Ngành cơ khí đột phá để tiệm cận với thế giới

|

Ngành cơ khí đột phá để tiệm cận với thế giới

Chú trọng đầu tư phát triển, nâng cao năng lực sản xuất, ngành cơ khí trong nước đã từng bước làm chủ và nâng cao tỷ lệ nội địa hóa; tạo động lực thúc đẩy các ngành công nghiệp và kinh tế khác phát triển. Theo dự báo, tổng nhu cầu thị trường cơ khí của Việt Nam đến năm 2030 có thể đạt hơn 300 tỷ USD. Để ngành cơ khí phát triển đáp ứng nhu cầu của thị trường và tiếp cận gần hơn với thế giới trong thời gian tới cần tiếp tục có những giải pháp thúc đẩy phát triển mạnh mẽ hơn nữa. 

Thực trạng phát triển ngành cơ khí trong thời gian qua

Cơ khí là ngành công nghiệp nền tảng được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm và trở thành một trong những ngành then chốt của nền kinh tế.  Những năm qua, ngành cơ khí phát triển với nhiều chuyển biến tích cực, từng bước làm chủ công nghệ, mở rộng đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm và tỷ lệ nội địa hóa. Với thế mạnh tập trung ở ba phân ngành là xe máy và phụ tùng linh kiện xe máy; cơ khí gia dụng và dụng cụ; ôtô và phụ tùng ôtô. Sản phẩm của ngành cơ khí đã từng bước thay đổi từ chỗ phải hoàn toàn nhập khẩu sang tự chế tạo. Đến nay, linh kiện kim loại sản xuất trong nước đã đáp ứng được 85 - 90% nhu cầu cho sản xuất xe máy; khoảng 15 - 40% nhu cầu linh kiện cho sản xuất ôtô (tùy chủng loại xe), khoảng 20% cho sản xuất thiết bị đồng bộ và 40 - 60% cho sản xuất các loại máy nông nghiệp, máy động lực và 40% cho máy xây dựng. Cung ứng linh kiện kim loại cho các ngành công nghiệp công nghệ cao hiện đáp ứng khoảng 10% nhu cầu. Theo Tổng cục Thống kê, năm 2022,  trị giá xuất khẩu mặt hàng máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác ước tính đạt 45.722 triệu USD, tăng 19,3% so với năm trước. Trị giá nhập khẩu mặt hàng máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác ước tính đạt 45.391 triệu USD, giảm 2,0% so với năm trước. Kết quả này cho thấy, Việt Nam đang giảm dần sự phụ thuộc vào máy móc nhập khẩu từ nước ngoài. 9 tháng năm 2023, trị giá xuất khẩu mặt hàng máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác ước tính đạt 30.642 triệu USD, mặc dù giảm 10,6% so với cùng kỳ năm trước song đây vẫn là những tháng đạt giá trị xuất khẩu hàng hòa trên 10 tỷ USD. Trị giá nhập khẩu mặt hàng máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác ước tính đạt 30.569 triệu USD, giảm 11,1% so với cùng kỳ năm trước.
 

Ngành cơ khí từng bước làm chủ công nghệ, mở rộng đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm

Chú trọng vào đầu tư, nghiên cứu phát triển sản phẩm nên năng lực sản xuất của các doanh nghiệp cơ khí trong nước từng bước được nâng cao. Nếu trước đây, các doanh nghiệp chủ yếu nhập nguyên liệu để lắp ráp, chế tạo thì nay nhiều doanh nghiệp đã tự cung ứng các linh kiện kim loại, tăng tỷ lệ nội địa hóa, trong đó có thể kể đến những doanh nghiệp như: Trường Hải - Thaco, Vinfast, Thành Công... Trong một số lĩnh vực, năng lực của doanh nghiệp sản xuất linh kiện ngành cơ khí khá tốt như: Khuôn mẫu các loại, linh kiện cơ khí, dây cáp điện, linh kiện nhựa, cao su kỹ thuật... Nhận thấy nhu cầu của thị trường công nghiệp hỗ trợ rất lớn, nên doanh nghiệp cơ khí trong nước tiếp tục mạnh dạn đầu tư nâng cao năng lực sản xuất, chú trọng phát triển các dòng sản phẩm chất lượng, sản phẩm phục vụ doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài và hướng vào xuất khẩu sản phẩm cơ khí.

Thị phần trong xuất khẩu linh kiện, máy móc thiết bị cũng đã có những tín hiệu tích cực. Trước đây, thị phần này chỉ dành cho các doanh nghiệp FDI thì nay các doanh nghiệp lớn ở Việt Nam cũng đã xuất khẩu máy móc, thiết bị ra thế giới. Theo Tổng cục Thống kế, nếu năm 2010 kim ngạch xuất khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng là 3 tỷ USD và nằm trong nhóm 18 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, thì đến năm 2020 trong bối cảnh nền kinh tế trong nước cũng như thế giới chịu tác động tiêu cực của dịch Covid-19 và sự đứt gãy thương mại toàn cầu, xuất khẩu máy móc thiết bị của Việt Nam có mức tăng trưởng với kim ngạch xuất khẩu đạt 27 tỷ USD và là một trong sáu mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỷ USD. Năm 2021, trị giá mặt hàng xuất khẩu này ước tính là 38.346 triệu USD và tiếp tục là một trong tám mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD.

Đẩy mạnh quá trình tiệm cận với trình độ thế giới

Mặc dù đạt được những kết quả tích cực song ngành cơ khí trong nước vẫn còn phải đối mặt với những khó khăn như: Các doanh nghiệp cơ khi có quy mô nhỏ khá phổ biến; năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp chưa đủ mạnh, chưa làm chủ được công nghệ lõi hoàn chỉnh trong lĩnh vực cơ khí; sản phẩm xuất khẩu khá khiêm tốn; thị phần trong nước của ngành cơ khí chưa nhiều.

Hiện, Việt Nam với dân số 100 triệu người, đa phần là dân số trẻ đang tạo ra cho Việt Nam triển vọng trở thành trung tâm công nghiệp cơ khí hàng đầu Đông Nam Á. Đặc biệt, với việc ngày càng hội nhập sâu rộng với thế giới và tham gia ký kết hàng loạt các hiệp định thương mại tự do (FTA) thời gian qua, mang tới cơ hội lớn cho các doanh nghiệp cơ khí Việt Nam được tiệm cận gần hơn với trình độ khoa học kỹ thuật tiên tiến trên thế giới.

Bên cạnh đó, các công ty đa quốc gia vẫn tiếp tục tìm kiếm đối tác liên doanh, liên kết, đặt nhà máy sản xuất tại Việt Nam và xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng cũng đang tạo ra cơ hội lớn cho doanh nghiệp cơ khí của Việt Nam.

Để nắm bắt cơ hội phát triển, ngành cơ khí Việt Nam trong thời gian tới cần xác định nhu cầu thị trường, chỉ rõ những khoảng trống để phát triển những lĩnh vực mà ngành có thể cạnh tranh. Ngoài việc tạo thị trường cho doanh nghiệp, các cơ chế, chính sách phải linh hoạt để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, mở rộng sản xuất, tăng tỷ lệ nội địa hóa. Trong đó, cần đặc biệt chú trọng phát triển ngành cơ khí luyện kim, công nghiệp hỗ trợ...

Về phía Bộ Công Thương để hỗ trợ doanh nghiệp cơ khí, Bộ tiếp tục tăng cường và nâng cao hiệu quả hoạt động của 2 Trung tâm kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp miền Bắc và miền Nam. Hai Trung tâm này đã và đang có các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp cơ khí tại một số địa phương trên cả nước như: Hỗ trợ đào tạo hệ thống quản trị sản xuất, hệ thống quản lý kinh doanh; nâng cao năng lực đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, tìm kiếm các nhà cung cấp phù hợp tham gia vào chuỗi giá trị của các tập đoàn; các Trung tâm này cũng tích cực hợp tác với các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam như: Toyota, Mitsubishi, Canon...

Ngoài ra, Bộ Công Thương tiếp tục phát triển mạnh công nghiệp hạ nguồn, trrong đó có một số ngành như: Công nghiệp năng lượng, các ngành công nghiệp về cơ khí chính xác cũng như một số ngành cơ khí chế tạo để đảm bảo cho công nghiệp hỗ trợ có điều kiện phát triển...

Ngày 15/3/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 319/QĐ-TTg về Phê duyệt Chiến lược phát triển ngành Cơ khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 với quan điểm cơ khí là ngành công nghiệp nền tảng, gắn kết sản xuất cơ khí với dịch vụ, thương mại, phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí chủ động tham gia sâu vào chuỗi giá trị, sản xuất công nghiệp thế giới. Kiến tạo thị trường cho doanh nghiệp cơ khí và tự động hoá, từ đó thúc đẩy năng lực nội tại của doanh nghiệp, cải thiện vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Chiến lược đưa ra mục tiêu đến năm 2035, ngành cơ khí Việt Nam được phát triển với đa số các chuyên ngành có công nghệ tiên tiến, chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, tham gia sâu hơn nữa vào chuỗi giá trị toàn cầu, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, cạnh tranh bình đẳng trong hội nhập quốc tế; đội ngũ lao động chuyên nghiệp, có kỷ luật và có năng suất cao, chủ động trong các khâu nghiên cứu, thiết kế, chế tạo sản phẩm cơ khí, cơ bản đáp ứng nhu cầu sản phẩm cơ khí của thị trường trong nước. Đến năm 2030, sản lượng xuất khẩu đạt 40% tổng sản lượng ngành cơ khí, đến năm 2035 đạt 45%.

Theo đó, mục tiêu cụ thể, đến năm 2025, tập trung phát triển một số phân ngành cơ khí ô tô, máy kéo, máy nông nghiệp, thiết bị công trình, thiết bị công nghiệp và thiết bị điện, có khả năng đáp ứng cơ bản các yêu cầu của nền kinh tế và một phần xuất khẩu; đội ngũ lao động ngành cơ khí cơ bản có đủ trình độ đáp ứng nhu cầu của nền sản xuất hiện đại. Sau năm 2025, hình thành một số tổ hợp nhà thầu tư vấn và chế tạo có khả năng làm chủ công tác thiết kế, chế tạo nhóm thiết bị phụ, gói thầu EPC của các công trình công nghiệp; Tập trung hỗ trợ một số doanh nghiệp trong nước có tiềm năng trở thành các tập đoàn mạnh trong khu vực trong lĩnh vực chế tạo như: Ô tô, máy nông nghiệp và thiết bị điện; Hình thành hệ thống doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí đạt tiêu chuẩn nhà cung cấp trực tiếp cho các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh, chủ động tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, với đối tượng doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm vai trò chủ đạo.

Chiến lược cũng đã đưa ra giải pháp thực hiện các mục tiêu như:

Một là, tập trung phát triển một số loại vật liệu cơ bản phục vụ ngành cơ khí, nhằm tận dụng lợi thế so sánh về nguồn khoáng sản trong nước với trình độ công nghệ tiên tiến, có tính cạnh tranh cao và thân thiện với môi trường.

Hai là, tạo lập thị trường ở các phân ngành đã chọn, tạo tiền đề cho ngành cơ khí làm chủ công nghệ và nâng cao khả năng chế tạo. Ban hành các chế tài để bảo hộ hàng trong nước đã sản xuất được, phù hợp cam kết quốc tế.

Ba là, thu hút các tập đoàn chế tạo đa quốc gia có tiềm lực và thương hiệu với các ưu đãi có sức hấp dẫn nhằm thực hiện chính sách hỗ trợ đầu tư có trọng tâm, trọng điểm; đồng thời, chú trọng xúc tiến đầu tư đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhất là trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, theo hướng chọn lọc các dự án có chất lượng, có giá trị gia tăng cao, sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường.

Bốn là, Nhà nước có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp mua thiết kế, công nghệ, đổi mới công nghệ, thiết bị sản xuất, áp dụng công nghệ và mô hình quản lý sản xuất tiên tiến để nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, tài nguyên đầu vào, nâng cao năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm cơ khí; đa dạng hóa và khác biệt hóa sản phẩm. Hỗ trợ xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm hoặc hỗ trợ mua sát nhập các doanh nghiệp toàn cầu có thương hiệu, bao gồm cả Phần R&D để rút ngắn quá trình phát triển.

Năm là, Nhà nước ưu tiên đầu tư nâng cấp các cơ sở đào tạo ngành cơ khí, gắn đào tạo với thực hành; hỗ trợ kinh phí cử cán bộ, công nhân giỏi đi đào tạo và thực tập tại nước ngoài theo các Chương trình, dự án được phê duyệt, từng bước xây dựng lực lượng tổng công trình sư và kỹ sư trưởng.

Sáu là, Nhà nước có cơ chế về lãi suất tín dụng để đầu tư và thời hạn vay vốn lưu động cho các nhà sản xuất thiết bị cơ khí có dung lượng thị trường đủ lớn.

Bảy là, xây dựng hệ thống thông tin ngành cơ khí để làm cơ sở dữ liệu cho cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp dùng chung;

Tám là, thúc đẩy và phát huy vai trò các hiệp hội ngành nghề trong việc liên kết các doanh nghiệp trong ngành cơ khí, khắc phục tình trạng chia cắt và phân tán trong ngành cơ khí./.

Trang Nguyễn