Nhiều điểm sáng trong phát triển kinh tế - xã hội tháng Tám và 8 tháng năm 2024

|

Nhiều điểm sáng trong phát triển kinh tế - xã hội tháng Tám và 8 tháng năm 2024

Báo cáo Tình hình kinh tế - xã hội tháng Tám và 8 tháng năm 2024 của Tổng cục Thống kê cho thấy, tình hình khai thác, nuôi trồng thủy sản tăng khá đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu; sản xuất công nghiệp tiếp tục xu hướng tăng trưởng tích cực; Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến 31/8/2024 tăng 7% so với cùng kỳ năm trước; Nhu cầu tiêu dùng và sản xuất trong nước phục hồi; cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 19,07 tỷ USD trong Tám tháng năm 2024; Hoạt động vận tải sôi động, duy trì tốc độ tăng tích cực so với cùng kỳ năm trước,…

Khai thác, nuôi trồng thủy sản tăng khá

Khai thác, nuôi trồng thủy sản tăng khá đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Tháng Tám, sản lượng thủy sản ước đạt 862,3 nghìn tấn, tăng 2,5% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Cá ước đạt 561,0 nghìn tấn, tăng 2,4%; tôm ước đạt 176,3 nghìn tấn, tăng 2,7%; thủy sản khác ước đạt 125,0 nghìn tấn, tăng 2,6%.

 

Sản lượng thủy sản 8 tháng năm 2024 so với cùng kỳ năm 2023

Sản lượng thủy sản nuôi trồng trong tháng ước đạt 522,4 nghìn tấn, tăng 3,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Cá đạt 293,0 nghìn tấn, tăng 4,5%; tôm đạt 165,7 nghìn tấn, tăng 2,8%.

Sản lượng cá tra ước đạt 148,2 nghìn tấn, tăng 3,9% so với cùng kỳ năm trước do giá cá tra nguyên liệu duy trì ổn định ở mức giá cao nên hộ nuôi cá và doanh nghiệp tăng sản lượng nuôi, đáp ứng nhu cầu chế biến và xuất khẩu.

Sản lượng tôm tăng so với cùng kỳ năm trước do hoạt động xuất khẩu tăng và là thời điểm tận thu sản lượng thủy sản trong đó có tôm nước lợ. Sản lượng tôm thẻ chân trắng ước đạt 119,6 nghìn tấn, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng tôm sú ước đạt 30,0 nghìn tấn, tăng 1,7%.

Sản lượng thủy sản khai thác trong tháng ước đạt 339,9 nghìn tấn, tăng 0,5% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Cá đạt 268,0 nghìn tấn, tăng 0,1%; tôm đạt 10,6 nghìn tấn, tăng 1,0%; thủy sản khác đạt 61,3 nghìn tấn, tăng 2,5%. Sản lượng thủy sản khai thác biển ước đạt 314,6 nghìn tấn, tăng 0,4% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 8 tháng năm 2024, sản lượng thủy sản ước đạt 6.090,1 nghìn tấn, tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước. Bao gồm: Cá đạt 4.321,3 nghìn tấn, tăng 2,5%; tôm đạt 877,2 nghìn tấn, tăng 3,9%; thủy sản khác 891,6 nghìn tấn, tăng 2,2%.

Sản xuất công nghiệp tiếp tục xu hướng tăng trưởng tích cực

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, sản xuất công nghiệp tháng Tám tiếp tục xu hướng tăng trưởng tích cực, ước tính chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 2,0% so với tháng trước và tăng 9,5% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung tám tháng năm 2024, chỉ số sản xuất ngành công nghiệp ước tính tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước.

Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp (IIP) 8 tháng năm 2024 ước tính tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 giảm 0,2%). Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 9,7% (cùng kỳ năm 2023 giảm 0,4%), đóng góp 8,4 điểm phần trăm trong mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 11,6%, đóng góp 1,0 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,8%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm; ngành khai khoáng giảm 6,0%, làm giảm 0,9 điểm phần trăm.

Chỉ số sản xuất 8 tháng năm 2024 của một số ngành công nghiệp trọng điểm cấp II tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 29,5%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 21,6%; khai thác quặng kim loại tăng 19%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng 17,8%; dệt tăng 13,4%; sản xuất kim loại tăng 13,2%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) tăng 12,6%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 9,8%; sản xuất, chế biến thực phẩm tăng 7,3%.

Một số sản phẩm công nghiệp chủ lực trong 8 tháng năm 2024 tăng cao so với cùng kỳ năm trước như: Thép thanh, thép góc tăng 31%; thép cán tăng 17,1%; vải dệt từ sợi tự nhiên tăng 15,6%; đường kính tăng 14,2%; xăng, dầu các loại tăng 12,6%; phân hỗn hợp NPK tăng 12,3%; sữa bột tăng 11,2%; điện sản xuất tăng 10,9%; thủy hải sản chế biến tăng 10,7%.

Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 01/8/2024 tăng 0,9% so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 4,5% so với cùng thời điểm năm trước. Trong đó, lao động khu vực doanh nghiệp Nhà nước tăng 0,1% và tăng 1,5%; doanh nghiệp ngoài Nhà nước tăng 0,6% và tăng 1,8%; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 1,1% và tăng 5,7%.

Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tăng 7% so với cùng kỳ năm trước.

Tính đến ngày 31/8/2024, tổng  vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam bao gồm: Vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 20,52 tỷ USD, tăng 7% so với cùng kỳ năm trước.

 

Vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam 8 tháng các năm 2020-2024 (Tỷ USD)

Vốn đăng ký cấp mới có 2.247 dự án được cấp phép với số vốn đăng ký đạt gần 12 tỷ USD, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước về số dự án và tăng 27% về số vốn đăng ký. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo được cấp phép mới đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất với số vốn đăng ký đạt 8,53 tỷ USD, bất động sản đạt 2,40 tỷ USD, chiếm 20%; các ngành còn lại đạt 1,07 tỷ USD, chiếm 8,9%.

Trong số 66 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam trong 8 tháng năm 2024, Xin-ga-po là nhà đầu tư lớn nhất với 4,66 tỷ USD, chiếm 38,8% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Trung Quốc gần 1,7 tỷ USD, chiếm 14,2%; Đặc khu hành chính Hồng Công (Trung Quốc) 1,41 tỷ USD, chiếm 11,7%; Nhật Bản 1,24 tỷ USD, chiếm 10,3%; Thổ Nhĩ Kỳ 731,3 triệu USD, chiếm 6,1%; Đài Loan 660,3 triệu USD, chiếm 5,5%.

Vốn đăng ký điều chỉnh có 926 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư tăng thêm 5,71 tỷ USD, tăng 14,8% so với cùng kỳ năm trước. Nếu tính cả vốn đăng ký mới và vốn đăng ký điều chỉnh của các dự án đã cấp phép từ các năm trước thì vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 13,61 tỷ USD, chiếm 76,8% tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 2,55 tỷ USD, chiếm 14,4%; các ngành còn lại đạt 1,56 tỷ USD, chiếm 8,8%.

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 8 tháng năm 2024 ước đạt 14,15 tỷ USD, tăng 8,0% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 8 tháng trong 5 năm qua. Trong đó: Công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 11,28 tỷ USD, chiếm 79,7% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 1,27 tỷ USD, chiếm 9,0%; sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 542,3 triệu USD, chiếm 3,8%.

 

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 8 tháng các năm 2020-2024 (Tỷ USD)

Nhu cầu tiêu dùng và sản xuất trong nước phục hồi

Nhu cầu tiêu dùng và sản xuất trong nước phục hồi. Đặc biệt từ đầu năm đến nay ngày Du lịch tăng trưởng mạnh mẽ đóng góp tích cực vào tăng trưởng của ngành thương mại dịch vụ. 8 tháng năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 14,3%; doanh thu du lịch lữ hành tăng 26,2%.

Theo giá hiện hành, 8 tháng năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 4.148,4 nghìn tỷ đồng, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 tăng 10,3%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 5,3% (cùng kỳ năm 2023 tăng 8,0%).

 

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành (Nghìn tỷ đồng)

Doanh thu bán lẻ hàng hóa 8 tháng năm 2024 ước đạt 3.199,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 77,1% tổng mức và tăng 7,3% so với cùng kỳ năm trước (loại trừ yếu tố giá tăng 4,6%). Trong đó, nhóm hàng lương thực, thực phẩm tăng 10,2%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 10,1%; may mặc tăng 8,7%; phương tiện đi lại (trừ ô tô) tăng 4,0%; vật phẩm văn hoá, giáo dục tăng 9,6%.

Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 8 tháng năm 2024 ước đạt 481,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 11,6% tổng mức và tăng 14,3% so với cùng kỳ năm trước. Một số địa phương có doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tám tháng năm 2024 tăng so với cùng kỳ năm trước như: Quảng Ninh tăng 29,1%; Đà Nẵng tăng 23,3%; Thanh Hóa tăng 21,5%; Khánh Hòa tăng 19,1%; Hải Phòng tăng 15,1%; Cần Thơ tăng 11,9%; Hà Nội tăng 11,4%; Thành phố Hồ Chí Minh tăng 8,9%; Bình Dương tăng 7,9%.

Doanh thu du lịch lữ hành 8 tháng năm 2024 ước đạt 40,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 1,0% tổng mức và tăng 26,2% so với cùng kỳ năm trước. Một số địa phương có doanh thu du lịch lữ hành tám tháng năm 2024 tăng như: Thành phố Hồ Chí Minh tăng 42,2%; Đà Nẵng tăng 38,6%; Cần Thơ tăng 33,7%; Hà Nội tăng 29,7%; Quảng Ninh tăng 21,0%; Bình Dương tăng 18,5%.

Đặc biệt với chính sách thị thực thuận lợi, các chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch được đẩy mạnh cùng với những giải thưởng du lịch danh giá được các tổ chức quốc tế trao tặng đã thu hút khách quốc tế đến Việt Nam ngày càng tăng cao. Tám tháng năm 2024, khách quốc tế đến nước ta đạt hơn 11,4 triệu lượt người, tăng 45,8% so với cùng kỳ năm trước và tăng 1,0% so với cùng kỳ năm 2019 - năm chưa xảy ra dịch Covid-19.

 

Khách quốc tế đến Việt Nam 8 tháng năm 2024 phân theo vùng lãnh thổ

Tám tháng năm 2024, cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 19,07 tỷ USD

Trong 8 tháng năm 2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 511,11 tỷ USD, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 15,8%; nhập khẩu tăng 17,7%. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 19,07 tỷ USD.

Cụ thể, đối với xuất khẩu hàng hóa, 8 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 265,09 tỷ USD, tăng 15,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 73,88 tỷ USD, tăng 21%, chiếm 27,9% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 191,21 tỷ USD, tăng 13,9%, chiếm 72,1%. Trong 8 tháng năm 2024 có 30 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 92,3% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 6 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 62,6%).

Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu, nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản đạt 2,92 tỷ USD, chiếm 1,1%; nhóm hàng công nghiệp chế biến đạt 233,33 tỷ USD, chiếm 88%; nhóm hàng nông sản, lâm sản đạt 22,53 tỷ USD, chiếm 8,5%; nhóm hàng thủy sản đạt 6,31 tỷ USD, chiếm 2,4%.

Đối với nhập khẩu hàng hóa, 8 tháng năm 2024, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 246,02 tỷ USD, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 89,58 tỷ USD, tăng 19,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 156,44 tỷ USD, tăng 16,5%. Trong 8 tháng năm 2024 có 38 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 90,8% tổng kim ngạch nhập khẩu (có 2 mặt hàng nhập khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 40,7%).

Về cơ cấu nhóm hàng nhập khẩu, nhóm hàng tư liệu sản xuất đạt 230,95 tỷ USD, chiếm 93,9%, trong đó nhóm hàng máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng chiếm 46,9%; nhóm hàng nguyên, nhiên, vật liệu chiếm 47%. Nhóm hàng vật phẩm tiêu dùng đạt 15,07 tỷ USD, chiếm 6,1%.

Về thị trường xuất, nhập khẩu hàng hóa 8 tháng năm 2024, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 77,9 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 92,3 tỷ USD.

 

Xuất, nhập khẩu hàng hóa 8 tháng năm 2024

Hoạt động vận tải sôi động, duy trì tốc độ tăng tích cực so với cùng kỳ năm trước

Hoạt động vận tải tháng Tám sôi động, duy trì tốc độ tăng tích cực so với cùng kỳ năm trước do du lịch phục hồi mạnh mẽ và nhu cầu vận chuyển phục vụ sản xuất, xuất nhập khẩu hàng hóa tăng cao, trong đó vận tải hành khách tăng 13,2% về vận chuyển và tăng 16,2% về luân chuyển; vận tải hàng hóa tăng 13,2% về vận chuyển và tăng 10,5% về luân chuyển.

Tính chung 8 tháng năm 2024, vận chuyển hành khách tăng 7,5% và luân chuyển tăng 12,7% so với cùng kỳ năm trước; vận chuyển hàng hóa tăng 13,0% và luân chuyển tăng 11,8%. Vận tải hành khách ước đạt 3.234,3 triệu lượt khách vận chuyển, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước. vận tải hàng hóa ước đạt 1.686,3 triệu tấn hàng hóa vận chuyển, tăng 13,0% so với cùng kỳ năm trước.

Công tác bảo đảm an sinh xã hội luôn được các cấp, ngành thực hiện kịp thời, hiệu quả

Theo báo cáo từ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trong 8 tháng năm nay, Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương đã hỗ trợ cho người dân hơn 21,3 nghìn tấn gạo, trong đó: Chính phủ hỗ trợ 10,4 nghìn tấn gạo cứu đói nhân dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn cho 693,4 nghìn nhân khẩu; hỗ trợ hơn 5,9 nghìn tấn gạo cứu đói giáp hạt năm 2024 cho 396,3 nghìn nhân khẩu; các địa phương cũng xây dựng kế hoạch, chủ động bố trí ngân sách địa phương và nguồn xã hội hóa để hỗ trợ gần 5 nghìn tấn gạo cho các hộ nghèo, cận nghèo và người có hoàn cảnh khó khăn.

PV (Nguồn: Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng Tám  và 8 tháng  năm 2024)