Để tăng trưởng kinh tế cả năm đạt 6,5%, trong 9 tháng còn lại của năm 2023, kinh tế cả nước cần phải tăng khoảng 7,5%. Đây là mức tăng khá cao trong bối cảnh các khó khăn, thách thức của quý I vẫn chưa thực sự chấm dứt. Vậy kinh tế Việt Nam năm 2023 liệu có đạt mục tiêu tăng trưởng đề ra? Phóng viên Tạp chí Con số và Sự kiện, Tổng cục Thống kê đã có cuộc trao đổi, phỏng vấn với Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Lê Trung Hiếu xoay quanh vấn đề này.
PV: GDP cả nước Quý I/2023 đạt mức tăng trưởng 3,32%, xin Ông cho biết những điểm sáng nào đóng góp vào mức tăng trưởng này?
PV: GDP cả nước Quý I/2023 đạt mức tăng trưởng 3,32%, xin Ông cho biết những điểm sáng nào đóng góp vào mức tăng trưởng này?
Phó Tổng cục trưởng Lê Trung Hiếu: Tăng trưởng quý I/2023 đạt 3,32% so với cùng kỳ, đây là mức tăng thấp nhưng đó là một nỗ lực của Việt Nam trong chính sách quản lý và điều hành. Trong bức tranh kinh tế này, có thể thấy những điểm sáng cần ghi nhận như:
Ngành nông nghiệp vẫn có mức tăng ổn định, quý I đạt 2,52% so với cùng kỳ, đảm bảo an ninh lượng thực trong nước và duy trì tăng xuất khẩu các mặt hàng chủ lực như: Gạo; rau, quả. Khối dịch vụ đánh dấu sự phục hồi mạnh mẽ, tăng 6,72% so với cùng kỳ. Các ngành dịch vụ lưu trú ăn uống, nghệ thuật vui chơi giải trí tăng cao bởi đóng góp lan tỏa của hoạt động du lịch và nhu cầu đi lại dịp lễ tết Nguyên Đán. Doanh thu của hoạt động du lịch, lữ hành quý I năm 2023 tăng 119,8% so với cùng kỳ; ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 28,4%; vận tải hành khách tăng 28,8%; khách quốc tế đến Việt Nam đã tăng 29,7 lần.
Lạm phát được kiểm soát. Quý I năm 2023 chỉ số giá tiêu dùng ở mức 4,22% so với cùng kỳ năm trước, mặc dù là mức tăng cao hơn so với 2 năm trở lại và thấp hơn so với quý I năm 2020, nhưng vẫn là mức tăng chưa đáng lo ngại và vẫn nằm trong phạm vi kiểm soát.
Tiêu dùng trong nước vẫn đảm bảo ổn định không bị suy giảm. Tiêu dùng quý I năm 2023 tăng 3,01% so với cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa vẫn tăng 11,4% so với cùng kỳ, trong đó một số nhóm tăng cao: nhóm hàng lương thực, thực phẩm tăng 14,6%; nhóm hàng may mặc tăng 12,3%; nhóm xăng dầu các loại tăng 14,7%.
Hoạt động đầu tư vẫn tăng. Mặc dù có dấu hiệu chậm lại nhưng vốn đầu tư toàn xã hội vẫn đạt mức tăng 3,7%, trong đó vốn đầu tư khu vực nhà nước đạt 11,5% so với cùng kỳ; khu vực ngoài nhà nước vẫn tăng là 1,8%. Số liệu cho thấy, mặc dù hoạt động đầu tư của khu vực ngoài nhà nước tăng thấp nhưng khu vực này vẫn đảm bảo duy trì hoạt động sản xuất. Đặc biệt, khu vực Nhà nước đang nỗ lực trong việc giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm, tạo động lực cho nền kinh tế.
Tình hình lao động, việc làm phục hồi tích cực. Lao động 15 tuổi trở lên có việc làm trong quý I năm 2023 ước tăng 1,1 triệu người so với cùng kỳ năm trước; tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động ước giảm 0,21 điểm phần trăm; thu nhập bình quân tháng của lao động làm công hưởng lương là 7,9 triệu đồng/tháng, tăng 578 nghìn đồng.
Hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam tuy sụt giảm nhưng vẫn đảm bảo xuất siêu. Kim ngạch xuất khẩu Việt Nam quý I năm 2023 đạt 79,17 tỷ USD, kim ngạch nhập khẩu đạt 75,10 tỷ USD, Việt Nam xuất siêu 4,07 tỷ USD. Trong đó, các mặt hàng xuất khẩu tăng là những mặt hàng Việt Nam chủ động được về sản xuất như: Gạo, rau quả, hạt điều, dầu thô, vận tải và phụ tùng.
PV: Thời gian tới, nền kinh tế phải đối mặt với những thuận lợi và khó khăn như thế nào?
Phó Tổng cục trưởng Lê Trung Hiếu: Tình hình kinh tế Việt Nam vẫn tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, song vẫn có triển vọng tích cực và được các tổ chức quốc tế, uy tín đánh giá cao. Một số điểm sáng đối với kinh tế thế giới trong năm 2023 có thể giúp giảm bớt áp lực đối với điều hành vĩ mô của nền kinh tế, bao gồm áp lực lạm phát toàn cầu, tỷ giá, tăng mặt bằng lãi suất đã chậm lại và Trung Quốc nới lỏng chính sách “Zero-Covid”. Sự phục hồi của nền kinh tế trong năm 2023 sẽ tiếp tục được hưởng lợi từ việc thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Thuận lợi cho phát triển kinh tế trong thời gian tới có thể kể đến như:
Thứ nhất, giải ngân đầu tư công sẽ có khả năng bứt phá trong năm 2023 do đây là năm cuối thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội theo Nghị quyết 11/CP. Đầu tư công được đẩy mạnh sẽ có tác dụng gia tăng nền tảng kết cấu, cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của khu vực doanh nghiệp và các cơ sở sản xuất kinh doanh; khơi thông nguồn lực đầu tư công có tác dụng thúc đẩy nhiều ngành, lĩnh vực. Là nguồn vốn mồi thúc đẩy đầu tư tư nhân, thúc đẩy sản xuất, kích cầu nền kinh tế phát triển.
Thứ hai, hoạt động du lịch trong thời kỳ dịch bệnh Covid-19 bị đình trệ nhưng thời gian tới sẽ có nhiều khởi sắc. Chúng ta đã có những chương trình khởi động mùa du lịch và quảng bá mạnh mẽ du lịch tới các bạn bè quốc tế. Đặc biệt, do đặc thù du lịch là ngành dịch vụ thị trường có tính chất lan tỏa nên nhiều ngành dịch vụ khác sẽ sôi động hơn trong thời gian tới như vận tải, hoạt động ăn uống, khách sạn, nhà hàng, nghệ thuật, vui chơi giải trí,…
Thứ ba, ngành nông nghiệp tiếp tục thể hiện vai trò là “trụ đỡ” vững chắc của nền kinh tế nước ta; không chỉ bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm trong nước mà có cơ hội mang lại nguồn thu ngoại tệ từ hoạt động xuất khẩu nông sản; bảo đảm an ninh lương thực và góp phần duy trì ổn định tăng trưởng năm 2023.
Thứ tư, Trung Quốc xóa bỏ chính sách “Zero-Covid”, mở cửa biên giới và bỏ giới hạn đi lại quốc tế là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu, kết nối nguồn cung nhập khẩu nguyên vật liệu bị gián đoạn do dịch bệnh, kỳ vọng sẽ tạo sức bật cho hoạt động xuất khẩu, đặc biệt là các mặt hàng nông sản và thủy sản của nước ta. Đồng thời đây cũng là cơ hội để ngành du lịch, dịch vụ của Việt Nam phát triển nhờ thu hút khách du lịch quốc tế, đặc biệt là du khác đến từ Trung Quốc.
Thứ năm, lãi suất của các ngân hàng đang dần hạ nhiệt giúp ổn định thị trường tiền tệ sẽ tạo cơ hội cho tiêu dùng nội địa tăng, kích thích sản xuất, kinh doanh, tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển kinh tế.
Thứ sáu, tình hình lao động, việc làm phục hồi tích cực; tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm giảm, thu nhập của lao động có xu hướng tăng. Các hỗ trợ để tăng cường kết nối cung - cầu lao động, hỗ trợ người lao động tìm kiếm việc làm, hỗ trợ người dân, người lao động bị mất việc, giảm giờ làm đang được tích cực đẩy mạnh.
Thứ bảy, cầu tiêu dùng của người dân kỳ vọng sẽ ổn định và tiếp tục gia tăng cùng với nhu cầu du lịch sẽ là yếu tố, động lực tích cực của nền kinh tế trong thời gian tới.
Song song với những thuận lợi, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục đối mặt với một số khó khăn như:
Thứ nhất, kinh tế thế giới 2023 được dự báo tiếp tục có nhiều biến động phức tạp, lạm phát toàn cầu mặc dù đã hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao, giá năng lượng thế giới tăng cao, chiến sự Nga-U-crai-na với nhiều diễn biến bất ngờ, ngoài dự đoán, nguy cơ suy thoái kinh tế ở các nền kinh tế lớn như Mỹ và EU vẫn hiện hữu và ngày càng rõ nét khi lạm phát kéo dài trong nhiều tháng liên tiếp cùng với lãi suất tăng nóng. Gần đây, sự sụp đổ của ngân hàng Mỹ và sáp nhập của ngân hàng Credit Suisse của Thụy Sỹ đã phần nào ảnh hưởng tới tâm lý người tiêu dùng ở các nước trên thế giới. Với một quốc gia có độ mở lớn như Việt Nam thì những thay đổi về kinh tế, địa chính trị và sinh thái đều tác động đến triển vọng phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong thời gian tới.
Thứ hai, lạm phát, giá cả tăng cao gây áp lực lớn lên hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước. Việt Nam là nước nhập khẩu lớn về nguyên liệu phục vụ sản xuất, khi giá nguyên, vật liệu đầu vào thế giới đang ở mức cao nên sẽ ảnh hưởng đến chi phí, giá thành, tạo áp lực cho sản xuất của doanh nghiệp trong nước và từ đó đẩy giá hàng hóa tiêu dùng trong nước tăng lên gây sức ép lên mặt bằng giá chung.
Thứ ba, số lượng đơn hàng sụt giảm. Đây là một trong những nguyên nhân khiến tăng trưởng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm âm. Trong thời gian tới, tình trạng này chưa có dấu hiệu khả quan nên vẫn là cảnh báo khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất.
Thứ tư, dịch Covid-19 đang có dấu hiệu quay trở lại. Trong nước đã xuất hiện nhiều ca mắc Covid-19 và tình hình lây nhiễm diễn biến phức tạp. Mặc dù Việt Nam đã luôn chủ động trong việc phòng chống dịch và đầy kinh nghiệm ứng phó nhưng cũng không thể chủ quan trước tiình hình dịch bệnh, cần phản ứng kịp thời và linh hoạt tránh làm hỏng những thành quả mà toàn Đảng, toàn dân đã nỗ lực đạt được thời gian qua.
PV: Với những thuận lợi, khó khăn như đã phân tích và trước bối cảnh nền kinh tế thế giới nhiều bất ổn, Ông đánh giá thế nào về mục tiêu tăng trưởng 6,5% cho năm nay và yếu tố nào dẫn dắt nền kinh tế tăng trưởng trong năm 2023?
Phó Tổng cục trưởng Lê Trung Hiếu: Theo kịch bản tăng trưởng đã đề ra trong Nghị quyết số 01/NQ/CP ngày 06/01/2023 của Chính phủ, để đạt mục tiêu cả năm tăng trưởng 6,5% trong năm 2023 thì quý I và quý II cần phải đạt được mức tăng lần lượt là: 5,6% và 6,7%. Tuy vậy, kết quả biên soạn GDP cho thấy, kinh tế cả nước quý I/2023 chỉ ước đạt 3,32%, thấp hơn nhiều so với kế hoạch (thấp hơn 2,3 điểm phần trăm), chủ yếu do các ngành công nghiệp giảm 0,82% so với cùng kỳ năm trước, đặc biệt là công nghiệp chế biến chế tạo (chiếm trên 60% giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp, đóng góp chủ yếu đến tốc độ tăng trưởng toàn ngành công nghiệp và toàn bộ nền kinh tế) giảm 0,37%[1]; xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp chế biến chế tạo như: Linh kiện điện tử, dệt may, da giày,… sụt giảm, thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng cùng kỳ năm 2022 do thiếu hụt đơn hàng nước ngoài đối với các mặt hàng công nghiệp chế biến chế tạo để gia công, sản xuất tại Việt Nam.
Để tăng trưởng kinh tế cả năm đạt 6,5%, trong 9 tháng còn lại của năm 2023, kinh tế cả nước cần phải tăng khoảng 7,5%. Đây là mức tăng khá cao, trong bối cảnh các khó khăn, thách thức của quý I vẫn chưa thực sự chấm dứt; đơn hàng nước ngoài chưa có nhiều chuyển biến rõ nét do thế giới vẫn tồn tại nhiều yếu tố, rủi ro tiềm ẩn nên cầu tiêu dùng thế giới vẫn yếu và khó dự báo.
Tuy nhiên, năm 2023 là năm bản lề để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế đất nước giai đoạn 2021-2025, tất cả các nguồn lực sẽ được huy động và quyết tâm thực hiện trọn vẹn, hiệu quả nhất các giải pháp phát triển kinh tế.
Theo quan sát của Tổng cục Thống kê, xu hướng tăng trưởng kinh tế Việt Nam thường tăng thấp trong quý I, gia tăng dần ở quý II sau đó bứt phá ở nửa cuối năm. Năm 2023, kinh tế Việt Nam vẫn có thể đi theo xu hướng này khi hoạt động sản xuất công nghiệp đang có xu hướng tăng dần, thể hiện qua chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng Hai tăng hơn 5% so với tháng Một và tháng Ba ước tính tăng 9,4% so với tháng Hai và tính chung 3 tháng đầu năm giảm 2,2% so với cùng kỳ năm trước và làm cho giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp giảm 0,82%. Do vậy trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới hiện nay, kinh tế quý II Việt Nam còn nhiều khó khăn, chưa thể có tăng trưởng bứt phá nhưng sẽ có cải thiện so với quý I. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo, điều hành kịp thời, quyết liệt, sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và nỗ lực của các cấp, các ngành, các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước, chúng tôi kỳ vọng kinh tế Việt Nam sẽ có những bứt phá vượt trội trong các tháng cuối năm.
Bên cạnh đó, năm 2023, các tổ chức quốc tế và nhiều chuyên gia kinh tế đã có cái nhìn khả quan hơn đối với triển vọng toàn cầu. Tuy dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2023 vẫn còn thấp nhưng đã cải thiện đáng kể so với mức dự báo ở thời điểm cuối năm 2022. Tuy nhiên, nguy cơ suy thoái kinh tế ở các nền kinh tế lớn như Mỹ và EU vẫn hiện hữu và ngày càng rõ nét khi lạm phát kéo dài trong nhiều tháng liên tiếp cùng với lãi suất tăng nóng. Kinh tế thế giới năm 2023 được dự báo tiếp tục có nhiều biến động phức tạp, lạm phát toàn cầu mặc dù đã hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao, giá năng lượng thế giới tăng cao, chiến sự Nga - Ucraina với nhiều diễn biến bất ngờ, ngoài dự đoán. Gần đây, sự sụp đổ của ngân hàng Mỹ và sáp nhập của ngân hàng Credit Suisse của Thụy Sỹ đã phần nào ảnh hưởng tới tâm lý người tiêu dùng ở các nước trên thế giới. Với một quốc gia có độ mở lớn như Việt Nam thì những thay đổi về kinh tế, địa chính trị và sinh thái đều tác động đến triển vọng phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Những tác động đó sẽ ảnh hưởng tới nền kinh tế Việt Nam, ít nhất trong nửa đầu năm 2023 và khả năng hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2023. Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn đó vẫn hé lộ những tín hiệu lạc quan. Có thể kể đến một số yếu tố dẫn dắt cho kinh tế Việt Nam năm 2023 như:
Theo góc độ sản xuất:
Ngành nông nghiệp đang thực hiện quá trình tái cơ cấu chuyển từ “sản xuất nông nghiệp” sang “kinh tế nông nghiệp” và đã đạt được những kết quả tích cực, sẽ tiếp tục thể hiện vai trò là “trụ đỡ” vững chắc của nền kinh tế Việt Nam, không chỉ bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm trong nước mà còn khẳng định vị trí là nước xuất khẩu nông sản hàng đầu, đóng vai trò quan trọng trong bảo đảm an ninh lương thực và đóng góp ổn định trong tăng trưởng kinh tế của đất nước.
Ðối với ngành công nghiệp, mặc dù có dấu hiệu sụt giảm trong quý I/2023, nhưng một số ngành công nghiệp chế biến vẫn duy trì được mức tăng trưởng với chỉ số sản xuất khá tốt, tiếp tục là động lực chính cho tăng trưởng.
Khu vực dịch vụ trong năm 2023 được dự báo sẽ tiếp tục có sự tăng trưởng khá, nhất là hoạt động thương mại điện tử có xu hướng phát triển mạnh trong những năm gần đây. Khách du lịch trong nước và quốc tế tiếp tục dự báo tăng cao, khi đó những ngành chưa hoàn toàn phục hồi, hoặc phục hồi chậm so với trước đại dịch sẽ tăng trưởng cao như: Dịch vụ lưu trú, ăn uống; vận tải, hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ; nghệ thuật vui chơi, giải trí…
Ngành xây dựng có nhiều tín hiệu khả quan, khi trong năm 2023 sẽ khởi công đồng loạt 12 dự án thành phần thuộc dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025. Ngoài ra, các công trình xây dựng lớn phục vụ hoạt động SXKD đã hoàn thành trong năm 2022 giúp tăng thêm năng lực sản xuất cho nền kinh tế cũng sẽ là một trong các động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong năm 2023 và các năm tiếp theo.
Theo góc độ sử dụng:
Năm 2023 là điểm rơi của đầu tư công trung hạn và giải ngân thực hiện gói đầu tư cơ sở hạ tầng thuộc chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội. Khi thực hiện đây sẽ là nguồn vốn mồi thúc đẩy đầu tư tư nhân, kích cầu nền kinh tế.
Ngoài ra, chính sách dịch chuyển dòng vốn FDI của các doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và điểm đến có thể là Việt Nam. Theo đó, các công ty tại Việt Nam tiếp tục đa dạng hóa chuỗi cung ứng, đây cũng sẽ là động lực cho tăng trưởng kinh tế năm 2023.
Một yếu tố khác là cầu tiêu dùng năm 2023 sẽ tiếp tục hồi phục sau đại dịch và được hỗ trợ từ nhu cầu du lịch trong nước. Bên cạnh đó, mặc dù năm 2023 được dự báo sẽ khó khăn khi xuất khẩu đến các đối tác thương mại lớn của Việt Nam như Mỹ, EU; tuy nhiên, Việt Nam có thể bù đắp ở các thị trường FTA thế hệ mới như RCEP. Đặc biệt, với việc Trung Quốc mở cửa trở lại, Việt Nam có thể xuất khẩu những mặt hàng tiêu dùng vào thị trường hơn 1,4 tỷ dân sau thời gian dài cách ly. Cùng với đó, lượng lớn khách du lịch từ Trung Quốc sẽ đến Việt Nam (năm 2019 khách Trung Quốc chiếm 30% khách du lịch quốc tế vào Việt Nam), kéo theo xuất khẩu dịch vụ sẽ tăng mạnh.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
________________________________
[1] Tốc độ tăng/giảm giá trị tăng thêm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo quý I so với cùng kỳ năm trước các năm trong giai đoạn 2011-2023 lần lượt là: 11,90%; 8,11%; 3,83%; 5,15%; 8,36%; 8,35%; 7,03%; 10,92%; 9,95%; 5,55%; 8,63%; 7,85%; -0,37%.