Anh gia nhập CPTPP – Cơ hội củng cố thêm quan hệ kinh tế Việt - Anh lên tầm cao mới

|

Anh gia nhập CPTPP – Cơ hội củng cố thêm quan hệ kinh tế Việt - Anh lên tầm cao mới

Là nền kinh tế lớn thứ sáu thế giới và là quốc gia châu Âu đầu tiên gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), bước đi này của Vương quốc Anh đã tạo ra luồng gió mới trong bức tranh thương mại toàn cầu, góp phần mở rộng không gian kinh tế và tăng sự gắn kết kinh tế của cả khối. Đối với Việt Nam, sự kiện Anh gia nhập CPTPP được cho là sẽ củng cố thêm quan hệ kinh tế của hai nước nước lên tầm cao mới với sự gắn kết cả từ quan hệ song phương và đa phương

Anh gia nhập CPTPP, mở rộng khối kinh tế lớn toàn cầu

CPTPP là một trong những Hiệp định Thương mại tự do lớn nhất toàn cầu với 11 quốc gia thành viên gồm: Australia, Canada, Brunei, Nhật Bản, Chile, Mexico, Malaysia, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam. Đây cũng là Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới đầu tiên được thực thi của thế kỷ 21 với nhiều kỳ vọng lớn. Tính tại thời điểm được ký kết, CPTPP là khối liên kết kinh tế lớn thứ 3 thế giới, bao trùm một khu vực thị trường rộng lớn, chiếm khoảng 6,5% dân số thế giới, 13,5% GDP toàn cầu, và 14% tổng thương mại thế giới. Ngoài ra, 11 quốc gia thành viên của CPTPP trong đó quy tụ nhiều cường quốc kinh tế như Nhật Bản, Canada, Australia, đã hình thành một chuỗi cung ứng khu vực mới với nhiều cơ hội lớn về hợp tác thương mại và đầu tư.

CPTPP đã chứng tỏ được sức hấp dẫn của khối kinh tế lớn với nhiều hứa hẹn bởi ngay sau khi Hiệp định CPTPP được ký kết vào tháng 3/2018 tại Chile, nhiều nền kinh tế bên ngoài đã bày tỏ quan tâm và mong muốn trở thành thành viên của Hiệp định. Trong năm 2021, CPTPP đã nhận được tới 4 đơn xin gia nhập chính thức từ 4 nền kinh tế ở 3 Châu lục khác nhau trên thế giới, gồm: Anh, Trung Quốc, Đài Loan, Ecuador. Điều này cho thấy sức hấp dẫn của Hiệp định đã vượt ra khỏi biên giới hai bờ Thái Bình Dương. Sức hút của CPTPP chưa hết khi Hàn Quốc cũng đang nghiêm túc xét đến việc gia nhập CPTPP.

Tính đến thời điểm ngày 1/2/2021, Anh là quốc gia ngoại khối đầu tiên chính thức nộp đơn đề nghị gia nhập, đúng 1 năm sau khi chính thức rời Liên minh châu Âu (EU) với mục tiêu mở ra con đường mới cho thương mại của nước này hậu Brexit. Theo quy định của CPTPP, việc kết nạp thêm thành viên mới phải được sự đồng ý của tất cả các thành viên trong khối. Đến ngày 2/6/2021, tất cả các thành viên hiện có của CPTPP đã đồng ý cho Anh bắt đầu tiến trình đàm phán gia nhập Hiệp định này. Do đó, phiên đàm phán đầu tiên giữa Anh và 11 nước thành viên CPTPP để thực hiện tiến trình đã bắt đầu từ ngày 28/9/2021.

Sau gần 2 năm đàm phán, vào ngày 16/7/2023 vừa qua, Bộ trưởng Kinh doanh và Thương mại Anh Kemi Badenoch đã ký Nghị định thư tham gia CPTPP tại Auckland, New Zealand, trở thành thành viên mới đầu tiên kể từ khi khối thành lập vào năm 2018. Sự kiện này đồng thời cũng mở đường cho việc CPTPP xem xét kết nạp thêm các thành viên khác. Tính đến thời điển hiện tại, CPTPP cũng được cho là hiệp định thương mại quan trọng nhất mà Anh ký kết sau khi rời Liên minh châu Âu. CPTPP bao gồm hai thành viên khác trong nhóm G7 là Canada và Nhật Bản; cùng với các đồng minh lâu đời của Anh là Úc và New Zealand; tham gia khối còn có Brunei, Chile, Malaysia, Mexico, Peru, Singapore và Việt Nam. Theo Thủ tướng Anh Rishi Sunak, việc gia nhập khối thương mại CPTPP đã đặt nước Anh vào trung tâm của một nhóm gồm các nền kinh tế năng động và tăng trưởng mạnh mẽ ở khu vực Thái Bình Dương. Qua đó cũng cho thấy cam kết mạnh mẽ, toàn diện của Anh đối với việc duy trì một hệ thống thương mại mở, tự do, công bằng; là sự triển khai cụ thể chiến lược “ngả về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương,” đóng góp cho việc xây dựng khu vực hợp tác, phát triển và thịnh vượng; đồng thời mở ra dấu mốc mới cho tự do hóa thương mại toàn cầu.

Theo số liệu từ Văn phòng Thống kê quốc gia Anh (ONS), quý IV/2022, nền kinh tế Anh đã vận hành tốt hơn so với dự báo trước đó, khi tăng trưởng ở mức 0,1% trong bối cảnh nhiều nền kinh tế lớn tăng trưởng âm. Điều này đồng nghĩa với việc Vương quốc Anh đã tránh được suy thoái kinh tế vào cuối năm 2022 nhờ sự tăng trưởng vượt dự báo của các ngành viễn thông, xây dựng và sản xuất. Những tháng đầu năm 2023, nền kinh tế Anh đã có sự tăng trưởng tốt hơn dự báo của giới phân tích. Khi CPTPP chính thức có hiệu lực, Anh sẽ đạt được một số lợi ích kinh tế trông thấy bao gồm việc xây dựng được tuyến thương mại mới với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, với 60% dân số thế giới; Giảm thuế nhập khẩu ô tô, rượu và các sản phẩm từ sữa; Đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng chủ lực. Đặc biệt, CPTPP được kỳ vọng sẽ giúp GDP Anh tăng thêm 1,8 tỷ Bảng (tương đương 2,2 tỷ USD) mỗi năm trong dài hạn và có thể tăng thêm nếu có thêm nước khác gia nhập khối.

Sự tham gia của Anh cũng sẽ làm tăng cường chuỗi giá trị và chuỗi cung ứng trong khối, thúc đẩy quá trình tự do hóa thương mại trong khu vực. Dự đoán GDP của khối CPTPP sẽ đạt 15,7 nghìn tỷ USD, đóng góp tới 15% GDP toàn cầu, thúc đẩy thương mại và đầu tư của Anh với các quốc gia nội khối, bao gồm cả Việt Nam.

CPTPP củng cố mạnh mẽ quan hệ kinh tế Việt - Anh

Trong giai đoạn 2010-2019, thương mại song phương giữa Việt Nam và Vương quốc Anh đã có bước phát triển mạnh mẽ. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa giữa 2 quốc gia đã tăng lên gấp 3 lần, từ 2,19 tỷ USD năm 2010 lên 6,61 tỷ USD năm 2019; trong đó, xuất khẩu đạt 5,75 tỷ USD và nhập khẩu đạt 857 triệu USD, cán cân thương mại giữa 2 nước duy trì theo hướng Việt Nam xuất siêu với kim ngạch xuất khẩu gấp trên 6 lần nhập khẩu. Năm 2020, đứng trước biến động chung của thế giới khi dịch Covid-19 tác động mạnh làm đứt gãy, gián đoạn hệ thống thương mại toàn cầu, đặc biệt là giai đoạn bùng phát mạnh tại Anh đã khiến cho tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa giữa hai nước chứng kiến sự sụt giảm. Dù vậy, giá trị xuất khẩu hàng hóa từ Việt Nam sang Anh vẫn gấp 7,2 lần nhập khẩu, với mức lần lượt là 4,95 tỷ USD và 687 triệu USD. Quan hệ giao thương giữa 2 nước Việt - Anh được cho là khá thuận lợi khi các mặt hàng xuất nhập khẩu qua lại thường mang tính bổ sung thay vì cạnh tranh. Trong đó, các sản phẩm xuất khẩu chính của Việt Nam sang Anh gồm: Điện thoại - linh kiện, hàng dệt may, giày dép, thủy sản, gỗ và sản phẩm gỗ, máy vi tính - linh kiện, hạt điều, cà phê, hạt tiêu… Các mặt hàng Việt Nam nhập khẩu từ Anh chủ yếu là máy móc, thiết bị, dược phẩm, sắt thép, hóa chất...

 

Anh gia nhập CPTPP được kỳ vọng sẽ củng cố thêm quan hệ kinh tế Việt Nam - Vương quốc Anh

Với Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len (UKVFTA), thương mại 2 nước được đẩy lên tầm cao mới (mức tăng trưởng năm 2021 là 17,2%). Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Anh đạt 5,76 tỷ USD và nhập khẩu là 849,3 triệu USD. Trong năm 2022, nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam có sự tăng trưởng tốt khi xuất khẩu sang Anh như: Cà phê (tăng 61%); đá quý, kim loại quý và sản phẩm (tăng 56%); đồ chơi, dụng cụ thể thao và bộ phận (tăng 59%); giày dép các loại (tăng 40%); hàng dệt may (tăng 36%); dây điện và dây cáp điện (tăng 30%); sản phẩm điện tử và linh kiện (tăng 28%); máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác (tăng 37%)... Ngoài ra, điện thoại các loại và linh kiện vẫn đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD. Tính chung, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa năm 2022 của Việt Nam và Anh đạt 6,83 tỷ USD; trong đó xuất khẩu sang Anh đạt 6,06 tỷ USD và nhập khẩu nhập đạt 771 triệu USD.

Từ thực tế hợp tác song phương 2 nước, có thể thấy Việt Nam - Anh vẫn còn nhiều dư địa hợp tác phát triển. Việc gia nhập CPTPP một cách thuận lợi được kỳ vọng sẽ thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác giữa Việt Nam - Vương quốc Anh phát triển trên tất cả các trụ cột, nhất là về khả năng nâng cao kim ngạch thương mại song phương hai nước. Lý giải cho điều này, các chuyên gia cho rằng Việt Nam vẫn còn nhiều sản phẩm có lợi thế cạnh tranh vượt trội tại thị trường Anh so với sản phẩm cùng loại của Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia và nhiều nước khác do những nước này chưa có hiệp định thương mại tự do với Vương quốc Anh. Bên cạnh đó, sự tăng trưởng đáng kể trong giao thương Việt - Anh kể từ khi UKVFTA có hiệu lực vẫn còn là con số khiêm tốn so với tiềm năng hợp tác giữa hai nước. Cụ thể, hàng xuất khẩu của Việt Nam vào Vương quốc Anh hiện nay chỉ chiếm chưa tới 1% nhu cầu nhập khẩu của thị trường Anh, còn hàng nhập khẩu của Việt Nam từ Anh chỉ chiếm khoảng 0,2% giá trị xuất khẩu của Anh ra thế giới.

Việc Anh gia nhập CPTPP sẽ tạo thêm cơ hội tiếp cận thị trường mới cho một số nông sản Việt Nam. So với UKVFTA, Anh đã cam kết sẽ tăng hạn ngạch thuế quan đối với một số mặt hàng của Việt Nam như gạo, cá ngừ, mật ong, chả cá. Đồng thời, CPTPP sẽ bổ sung thêm khuôn khổ pháp lý cho sự phát triển quan hệ thương mại, kinh tế giữa hai nước; các doanh nghiệp hai nước sẽ có điều kiện để tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng của nhau, giúp đa dạng hóa chuỗi cung ứng, bao gồm cả chuỗi cung ứng những mặt hàng chiến lược, từ đó, góp phần gia tăng tính tự chủ, tự cường của cả hai nền kinh tế.

Không chỉ riêng thương mại, với CPTPP, Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội trở thành điểm đến với các nhà đầu tư đến từ Anh. Lũy kế đến 20/6/2023, có 530 dự án đầu tư còn hiệu lực của các doanh nghiệp Anh vào Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký là hơn 4,26 tỷ USD, trong nhiều năm, Anh đứng vị trí thứ 15 trên tổng số 143 quốc gia và vùng lãnh thổ đang đầu tư vào Việt Nam. Đây là một thứ hạng ấn tượng, tuy nhiên với một quốc gia đứng trong top 5 nước có đầu tư ra nước ngoài nhiều nhất thế giới thì Việt Nam sẽ có cơ hội thu hút đầu tư nhiều hơn nữa nếu tận dụng hiệu quả các ưu đãi từ CPTPP. Đối với lĩnh vực chuyển đổi năng lượng - một thế mạnh của Anh, theo xu thế của toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng, khi Việt Nam đang đẩy mạnh các chính sách chuyển đổi năng lượng nhằm tiến tới thực hiện cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, Anh đã bày tỏ quan điểm mong muốn hợp tác chặt chẽ, sẵn sàng hỗ trợ tài chính cũng như trang thiết bị để Việt Nam thực hiện cam kết trên. Đây chính là ý kiến của Đại sứ Vương quốc Anh tại cuộc gặp với Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng ngày 28/4/2023 vừa qua.

Trong bối cảnh cả hai nước đều hướng đến nền kinh tế xanh và thương mại xanh, đây là tiền đề phát triển cho các lĩnh vực liên quan đến tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Các chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam sẽ cần phải định hướng lại sự phát triển của mình sao cho thích ứng với xu thế của thế giới và xây dựng được các yếu tố bền vững đáp ứng được yêu cầu về phát triển bền vững, để thâm nhập sâu hơn vào chuỗi cung ứng sang thị trường Anh. Năm 2023 là năm kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Vương quốc Anh, việc Anh chính thức tham gia CPTPP sẽ là tiền đề quan trọng đề hai nước đẩy mạnh hợp tác về thương mại, đầu tư và thúc đẩy liên kết kinh tế ở tầm khu vực./.

 
Duy Hưng