Thị trường ô tô Việt Nam sôi động với cú hích từ dòng xe điện

|

Thị trường ô tô Việt Nam sôi động với cú hích từ dòng xe điện

Trong bối cảnh thế giới ngày càng quan tâm và cam kết mạnh mẽ về vấn đề cắt giảm khí thải, bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, sử dụng xe điện thay thế cho các dòng xe đốt nhiên liệu và phát thải đang trở thành xu hướng tất yếu với khả năng đóng góp mạnh mẽ giải quyết các vấn đề này. Tại Việt Nam, xu thế này cũng không ngoại lệ, thậm chí còn có những bước tiến bứt tốc, đưa Việt Nam thành thị trường ô tô điện đầy tiềm năng trong tương lai gần.

Thị trường ô tô Việt Nam tiếp tục sôi động

Thị trường ô tô Việt Nam mặc dù trải qua nhiều biến động do nhiều yếu tố ảnh hưởng, đặc biệt là sự “kìm nén” trong giai đoạn dịch Covid-19 nhưng đến nay đang có sự phục hồi ngoạn mục bất chấp những khó khăn chung. Với quy mô của thị trường trăm triệu dân, cùng với nền kinh tế đang hồi phục đà tăng trưởng, Việt Nam đang bước vào giai đoạn “ô tô hóa” do nhu cầu mua xe cá nhân và kinh doanh của người tiêu dùng Việt vẫn rất cao.

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho biết, trong năm 2022, tổng lượng ô tô lắp ráp trong nước và nhập khẩu về Việt Nam bao gồm cả xe sử dụng động cơ đốt trong và xe điện đạt 616,19 nghìn xe; trong đó có 439,6 nghìn xe sản xuất, lắp ráp trong nước, tăng 14,9% so với cùng kỳ năm 2021 và 176,59 nghìn xe ô tô nhập khẩu nguyên chiếc với trị giá 3,87 tỷ USD, tăng 10,5% về lượng và 6% về trị giá. Như vậy, tổng lượng ô tô mới có mặt tại thị trường Việt Nam năm 2022 ước đạt 616,19 nghìn xe, tăng trưởng mạnh so với năm 2021 và mỗi ngày thị trường tiếp nhận thêm trung bình hơn 1.688 chiếc ô tô mới. 5 tháng đầu năm 2023, lượng ô tô nguyên chiếc nhập khẩu đạt 64,34 nghìn xe trị giá 1,48 tỷ USD, tăng 26,7% về lượng và tăng 16,4% về trị giá.

Bên cạnh sự sôi động về nguồn cung, thị trường tiêu thụ ô tô trong năm vừa qua cũng có kỳ vọng vụt sáng. Với doanh số hơn 509 nghìn xe bán ra trong năm 2022, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đã đặt dấu mốc kỷ lục về doanh số bán hàng cao chưa từng có trong suốt 30 năm hình thành và phát triển. Theo số liệu bán hàng được Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) công bố, trong năm 2022, doanh số bán ô tô các loại của các thành viên thuộc VAMA đạt tổng cộng 404.635 xe tăng 33% so với năm 2021. Tương tự những năm trước, mức tăng chủ yếu tập trung ở phân khúc xe du lịch  (tăng 48%), trong khi xe thương mại và xe chuyên dụng đều giảm lần lượt 1,5% và 14%. Nếu tính cả doanh số bán ô tô của VinFast và Thành Công Motor (TC Motor) - đơn vị lắp ráp, phân phối xe du lịch Hyundai tại Việt Nam, trong năm 2022 người Việt đã mua sắm 509.141 xe, tăng 19,4% tương đương 98.751 xe so với năm 2021. Con số này chưa bao gồm doanh số bán xe của các thương hiệu ô tô nhập khẩu như Mercedes-Benz, Audi, Jaguar Land Rover, Volvo, Nissan, MG. Trong đó, doanh số bán hàng của xe lắp ráp trong nước tăng 30%, còn doanh số xe nhập khẩu tăng 37% so với cùng kỳ năm 2021. Tính đến hết tháng 4/2023, doanh số bán ra của toàn thị trường đạt 92,80 xe, trong đó doanh số bán ra của xe lắp ráp trong nước đạt 50,01 nghìn xe, doanh số bán ra của xe nhập khẩu đạt 42,78 nghìn xe.

Cú hích từ dòng xe điện

Nhìn chung, lượng ô tô tiêu thị trên thị trường Việt Nam chủ yếu vẫn là các dòng xe chạy bằng nhiên liệu đốt trong (xăng, dầu) trong khi doanh số tiêu thụ của ô tô điện chưa thực sự cao. Tuy nhiên, trước tình trạng ô nhiễm không khí toàn cầu khiến nhiều quốc gia phải siết chặt các tiêu chuẩn về khí thải của các phương tiện cơ giới, trong đó có xe ô tô. Nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam đã có kế hoạch chấm dứt sử dụng các dòng xe ô tô sử dụng động cơ đốt trong gây phát thải và khuyến khích sản xuất, sử dụng các dòng xe không sử dụng nguyên liệu gây phát thải. Ô tô điện đang được đánh giá là phương tiện thay thế tiềm năng nhằm hướng tới mục tiêu 100% xe không phát thải, góp phần thực hiện cam kết phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 của Việt Nam tại Hội nghị các Bên tham gia Công ước Khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26).

Thêm vào đó, thị trường Việt Nam với dân số 100 triệu với GDP tăng trưởng ổn định, tốc độ phát triển công nghệ nhanh nhưng người dân có tỷ lệ sở hữu ô tô còn thấp trong khu vực chính là động lực cho tăng trưởng của thị trường ô tô nói chung và ô tô điện nói riêng. Theo số liệu từ Cục Đăng kiểm Việt Nam, số lượng xe điện ở Việt Nam đã tăng từ 140 xe năm 2019 lên 900 xe năm 2020 và thêm hơn 1 nghìn xe năm 2021, chủ yếu là xe hybrid, xe plug-in hybrid, số xe chạy pin còn chiếm tỷ lệ nhỏ. Đầu năm 2021, sự ra đời của mẫu xe điện thương hiệu Việt đầu tiên được sản xuất trong nước bởi Vinfast đã đánh dấu bước ngoặt đối với thị trường ô tô điện Việt Nam nói riêng và ngành công nghiệp ô tô nói chung. Tính đến hết tháng 4/2023, xe điện VinFast đã bán ra 3.798 chiếc, cao gấp 4,1 lần so với tháng 3 là 915 xe và đã bàn giao thêm 2.996 xe điện cho khách trong tháng 5/2023. Bên cạnh nguồn cung trong nước, cuộc chiến nắm bắt xu thế không còn của riêng ai khi các “ông lớn” ngành ô tô trên thế giới cũng dành nhiều sự quan tâm và có chiến lược phát triển xe điện. Bên cạnh thương hiệu xe điện nội địa VinFast, nhiều hãng xe lớn đã lên kế hoạch vào Việt Nam.

 

Hãng xe nội địa VinFast có doanh số bán ra vượt trội trong tháng 4,5/2023

Tại Vietnam Motor Show 2022 – Triễn lãm ô tô lớn nhất cả nước, nhiều nhãn hàng đã lần đầu giới thiệu hàng loạt mẫu xe điện mới tới người tiêu dùng, như Mercedes EQS với hai phiên bản EQS 450+ và EQS 580 4MATIC, Lexus với LF-Z, Toyota với bZ4X… như: KIA với mẫu EV6, Hyundai đưa ra dòng xe IONIQ 5, Audi đem đến mẫu e-tron GT, Porsche đang tung ra thị trường xe Taycan. Skoda Auto – thương hiệu xe từ Cộng hòa Séc đã hợp tác với TC Mortor để phân phối một số dòng xe điện, dự kiến bắt đầu lắp ráp từ năm 2024. Với sự sôi động của dòng xe điện trên thị trường ô tô như hiện nay, VAMA dự báo Việt Nam sẽ đạt mức 1 triệu xe điện hóa vào năm 2028 và có thể đạt tới 3,5 triệu xe vào năm 2040.

Tiềm năng phát triển với nhiều chính sách ưu đãi

Hiện nay, việc phát triển thị phần xe điện tại thị trường ô tô Việt Nam đang có nhiều lợi thế, nhất là khi người dân Việt Nam nhận thức ngày càng cao về trách nhiệm với môi trường cần đi với hành động thiết thực cụ thể. Khảo sát của Cốc Cốc cho thấy, trong tổng số 28 triệu users (người dùng) trên nền tảng này thì có đến 8 triệu users quan tâm đến xe điện và 81% users hiểu rằng xe điện ít tác hại đến môi trường hơn xe xăng. Thêm vào đó, giá dầu thế giới đang có nhiều biến động bất ổn. Các tổ chức quốc tế dự báo thị trường nhiên liệu này liên tục thay đổi và điều này sẽ ảnh hưởng lớn tới quyết định mua ô tô của người tiêu dùng trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Điều đó hứa hẹn tương lai bùng nổ về thị hiếu tiêu dùng xanh, tạo thuận lợi cho phát triển xe điện tại thị trường Việt Nam.

Bên cạnh tệp khách hàng tiềm năng, các cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ từ Chính phủ đang góp phần mở đường cho ngành công nghiệp xe điện. Nhằm từng bước hiện thực hoá cam kết tại COP26, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 876/QĐ-TTg ngày 22/7/2022 phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí mê-tan của ngành giao thông vận tải. Theo đó, lộ trình chuyển đổi năng lượng xanh đối với giao thông đến năm 2050 mục tiêu 100% phương tiện giao thông cơ giới đường bộ chuyển sang sử dụng điện, năng lượng xanh. Đồng thời hoàn thiện hạ tầng sạc điện để cung cấp năng lượng xanh trên toàn quốc.

Đặc biệt, Chính phủ đã có những chính sách ưu đãi về thuế nhằm kích cầu người dân hướng tới sử dụng ô tô điện. Từ ngày 1-3-2022, Chính phủ quyết định giảm thuế tiêu thụ đặc biệt về 3% đối với các dòng xe dưới 9 chỗ (trước sửa đổi là 15%) nhằm thúc đẩy ô tô điện phát triển tại Việt Nam. Ô tô điện chạy pin cũng được miễn thuế trước bạ trong 3 năm, bắt đầu từ 1-3-2023 theo nghị định số 10/2023/NĐ-CP ngày 15/1/2023. Trong 2 năm tiếp theo, mức thu này sẽ bằng 50% so với mức thu của các loại xe xăng, dầu có cùng số chỗ ngồi.

Ngoài những thuận lợi đến từ trong nước, thị trường ô tô hứa hẹn sẽ tiếp tục bùng nổ khi các hãng xe hàng đầu thế giới đang tăng cường đầu tư chuyển đổi thị trường ô tô từ sử dụng nhiên liệu đốt trong sang động cơ chạy bằng điện mà Việt Nam đang là một trong những điểm đến hấp dẫn. Triển lãm quốc tế lần thứ 19 về ngành công nghiệp ô tô, xe máy, xe điện và công nghiệp hỗ trợ (Autotech & Accessories 2023) có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp nước ngoài đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản... được tổ chức vào đầu năm 2023. Các doanh nghiệp dự kiến mang đến triển lãm những giải pháp, sáng kiến đột phá về pin, năng lượng, điện hóa ngành công nghiệp ô tô – xe máy, những sản phẩm phụ tùng, linh kiện, bảo dưỡng, các công nghệ ứng dụng trên xe...

Bên cạnh các chính sách ưu đãi, các chuyên gia cũng khuyến cáo Chính phủ cần sớm xây dựng và ban hành tiêu chuẩn về xe điện hóa và có lộ trình áp dụng cho từng dòng xe trên thị trường. Đồng thời cần có các chính sách hỗ trợ cho việc sản xuất xe điện hóa tại Việt Nam như ưu đãi về thuế môi trường, phát triển đồng bộ hạ tầng trạm sạc, tái sử dụng và tái chế pin để bảo vệ môi trường và tái sử dụng được các nguồn tài nguyên hữu ích. Tin rằng, với sự hỗ trợ thích hợp của Chính phủ, xe điện được kỳ vọng sẽ trở nên phổ biến tại Việt Nam vì một môi trường xanh và sạch hơn, góp phần thực hiện cam kết quốc tế cũng như vì sự phát triển bền vững của ngành công nghiệp ô tô nói riêng và của đất nước nói chung./.

 
Thu Hiền