Tiếp tục mở rộng thị trường xuất khẩu trái cây Việt Nam

|

Tiếp tục mở rộng thị trường xuất khẩu trái cây Việt Nam

Xuất khẩu trái cây Việt Nam vào các thị trường quan trọng như: Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, châu Âu... ngày càng được ưa chuộng, đánh giá cao về chất lượng. Giá trị xuất khẩu trái cây Việt Nam năm sau cao hơn năm trước với khối lượng ngày càng lớn.

 

Dự báo, kim ngạch xuất khẩu của ngành rau quả sẽ còn tiếp tục tăng nhờ vào việc các sản phẩm, thị trường xuất khẩu các loại trái cây Việt Nam đang ngày càng mở rộng.

Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 8 tháng năm 2024, xuất khẩu rau quả của Việt Nam ước đạt 4,63 tỷ USD, tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Đóng góp quan trọng vào tăng trưởng xuất khẩu rau quả, ngành sầu riêng tiếp tục phá kỷ lục về kim ngạch xuất khẩu. Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, 8 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng ước đạt trên 1,8 tỷ USD, đóng góp 40% trong tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả.

Trung Quốc hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của sầu riêng Việt Nam. Năm 2023 Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 500.000 tấn sầu riêng tươi, đạt kim ngạch 2,3 tỷ USD, trong đó 90% xuất khẩu sang Trung Quốc. Năm 2024, nhu cầu sầu riêng của thị trường Trung Quốc tiếp tục tăng và dự báo kim ngạch xuất khẩu sầu riêng trong những tháng cuối năm tăng cao. Đặc biệt, mới đây, Việt Nam đã ký nghị định thư xuất khẩu sầu riêng đông lạnh sang Trung Quốc, mở ra bước ngoặt mới thúc đẩy xuất khẩu sầu riêng Việt Nam vào thị trường Trung Quốc gia tăng mạnh mẽ và vững chắc hơn, đặt nền móng trong tương lai cho ngành sầu riêng phát triển theo hướng chế biến, phù hợp với xu hướng thế giới. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn dự báo kim ngạch xuất khẩu sầu riêng năm 2024 sẽ đạt 3-3,5 tỷ USD, với sầu riêng đông lạnh khoảng 400-500 triệu USD.

Hiện, Việt Nam có khoảng 1,1 triệu ha diện tích trồng các loại trái cây tiềm năng, đặc biệt là các loại trái cây nhiệt đới, trong đó thanh long, xoài, vải, nhãn, sầu riêng, chôm chôm... là những loại đang đem lại giá trị cao. Sản lượng mỗi năm Việt Nam sản xuất được 12-14 triệu tấn trái cây. Chất lượng và đặc tính của các loại trái cây nhiệt đới ở Việt Nam được nhiều thị trường ưa chuộng, đánh giá cao. Để tiếp tục mở rộng thị trường xuất khẩu trái cây Việt Nam, thời gian qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn rất nỗ lực trong việc phối hợp với các Bộ, ngành khác cũng như chỉ đạo các cơ quan chuyên môn đàm phán, xử lý các rào cản kỹ thuật để mở cửa thị trường. Cụ thể, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã hoàn tất quá trình đàm phán kỹ thuật, chuyển sang thực hiện các thủ tục pháp lý cho phép nhập khẩu chanh leo Việt Nam vào thị trường Mỹ. Khi chanh leo của Việt Nam được xuất khẩu vào thị trường Mỹ sẽ là loại trái cây tươi thứ 9 cùng với thanh long, xoài, nhãn, vải, chôm chôm, vú sữa, bưởi và dừa của Việt Nam được xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam và Bộ Nông nghiệp Mỹ cũng đã khởi động quy trình xem xét đối với một số trái cây mới của Việt Nam như: Chanh không hạt, ổi, mít.

Hiện, hai thị trường hàng đầu xuất khẩu nông sản Việt Nam là Trung Quốc và Mỹ đều đang có nhiều tín hiệu tích cực, hứa hẹn sẽ gia tăng kim ngạch xuất khẩu rau quả trong những tháng cuối năm và các năm tới. Dự báo rau quả Việt Nam có thể sẽ đạt kim ngạch xuất khẩu kỷ lục 7 tỷ USD trong năm 2024./.

PV