Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, 8 tháng đầu năm 2024, hoạt động xuất, nhập khẩu cả nước hồi phục ấn tượng, với kim ngạch vượt 511 tỷ USD, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm 2023. Tuy nhiên, những tháng cuối năm vẫn còn nhiều thách thức, vì vậy, các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp cần tiếp tục bám sát diễn biến thị trường và đưa ra nhiều giải pháp đột phá hơn nhằm đưa xuất nhập khẩu Việt Nam sớm cán đích.
Xuất, nhập khẩu vượt 511 tỷ USD
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong tháng 8/2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa cả nước ước đạt 70,65 tỷ USD, tăng 0,8% so với tháng trước và tăng 13,5% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 37,59 tỷ USD, tăng 3,7% so với tháng trước và tăng 14,5% so với cùng kỳ năm 2023.
Tính chung 8 tháng năm 2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 511,11 tỷ USD, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm 2023; trong đó, xuất khẩu đạt 265,09 tỷ USD, tăng 15,8%; nhập khẩu ước đạt 246,02 tỷ USD, tăng 17,7%. Cán cân thương mại hàng hóa 8 tháng xuất siêu 19,07 tỷ USD.
Xuất, nhập khẩu vượt 511 tỷ USD
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong tháng 8/2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa cả nước ước đạt 70,65 tỷ USD, tăng 0,8% so với tháng trước và tăng 13,5% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 37,59 tỷ USD, tăng 3,7% so với tháng trước và tăng 14,5% so với cùng kỳ năm 2023.
Tính chung 8 tháng năm 2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 511,11 tỷ USD, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm 2023; trong đó, xuất khẩu đạt 265,09 tỷ USD, tăng 15,8%; nhập khẩu ước đạt 246,02 tỷ USD, tăng 17,7%. Cán cân thương mại hàng hóa 8 tháng xuất siêu 19,07 tỷ USD.
Xuất, nhập khẩu hàng hóa 8 tháng năm 2024
Trong 8 tháng năm 2024, có 30 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1tỷ USD, chiếm 92,3% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 6 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 62,6%); 38 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 90,8% tổng kim ngạch nhập khẩu (có 2 mặt hàng nhập khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 40,7%).
Trị giá một số mặt hàng xuất khẩu 8 tháng năm 2024
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa những tháng gần đây liên tục đạt mức cao, từ 36 đến gần 38 tỷ USD/tháng, trong khi đó con số trung bình kim ngạch xuất khẩu những tháng cuối năm 2023 chỉ đạt 30 tỷ USD/tháng. Điều này có được là nhờ các đơn hàng xuất khẩu trong các nhóm hàng chủ lực như dệt may, da giày tăng trở lại, đồng thời, dòng vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục đổ vào Việt Nam, và sự phục hồi ấn tượng của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Đặc biệt, xuất khẩu nông sản vừa được mùa, vừa được giá.
Số liệu của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy, xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến trong 8 tháng qua đạt 233,33 tỷ USD, chiếm 88%. Trong khi đó, xuất khẩu da giày ước đạt 14,9 tỷ USD tăng 11,8% so với cùng kỳ năm 2023; xuất khẩu dệt may ước đạt 24,3 tỷ USD tăng 7,9%. Đáng chú ý, Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho hay, kim ngạch xuất khẩu dệt may tháng 7 và 8/2024 đã vượt mốc 4 tỷ USD, cao nhất kể từ tháng 8/2022 đến nay.
Về thị trường xuất, nhập khẩu hàng hóa, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 77,9 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 92,3 tỷ USD. Trong 8 tháng năm 2024, xuất siêu sang Hoa Kỳ ước đạt 68,1 tỷ USD tăng 28,6% so với cùng kỳ năm trước; xuất siêu sang EU ước đạt 23,6 tỷ USD, tăng 22%; xuất siêu sang Nhật Bản 1,7 tỷ USD, tăng 30,5%; nhập siêu từ Trung Quốc 54,4 tỷ USD, tăng 69,6%; nhập siêu từ Hàn Quốc 20 tỷ USD, tăng 12,1%; nhập siêu từ ASEAN 5,8 tỷ USD, tăng 14,8%.
Mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu năm 2024 rất khả thi
Cục Xuất nhập khẩu của Bộ Công Thương cho biết, trên cơ sở kết quả xuất khẩu và phân tích các yếu tố thuận lợi, khó khăn của thị trường toàn cầu, việc đạt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 6% cả năm 2024 là rất khả thi, từ đó tạo đà cho xuất khẩu của năm 2025.
Theo nhiều chuyên gia, xuất nhập khẩu hàng dệt may, da giày của Việt Nam sẽ tiếp tục khả quan trong những tháng tới, bởi theo yếu tố chu kỳ, nhu cầu hàng hóa thường tăng mạnh vào cuối năm. Mặt khác, kim ngạch xuất khẩu tới các thị trường chủ lực của Việt Nam như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc đều tăng. Nhiều doanh nghiệp dệt may hiện đã có đơn hàng đến cuối năm 2024 và đang đàm phán đơn hàng đầu năm 2025. Trong khi đó ngành da giày cũng đang dần hồi phục với lượng đơn hàng tăng rõ nét. Hiệp hội Da giày- Túi xách Việt Nam cho biết, từ nay tới cuối năm 2024, kim ngạch xuất khẩu ngành da giày sẽ đạt kế hoạch đề ra.
Mặc dù thị trường xuất khẩu đang phục hồi với nhiều đơn đặt hàng, song xuất khẩu của các ngành hàng chủ lực đang đối mặt với nhiều thách thức do thiếu nhân công, chi phí sản xuất tăng cao cùng các yêu cầu khắt khe và các biện pháp phòng vệ thương mại của các thị trường xuất khẩu.
Theo các chuyên gia kinh tế, thời gian tới, Bộ Công Thương cần tiếp tục cập nhật thông tin về tình hình thị trường, nhất là vào giai đoạn cao điểm mua sắm cuối năm; cảnh báo sớm các biện pháp phòng vệ thương mại, phát huy hơn nữa vai trò kết nối của các cơ quan thương vụ ở nước ngoài. Các bộ, ngành, địa phương cùng phối hợp để đa dạng hình thức xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất, nhập khẩu. Ngoài ra, cần tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng hiệu quả cơ hội từ các hiệp định thương mại để đẩy mạnh xuất khẩu.
Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết, đơn vị sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến và chính sách xuất, nhập khẩu của các thị trường; nắm bắt xu hướng phát triển xanh, bền vững trong các ngành công nghiệp, các quy định mới về thẩm định chuỗi cung ứng của Liên minh châu Âu (EU) đối với các ngành hàng xuất khẩu để kịp thời thông tin tới các hiệp hội, doanh nghiệp...
PV