Cơ sở sản xuất kinh doanh (SXKD) cá thể là một trong bốn loại đơn vị điều tra của Tổng điều tra kinh tế năm 2021. Đại dịch Covid-19 đã khiến hoạt động của các cơ sở SXKD cá thể phi nông, lâm nghiệp và thủy sản trong năm 2020 bị ảnh hưởng nặng nề. Thời gian hoạt động bị gián đoạn, chuỗi cung ứng hàng hóa bị đứt gãy, nhu cầu thị trường sụt giảm với nhiều biến động bất thường.
Số lượng cơ sở SXKD cá thể tăng thấp nhất trong các kỳ Tổng điều tra
Năm 2020 cả nước có hơn 5,2 triệu cơ sở SXKD cá thể phi nông, lâm nghiệp và thủy sản, tăng 5,9% (tăng 290,5 nghìn cơ sở) so với năm 2016. Đây là mức tăng thấp nhất qua các kỳ Tổng điều tra (năm 2016 tăng 15,9% so với năm 2011; năm 2011 tăng 23,7% so với năm 2006). Trong giai đoạn 2016-2020, bình quân mỗi năm tăng chỉ 1,4%, thấp hơn mức tăng bình quân 3%/năm trong giai đoạn 2011-2016 và 4,4%/năm trong giai đoạn 2006-2011.
Tuy nhiên, trừ ngành công nghiệp giảm, số lượng cơ sở SXKD cá thể của các ngành kinh tế đều tăng so với năm 2016. Trong đó, số cơ sở ngành xây dựng tăng 19,9% (tăng 15,8 nghìn cơ sở); ngành thương mại tăng 4,7% (tăng 106,8 nghìn cơ sở); ngành dịch vụ khác tăng 12,8% (tăng 193,0 nghìn cơ sở); và ngành vận tải, kho bãi tăng 10,4% (tăng 25,1 nghìn cơ sở) so với năm 2016. Riêng số lượng cơ sở cá thể ngành công nghiệp giảm 6,1% (50,2 nghìn cơ sở).
Bình quân mỗi năm giai đoạn 2016-2020 của các cơ sở cá thể ngành xây dựng tăng 5,5%, ngành dịch vụ khác tăng 3,5%, ngành vận tải tăng 2,0%, ngành thương mại tăng 1,6%, trong khi ngành công nghiệp giảm 1,2%.
Số lượng cơ sở SXKD cá thể phân theo ngành kinh tế (Đơn vị tính: 1.000 cơ sở)
Bên cạnh đó, số lượng cơ sở SXKD cá thể chưa có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (ĐKKD) vẫn chiếm tỷ trọng khá lớn, chiếm 65,5%, giảm nhẹ so với kết quả điều tra kinh tế kỳ trước (65,7%). Tỷ trọng các cơ sở đã có giấy chứng nhận ĐKKD chiếm 20,8%; các cơ sở khác là các cơ sở đã đăng ký nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận ĐKKD và không phải đăng ký kinh doanh theo quy định của nhà nước (chiếm 13,7%).
Các cơ sở SXKD cá thể chủ yếu là các cửa hàng trên đường phố, ngõ, xóm và thuộc sở hữu của chủ cơ sở. Năm 2020, cơ sở SXKD cá thể thuộc sở hữu của chủ cơ sở là 70,6% tổng số cơ sở SXKD cá thể, còn lại 29,4% cơ sở SXKD cá thể chủ cơ sở đi thuê. Có 73,1% cơ sở SXKD cá thể là các cửa hàng trên đường phố, ngõ, xóm,…; số cơ sở kinh doanh tại chợ kiên cố là 15,5%; tại các địa điểm cố định khác và cơ sở kinh doanh không có địa điểm cố định là 11,2%. Số cơ sở kinh doanh trong các siêu thị, trung tâm thương mại chiếm tỷ trọng rất nhỏ với 0,2% và phân bố chủ yếu (85,5%) ở khu vực thành thị.
Lao động của các cơ sở SXKD cá thể tăng nhưng xu hướng chậm dần
Lao động bình quân giảm. Các cơ sở SXKD có địa điểm hoạt động ổn định dưới 2 lao động chiếm tới 57,8% và từ 2-5 lao động chiếm 40,4%; các cơ sở trên 5 lao động chỉ chiếm tỷ trọng rất nhỏ (1,8%).
Lao động bình quân trong một cơ sở SXKD cá thể năm 2020 là 1,67 người, thấp hơn mức 1,68 người của năm 2016. Lao động bình quân một cơ sở ở hầu hết các ngành công nghiệp - xây dựng đều giảm. Cụ thể, ngành công nghiệp là 1,9 người (năm 2016 là 2,0 người); ngành xây dựng là 5,9 người (năm 2016 là 6,1 người).
Lao động bình quân một cơ sở trong các ngành thương mại - dịch vụ ít biến động và tăng nhẹ so với năm 2016. Trong đó, ngành thương mại là 1,5 người/cơ sở, không thay đổi so với năm 2016; ngành vận tải, kho bãi là 1,2 người/cơ sở, giảm 0,1 người/cơ sở; các ngành dịch vụ khác là 1,7 người/cơ sở, tăng nhẹ so với năm 2016 (năm 2016 là 1,6 người/cơ sở).
Lao động bình quân trong một cơ sở SXKD cá thể
Lao động của các cơ sở SXKD cá thể tiếp tục tăng qua các kỳ Tổng điều tra, tuy nhiên tốc độ tăng có xu hướng ngày càng chậm. Năm 2020, cả nước có gần 8,7 triệu lao động hoạt động trong các cơ sở SXKD cá thể, tăng 5,2% (tăng 431,9 nghìn người) so với năm 2016, thấp hơn nhiều so với mức tăng qua các kỳ Tổng điều tra trước (năm 2016 tăng 9,3% so với năm 2011 và năm 2011 tăng 19,8% so với năm 2006). Bình quân trong giai đoạn 2016-2020 mỗi năm tăng 1,3%, thấp hơn mức tăng 1,8%/năm trong giai đoạn 2011-2016 và mức tăng 5,6% của giai đoạn 2006-2011.
Lao động của các cơ sở SXKD cá thể tập trung nhiều chủ yếu tại khu vực Dịch vụ, với gần 6,7 triệu người, chiếm 76,5% tổng số lao động trong các cơ sở SXKD cá thể và tăng 2,6% so với năm 2016. Trong đó, lao động trong ngành thương mại chiếm tỷ trọng lớn nhất 40,2% (giảm 0,4% so với năm 2016), tiếp đến là ngành dịch vụ khác chiếm 36,2% (tăng 3% so với năm 2016).
Khu vực Công nghiệp - Xây dựng thu hút hơn 2,0 triệu lao động. Trong đó, lao động trong ngành xây dựng có tỷ trọng nhỏ nhất chiếm 6,5% tổng số lao động (tăng 0,6% so với năm 2016), ngành công nghiệp chiếm 17,0% (giảm 3,3% so với năm 2016).
Người đứng đầu cơ sở SXKD cá thể chủ yếu là lao động phổ thông hoặc có trình độ đào tạo thấp. Đối với các cơ sở cá thể có địa điểm hoạt động ổn định, tỷ lệ người đứng đầu chưa qua đào tạo chiếm tới 53,0%; đào tạo dưới 3 tháng chiếm 11,0%; trình độ sơ cấp chiếm 11,9%; trình độ trung cấp chiếm 8%; trình độ cao đẳng chiếm 4,5%; tỷ lệ người đứng đầu có trình độ từ đại học trở lên chiếm 6,7%; trình độ khác là 4,9%.
Kết quả sản xuất kinh doanh
Các ngành thương mại của khu vực Dịch vụ duy trì hoạt động SXKD, góp phần quan trọng giải quyết việc làm cho người lao động.
Doanh thu bình quân một cơ sở cá thể là 624,3 triệu đồng, trong đó khu vực Dịch vụ là 646,7 triệu đồng, cao hơn mức bình quân chung khu vực Công nghiệp là 510,4 triệu đồng.
Trong khu vực Dịch vụ, các ngành thương mại có mức doanh thu bình quân đạt 862,4 triệu đồng, cao hơn rất nhiều so với các ngành dịch vụ khác như: lưu trú ăn uống đạt 437,3 triệu đồng; vận tải kho bãi đạt 379,8 triệu đồng; hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ là 328,7 triệu đồng; ngành dịch vụ khác đạt 196,2 triệu đồng; và hoạt động kinh doanh bất động sản là 138,1 triệu đồng.
Năng suất lao động của các cơ sở SXKD cá thể đạt bình quân 381,5 triệu đồng. Trong đó, năng suất lao động của khu vực Dịch vụ là 409 triệu đồng; khu vực Công nghiệp là 266,1 triệu đồng.
Trong khu vực Dịch vụ, các ngành thương mại đạt năng suất lao động cao nhất với mức 576,2 triệu đồng; tiếp đến là ngành tài chính, ngân hàng và bảo hiểm đạt 444,6 triệu đồng; y tế và hoạt động trợ giúp xã hội đạt 337,6 triệu đồng; thấp nhất là năng suất lao động của hoạt động kinh doanh bất động sản với mức 114,5 triệu đồng.
Năm 2020, tổng giá trị đầu tư tài sản cố định nguyên giá của cơ sở SXKD cá thể là 518,5 nghìn tỷ đồng, tăng 5,6%; nguồn vốn đầu tư đạt 960,6 nghìn tỷ đồng, tăng 20,2% so với năm 2016. Xét về hiệu quả doanh thu trên 1 đồng vốn, các cơ sở cá thể trong ngành thương mại đạt hiệu quả cao nhất với hệ số 4,2; tiếp đến là các cơ sở cá thể ngành công nghiệp với hệ số 2,4; thấp nhất là các cơ sở cá thể thuộc ngành vận tải, kho bãi với hệ số doanh thu trên 1 đồng vốn là 1,3.
Một số chỉ tiêu phản ánh hiệu quả SXKD năm 2020
Phân bố theo vùng của các cơ sở SXKD cá thể
Các cơ sở SXKD cá thể phân bố không đồng đều giữa các vùng; vùng Đồng bằng sông Hồng tập trung nhiều cơ sở SXKD cá thể nhất cả nước.
Năm 2020, vùng Đồng bằng sông Hồng có số lượng cơ sở SXKD cá thể chiếm tỷ trọng lớn nhất cả nước với 1,3 triệu cơ sở, chiếm 25,1%, tăng 3,7% (tăng 48,9 nghìn cơ sở) so với năm 2016; trong giai đoạn 2016-2020, bình quân mỗi năm tăng 0,9%. Thu hút lao động vùng Đồng bằng sông Hồng nhiều nhất với 2,3 triệu người, chiếm 26,8%, tăng 5,5% (tăng 123,8 nghìn lao động) so với năm 2016; bình quân một năm giai đoạn 2016-2020 tăng 1,4%. Năm 2020, lao động bình quân đạt 1,8 người/cơ sở.
Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung có số cơ sở SXKD cá thể nhiều thứ 2 với 1,2 triệu cơ sở, chiếm tỷ trọng 23,1%, tăng 6,6% (tăng 74,4 nghìn cơ sở) so với năm 2016; trong giai đoạn 2016-2020, bình quân mỗi năm tăng 1,6%. Lao động đạt hơn 1,9 triệu người, tương đương 22,2%, tăng 8,9% (tăng 157,3 nghìn lao động) so với năm 2016; bình quân tăng 2,1% một năm trong giai đoạn 2016-2020. Năm 2020, lao động bình quân 1,6 người/cơ sở.
Vùng Đồng bằng sông Cửu Long có 1,0 triệu cơ sở, chiếm 19,3%, tăng 1,9% (tăng 18,7 nghìn cơ sở) so với năm 2016; giai đoạn 2016-2020 bình quân mỗi năm tăng 0,5% và là khu vực có mức tăng trưởng thấp nhất cả nước. Lao động vùng Đồng bằng sông Cửu Long với trên 1,7 triệu lao động, chiếm 19,7%, tăng 0,2 (tăng 2 nghìn lao động) so với năm 2016; bình quân mỗi năm trong giai đoạn 2016-2020 tăng 0,04%, là khu vực duy nhất trong cả nước có số lượng lao động giảm trong giai đoạn này. Năm 2020, lao động bình quân 1,7 người/cơ sở.
Vùng Đông Nam Bộ có 945,6 nghìn cơ sở, chiếm 18,2%, tăng 10,3% (tăng 88,7 nghìn cơ sở) so với năm 2016; bình quân mỗi năm trong giai đoạn 2016-2020 tăng 2,5% và là khu vực có mức tăng cao nhất cả nước. Vùng Đông Nam Bộ thu hút gần 1,6 triệu lao động làm việc trong các cơ sở SXKD cá thể, chiếm 18,1%, tăng 4,7% (tăng 70,9 nghìn lao động) so với năm 2016; trong giai đoạn 2016-2020 bình quân tăng 1,2% một năm. Năm 2020, lao động bình quân 1,7 người/cơ sở.
Vùng Trung du và miền núi phía Bắc có 485,7 nghìn cơ sở, chiếm 9,3%, tăng 7,8% (tăng 35,1 nghìn cơ sở) so với năm 2016; trong giai đoạn 2016-2020, bình quân mỗi năm tăng 1,9%. Số lao động trong các cơ sở cá thể vùng Trung du và miền núi phía Bắc là 754,5 nghìn lao động, chiếm 8,7%, tăng 7,2% (tăng 50,7 nghìn lao động) so với năm 2016; bình quân tăng 1,2% một năm trong giai đoạn 2016-2020. Lao động bình quân 1 cơ sở 1,6 người/cơ sở.
Vùng Tây Nguyên chiếm tỷ trọng thấp nhất về số cơ sở SXKD cá thể với 260,2 nghìn cơ sở, chiếm 5,0%, tăng 10,0% (tăng 23,7 nghìn cơ sở) so với năm 2016; bình quân mỗi năm trong giai đoạn 2016-2020 tăng 2,4%. Số lao động chiếm tỷ trọng thấp nhất với 386,4 nghìn lao động, chỉ chiếm 4,5%, tăng 8,3% (tăng 29,5 nghìn lao động) so với năm 2016; bình quân một năm tăng 2,0% trong giai đoạn 2016-2020. Đây là khu vực có quy mô lao động bình quân 1 cơ sở năm 2020 thấp nhất cả nước, với 1,5 người/cơ sở.
Số lượng và lao động của các cơ sở SXKD cá thể phân theo vùng năm 2020
Mật độ cơ sở trung bình cả nước năm 2020 là 720,6 cơ sở/km2 và phân bố không đồng đều, chủ yếu tập trung ở vùng Đồng bằng sông Hồng với 888,8 cơ sở/km2; tiếp đến là vùng Đồng bằng sông Cửu Long với 781,2 cơ sở/km2; vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung với 630 cơ sở/km2; vùng Đông Nam Bộ thấp nhất với 107,2 cơ sở/km2.
Tổng điều tra kinh tế năm 2021 được thực hiện theo Quyết định số 307/QĐ-TTg ngày 27/2/2020 của Thủ tướng Chính phủ. Đây là một trong ba cuộc Tổng điều tra do ngành Thống kê chủ trì thực hiện với mục tiêu giúp Đảng và Nhà nước có được bức tranh kinh tế tổng thể của cả nước; phục vụ công tác tham mưu chiến lược của các Bộ, ngành và địa phương; nắm bắt được thực trạng của nền kinh tế nói chung và của từng ngành, từng địa phương nói riêng. Từ đó định vị được từng ngành, từng địa phương đang ở đâu trong quá trình phát triển; xác định những tiềm năng, lợi thế cần phải khai thác; nhận diện được những rào cản, thách thức phải vượt qua; và quan trọng nhất là đưa ra được những quyết sách, chỉ đạo, điều hành phù hợp để phát triển nền kinh tế nhanh, bền vững.
Tổng điều tra kinh tế năm 2021 do Tổng cục Thống kê thực hiện có quy mô lớn, nội dung phức tạp, liên quan đến 04 loại đơn vị điều tra, bao gồm: doanh nghiệp; cơ sở SXKD cá thể; đơn vị sự nghiệp, hiệp hội; cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng.
Lê Đỗ (https://thoibaonganhang.vn/)