Việt Nam đẩy mạnh tín dụng xanh phục vụ cho tăng trưởng xanh và phát triển bền vững

|

Việt Nam đẩy mạnh tín dụng xanh phục vụ cho tăng trưởng xanh và phát triển bền vững

Tăng trưởng xanh và phát triển bền vững đang là xu hướng của các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Để thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, đồng thời góp phần thực hiện cam kết Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26) đưa mức phát thải ròng về "0", vào năm 2050, thời gian tới, Việt Nam cần huy động một nguồn vốn rất lớn đề đầu tư cho các dự án, công trình xanh.

Việt Nam trở thành thị trường phát hành nợ xanh lớn thứ 2 trong ASEAN

Tín dụng xanh được hiểu là những khoản tín dụng mà ngân hàng cung cấp cho các dự án không gây rủi ro hoặc gắn với bảo vệ môi trường. Việt Nam hiện đã ban hành Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 theo Quyết định số 1658/QĐ-TTg ngày 01/10/2021 của Chính phủ. Để thúc đẩy phát triển tín dụng xanh nhằm triển khai thực hiện các chủ trương, chiến lược của Đảng, Nhà nước về tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, những năm qua, hệ thống văn bản chính sách, pháp luật về tín dụng xanh, ngân hàng xanh từng bước được hoàn thiện.

Cụ thể, ngày 06/8/2015 Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Quyết định số 1552/QĐ-NHNN về Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng với mục tiêu là thực hiện có hiệu quả Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh; Ngày 07/8/2018, NHNN ban hành Quyết định số 1604/QĐ-NHNN phê duyệt Đề án phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam nhằm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng đã rà soát, ban hành các chính sách thuế nhằm góp phần tạo khuôn khổ pháp lý thúc đẩy tăng trưởng xanh và phát triển bền vững với hai trụ cột là chính sách thuế để hạn chế sản xuất và sử dụng hàng hóa gây ô nhiễm môi trường và chính sách thuế để khuyến khích đầu tư sản xuất theo công nghệ sạch, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường.

Việt Nam trở thành thị trường phát hành nợ xanh lớn thứ hai trong ASEAN,
chỉ sau Singapo

Bên cạnh hệ thống các chính sách đang ngày càng hoàn thiện, tín dụng xanh đang có những chuyển hướng tích cực, nhận được nhiều sự quan tâm và đầu tư ngày càng cao. Theo NHNN Việt Nam, giai đoạn 2017 - 2021, dư nợ cấp tín dụng xanh tại Việt Nam có tăng trưởng bình quân đạt hơn 25%/năm. Tính đến 30/6/2022, dư nợ cấp tín dụng đối với các dự án xanh đạt hơn 474.000 tỷ đồng, chiếm 4,1% tổng dư nợ toàn nền kinh tế, tăng 7,08% so với năm 2021. Tín dụng xanh chủ yếu tập trung vào lĩnh vực năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (47%), nông nghiệp xanh (32%). Dư nợ được đánh giá rủi ro môi trường và xã hội đạt hơn 2.283 nghìn tỷ đồng, chiếm gần 20% dư nợ cho vay của nền kinh tế với hơn 1,1 triệu món vay. Với những con số trên, Việt Nam trở thành thị trường phát hành nợ xanh lớn thứ hai trong ASEAN, chỉ sau Singapo.

Các chương trình tín dụng xanh nổi bật của các ngân hàng trong thời gian qua có thể kể đến như: Dự án chuyển hóa cacbon thấp sang lĩnh vực tiết kiệm năng lượng được BIDV, ANZ triển khai với nguồn vốn do Chính phủ Đan Mạch tài trợ theo Chương trình hỗ trợ đầu tư xanh (GIF); Sản phẩm cho vay dự án phát triển năng lượng tái tạo tại Vietcombank, BIDV, VietinBank, SHB, HDBank từ nguồn vốn của Ngân hàng Thế giới; Sản phẩm cho vay dự án hiệu quả năng lượng cho ngành công nghiệp Việt Nam do SHB là đơn vị thực hiện, cùng với sự tham gia của các ngân hàng khác từ nguồn vốn Quỹ Khí hậu xanh của Ngân hàng Thế giới; Năm 2022, ADB đã huy động một gói tài trợ giá 135 triệu USD cho Công ty cổ phần Sản xuất và Kinh doanh VinFast (VinFast) để sản xuất đội xe buýt vận tải công cộng chạy hoàn toàn bằng điện đầu tiên của Việt Nam và mạng lưới sạc xe điện toàn quốc đầu tiên...

Nhận thức của các tổ chức tín dụng về tăng trưởng xanh, tín dụng xanh ngày càng nâng cao. Nhiều tổ chức tín dụng đã xây dựng chiến lược có tính đến rủi ro môi trường, xã hội vào quy trình thẩm định tín dụng xanh; xây dựng các sản phẩm tín dụng, dịch vụ ngân hàng xanh và quan tâm dành nguồn vốn huy động của ngân hàng để cấp cho các dự án xanh. Đồng thời, các tổ chức tín dụng cũng đã có định hướng rõ hoạt động tín dụng xanh với việc chủ động tìm kiếm cơ hội hợp tác với nhiều tổ chức quốc tế để phát triển và triển khai cho vay chương trình tín dụng xanh.

Với sự nỗ lực của các tổ chức tín dụng và những cam kết mạnh mẽ của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị lần thứ 26, các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26) quyết tâm đưa mức phát thải ròng về "0" vào năm 2050, đã mở ra nhiều cơ hội về tín dụng xanh cho tăng trưởng ít phát thải với hạn mức đầu tư ngày càng cao đến từ sự hợp tác với các quỹ đầu tư, nhất là các quỹ đầu tư nước ngoài. Điển hình là Pandora - tập đoàn của Đan Mạch thuộc nhóm đi đầu trong việc áp dụng kinh doanh thân thiện với môi trường, được vận hành bằng năng lượng tái tạo đã trở thành nhà đầu tư xanh vào thị trường Việt Nam với vốn đầu tư 100 triệu USD; Tiếp đến là tập đoàn LEGO năm 2022 cũng đã chính thức khởi công xây dựng nhà máy tại tỉnh Bình Dương với tổng vốn đầu tư hơn 1,3 tỷ USD.

Việt Nam hiện được cộng đồng thế giới đánh giá cao và trở thành một điểm đến đầu tư an toàn, hấp dẫn cho các nhà đầu tư với sự hiện diện của nhà đầu tư đến từ các quốc gia và vùng lãnh thổ. Theo Tổng cục Thống kê, năm 2022 có 73 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam ước đạt gần 22,4 tỷ USD, tăng 13,5% so với năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất trong 5 năm qua.

Mặc dù sự phát triển của thị trường tín dụng xanh tại Việt Nam trong những năm gần đây đã có những bước tiến tích cực song mục tiêu tăng trưởng tín dụng xanh vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc như: Vốn xanh vẫn còn khá khiêm tốn; nguồn vốn đầu tư vào lĩnh vực xanh cần thời gian thu hồi vốn dài, chi phí đầu tư lớn, rủi ro thị trường cao; việc cấp tín dụng xanh là một lĩnh vực mới, đòi hỏi yếu tố kỹ thuật về môi trường chuyên sâu nên gây khó khăn cho cán bộ tín dụng trong việc thẩm định, đánh giá hiệu quả của dự án; chưa có hướng dẫn các tiêu chí cụ thể về danh mục các ngành, lĩnh vực xanh để các ngân hàng căn cứ lựa chọn, thẩm định, đánh giá và giám sát khi thực hiện cấp tín dụng xanh; các dự án xanh thường có thời gian hoàn vốn dài, chi phí đầu tư lớn, gây khó khăn cho các ngân hàng trong việc cân đối vốn.

Thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh

Thực tế, Việt Nam còn rất nhiều dư địa và cơ hội để mở rộng nguồn vốn cho tài chính xanh. Với một nền kinh tế phục hồi ổn định sau dịch Covid-19, môi trường đầu tư - kinh doanh ngày càng thuận lợi khi tích cực tham gia hội nhập sâu rộng với quốc tế và tham gia ký kết nhiều Hiệp định thương mại tự do FTA, nguồn lực lượng lao động đang trong thời kỳ dân số vàng có sức trẻ, sự sáng tạo và khả năng thích nghi cao… lợi thế Việt Nam đang là điểm đến của các khoản đầu tư vào nguồn vốn xanh và bền vững của các Quỹ đầu tư và các tổ chức tài chính quốc tế. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhu cầu vốn để thực hiện các mục tiêu phát triển xanh và phát triển bền vững từ nay đến năm 2030 của Việt Nam vào khoảng 360 tỷ USD, trong đó nguồn vốn từ khu vực tư nhân chiếm 50%. Theo Đề án phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam, đến năm 2025, 100% ngân hàng xây dựng được quy định nội bộ về quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng; 100% các ngân hàng thực hiện đánh giá rủi ro môi trường xã hội trong hoạt động cấp tín dụng; áp dụng các tiêu chuẩn về môi trường cho các dự án được ngân hàng cấp vốn vay; kết hợp đánh giá rủi ro môi trường như một phần trong đánh giá rủi ro tín dụng của ngân hàng; ít nhất 10 - 12 ngân hàng có đơn vị/bộ phận chuyên trách về quản lý rủi ro môi trường và xã hội; 60% ngân hàng tiếp cận được nguồn vốn xanh và triển khai cho vay các dự án tín dụng xanh.

Để tiếp tục khơi thông nguồn vốn đáp ứng nhu cầu tăng trưởng xanh thời gian tới Việt Nam cần tập trung vào các giải pháp như:

Một là, NHNN tiếp tục xây dựng và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về tín dụng xanh, hướng dẫn quản lý rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng của TCTD. Nghiên cứu, xây dựng, tích hợp các nội dung nhiệm vụ của NHNN triển khai Kế hoạch hành động thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26 và thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; đồng thời nghiên cứu xây dựng các giải pháp tập trung nguồn lực để cấp tín dụng cho các dự án, phương án sản xuất, kinh doanh sử dụng các thành tựu khoa học và công nghệ tiên tiến; sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; sử dụng công nghệ, thiết bị thân thiện với môi trường, sản xuất những sản phẩm thân thiện với môi trường; các dự án, chương trình phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Hai là, hoàn thiện chính sách, công cụ về huy động nguồn lực cho tăng trưởng xanh, tập trung vào các chính sách hỗ trợ, ưu đãi tài chính, phát triển thị trường vốn, thị trường tín dụng, bảo hiểm xanh, thị trường các-bon hướng tới phát triển đồng bộ hệ thống thương mại khí thải theo cơ chế thị trường.

Ba là, nâng cao khả năng tiếp cận tài chính xanh nhằm thể chế hóa và tăng quy mô, tính bao trùm toàn diện của tài chính xanh, đặc biệt là cơ chế ưu đãi cho đầu tư xanh, tài chính xanh, tín dụng xanh nhằm thúc đẩy các dự án xanh.

Bốn là, tăng cường huy động nguồn tài chính từ các định chế tài chính, các quỹ và các nhà đầu tư tư nhân quốc tế, ưu tiên sử dụng các nguồn vốn vay ưu đãi, hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), hỗ trợ kỹ thuật của các nước, các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ cho tăng trưởng xanh.

Năm là, đa dạng hóa các sản phẩm tín dụng xanh giúp các ngân hàng thu hút được nhiều đối tượng khách hàng và nâng cao khả năng cạnh tranh.

Sáu là, đẩy mạnh các chương trình đào tạo, tập huấn cho nhân viên tín dụng giúp nâng cao năng lực thẩm định, đánh giá và quản lí rủi ro môi trường trong hoạt động cấp tín dụng... Các ngân hàng cần đẩy mạnh tuyên truyền về tín dụng xanh để khách hàng nắm bắt và hiểu rõ hơn về tín dụng xanh cũng như lợi ích của tín dụng xanh./.

ThS. Nguyễn Chung Thủy

Đại học Công nghiệp Hà Nội