Đảm bảo vững chắc an ninh năng lượng quốc gia - Tiền đề quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội

|

Đảm bảo vững chắc an ninh năng lượng quốc gia - Tiền đề quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội

Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra mục tiêu đến năm 2045, Việt Nam trở thành nước phát triển, có thu nhập cao. Để đạt được mục tiêu đó, việc đảm bảo an ninh năng lượng có ý nghĩa chiến lược quan trọng với vai trò là hạ tầng thiết yếu để phát triển kinh tế - xã hội. Nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang thực hiện các cam kết quốc tế về phát triển bền vững đi liền với bảo vệ môi trường, việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia cũng cần có sự điều chỉnh hợp lý, gắn với mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.
 
Quyết tâm phát triển và đảm bảo an ninh năng lượng theo hướng bền vững
 
Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 11/2/2020 về “Định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” (Nghị quyết 55) được coi là bước đột phá trong phát triển năng lượng với những các chính sách tiêu điểm như ưu tiên phát triển năng lượng nhanh và bền vững; rà soát, bổ sung, điều chỉnh các cơ chế, chính sách đặc thù cho một số dự án năng lượng quan trọng, đặc biệt các dự án đầu tư nguồn điện cấp bách.
 
Kế thừa tinh thần Nghị quyết 55, ngày 01/3/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 215/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Chiến lược). Chiến lược xác định một số quan điểm phát triển và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia như bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia là nền tảng, đồng thời là tiền đề quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội. Ưu tiên phát triển năng lượng nhanh và bền vững, đi trước một bước, bảo vệ môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu, gắn với mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Bên cạnh đó, phát triển năng lượng quốc gia phải phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xu thế hội nhập quốc tế; khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân tham gia phát triển năng lượng. Song song với phát triển đồng bộ, hợp lý và đa dạng hoá các loại hình năng lượng; ưu tiên khai thác, sử dụng triệt để và hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới, năng lượng sạch…

 

Đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia có vai trò đặc biệt quan trọng đối với phát triển
kinh tế - xã hội đất nước

 
Đẩy nhanh các hoạt động điều tra cơ bản, thăm dò, đánh giá tài nguyên để đảm bảo nguồn trữ lượng tài nguyên năng lượng sơ cấp phục vụ nhu cầu nền kinh tế quốc dân chính xác, tin cậy; đầu tư phát triển bền vững ngành năng lượng Việt Nam, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia… Nghiên cứu đầu tư hiệu quả ra nước ngoài để khai thác tài nguyên năng lượng sơ cấp nhất là với những loại năng lượng mà Việt Nam phải nhập khẩu phù hợp với chủ trương của Nghị quyết số 55. Ngoài ra, cần chú trọng nghiên cứu, ứng dụng những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong phát triển tất cả các phân ngành, lĩnh vực năng lượng; đẩy mạnh chuyển đổi số trong ngành năng lượng; từng bước làm chủ công nghệ hiện đại, tiến tới tự chủ sản xuất được phần lớn các thiết bị năng lượng.
 
Đáng nói là, việc sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ môi trường cần được xem là quốc sách quan trọng và trách nhiệm của toàn xã hội. Tăng cường kiểm toán năng lượng; xây dựng cơ chế, chính sách đồng bộ, chế tài đủ mạnh và khả thi để khuyến khích đầu tư và sử dụng các công nghệ, trang thiết bị tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường, góp phần thúc đẩy năng suất lao động và đổi mới mô hình tăng trưởng.
 
Các nỗ lực thực hiện nhằm mục tiêu bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia; cung cấp đầy đủ năng lượng ổn định, có chất lượng cao với giá cả hợp lý cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, bảo đảm quốc phòng, an ninh, nâng cao đời sống của nhân dân, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái. Tiến hành chuyển đổi năng lượng góp phần quan trọng đáp ứng mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Ngành năng lượng phát triển hài hoà giữa các phân ngành với hạ tầng đồng bộ và thông minh, đạt trình độ tiên tiến của khu vực ASEAN. Xây dựng thị trường năng lượng cạnh tranh, minh bạch, hiệu quả, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên năng lượng trong nước kết hợp với xuất, nhập khẩu năng lượng hợp lý; triệt để thực hành tiết kiệm và sử dụng hiệu quả năng lượng. Chủ động sản xuất được một số thiết bị chính trong các phân ngành năng lượng; nâng cấp, xây dựng lưới điện truyền tải, phân phối điện tiên tiến, hiện đại.
 
Mục tiêu cụ thể đến năm 2030, Việt nam có năng lực đáp ứng đủ nhu cầu năng lượng trong nước, phục vụ cho các mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2021-2030, trong đó năng lượng sơ cấp đến năm 2030 đạt khoảng 150-170 triệu tấn dầu quy đổi (TOE), đến năm 2045 đạt khoảng 260-280 triệu TOE. Tỷ trọng năng lượng tái tạo trong tổng năng lượng sơ cấp đạt 15-20%; tổng tiêu thụ năng lượng cuối cùng đạt mức 105-115 triệu TOE; cường độ năng lượng sơ cấp đạt từ 400-420 kgOE/1.000 USD GDP.
 
Đồng thời, xây dựng hệ thống điện thông minh, hiệu quả, có khả năng kết nối an toàn với lưới điện khu vực; bảo đảm cung cấp điện an toàn, đáp ứng tiêu chí N-1 đối với vùng phụ tải quan trọng và N-2 đối với vùng phụ tải đặc biệt quan trọng. Đến năm 2030, độ tin cậy cung cấp điện năng thuộc tốp 4 nước dẫn đầu ASEAN, chỉ số tiếp cận điện năng thuộc tốp 3 nước dẫn đầu ASEAN. Các cơ sở lọc dầu đáp ứng tối thiểu 70% nhu cầu xăng dầu cả nước; phấn đấu mức dự trữ xăng dầu đạt 75 - 80 ngày nhập ròng sau năm 2030. Đủ năng lực nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) khoảng 15-20 tỷ m3; tỷ lệ tiết kiệm năng lượng trên tổng tiêu thụ năng lượng cuối cùng so với kịch bản phát triển bình thường đạt khoảng 7-10%. Giảm phát thải khí nhà kính từ hoạt động năng lượng so với kịch bản phát triển bình thường ở mức 15-35% vào năm 2030, lên mức 70-80% vào năm 2045.
 
Tầm nhìn đến năm 2045, bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia; hình thành đồng bộ các yếu tố thị trường năng lượng cạnh tranh, minh bạch, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; các phân ngành năng lượng phát triển bền vững, sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu; hệ thống hạ tầng năng lượng phát triển đồng bộ, hiện đại, khả năng kết nối khu vực và quốc tế được nâng cao; chất lượng nguồn nhân lực, trình độ khoa học - công nghệ và năng lực quản trị ngành năng lượng đạt trình độ tiên tiến của một nước công nghiệp phát triển hiện đại.
 
Một số nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm
 
Các định hướng phát triển cho tổng thể năng lượng quốc gia được đặt ra với các phân ngành năng lượng trọng điểm như: Ngành dầu khí, ngành công nghiệp than, ngành điện, ngành năng lượng mới và tái tạo; cùng với đó là định hướng sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Để đạt được các mục tiêu phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Chiến lược đặt ra các nhóm nhiệm vụ và giải pháp.
 
Thứ nhất, hoàn thiện cơ chế, chính sách, xây dựng cơ sở pháp lý các công cụ có tính thị trường để đẩy mạnh sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; chính sách thuế khuyến khích sản xuất, sử dụng năng lượng sạch, tái tạo; chính sách về tiêu chuẩn tỷ lệ năng lượng tái tạo trong cơ cấu đầu tư và cung cấp năng lượng; khung pháp lý cho hoạt động kiểm soát và điều phối điện lực… Xây dựng cơ sở pháp lý để có thể hình thành và vận hành hiệu quả các quỹ về phát triển năng lượng bền vững, thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả theo hướng xã hội hoá, bảo đảm độc lập về tài chính, không trùng lặp với nguồn thu, nhiệm vụ chi của ngân sách nhà nước và hạn chế việc làm tăng chi phí hoạt động, sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh. Rà soát, điều chỉnh và sớm ban hành các quy hoạch liên quan đến phát triển năng lượng theo Luật Quy hoạch.
 
Bên cạnh đó, cần tăng cường phân công, phân cấp quản lý nhà nước từ trung ương đến địa phương, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả, tạo điều kiện kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế trong lĩnh vực năng lượng; giải quyết kịp thời những vướng mắc và rào cản về chính sách, luật pháp. Triển khai xây dựng thị trường năng lượng đồng bộ, cạnh tranh, minh bạch. Phát huy vai trò dẫn dắt của doanh nghiệp Nhà nước làm công cụ điều tiết của Nhà nước đối với thị trường, đảm bảo an toàn, an ninh năng lượng và an ninh quốc gia.
 
Thứ hai, nhóm nhiệm vụ và giải pháp về tái cơ cấu và khuyến khích đầu tư gồm: Cơ cấu lại toàn diện các doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực năng lượng theo hướng tập trung vào các lĩnh vực cốt lõi, có thế mạnh; áp dụng các mô hình và thông lệ quản trị tiên tiến, nâng cao hệ số tín nhiệm quốc tế, triệt để thực hiện công khai, minh bạch hóa trong hoạt động; chú trọng nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng hạ tầng năng lượng quốc gia. Rà soát, bổ sung, điều chỉnh các cơ chế, chính sách đặc thù cho một số dự án năng lượng quan trọng. Tạo lập môi trường thuận lợi, minh bạch; công khai quy hoạch, danh mục các dự án đầu tư, xoá bỏ mọi rào cản để thu hút, khuyến khích tư nhân tham gia đầu tư, phát triển các dự án năng lượng trong và ngoài nước.  Nghiên cứu, hoàn thiện các cơ chế tài chính và huy động vốn đặc biệt cho đầu tư phát triển ngành điện. Đẩy nhanh lộ trình thực hiện thị trường điện cạnh tranh, cơ chế hợp đồng mua bán điện trực tiếp giữa nhà sản xuất và khách hàng tiêu thụ, cơ chế đấu thầu, đấu giá cung cấp năng lượng phù hợp. Có chính sách ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng năng lượng bền vững; tăng cường thu hút vốn FDI và vốn của các thành phần kinh tế khác trong nước; đa dạng hóa các nguồn vốn, các hình thức huy động vốn; tăng khả năng huy động nguồn lực tài chính nội bộ.
 
Thứ ba, nhóm giải pháp về đào tạo và phát triển nguồn nhân lực. Trong đó, cần xây dựng chính sách phát triển nguồn nhân lực tổng thể và các chương trình đào tạo cho những khâu then chốt của ngành năng lượng; tăng cường đào tạo đội ngũ kỹ sư, công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu sử dụng trong nước, hướng tới xuất khẩu; sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực đã được đào tạo về năng lượng hạt nhân đi đôi với đào tạo nâng cao. Đồng thời, ban hành chính sách đãi ngộ phù hợp để thu hút nhân tài trong lĩnh vực năng lượng; tăng cường hợp tác, liên kết với các cơ sở đào tạo uy tín trong nước và quốc tế để phát triển nguồn nhân lực; thông qua các dự án đầu tư để đào tạo, tiếp nhận các công nghệ mới, hiện đại; chú trọng đào tạo nghề để có đội ngũ công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ lành nghề đủ khả năng nắm bắt và sử dụng thành thạo các phương tiện kỹ thuật và công nghệ hiện đại.
 
Thứ tư, nhóm nhiệm vụ, giải pháp về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, khoa học và công nghệ. Hình thành cơ chế liên kết giữa lực lượng nghiên cứu và phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo với doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo trong lĩnh vực năng lượng. Tạo cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp năng lượng tăng cường đầu tư nghiên cứu và phát triển; xây dựng các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo ở phạm vi vùng, địa phương trong lĩnh vực năng lượng, mở rộng mạng lưới kết nối khởi nghiệp sáng tạo quốc gia. Xây dựng, rà soát, hoàn thiện và tiếp tục đẩy mạnh triển khai các chương trình, đề án, quy chế… có nội dung liên quan đến ngành năng lượng như: Chương trình khoa học và công nghệ giai đoạn 2021 - 2030 về lĩnh vực năng lượng, Đề án tích hợp mô hình kinh tế tuần hoàn vào chiến lược phát triển các doanh nghiệp năng lượng, Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2020 - 2030, thực hiện chuyển dịch năng lượng…
 
Trong bối cảnh hội nhập như hiện nay, cần thực hiện chính sách đối ngoại năng lượng linh hoạt, hiệu quả, bình đẳng, cùng có lợi. Tăng cường quan hệ quốc tế về năng lượng trong tất cả các phân ngành, lĩnh vực phù hợp với xu thế hội nhập, tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại, các quan hệ chính trị - ngoại giao thuận lợi để phát triển năng lượng.

Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 80/2024/NĐ-CP quy định về cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa Đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với Khách hàng sử dụng điện lớn (cơ chế DPPA). Bước đi này được coi là đột phá quan trọng để thực hiệm nhiệm vụ tái cơ cấu và khuyến khích đầu tư phát triển năng lượng, nhận được sự quan tâm và hưởng ứng tích cực của doanh nghiệp./.

Thu Hiền