệ được thực hiện với tổng giá trị là 3,7 tỷ đồng. Một số dự án tiêu biểu có thể kể đến là: Dự án phát triển công nghệ, thiết bị sản xuất gạch không nung tại các địa phương Hải Phòng, Hòa Bình, Tuyên Quang, Thanh Hóa; Robot được sử dụng để thay thế lao động phổ thông tại trang trại Công ty TNHH MTV Bò sữa Thống Nhất Thanh Hóa; Công nghệ cảm biến kết nối internet vạn vật Công ty Cổ phần Lam Sơn...
Một trong những tên tuổi tiêu biểu đi đầu trên hành trình số hóa doanh nghiệp được nhắc đến là Hòa Phát. Tập đoàn này đã và đang từng bước hoàn thiện toàn bộ quy trình sản xuất, đổi mới công nghệ và số hóa các khâu vận hành, quản lý thiết bị, vật tư sản xuất, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm thép của mình và khẳng định thương hiệu trên thị trường khu vực và quốc tế. Chuyển đổi số không chỉ diễn ra ở các doanh nghiệp quy mô lớn mà còn ở các doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ tại Việt Nam. Theo kết quả khảo sát của công ty hàng đầu thế giới về công nghệ thông tin và kết nối mạng Cisco, hiện có tới 72% doanh nghiệp nhỏ và vừa đang tìm cách chuyển đổi số để đưa các sản phẩm và dịch vụ mới ra thị trường, tăng đáng kể so với mức 32% của năm 2019. Bên cạnh đó, 72% số doanh nghiệp cũng nhận ra sự cạnh tranh đang thay đổi và họ phải bắt kịp tốc độ, trong khi 46% cho biết họ thực hiện chuyển đổi do yêu cầu từ phía khách hàng.
Chuyển động số trong các doanh nghiệp càng thể hiện rõ nét hơn trong thời gian Việt Nam phải chống chọi với dịch bệnh Covid-19, theo đó, hàng loạt các giải pháp công nghệ thông tin ra đời, phát triển đã mang đến giải pháp tối ưu, tiết kiệm, tăng tính cạnh tranh cho doanh nghiệp như trung tâm liên lạc, số hóa tài liệu, hóa đơn điện tử, ký số, hệ thống giám sát, họp trực tuyến qua các ứng dụng MobiFone Meeting, MobiFone e-Office... Cùng với đó là sự xuất hiện ngày một nhiều hơn các hoạt động, dịch vụ mới như giáo dục trực tuyến, xuất nhập khẩu trực tuyến, chợ thương mại điện tử, các ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt…
Xác định con người là giá trị cốt lõi trong công cuộc ĐMST, do đó những năm gần đây, các doanh nghiệp cũng chú trọng và dành nhiều đầu tư hơn thực hiện các giải pháp đào tạo, quản trị nguồn nhân lực để xây dựng lực lượng lao động chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của sự phát triển doanh nghiệp và hội nhập quốc tế. Song song với chính sách tuyển dụng, các doanh nghiệp tập trung xây dựng kế hoạch đào tạo bài bản, cụ thể, toàn diện hằng năm cũng như dài hạn. Điều đáng chú ý là nhiều doanh nghiệp đã bắt tay cùng các cơ sở đạo tạo thực hiện đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là trong lĩnh vực khoa học và công nghệ. Đơn cử là tháng 7/2020, Quỹ Đổi mới sáng tạo VinIF (thuộc Viện Nghiên cứu Dữ liệu lớn - VinBigdata) - Tập đoàn Vingroup đã ký kết Hợp tác đào tạo thạc sĩ Khoa học dữ liệu với 5 trường Đại học, Viện nghiên cứu đầu ngành của Việt Nam gồm: Trường Đại học Quy Nhơn, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Viện Toán học - Viện Hàn lâm Khoa học & Công nghệ Việt Nam, Viện John von Neumann - Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh và Trường Đại học Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc Gia Hà Nội với mục tiêu xây dựng các chương trình đào thạc sĩ Khoa học dữ liệu, Toán ứng dụng kết hợp lý thuyết chuyên sâu và thực tiễn tiến tới đạt trình độ quốc tế. Từ đó, thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho Tập đoàn nói riêng và cộng đồng doanh nghiệp nói chung.
Những tháng đầu năm 2020, các doanh nghiệp là đối tượng chịu tác động nặng nề từ dịch bệnh Covid-19, tuy nhiên, đây cũng là thời điểm ĐMST tỏ rõ vai trò của mình giúp các doanh nghiệp “vực dậy” hậu Covid-19. Trong 10 tháng đầu năm, trước những tác động tiêu cực của dịch bệnh, cả nước có khoảng 85,6 nghìn doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động, cùng với đó nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa phải thu hẹp quy mô sản xuất, cắt giảm lao động, thậm chí là phải tạm dừng hoạt động. Mặc dù vậy, nhiều doanh nghiệp đã chủ động đổi mới, nhanh chóng nghiên cứu và triển khai nhiều ứng dụng công nghệ để tăng khả năng tiếp cận khách hàng, thay đổi phương thức kinh doanh, chuyển dịch cơ cấu sản phẩm phù hợp với điều kiện thực tế. Tính chung 10 tháng năm 2020, cả nước có gần 111,2 nghìn doanh nghiệp thành lập mới (số liệu Tổng cục Thống kê), phần lớn trong số đó là các doanh nghiệp dựa trên nền tảng KHCN và ứng dụng KHCN...
Nỗ lực ĐMST trong từng doanh nghiệp đã góp phần đưa nền kinh tế Việt Nam từng bước chuyển sang mô hình phát triển dựa vào ứng dụng mạnh mẽ khoa học, công nghệ và ĐMST, thể hiện qua nhiều yếu tố. Cụ thể, năng suất lao động cải thiện rõ rệt, đến năm 2020 dự báo tăng gần 1,5 lần so với năm 2015, tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2016 - 2020 ước đạt 5,8%/năm, cao hơn giai đoạn 2011 - 2015 (4,3%) và vượt mục tiêu đề ra (5%). Mức đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) tăng cao, bình quân giai đoạn 2016 - 2020 ước đạt 45,21%, vượt mục tiêu đặt ra (30 - 35%). Giai đoạn 2016 - 2019, trung bình mỗi năm có khoảng 126,5 nghìn doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp tăng hơn 1,8 lần so với năm 2015 (theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư).
Bên cạnh đó, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam tiếp tục phát triển trong những năm qua. Theo đánh giá của các tổ chức quốc tế, Việt Nam nằm trong nhóm 3 Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo lớn nhất ASEAN. Trong 10 tháng năm 2019, lượng vốn thu hút được từ 29 thương vụ có công bố đã là 751 triệu USD, quy mô các thương vụ đầu tư lớn ngày càng tăng. Trong đó, thương vụ lớn nhất thuộc lĩnh vực công nghệ tài chính có giá trị lên tới 300 triệu USD, đứng thứ nhất trong số các thương vụ đầu tư vào các công ty công nghệ tài chính khu vực Đông Nam Á.
Đồng thời, Việt Nam cũng đạt được những kết quả tích cực trong việc thực hiện ĐMST quốc gia. Theo Báo cáo chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2020 (GII 2020) được Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) công bố vào tháng 9 vừa qua, năm 2020, Việt Nam duy trì được thứ hạng cao, ghi nhận năm thứ hai liên tiếp xếp thứ 42/131 quốc gia và nền kinh tế trong bảng xếp hạng về chỉ số ĐMST toàn cầu, đã tăng 17 bậc so năm 2016 (vị trí thứ 59). Với thứ hạng này, Việt Nam giữ vị trí số 1 trong nhóm 29 quốc gia có cùng mức thu nhập và đứng thứ 3 khu vực Đông Nam Á.
Đổi mới sáng tạo (ĐMST) là việc tạo ra ứng dụng thành tựu, giải pháp kỹ thuật công nghệ, quản lý để nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng của sản phẩm, hàng hóa. |
Hành trình đổi mới sáng tạo còn những trở ngại
Tuy đã đạt được các kết quả tích cực, song hành trình ĐMST của doanh nghiệp còn gặp khá nhiều trở ngại. Hiện nhiều doanh nghiệp vẫn đang chật vật trước những khó khăn để từng bước chuyển mình trong lộ trình số hóa, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, do các doanh nghiệp còn hạn chế về tài chính, thiếu tầm nhìn và tư duy về chuyển đổi số, chưa đủ kỹ năng để có thể tận dụng cơ hội chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất kinh doanh; còn sự thiếu hụt các công nghệ thiết yếu và thiếu hiểu biết sâu sắc về khách hàng cũng như dữ liệu hoạt động… Đáng chú ý, hiện vẫn còn hơn 70% doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam phản ứng thụ động với những thay đổi của thị trường hoặc mới chỉ thực hiện những bước đi rời rạc.
Dù nhận thức được con người là yếu tố quyết định năng lực ĐMST song đây lại đang là lực cản lớn đối với các doanh nghiệp bởi số doanh nghiệp tổ chức và chi cho đào tạo về ĐMST còn khá khiêm tốn, do chưa thực sự chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực cho ĐMST và còn hạn chế về khả năng tài chính.
“Không ngừng đổi mới sáng tạo, xây dựng thương hiệu văn hóa doanh nghiệp doanh nhân, nâng cao năng lực cạnh tranh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước; Mỗi doanh nghiệp phải là một trung tâm đổi mới, sáng tạo” là thông điệp của Chính phủ tại buổi gặp mặt đoàn đại biểu Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, Câu lạc bộ doanh nhân Sao đỏ vào tháng 10 vừa qua. Để làm được điều đó, bên cạnh việc sự đồng hành sát cánh của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương thông qua việc hoàn thiện thể chế, pháp luật, cải cách mạnh mẽ, nâng cao năng lực cạnh tranh, giảm thiểu chi phí, đơn giản thủ tục hành chính, trước hết các doanh nghiệp cần nhận thức rõ vai trò của ĐMST, nâng cao năng lực quản trị, đẩy mạnh công cuộc chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ mới thông minh, tiên tiến; không ngừng cải thiện năng suất, chất lượng hiệu quả cạnh tranh… Các doanh nghiệp cũng cần tăng cường đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D) cũng như tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đội ngũ nhân sự, lao động giỏi nghề. Đặc biệt, cần đẩy mạnh liên kết với các trung tâm nghiên cứu như các trường đại học, các viện nghiên cứu để tạo ra một lực lượng lao động có chất lượng cao hơn, cũng như kích thích năng lực sáng tạo của đội ngũ này.
Thực hiện tốt những giải pháp trên, ĐMST sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam vững vàng trước sức ép cạnh tranh và hội nhập, tự tin vươn ra biển lớn./.
ThS. Nguyễn Thanh Hòa - ThS. Nguyễn Thanh Hiền
Trường Đại học Đồng Nai
Trường Đại học Đồng Nai