Xây dựng chính sách đón đầu hỗ trợ phát triển ngành lâm nghiệp

|

Xây dựng chính sách đón đầu hỗ trợ phát triển ngành lâm nghiệp

Thời gian qua, nhờ cơ chế, chính sách kịp thời của Chính phủ, Đảng và Nhà nước, ngành Lâm nghiệp không ngừng phát triển, đóng góp ngày càng quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, giảm nhẹ thiên tai, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và thực hiện các mục tiêu quốc gia về phát triển bền vững. Góp phần làm nên những thành tựu kể trên không thể thiếu nguồn lực cùng các chính sách đầu tư kịp thời nhằm bảo vệ và phát triển tổng thể từ nguồn nguyên liệu đầu vào đến quá trình chế biến, sản xuất, xuất khẩu sản phẩm lâm nghiệp.
 
Dành nguồn lực phát triển lâm nghiệp thành ngành kinh tế - kỹ thuật theo xu hướng bền vững
 
Nhờ có chính sách và nguồn lực hỗ trợ kịp thời, ngành Lâm nghiệp phát triển mạnh mẽ, đóng góp ngày càng quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường. Năng suất, chất lượng rừng trồng được nâng cao, cung cấp trên 70% nguyên liệu gỗ cho chế biến lâm sản, phục vụ xuất khẩu và tiêu dùng trong nước. Lâm nghiệp đem lại những đóng góp lớn vào kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của của toàn ngành nông nghiệp nói riêng và thương mại cả nước nói chung. Số liệu thống kê qua các năm cho thấy, gỗ và các sản phẩm từ gỗ luôn nằm trong danh sách các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỷ USD mỗi năm, điển hình như: Năm 2021 đạt 14,8 tỷ USD; năm 2022 đạt 15,8 tỷ USD; năm 2023 đạt 13,4 tỷ USD. Với kim ngạch xuất khẩu vừa nêu, Việt Nam đã trở nên nổi tiếng thế giới trong vị thế của một trung tâm chế biến, thương mại đồ gỗ lớn của thế giới
 
Năm 2023, ngành lâm nghiệp tuy chỉ đóng góp 0,02 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế do chiếm tỷ trọng thấp, nhưng mức tăng trưởng của ngành vẫn đạt 3,74%. Các chính sách phát triển lâm nghiệp, tăng năng suất những năm trước đã phát huy hiệu quả nên dù diện tích rừng trồng mới tập trung trong năm 2023 giảm 2,7% so với năm trước, đạt 298,2 nghìn ha, nhưng số cây lâm nghiệp trồng phân tán lại tăng 5,2%, đạt 116,3 triệu cây, đáp ứng mức tăng của sản lượng gỗ khai thác. Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, diện tích rừng trồng mới tập trung ước đạt 128,5 nghìn ha, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước; số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 44,6 triệu cây, tăng 2,9%; sản lượng gỗ khai thác đạt 9.927,4 nghìn m3, tăng 6,3%. Cũng trong năm 2023, Việt Nam lần đầu bán được hơn 10 triệu tín chỉ carbon, thu về hơn 50 triệu USD; là tín hiệu đáng mừng cho ngành lâm nghiệp có thể tham gia thị trường tín chỉ carbon thế giới.
 
Bên cạnh giá trị kinh tế, ngành Lâm nghiệp còn tạo ra việc làm cho khoảng 5 triệu lao động trực tiếp. Chính sách hỗ trợ bảo vệ rừng, khoán bảo vệ rừng cho hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư với bình quân khoảng 6,2 triệu ha/năm, tạo nguồn thu nhập và cải thiện sinh kế cho người dân, góp phần xóa đói giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới ở các vùng miền núi.
 

Nhờ có chính sách và nguồn lực hỗ trợ kịp thời, ngành Lâm nghiệp phát triển mạnh mẽ, đóng góp
ngày càng quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội

 
Để Lâm nghiệp tiếp tục phát triển, đóng góp vào mức tăng trưởng của ngành nông nghiệp và kim ngạch xuất khẩu cả nước, cần phát triển toàn ngành theo xu hướng bền vững. Do đó, Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025 đặt mục tiêu phát triển lâm nghiệp thực sự trở thành ngành kinh tế - kỹ thuật theo hướng hiện đại, hiệu lực, hiệu quả và sức cạnh tranh cao, liên kết theo chuỗi từ phát triển rừng, bảo vệ rừng, sử dụng rừng đến chế biến và thương mại lâm sản; quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng bền vững diện tích rừng và diện tích đất quy hoạch cho phát triển lâm nghiệp; phát huy tiềm năng, vai trò và tác dụng của rừng để đóng góp ngày càng lớn vào phát triển kinh tế - xã hội; góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học các hệ sinh thái rừng, tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm thiểu tác động tiêu cực do thiên tai, giảm phát thải khí nhà kính, hấp thụ, lưu giữ các-bon từ rừng, góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26); góp phần bảo vệ quốc phòng, an ninh.
 
Mục tiêu cụ thể nhằm bảo vệ và phát triển bền vững đối với toàn bộ diện tích rừng hiện có và diện tích rừng được tạo mới trong giai đoạn 2021 - 2025; góp phần duy trì ổn định tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc khoảng 42%; tiếp tục nâng cao năng suất, chất lượng rừng, đáp ứng yêu cầu về cung cấp nguyên liệu cho sản xuất và tiêu dùng, phòng hộ và bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, giảm thiểu tác động tiêu cực do thiên tai, tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu. Tốc độ tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt 5,0 - 5,5%/năm. Giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản ngoài gỗ đạt khoảng 20 tỷ USD vào năm 2025, trong đó giá trị xuất khẩu lâm sản ngoài gỗ đạt trên 1,5 tỷ USD, tăng tỷ trọng chế biến sâu và xuất khẩu các sản phẩm gỗ và lâm sản có giá trị gia tăng cao. Góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người tham gia các hoạt động bảo vệ và phát triển rừng. Đến năm 2025, thu nhập từ rừng trồng là rừng sản xuất tăng bình quân khoảng 1,5 lần/đơn vị diện tích so với năm 2020. Nguồn lực thực hiện Chương trình được sử dụng từ ngân sách nhà nước gồm ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác với tổng vốn dự kiến gần 78,6 nghìn tỷ đồng.
 
Tăng cường chính sách phát triển, đầu tư trong lĩnh vực lâm nghiệp
 
Muốn phát triển Lâm nghiệp theo hướng đem lại giá trị kinh tế cao, bảo vệ môi trường sinh thái, chống biến đổi khí hậu không thể đi ngoài xu thế phát triển bền vững. Để làm được điều đó, cần tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ đặt ra tại Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025.
 
Thứ nhất, bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học các hệ sinh thái rừng. Trong đó, bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có, đặc biệt là đối với diện tích rừng tự nhiên; đảm bảo cơ cấu 3 loại rừng hợp lý (rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất); thực hiện hiệu quả công tác phòng cháy, chữa cháy rừng. 100% diện tích rừng của các ban quản lý rừng đặc dụng, ban quản lý rừng phòng hộ và các chủ rừng là tổ chức thuộc các thành phần kinh tế được quản lý hiệu quả. Đồng thời, thực hiện hiệu quả công tác bảo tồn đa dạng sinh học tại các khu rừng đặc dụng (vườn quốc gia, khu dự trữ thiên nhiên, khu bảo tồn loài và sinh cảnh,...), các khu rừng có tính đa dạng sinh học cao.
 
Thứ hai, phát triển rừng và nâng cao năng suất, chất lượng rừng. Trong đó: Đối với rừng tự nhiên cần khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên có trồng bổ sung: bình quân 100 nghìn ha/năm, trong đó, chủ yếu là khoanh nuôi chuyển tiếp. Thực hiện hiệu quả các biện pháp kỹ thuật lâm sinh để nuôi dưỡng, làm giàu rừng tự nhiên. Đối với rừng trồng, cần trồng rừng tập trung 230 nghìn ha/năm, gồm: 4 nghìn - 6 nghìn ha/năm rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng ven biển; khoảng 225 nghìn ha/năm rừng sản xuất (trồng mới 10 nghìn ha/năm, trồng tái canh 215 nghìn ha/năm), trong đó, 30% diện tích là trồng rừng gỗ lớn, thâm canh. Nâng cao năng suất, chất lượng rừng trồng; đến năm 2025, năng suất rừng trồng đạt bình quân 20 m3/ha/năm, sản lượng khai thác gỗ từ rừng trồng trong nước (gỗ rừng trồng tập trung, cây trồng phân tán....), đáp ứng khoảng 80% nguyên liệu cho sản xuất, chế biến. Bên cạnh đó, cần phát triển lâm sản ngoài gỗ, mục tiêu đến năm 2025, diện tích cây lâm sản ngoài gỗ đạt khoảng 700 - 800 nghìn ha.
 
Thứ ba, quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng đối với rừng sản xuất là rừng trồng. Tổ chức quản lý, khai thác hiệu quả đối với 100% diện tích rừng sản xuất là rừng trồng, trong đó, đến năm 2025, diện tích rừng có chứng chỉ quản lý rừng bền vững đạt 500 nghìn ha.
 
Nhằm triển khai hiệu quả các giải pháp phát triển lâm nghiệp, Việt Nam liên tục ban hành, triển khai nhiều cơ chế, chính sách liên quan đến ngành. Trong đó có những thay đổi từ các quy định của các luật, văn bản quy phạm pháp luật có liên quan như Luật Đất đai 2024; Kết luận 61 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 13; các quy định mới về thực hiện cam kết của Việt Nam đối với quốc tế như cam kết đưa mức phát thải ròng về "0" vào năm 2050, thực hiện Quy định không phá rừng của liên minh châu Âu - EU (EUDR), triển khai các quy định về tín chỉ carbon rừng. Các chính sách vừa là thời cơ, vừa là thách thức đan xen đối với mục tiêu phát triển bền vững Lâm nghiệp Việt Nam trong bối cảnh, tình hình mới cả trong nước và quốc tế.
 
Trong năm 2024, một số chính sách liên quan đến lâm nghiệp được tích cực ban hành, triển khai. Trong đó có kế hoạch "Phát triển rừng trồng sản xuất gỗ lớn giai đoạn 2024 - 2030” của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được kỳ vọng tạo nguồn nguyên liệu ổn định, đảm bảo cung cấp nguyên liệu đầu vào cho sản xuất, chế biến và xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ. Mục tiêu đến năm 2030, tổng diện tích rừng trồng sản xuất gỗ lớn đạt khoảng 1 triệu ha, trong đó duy trì diện tích rừng trồng gỗ lớn hiện có là 500 nghìn ha và phát triển mới giai đoạn 2024 - 2030 khoảng 450 nghìn - 550 nghìn ha.
 
Luật Đất đai số 31/2024/QH15 được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5 có 16 chương và 260 điều, có nhiều điểm mới giúp phát triển lâm nghiệp bền vững; đồng thời sửa đổi, bổ sung một số điều để tháo gỡ điểm nghẽn liên quan đến thẩm quyền chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, kế hoạch giao rừng, cho thuê rừng.
 
Ngày 06/3/2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 27/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến quy định chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang mục đích khác thuộc thẩm quyền của Chính phủ.
 
Đáng chú ý, trong tháng 5/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 58/2024/NĐ-CP về một số chính sách đầu tư trong lâm nghiệp (Nghị định 58). Nghị định 58 là cơ sở để đón đầu hỗ trợ phát triển ngành lâm nghiệp với quy định một số chính sách về đầu tư bảo vệ và phát triển rừng, chế biến lâm sản. Cụ thể: Đối với rừng đặc dụng, Nghị định 58 quy định một số chính sách đầu tư như: Cấp kinh phí bảo vệ rừng đặc dụng; kinh phí khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên, trồng bổ sung thuộc quy hoạch rừng đặc dụng; hỗ trợ kinh phí phát triển sinh kế, cải thiện đời sống người dân vùng đệm. Đối với rừng phòng hộ, ngoài cấp kinh phí bảo vệ và tái sinh rừng, còn chú trọng trồng rừng, nuôi dưỡng rừng tự nhiên và làm giàu rừng phòng hộ. Đặc biệt, đối với rừng sản xuất, Nghị định 58 quy định các chính sách hỗ trợ kinh phí gồm: Bảo vệ rừng sản xuất là rừng tự nhiên trong thời gian đóng cửa rừng; khoanh nuôi tái sinh; đầu tư trồng rừng sản xuất và phát triển lâm sản ngoài gỗ; tín dụng đầu tư trồng rừng gỗ lớn; xây dựng phương án và cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững; xây dựng đường lâm nghiệp và đường băng cản lửa tại những khu rừng sản xuất; đầu tư phát triển hợp tác, liên kết trồng rừng sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ lâm sản.
 
Ngoài ra còn một số chính sách chung về bảo vệ, phát triển rừng và chế biến lâm sản khác như: Khoán bảo vệ rừng, chữa cháy rừng, trợ cấp gạo cho hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số khu vực II và III thực hiện bảo vệ và phát triển rừng. Đồng thời, hỗ trợ đầu tư cơ sở sản xuất giống cây trồng lâm nghiệp, trồng cây phân tán, đầu tư Khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
 
Để các chính sách đầu tư và phát triển lâm nghiệp đi vào thực tế và phát huy hiệu quả, cần sự chung tay góp sức của cả hệ thống chính trị, các cơ quan chức năng, người dân và doanh nghiệp. Có như vậy, Việt Nam sẽ không chỉ thành công trong phát triển ngành kinh tế lâm nghiệp mà còn thành công trong bảo vệ lá phổi xanh của đất nước, chống biến đổi khí hậu, góp phần thực hiện các cam kết quốc tế trong quá trình phát triển và hội nhập./.
 
Duy Hưng