“Đòn bẩy” xuất khẩu năm 2023

|

“Đòn bẩy” xuất khẩu năm 2023

Hệ thống 15 hiệp định thương mại tự do (FTA) đang thực thi sẽ là “đòn bẩy” cho hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong năm 2023, để cán đích mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 6%.

FTA - động lực cho xuất khẩu

Những ngày đầu năm mới 2023, tại cảng Phước Long - ICD Transimex (TP.HCM), 50 container cà phê, hạt tiêu, hoa hồi, quế, hạt điều… đã được Công ty cổ phần Phúc Sinh xuất khẩu sang châu Âu, Mỹ, Trung Đông…

Đáng nói là, nhờ có hệ thống 15 FTA đang thực thi, doanh nghiệp này có thể lựa chọn FTA nào có lợi nhất để thỏa mãn xuất xứ hàng hóa, từ đó hưởng ưu đãi thuế quan tốt nhất.

Ông Phan Minh Thông, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Phúc Sinh nhận định, năm 2023, tình hình sẽ khó khăn hơn do nhiều quốc gia nhập khẩu hàng hóa lớn của nước ta rơi vào tình trạng lạm phát cao, đối diện suy thoái. Tuy nhiên, thực phẩm vẫn có lợi thế xuất khẩu, vì đây là nhóm hàng tiêu dùng thiết yếu. Ngoài ra, các FTA đang thực thi sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam được miễn hoặc giảm thuế quan đáng kể, nên có điều kiện cạnh tranh với hàng hóa các nước khác.

Đơn cử, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) đã giúp các mặt hàng nông sản chế biến xuất khẩu sang các nước châu Âu được giảm thuế, nhờ đó, doanh số xuất khẩu của Phúc Sinh sang châu Âu cũng tăng lên đáng kể.

Năm 2020, Công ty xuất khẩu sang châu Âu lượng hàng trị giá khoảng 50 triệu USD, đến năm 2021 tăng lên 63 triệu USD và con số này tiếp tục tăng khoảng 30% trong năm 2022.
 

Tính đến nay, Việt Nam đã tham gia 17 FTA, trong đó có 15 FTA đang thực thi, 2 FTA đang đàm phán. Trong đó, loạt FTA thế hệ mới đi vào thực thi những năm gần đây như CPTPP, EVFTA, UKVFTA, RCEP... đang tạo đà rất lớn cho xuất khẩu hàng hóa.

Bên cạnh xuất khẩu, hoạt động nhập khẩu cũng được hưởng lợi từ EVFTA, giúp các doanh nghiệp tự tin hơn trong việc đầu tư mở rộng hoạt động sản xuất - kinh doanh, đa dạng hóa mặt hàng để cạnh tranh với nhiều nước trên thế giới.

Phúc Sinh chỉ là một trong hàng trăm doanh nghiệp Việt Nam đang tận dụng tốt các FTA, từ đó góp phần vào kết quả xuất khẩu trên 53 tỷ USD của ngành nông nghiệp trong năm 2022. Trong đó, riêng cà phê mang về doanh thu xuất khẩu 4 tỷ USD, con số kỷ lục từ trước tới nay.

Nhìn rộng ra, xuất nhập khẩu là điểm sáng nổi bật của năm 2022 khi Việt Nam tiếp tục lập kỷ lục mới với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt khoảng 730,2 tỷ USD, trong đó xuất khẩu 371,5 tỷ USD, xuất siêu hơn 12 tỷ USD.

Sau năm 2021 tăng trưởng chậm do ảnh hưởng của Covid-19, năm 2022, ngành dệt may đã lấy lại được tăng trưởng ấn tượng với giá trị xuất khẩu đạt 44 tỷ USD. Đáng nói, nhờ EVFTA, dệt may sang sang EU đạt 4,46 tỷ USD, tăng 34,7%; sang Nhật Bản đạt 4,07 tỷ USD, tăng 25,8%; sang Hàn Quốc đạt 3,31 tỷ USD, tăng 12,1%... so với năm 2021.

Doanh nghiệp chuyển hướng

Năm 2023, ngành công thương đặt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 6%, cán cân thương mại duy trì trạng thái thặng dư năm thứ 8 liên tiếp.

Mục tiêu này được xác định sẽ gặp nhiều thách thức, bởi từ quý IV/2022, thị trường tiêu dùng hàng hóa toàn cầu đã chậm lại; tại nhiều thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản..., lạm phát tăng cao đã làm giảm sức mua…

Lúc này, từng ngành hàng, doanh nghiệp đã nhìn nhận được những khó khăn, thuận lợi cho năm 2023 để điều hướng sản xuất, kinh doanh cho phù hợp.

Với ngành dệt may, mục tiêu xuất khẩu 47 - 48 tỷ USD dường như có nhiều trở ngại hơn, do lượng hàng tồn trong kho của các nhà bán lẻ còn cao, nhu cầu xuống thấp. Nhưng dù thị trường có diễn biến không thuận, thì hoạt động đầu tư sản xuất theo hướng xanh hóa, cắt giảm phát thải vẫn là mục tiêu lớn, xuyên suốt của ngành và từng doanh nghiệp.

Điều quan trọng là, các tiêu chuẩn cao từ những nước nhập khẩu đã thôi thúc doanh nghiệp đầu tư sản xuất bài bản, chuyên nghiệp theo chuẩn từ các thị trường lớn.

Khi các nhà mua hàng tại Mỹ, EU, Nhật Bản… gia tăng yêu cầu về sản phẩm xanh, tức là quá trình sản xuất hạn chế gây phát thải, sản phẩm có tính tuần hoàn cao, thân thiện môi trường… chính là động lực để hướng hoạt động đầu tư toàn ngành nhằm đạt được những đòi hỏi cấp thiết này.

“Chúng ta có cơ sở để đặt tham vọng đạt kim ngạch xuất khẩu 47 - 48 tỷ USD. Các FTA đang thực thi là động lực thúc đẩy chuyển dịch đầu tư từ nước ngoài vào Việt Nam, giúp doanh nghiệp đa dạng hóa thị trường và mặt hàng, ví dụ như dòng sản phẩm cung cấp cho các nước đạo Hồi, nhờ chuyển dịch một phần đơn hàng từ các nước Banglades, Myanmar sang Việt Nam”, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) nói.

Về phía doanh nghiệp, để đạt tăng trưởng xuất khẩu và có được đơn hàng giá trị cao, năm 2023, Công ty Phúc Sinh sẽ đẩy mạnh sản phẩm cao cấp mới, điển hình là trà từ vỏ cà phê Arabica (Cascara). Dòng sản phẩm mới này là một bước tiến về nghiên cứu và phát triển của Phúc Sinh, vì quá trình sản xuất giúp giảm ô nhiễm môi trường. Hiện tại, trà Cascara của Phúc Sinh đang xuất chủ yếu sang Italia, tận dụng khá hiệu quả EVFTA.

Việc chuyển hướng đầu tư theo hướng giảm phát thải, đi vào chế biến các dòng sản phẩm độc đáo, chất lượng sẽ giúp doanh nghiệp này đạt mục tiêu tăng trưởng 39% trong năm 2023.

Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên đánh giá, việc thực thi các FTA của Việt Nam sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả trong năm 2023, do thị phần trong nhiều ngành hàng có thế mạnh xuất khẩu còn thấp. Đơn cử, tại EU, thị phần thủy sản, gạo, dệt may, giày dép, rau quả tươi - rau củ quả chế biến mới đạt lần lượt 4,2%, 2,7%, 3,8%, 20% và 2,7%, hay Canada và Mexico với các ngành thủy sản, điện thoại và linh kiện, dệt may, giày dép, gỗ và sản phẩm gỗ vẫn còn khiêm tốn so với năng lực cung ứng.

Thế Hải 
Nguồn: https://baodautu.vn/don-bay-xuat-khau-nam-2023-d182789.html