Kinh tế - xã hội Việt Nam năm 2021 thích ứng an toàn, đảm bảo an sinh, phục hồi kinh tế

|

Kinh tế - xã hội Việt Nam năm 2021 thích ứng an toàn, đảm bảo an sinh, phục hồi kinh tế

Năm 2021 là năm thứ hai Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới tiếp tục chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 đến mọi hoạt động kinh tế - xã hội. Chuỗi giá trị toàn cầu đứt gãy, hoạt động sản xuất kinh doanh đình trệ ở một số ngành, lĩnh vực; nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, hoạt động cầm chừng; thu nhập người dân bị ảnh hưởng, nhất là người lao động thuộc khu vực kinh tế phi chính thức; hoạt động y tế bị quá tải, hoạt động giáo dục nhiều nơi, nhiều lúc không thể thực hiện trực tiếp,… Những mảng tối của đời sống kinh tế - xã hội trải rộng toàn cầu, làm gì để vực dậy nền kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, an toàn cho dân là thách thức không nhỏ đối với hầu hết các quốc gia trên thế giới.

 
Ảnh minh họa

Ở Việt Nam, năm 2021, làn sóng dịch Covid-19 bùng phát từ cuối tháng Tư với biến chủng mới có tốc độ lây lan nhanh chóng, nguy hiểm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, an toàn của người dân và phát triển kinh tế - xã hội làm tăng trưởng kinh tế có mức giảm sâu nhất vào quý III vừa qua.

Trước tình hình đó, dưới sự lãnh đạo thống nhất của cả hệ thống chính trị và sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, sát sao, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành những quyết sách kịp thời để phòng, chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 ban hành quy định tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”; cùng với các chính sách bảo đảm an sinh xã hội, sự đồng lòng, nhất trí của các cấp, các ngành, các địa phương; sự đồng tình, ủng hộ, chia sẻ và tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, các hoạt động kinh tế - xã hội quý IV và năm 2021 của nước ta đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ.

Tăng trưởng kinh tế trên đà hồi phục

 
Do dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi lĩnh vực của nền kinh tế, đặc biệt là trong quý III/2021 nhiều địa phương kinh tế trọng điểm phải thực hiện giãn cách xã hội kéo dài để phòng chống dịch bệnh, ước tính GDP năm 2021 chỉ tăng 2,58% (quý I tăng 4,72%; quý II tăng 6,73%; quý III giảm 6,02%; quý IV tăng 5,22%) so với năm trước. Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,90%, đóng góp 13,97% vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 4,05%, đóng góp 63,80%; khu vực dịch vụ tăng 1,22%, đóng góp 22,23%.
 
 
 
Tăng trưởng kinh tế năm 2021 trên đà hồi phục với những điểm sáng các hoạt động như: Sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, xuất nhập khẩu, đầu tư, tài chính, … .

Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2021 diễn ra trong điều kiện thời tiết tương đối thuận lợi, năng suất cây trồng và chăn nuôi đạt khá. Sản lượng lúa tăng 1,1 triệu tấn so với năm 2020, đánh dấu một năm sản xuất lúa thắng lợi với năng suất tăng ở tất cả các mùa vụ. Nhờ đó, đã đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước, đảm bảo an ninh lương thực, phục vụ chế biến và xuất khẩu. Xuất khẩu các sản phẩm nông sản đạt giá trị cao. Kết quả hoạt động năm 2021 của ngành Nông nghiệp đã thể hiện rõ vai trò bệ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu, là cơ sở quan trọng để thực hiện an sinh, an dân trong đại dịch.

Sản xuất công nghiệp trong quý IV/2021 khởi sắc ngay sau khi các địa phương trên cả nước thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, với tốc độ tăng giá trị tăng thêm đạt 6,52% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung cả năm 2021, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 4,82% so với năm 2020, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,37%. Một số sản phẩm công nghiệp chủ lực năm 2021 tăng cao so với năm trước: Thép cán, linh kiện điện thoại, xăng dầu, sữa bột, khí hóa lỏng LPG, sắt, thép thô, ... .

Hoạt động ngân hàng, bảo hiểm với mức tăng trưởng ổn định. Năm 2021, trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã điều hành lãi suất phù hợp, tạo điều kiện để các tổ chức tín dụng tiếp tục giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ nền kinh tế phục hồi. Hoạt động kinh doanh bảo hiểm ổn định; thị trường chứng khoán phát triển mạnh mẽ với mức vốn hóa thị trường cổ phiếu năm 2021 tăng 45,5% so với cuối năm trước. Tính đến thời điểm 24/12/2021, tổng phương tiện thanh toán tăng 8,93% so với cuối năm 2020; huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 8,44%; tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 12,97%.

Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội theo giá hiện hành năm 2021 tăng 3,2% so với năm trước, tuy đây là mức tăng thấp nhất trong nhiều năm qua nhưng là kết quả khả quan trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) phục hồi, vốn đăng ký mới và vốn đăng ký tăng thêm tăng trở lại, cho thấy nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục tin tưởng vào môi trường đầu tư Việt Nam.

Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội quý IV/2021 theo giá hiện hành ước tính đạt 999,8 nghìn tỷ đồng, tăng 6,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó vốn khu vực Nhà nước giảm 2,5%; khu vực ngoài Nhà nước tăng 10,8%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng 4%. Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam, tính đến ngày 20/12/2021 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 31,15 tỷ USD, tăng 9,2% so với năm 2020.

Hoạt động sản xuất kinh doanh tiếp tục phục hồi giúp cho thu ngân sách Nhà nước ước tính cả năm 2021 đạt 1.523,4 nghìn tỷ đồng, vượt dự toán năm. Chi ngân sách Nhà nước tập trung ưu tiên cho công tác phòng, chống dịch Covid-19, khắc phục thiên tai, đảm bảo quốc phòng, an ninh và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Bên cạnh đó, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa tiếp tục là điểm sáng của nền kinh tế với tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước tính đạt 668,5 tỷ USD, tăng 22,6% so với năm trước (trong đó xuất khẩu tăng 19%, nhập khẩu tăng 26,5%).

Các ngành chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19

Năm 2021, sự bùng phát mạnh của làn sóng Covid-19 lần thứ tư cùng với các đợt phong tỏa nghiêm ngặt, giãn cách kéo dài (đặc biệt là quý III/2021) đã tác động tiêu cực đến gia tăng số lượng doanh nghiệp. Tổng số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường trong năm 2021 đạt gần 160 nghìn doanh nghiệp, giảm 10,7% so với năm 2020; 119,8 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 17,8%, trong đó phần lớn là các doanh nghiệp thành lập dưới 5 năm, quy mô vốn nhỏ. Việc ban hành và triển khai kịp thời Nghị quyết số 128/ NQ-CP ngày 11/10/2021 trên phạm vi toàn quốc đã góp phần quan trọng trong khôi phục sản xuất và thúc đẩy thị trường, từng bước tạo niềm tin cho các doanh nghiệp. Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cho thấy doanh nghiệp lạc quan về tình hình sản xuất kinh doanh trong quý I/2022 với 81,7% doanh nghiệp đánh giá sẽ ổn định và tốt hơn so với quý IV/2021.

Hoạt động thương mại và dịch vụ tiêu dùng khôi phục trở lại, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý IV/2021 tăng 28,1% so với quý trước. Tuy nhiên, tính chung cả năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giảm 3,8% so với năm trước (năm 2020 tăng 1,7%) do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Du lịch và hoạt động vận tải là hai lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề, đặc biệt khi đợt dịch Covid-19 lần thứ tư bùng phát trên diện rộng, nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội. Cả năm 2021, vận chuyển hành khách giảm 33,0% so với năm trước, luân chuyển hành khách giảm 42,0%; vận chuyển hàng hóa giảm 8,7% và luân chuyển hàng hóa giảm nhẹ 1,8%. Khách quốc tế đến nước ta ước đạt 157,3 nghìn lượt người, giảm 95,9% so với năm trước và giảm 99,1% so với năm 2019, trong đó chủ yếu là các chuyên gia, lao động kỹ thuật nước ngoài làm việc tại các dự án ở Việt Nam.

Chính phủ nỗ lực đảm bảo an sinh xã hội

Trong năm nay, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và kéo dài đã ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống dân cư. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương ưu tiên cho công tác phòng chống, kiểm soát dịch bệnh với nhiệm vụ trọng tâm là bảo đảm công tác an sinh xã hội và đời sống của người dân, nhất là người dân ở các địa phương thực hiện giãn cách xã hội, bảo đảm người dân có đủ ăn, đủ mặc. Theo kết quả sơ bộ từ Khảo sát mức sống dân cư năm 2021, ước tính thu nhập bình quân 1 người 1 tháng năm 2021 theo giá hiện hành đạt khoảng 4,2 triệu đồng, giảm 73 nghìn đồng so với năm 2020; tỷ lệ nghèo tiếp cận đa chiều ước khoảng 4,4%, giảm 0,4 điểm phần trăm so với năm 2020.

Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, tính đến ngày 15/12/2021, tổng kinh phí từ nguồn ngân sách Trung ương đã hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021; Nghị quyết số 86/NQ-CP ngày 06/8/2021 của Chính phủ và Nghị quyết số 126/NQ-CP ngày 08/10/2021; Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 07/7/2021 củaThủ tướng Chính phủ là gần 31,4 nghìn tỷ đồng cho 28,8 triệu lượt người và 337,9 nghìn đơn vị sử dụng lao động và hộ kinh doanh. Bên cạnh đó, theo Nghị quyết 116/NQ-CP ngày 24/9/2021 của Chính phủ đã hỗ trợ 37,5 nghìn tỷ đồng cho gần 22,3 triệu lượt người và 363,6 nghìn đơn vị sử dụng lao động và hộ kinh doanh. Tính đến ngày 23/12/2021, đã hỗ trợ gần 149,1 nghìn tấn gạo cho 2,5 triệu lượt hộ với gần 9,9 triệu lượt nhân khẩu thiếu đói do giáp hạt, ảnh hưởng dịch bệnh và thiên tai.

Theo báo cáo từ Ủy ban nhân dân 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tính đến ngày 15/12/2121, đã hỗ trợ giảm giá điện, giá nước với tổng hỗ trợ lần lượt là gần 2,3 nghìn tỷ đồng và 310,2 tỷ đồng cho nhân dân trên cả nước.

Công tác an sinh xã hội thường xuyên và công tác giảm nghèo bền vững tiếp tục được quan tâm, chỉ đạo và triển khai thực hiện ngay cả trong điều kiện dịch bệnh. Các địa phương đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, chăm lo cho hộ nghèo. Trong năm 2021, tổng trị giá tiền và quà hỗ trợ cho các đối tượng là 9,7 nghìn tỷ đồng, trong đó, hỗ trợ cho các đối tượng người có công, thân nhân người có công là 4,4 nghìn tỷ đồng, hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo là 2,8 nghìn tỷ đồng; hỗ trợ cứu đói các đối tượng bảo trợ xã hội và đối tượng khác là 2,5 tỷ đồng. Có gần 29,1 triệu thẻ bảo hiểm xã hội/sổ/thẻ khám chữa bệnh miễn phí được phát, tặng cho các đối tượng thụ hưởng.

Việc khôi phục kinh tế của từng quốc gia phụ thuộc rất lớn vào tốc độ tiêm phủ rộng vắc xin phòng Covid-19, vì vậy Chính phủ rất quan tâm đến việc đẩy nhanh tốc độ tiêm phủ. Tính đến ngày 27/12/2021, tổng số liều vắc-xin phòng Covid-19 đã được tiêm là 146.335.052 liều, trong đó tiêm mũi 1 là 77.138.616 liều; tiêm mũi 2 là 66.402.056 liều; tiêm mũi 3 (tiêm bổ sung, tiêm nhắc lại và tiêm mũi 3 của vaccine Abdala) là 2.794.380 liều. Như vậy, độ bao phủ vắc-xin đã tăng lên đáng kể từ đầu tháng 9 đến nay.

Tóm lại, năm 2021 trong bối cảnh dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, kinh tế - xã hội nước ta vẫn duy trì tăng trưởng và đạt được những kết quả tích cực trên nhiều lĩnh vực. Có được kết quả trên là do sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo, điều hành kịp thời, quyết liệt, sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; cùng sự nỗ lực thực hiện của các cấp, các ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước. Các cơ quan ở Trung ương và địa phương đã thực hiện tốt và hiệu quả công tác phòng, chống dịch; nhanh chóng triển khai Quỹ vắc-xin phòng chống Covid-19 để tiếp nhận, quản lý, sử dụng các nguồn viện trợ, hỗ trợ mua và tự nghiên cứu, sản xuất vắc-xin, tiêm phòng miễn phí cho người dân để đạt mục tiêu kinh tế - xã hội năm 2021 cao nhất có thể. Nền kinh tế vẫn giữ được mức tăng trưởng, tuy không đạt được mục tiêu đề ra nhưng an sinh xã hội được đảm bảo, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp.
Kết quả tích cực nói trên khẳng định niềm tin của người dân, của cộng đồng doanh nghiệp, của các nhà đầu tư nước ngoài vào sự lãnh đạo, chỉ đạo, đúng đắn và kịp thời của Đảng, Quốc hội và sự điều hành quyết liệt, sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Lãnh đạo các Bộ, ban, ngành và các địa phương.

Mục tiêu, giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội năm 2022

Mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2022 từ 6-6,5% theo Nghị quyết của Quốc hội là một thách thức trong bối cảnh nước ta chịu ảnh hưởng dịch Covid-19 kể từ đầu năm 2020 đến nay. Hoạt động kinh tế đang dần thích nghi, chung sống an toàn với dịch bệnh. Năm 2022 dự báo, dịch Covid-19 có thể chưa chấm dứt do sự xuất hiện khó lường của các biến chủng như Omicron nên các ngành dịch vụ thị trường chưa thể khôi phục hoàn toàn. Nhưng sẽ khả quan hơn năm 2021 nhờ việc thích ứng trong điều kiện bình thường mới.

Để kịp thời thời khắc phục khó khăn, chủ động tận dụng mọi cơ hội, khai thác mọi tiềm năng, thực hiện thành công mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, cần tập trung thực hiện một số giải pháp chủ yếu sau:
Một là, tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”; bảo đảm sự chỉ đạo nhất quán, tập trung, xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương. Bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của nhân dân cùng với tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ hiệu quả người dân và doanh nghiệp.
Hai là, kiên trì giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát giá cả, thị trường, bảo đảm cung ứng hàng hóa và các cân đối lớn của nền kinh tế; thực hiện chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ cần linh hoạt vừa đảm bảo kiềm chế lạm phát, vừa đảm bảo thúc đẩy tăng trưởng; nâng cao tính tự chủ, khả năng chống chịu, thích ứng của nền kinh tế.

Ba là, tiếp tục triển khai hiệu quả cơ chế, chính sách, giải pháp hỗ trợ người dân, người lao động, doanh nghiệp chống chịu, vượt qua khó khăn, ổn định và phục hồi sản xuất. Đặc biệt, hỗ trợ cho người lao động bị mất việc làm, mất thu nhập cần được triển khai hiệu quả với phương châm: “không để ai bị bỏ lại”, từ đó tạo tâm lý yên tâm, không di dời khỏi nơi làm việc về quê hương, dẫn tới xáo trộn, thiếu hụt nguồn lực lao động.
Bốn là, phát triển mạnh thị trường nội địa, thúc đẩy xuất khẩu bền vững, bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu, nguyên, nhiên, vật liệu phục vụ cho sản xuất, không để đứt gãy chuỗi cung ứng. Tháo gỡ rào cản, tạo thuận lợi cho tiêu thụ trong nước và xuất khẩu nông, lâm, thủy sản. Xây dựng chuỗi giá trị ngành hàng từng loại nông sản, gắn với nguồn gốc xuất xứ, phát triển hạ tầng logistics nông nghiệp, nông thôn, đảm bảo chuỗi cung ứng thị trường trong nước.
Năm là, cơ cấu lại, phục hồi và phát triển một số ngành, lĩnh vực quan trọng và doanh nghiệp đang bị tác động trực tiếp bởi dịch Covid-19 như: Thương mại, dịch vụ, logistics, vận tải, hàng không, du lịch...; khẩn trương khôi phục thị trường du lịch, tạo thuận lợi cho lưu chuyển hành khách quốc tế, trong nước, hỗ trợ phù hợp các doanh nghiệp du lịch gắn với an toàn dịch bệnh.

Sáu là, tích cực và đẩy nhanh hơn việc hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp Việt Nam trong mọi lĩnh vực, xây dựng nền kinh tế số, xã hội số thiết thực, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động chỉ đạo, điều hành và xử lý công việc; tái cấu trúc quy trình, đơn giản hóa thủ tục hành chính, bảo đảm công khai, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi tối đa các doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, cần theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, chủ động phương án phòng chống thiên tai, cảnh báo mưa lũ, sạt lở, tác động của hạn hán, xâm nhập mặn nhằm hạn chế tối đa thiệt hại tới sản xuất và cuộc sống của người dân. Thực hiện có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, lao động, việc làm. Thực hiện tốt công tác trợ giúp đột xuất, bảo đảm người dân khi gặp rủi ro, thiên tai được hỗ trợ kịp thời, khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống../.
 
 
TS. Nguyễn Thị Hương
Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê