Để vượt qua bẫy thu nhập trung bình Việt Nam cần dựa vào khoa học đổi mới sáng tạo

|

Để vượt qua bẫy thu nhập trung bình Việt Nam cần dựa vào khoa học đổi mới sáng tạo

Để vượt khỏi bẫy thu nhập trung bình, vươn lên mức thu nhập cao, Việt Nam chỉ có thể dựa vào khoa học đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số chuyển đổi xanh, dựa vào văn hoá và sức mạnh của con người Việt Nam để trỗi dậy vươn lên.

Thách thức bài toán vượt khỏi bẫy thu nhập trung bình

Tại Hội thảo "Doanh nghiệp và thế hệ trẻ trước làn sóng công nghệ trí tuệ nhân tạo và công nghệ bán dẫn: Biến thách thức thành cơ hội" trong khuôn khổ Ngày hội đổi mới sáng tạo Việt Nam 2024, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định, Việt Nam đang ở trong thời điểm hết sức quan trọng với sự phấn đấu cao nhất để vượt khó khăn, thách thức hướng đến mục tiêu giai đoạn 2021-2025 và chuẩn bị tâm thế để bước vào giai đoạn 5 năm còn lại trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030. Trong đó, Đại hội XIII đã đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và phấn đấu đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Theo tổng kết của Ngân hàng Thế giới (WB), thế giới chỉ có 43 nước vượt khỏi bẫy thu nhập trung bình, vươn lên thu nhập cao. Nếu không tính các nước châu Âu hay quốc gia và vùng lãnh thổ có tài nguyên dầu mỏ, tại châu Á, chỉ có Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore thực hiện được. Lịch sử cho thấy, nước đạt thu nhập cao có tốc độ tăng trưởng hai con số kéo dài 20-30 năm. Nếu đi những bước đi tuần tự như trước đây, sẽ không có cách nào để đạt được mục tiêu. Do vậy, mục tiêu đề ra có tính thách thức rất lớn. 

 
Đổi mới sáng tạo sẽ giúp Việt Nam vượt qua bẫy thu nhập trung bình

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, hiện nay, quỹ thời gian còn rất ít, chỉ còn 6 năm đến cột mốc năm 2030 và 21 năm đến mốc năm 2045. Mục tiêu đề ra ở mức cao, thách thức lớn và thực tiễn cho thấy không dễ. Việt Nam chỉ có thể dựa vào khoa học đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, dựa vào văn hoá và sức mạnh của con người Việt Nam để trỗi dậy vươn lên.

Theo Bộ trưởng, không phải Việt Nam không có cơ hội hay nguồn lực. Điều quan trọng là các bước đi và quyết tâm để nắm bắt cơ hội dù là nhỏ nhất, đặc biệt là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư cùng các ngành công nghiệp mới nổi, trong đó có ngành bán dẫn và AI.

Hiện nay, các quốc gia đều đang tập trung cạnh tranh để vươn lên và tham gia chuỗi giá trị này. Việt Nam cũng xác định dựa vào công nghệ, trí tuệ nhân tạo. Hiện nay, Việt Nam đang trong giai đoạn dân số vàng với lực lượng trẻ dồi dào, thông minh, giỏi toán, nên có lợi thế với ngành nghề mới này. Với nền chính trị ổn định, quyết tâm chính trị rất lớn, tập trung vào các ngành được coi là đột phá chiến lược để đạt được mục tiêu cùng quy mô dân số không nhỏ (đứng thứ 13 thế giới), Việt Nam đã và đang hội tụ điều kiện cần thiết để tham gia ngành công nghiệp bán dẫn.

Chương trình phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn là đột phá của đột phá, then chốt của then chốt 

Chính phủ đã ban hành Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) đến năm 2030 và mới đây phê duyệt Chương trình "Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050". Chương trình đưa ra mục tiêu chung là đến năm 2030, Việt Nam đào tạo, phát triển đội ngũ nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn có chất lượng, tập trung vào công đoạn thiết kế vi mạch bán dẫn, đóng gói và kiểm thử vi mạch bán dẫn; từng bước nắm bắt công nghệ trong công đoạn sản xuất bán dẫn; trong đó đào tạo được ít nhất 50.000 nhân lực có trình độ từ đại học trở lên phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn trong tất cả các công đoạn của chuỗi giá trị trong ngành công nghiệp bán dẫn. Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, đây là cơ sở hết sức quan trọng. Việc ưu tiên lựa chọn nhằm thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước trong việc tiến cùng và vượt lên các quốc gia khác trên thế giới. 

Đề án là đột phá của đột phá, then chốt của then chốt, cần được thực hiện càng sớm càng nhanh, càng tốt và cần sự chung tay của nhiều trường học, viện nghiên cứu cùng các ngành địa phương để đào tạo 50.000 kỹ sư ngành bán dẫn. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng kỳ vọng, nếu làm tốt, số lượng nhân sự đào tạo có thể nhiều hơn số này, không chỉ phục vụ nhu cầu trong nước mà còn đáp ứng nhu cầu nhân lực nước ngoài. Những doanh nghiệp chưa vào Việt Nam sẽ vào với quy mô lớn. Công việc cần làm hiện tại là chuẩn bị đồng bộ về chính sách, nhân lực... để đón đầu làn sóng đầu tư lĩnh vực này trong thời gian tới, góp phần đưa Việt Nam tham gia sâu vào chuỗi giá trị.

Hiện nay, Việt Nam đã hình thành một hệ sinh thái bán dẫn, trí tuệ nhân tạo có quy mô lớn trong khu vực, với sự tham gia của nhiều tập đoàn lớn như Google, Meta, Qualcomm, Intel, NVIDIA, AMD… và rất nhiều doanh nghiệp công nghệ cao trong ngành điện tử.

Việt Nam cũng đang từng bước hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về đầu tư để tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp công nghệ cao và trong lĩnh vực bán dẫn, AI. Chính phủ sẽ sớm ban hành chính sách hỗ trợ đầu tư trong lĩnh vực công nghệ, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, dự kiến sẽ có cuộc cải cách mạnh mẽ sắp tới. Cụ thể, đối với doanh nghiệp bán dẫn và AI nằm trong các khu công nghiệp chế xuất sẽ không cần xin chấp thuận đầu tư mà chỉ cần đăng ký đầu tư. Như vậy, chỉ trong vòng 15 ngày, nhà đầu tư đã nhận giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và sau đó có thể triển khai được ngay dự án. Bên cạnh đó, các thủ tục có thể được rút bớt, tránh trùng lặp các công việc mà khu công nghiệp đã hoàn tất. 

Việt Nam cũng sẽ thiết kế “luồng xanh” cho doanh nghiệp, cùng chính sách hỗ trợ đầu tư cho các doanh nghiệp gồm đào tạo nhân lực, xây dựng quỹ để hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, giúp các doanh nghiệp yên tâm và tin tưởng vào sự đồng hành của Chính phủ khi đầu tư vào Việt Nam.

Sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan Chính phủ, doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế sẽ là đòn bẩy để Việt Nam vươn lên trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị ngành bán dẫn khu vực và toàn cầu./.

 
PV