Duy trì tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ở mức bình quân 6-7%/năm, đồng thời chuyển dịch cơ cấu hàng hóa xuất khẩu theo chiều sâu, đa dạng hóa thị trường, hướng tới xuất khẩu bền vững là mục tiêu mà Chính phủ đặt ra cho thương mại Việt Nam trong Chiến lược xuất khẩu hàng hóa đến năm 2030, hướng tới phát triển bền vững, cơ cấu cân đối, hài hòa, phát huy lợi thế cạnh tranh của các ngành kinh tế nói riêng và của Việt Nam nói chung trên trường quốc tế.
Tổng kết 10 năm thực hiện Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa giai đoạn 2011-2020, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đã đạt được những thành tựu vượt bậc, đóng góp quan trọng vào sự tăng trưởng của nền kinh tế đất nước. Quy mô xuất nhập khẩu hàng hóa đã tăng trên 2,6 lần, từ 203,6 tỷ USD năm 2011 lên 545,31 tỷ USD năm 2020. Trong đó, tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa bình quân đạt 14,6%/năm. Số mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên đã tăng qua các năm: năm 2011, có 21 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD; năm 2016 tăng lên 25 mặt hàng; đến năm 2020 là 31 mặt hàng. Từ năm 2016 đến nay, cán cân thương mại của Việt Nam luôn ở vị thế xuất siêu.
Năm 2021, bất chấp những ảnh hưởng của dịch bệnh cùng làn sóng bùng phát mới, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vẫn tăng trưởng khá và đạt mức xuất siêu. Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2021 của Việt Nam đạt 668,5 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 336,25 tỷ USD, nhập khẩu đạt 332,25 tỷ USD, Việt Nam tiếp tục duy trì được xuất siêu với mức 4 tỷ USD. Các chuyên gia dự báo, với tốc độ tăng trưởng hiện nay, kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước trong năm 2022 có thể ghi dấu mốc kỷ lục mới, đạt trên 700 tỷ USD.
Tổng kết 10 năm thực hiện Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa giai đoạn 2011-2020, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đã đạt được những thành tựu vượt bậc, đóng góp quan trọng vào sự tăng trưởng của nền kinh tế đất nước. Quy mô xuất nhập khẩu hàng hóa đã tăng trên 2,6 lần, từ 203,6 tỷ USD năm 2011 lên 545,31 tỷ USD năm 2020. Trong đó, tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa bình quân đạt 14,6%/năm. Số mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên đã tăng qua các năm: năm 2011, có 21 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD; năm 2016 tăng lên 25 mặt hàng; đến năm 2020 là 31 mặt hàng. Từ năm 2016 đến nay, cán cân thương mại của Việt Nam luôn ở vị thế xuất siêu.
Năm 2021, bất chấp những ảnh hưởng của dịch bệnh cùng làn sóng bùng phát mới, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vẫn tăng trưởng khá và đạt mức xuất siêu. Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2021 của Việt Nam đạt 668,5 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 336,25 tỷ USD, nhập khẩu đạt 332,25 tỷ USD, Việt Nam tiếp tục duy trì được xuất siêu với mức 4 tỷ USD. Các chuyên gia dự báo, với tốc độ tăng trưởng hiện nay, kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước trong năm 2022 có thể ghi dấu mốc kỷ lục mới, đạt trên 700 tỷ USD.
Ảnh minh họa, nguồn Internet
Tuy nhiên, bối cảnh kinh tế toàn cầu trong những năm tới được dự báo sẽ tiếp tục có những diễn biến phức tạp khó lường với rủi ro tiềm ẩn từ các cuộc xung đột địa chính trị, chiến tranh thương mại, dịch bệnh, chu kỳ khủng hoảng kinh tế, gây ra những hệ luỵ về đứt gãy chuỗi cung ứng, khủng hoảng năng lượng, áp lực lạm phát… sẽ có những ảnh hưởng không nhỏ tới Việt Nam. Trong khi đó, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam giai đoạn 2011-2020 vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Tăng trưởng xuất khẩu cao nhưng chưa bền vững khi cơ cấu thị trường xuất khẩu, nhập khẩu còn chậm chuyển dịch, cán cân thương mại song phương với một số thị trường lớn chưa hợp lý; nền kinh tế chưa khai thác hết lợi thế cạnh tranh xuất khẩu dựa vào công nghệ, trình độ lao động, quản lý… để tạo ra các nhóm hàng xuất khẩu có khả năng cạnh tranh cao, có hàm lượng khoa học, công nghệ cao. Do đó, Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030 được phê duyệt tại Quyết định số 493/QĐ-TTg ngày 19/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ đã thể hiện sự quan tâm đúng mức đến chất lượng tăng trưởng và tính bền vững của phát triển hoạt động xuất nhập khẩu.
Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030 có nhiều điểm nhấn quan trọng cả về quan điểm, mục tiêu, định hướng và giải pháp thực hiện. Quan điểm của Chiến lược đặt ra là Phát triển xuất nhập khẩu bền vững trên cơ sở hài hòa về cơ cấu hàng hóa, cơ cấu thị trường và cán cân thương mại với từng thị trường, khu vực thị trường; hài hòa giữa các mục tiêu ngắn hạn và dài hạn; hài hòa cơ hội tham gia và hưởng thụ thành quả tăng trưởng xuất nhập khẩu; gắn với thương mại xanh và thương mại công bằng, với bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học và thích ứng với biến đổi khí hậu. Phát triển xuất nhập khẩu hàng hóa gắn với đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - kỹ thuật, khoa học - công nghệ, chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, phát triển nền sản xuất xanh sạch, bền vững, tuần hoàn và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Nâng cao hàm lượng đổi mới sáng tạo trong sản phẩm xuất khẩu; xây dựng và phát triển thương hiệu hàng hóa Việt Nam xuất khẩu. Phát triển xuất nhập khẩu gắn với quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành và địa phương nhằm phát huy lợi thế cạnh tranh, khai thác hiệu quả cơ hội và hạn chế tác động của các thách thức trong thực thi cam kết hội nhập kinh tế quốc tế, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị toàn cầu.
Mục tiêu đặt ra cho tăng trưởng xuất nhập khẩu giai đoạn 2021-2030 là xuất nhập khẩu phát triển bền vững với cơ cấu cân đối, hài hòa, phát huy lợi thế cạnh tranh, lợi thế so sánh, phát triển thương hiệu hàng hóa Việt Nam, nâng cao vị thế quốc gia trong chuỗi giá trị toàn cầu, là động lực của tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững. Cụ thể: Xuất nhập khẩu tăng trưởng ổn định, cán cân thương mại lành mạnh, hợp lý với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa bình quân 6-7%/năm và nhập khẩu hàng hóa bình quân tăng 5-6%/năm trong giai đoạn 2021-2030. Cân bằng cán cân thương mại trong giai đoạn 2021-2025, tiến tới duy trì thặng dư thương mại bền vững giai đoạn 2026-2030; hướng đến cán cân thương mại lành mạnh, hợp lý với các đối tác chủ chốt.
Xuất nhập khẩu cần phát triển bền vững với cơ cấu mặt hàng, cơ cấu thị trường cân đối, hài hòa. Hướng đến tăng chất lượng và trị giá hàng hóa xuất nhập khẩu bằng cách gia tăng tỷ trọng xuất nhập khẩu tại những thị trường khó tính như Âu - Mỹ. Theo đó, tăng tỷ trọng hàng công nghiệp chế biến, chế tạo xuất khẩu lên 88% tổng kim ngạch xuất khẩu vào năm 2025 và 90% vào năm 2030; trong đó, tỷ trọng xuất khẩu hàng công nghệ trung bình và cao đạt khoảng 65% vào năm 2025 và 70% vào năm 2030. Tăng tỷ trọng thị trường xuất khẩu khu vực châu Âu lên 16-17% tổng kim ngạch xuất khẩu vào năm 2025 và 18-19% vào năm 2030; khu vực châu Mỹ lên 32-33% tổng kim ngạch xuất khẩu vào năm 2025 và 33-34% vào năm 2030; tỷ trọng thị trường xuất khẩu khu vực châu Á vào khoảng 49-50% vào năm 2025 và 46-47% vào năm 2030. Đồng thời, tăng tỷ trọng thị trường nhập khẩu từ khu vực châu Âu lên 8-9% tổng kim ngạch nhập khẩu vào năm 2025 và 10-11% vào năm 2030; khu vực châu Mỹ lên 8-9% tổng kim ngạch nhập khẩu vào năm 2025 và 10-11% vào năm 2030; giảm tỷ trọng thị trường nhập khẩu từ khu vực châu Á xuống khoảng 78% tổng kim ngạch nhập khẩu vào năm 2025 và 75% vào năm 2030.
Đối với ngành hàng, một số nhóm hàng là thế mạnh của Việt Nam đã được nhấn mạnh với những định hướng cụ thể như: Nhóm hàng nông, lâm, thủy sản cần tăng tỷ trọng sản phẩm chế biến sâu, có giá trị kinh tế cao; nâng cao khả năng đáp ứng các quy định, tiêu chuẩn chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn trách nhiệm xã hội, môi trường; chủ động thích ứng và vượt qua các rào cản thương mại, các biện pháp phòng vệ thương mại ở thị trường ngước ngoài. Nhóm hàng công nghiệp chế biến, chế tạo cần gia tăng giá trị nội địa trong hàng hóa xuất khẩu, giảm phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu, phụ tùng, linh kiện nhập khẩu; tăng tỷ trọng hàng công nghiệp chế tạo công nghệ trung bình và công nghệ cao; nâng nhanh tỷ trọng các sản phẩm xuất khẩu có hàm lượng công nghệ, hàm lượng đổi mới sáng tạo cao. Đặc biệt, các mặt hàng thâm dụng tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường không khuyến khích phát triển sản xuất và xuất khẩu mà cần chú trọng đầu tư phát triển xuất khẩu các sản phẩm kinh tế xanh, thân thiện môi trường.
Lộ trình phát triển hàng hóa xuất khẩu được chia theo 2 giai đoạn. Giai đoạn 2021-2025, nâng cao tỷ lệ chế biến các sản phẩm nông sản, thủy sản chủ lực có lợi thế sản xuất, xuất khẩu, kết hợp với xây dựng và phát triển thương hiệu đặc trưng nông sản Việt; nâng cao giá trị gia tăng cho những mặt hàng thâm dụng lao động và có tính cạnh tranh cao như dệt may, da giày, điện tử, các sản phẩm công nghệ chế tạo công nghệ trung bình. Giai đoạn 2026-2030, phát triển các mặt hàng mới có giá trị gia tăng cao, hàng nông sản, thủy sản chế biến sâu; hàng công nghệ chế tạo trung bình và công nghệ cao, ứng dụng thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ.
Trong khi đó, định hướng cho hàng hóa nhập khẩu có chú trọng việc kiểm soát chất lượng hàng hóa, kiểm soát nhập khẩu các loại hàng hóa trong nước sản xuất được, hàng xa xỉ và không thiết yếu. Tăng tỷ trọng nhập khẩu máy móc, thiết bị hiện đại, dây chuyền sản xuất tiên tiến từ các nước có nền công nghiệp phát triển, nhất là công nghệ cao, công nghệ nguồn, tiếp thu thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để tạo tiền đề nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm xuất khẩu và thực hiện chuyển dịch cơ cấu hàng hóa xuất khẩu theo chiều sâu.
Thị trường xuất nhập khẩu cần đa dạng hóa, tránh phụ thuộc quá mức vào một khu vực, hướng đến cán cân thương mại song phương lành mạnh, hợp lý, bảo đảm tăng trưởng bền vững trong dài hạn. Khai thác hiệu quả các cơ hội mở cửa thị trường từ các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế trong các Hiệp định thương mại tự do để đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường lớn như EU, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, ASEAN… Đẩy mạnh khai thác các thị trường còn tiềm năng như Hoa Kỳ, Nga, Đông ÂU, Bắc ÂU, Ấn Độ, châu Phi, Trung Đông và châu Mỹ Lainh…, hướng đến xây dựng các khuôn khổ thương mại ổn định, lâu dài. Tiếp tục chuyển dịch cơ cấu thị trường nhập khẩu theo hướng giảm tỷ trọng nhập khẩu từ các thị trường công nghệ thấp, công nghệ trung gian, tăng tỷ trọng nhập khẩu từ các thị trường công nghệ nguồn.
Bên cạnh định hướng cụ thể cho các lĩnh vực của xuất nhập khẩu, Chiến lược cũng đi sâu vào giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả các mục tiêu đề ra, trong đó tập trung vào 6 nhóm giải pháp chính với nhiều điểm mới so với Chiến lược xuất nhập khẩu giai đoạn 2011-2020, cụ thể:
Thứ nhất, phát triển sản xuất (bao gồm sản xuất công nghiệp và nông nghiệp), tạo nguồn cung bền vững cho xuất khẩu. Trong nội dung về phát triển sản xuất nông nghiệp, điểm mới là “Phát huy vai trò của địa phương trong lựa chọn loại nông sản thích hợp để hình thành vùng sản xuất tập trung theo quy hoạch; xây dựng chiến lược phát triển sản phẩm chủ lực, nông sản đặc trưng, phát triển thương hiệu đi cùng với các tiêu chuẩn chất lượng và an toàn thực phẩm đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế.”
Thứ hai, phát triển thị trường xuất khẩu, nhập khẩu, bảo đảm tăng trưởng bền vững trong dài hạn. Trong đó, điểm mới là các giải pháp xúc tiến nhập khẩu và việc xem xét hạ dần hàng rào bảo hộ để tạo sức ép cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước nâng cao hiệu quả kinh tế, giảm giá thành, cạnh tranh với hàng nhập khẩu; đổi mới, đa dạng hóa các phương thức xúc tiến thương mại phục vụ xuất nhập khẩu thông qua việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số.
Thứ ba, hoàn thiện thể chế, tăng cường quản lý nhà nước trong tổ chức hoạt động xuất nhập khẩu nhằm tạo thuận lợi thương mại, chống gian lận thương mại và hướng tới thương mại công bằng. Đây là nhóm giải pháp mới so với Chiến lược thời kỳ 2011-2020.
Thứ tư, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho phát triển xuất khẩu, nâng cấp cơ sở hạ tầng kho vận, giảm chi phí logistics. Trong các nguồn lực cho phát triển xuất khẩu, Chiến lược quan tâm đến chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế nói chung và hoạt động xuất nhập khẩu nói riêng. Theo đó, bổ sung giải pháp: “Xây dựng, hoàn thiện các bộ chuẩn đầu ra trình độ trung cấp, cao đẳng cho nhân lực các ngành, nghề sản xuất hàng xuất khẩu theo hướng tiếp cận tiêu chuẩn các nước phát triển trên thế giới. Tăng cường gắn kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu từ khâu xây dựng chương trình, tổ chức đào tạo, đánh giá và tạo việc làm.”
Thứ năm, quản lý và kiểm soát nhập khẩu đáp ứng đủ nhu cầu cho sản xuất trong nước và hướng đến cán cân thương mại lành mạnh, hợp lý. Theo đó, Chiến lược bổ sung các giải pháp về xúc tiến nhập khẩu từ một số đối tác trọng điểm, thay vì chỉ theo hướng quản lý và kiểm soát nhập khẩu, hạn chế nhập siêu như trong các giai đoạn trước.
Thứ sáu, nâng cao vai trò của Hiệp hội ngành hàng và các doanh nghiệp hạt nhân, thúc đẩy hình thành các chuỗi giá trị xuất khẩu quy mô lớn. Điểm mới của nhóm giải pháp là vai trò của các doanh nghiệp hạt nhân được đề cập và chú trọng./.
Tài liệu Tham khảo:
- Số liệu xuất nhập khẩu các năm từ Tổng cục Thống kê.
- Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030 được ban hành tại Quyết định số 493/QĐ-TTg ngày 19 tháng 4 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ.
- Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương.
Minh Hà