Khơi thông dòng chảy tiêu thụ nông sản nội địa

|

Khơi thông dòng chảy tiêu thụ nông sản nội địa

Thời gian qua, chất lượng của nông sản Việt không ngừng cải thiện và nâng cao, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường trong nước và thế giới. Đặc biệt, nông sản Việt dần khẳng định vị thế tại các thị trường khó tính, yêu cầu khắt khe về an toàn thực phẩm, hình thức, mẫu mã, bao bì và về cả chất lượng dịch vụ cung ứng. Xuất khẩu nông sản luôn giữ vai trò quan trọng trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa cả nước, đóng góp đáng kể vào phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường thế giới dễ xảy ra biến động, với quy mô dân số trên 100 triệu người, việc tận dụng, khai thác thị trường nội địa được cho là “lối mở” cho thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm nông sản của Việt Nam.
 
Điều đáng nói là, dù được nhiều thị trường đánh giá cao về chất lượng, trong đó có các thị trường yêu cầu cao như: Mỹ, Nhật, châu Âu, song người tiêu dùng Việt chưa có điều kiện tiếp cận với nông sản có chất lượng cao do chính Việt Nam sản xuất. Nguyên nhân là do hầu hết với các doanh nghiệp lớn kinh doanh nông sản, đặc biệt là nông sản có giá trị cao hiện nay thường tập trung vào thị trường xuất khẩu. Bởi, giá trị xuất khẩu trên thị trường quốc tế cao hơn thị trường trong nước, đem lại lợi nhuận cao hơn, hấp dẫn doanh nghiệp hơn. Ngoài ra, do thị hiếu người tiêu dùng luôn mong muốn sản phẩm giá rẻ, nên những nông sản chưa đảm bảo chất lượng hoặc chất lượng không cao vẫn tiêu thụ được trên thị trường.
 

Thị trường nội địa với quy mô dân số 100 triệu người là thị trường tiềm năng cho tiêu thụ nông sản Việt Nam

 
Ở một chiều hướng khác, người tiêu dùng Việt Nam hiện nay ngày càng có nhu cầu nhiều hơn về các sản phẩm nông sản chất lượng cao được sản xuất trong nước. Tuy nhiên, đứng trước thị trường đa dạng về chủng loại, mẫu mã, nguồn gốc, người tiêu dùng gặp khó khi muốn tìm kiếm sản phẩm nội địa chất lượng cao.
 
Trước thực trạng này, các chuyên gia nhận định, nông sản Việt cần phải đẩy mạnh chinh phục thị trường nội địa nhằm khơi thông dòng chảy tiêu thụ nông sản; đồng thời giúp các sản phẩm tự tin vươn ra thị trường thế giới.
 
Theo Bộ Công Thương, thời gian qua, Cục Xúc tiến thương mại thường xuyên phối hợp triển khai nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường trong nước cho sản phẩm nông sản Việt, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản phẩm, mở rộng kênh phân phối cho các sản phẩm đặc sản của địa phương, vùng miền, quốc gia. Đặc biệt, với trọng điểm là chương trình cấp quốc gia xúc tiến thương mại, trung bình mỗi năm, chương trình hỗ trợ cho các đơn vị chủ trì, các địa phương, hiệp hội, ngành hàng, tổ chức khoảng 15 hội chợ vùng cho các sản phẩm nông sản, đặc sản, sản phẩm OCOP của địa phương; tăng cường kết nối giao thương cho các ngành hàng, kết hợp với đẩy mạnh quảng bá, tuyên truyền, giới thiệu sản phẩm.
 
Một số giải pháp được Bộ Công Thương đề xuất nhằm thúc đẩy phân phối, thiệu thụ sản phẩm nông sản Việt Nam tại thị trường nội địa có thể kể đến:
 
Thứ nhất, tiếp tục tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại như kết nối cung cầu, quy mô lớn ở cả 3 miền, các hội chợ vùng miền để tạo điều kiện cho các nhà cung ứng, nhà sản xuất của địa phương, các nhà sản xuất, doanh nghiệp trong nước có thể tiếp cận, gặp gỡ, tìm kiếm cơ hội kinh doanh, phát triển hệ thống phân phối. Qua đó, phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước ngày càng đa dạng, tăng cao hơn và đảm bảo nguồn cung cho các doanh nghiệp đầu vào, thúc đẩy giữa các địa phương có thể tiêu thụ, cùng hợp tác kinh doanh.
 
Thứ hai, tiếp tục thực hiện các chương trình kích cầu tiêu dùng trong nước ở cả cấp độ quốc gia và cấp độ địa phương nhằm đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm hàng Việt, mang thương hiệu Việt vào chuỗi cung ứng giá trị lớn.
 
Thứ ba, tiếp tục đào tạo, hướng dẫn các chủ thể trong nền kinh tế nông nghiệp tham gia đẩy mạnh xúc tiến thương mại trên nền tảng số, phát triển thương mại đa kênh theo phương thức mới.
 
Thứ tư, đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá hàng Việt Nam đến với cộng đồng người tiêu dùng. Tiếp tục tích cực thực hiện cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần chú trọng nâng cao nhận thức, đánh giá tốt hơn thị trường trong nước, đồng thời đầu tư thích đáng cho việc phát triển sản phẩm đáp ứng về nhu cầu tiêu dùng của người dân; đẩy mạnh hình thức thương mại mới. Song song với đó, nhà sản xuất cần thay đổi, minh bạch thông tin, cải thiện chất lượng sản phẩm.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong 7 tháng năm 2024, giá trị kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam đạt 34,27 tỷ USD, tăng 18,8% so với cùng; giá trị xuất siêu đạt 9,42 tỷ USD. Trong khi đó, tiêu thụ hàng hóa trong nước cũng cho thấy sự phục hồi và tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian qua, nhất là về nhóm hàng thực phẩm. Số liệu thống kê cho thấy, 7 tháng đầu năm 2024, doanh thu bán lẻ hàng hóa cả nước ước đạt 2.801,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 77,3% tổng mức bán lẻ hàng hóa và tăng 7,4% so với cùng kỳ năm 2023; trong đó, nhóm hàng lương thực, thực phẩm tăng 10,7%. Các số liệu cho thấy thị trường nội địa chính là một trong những thị trường tiêu thụ tiềm năng đối với nông sản Việt Nam./.
 
T.H