Ngành công nghiệp Ô tô có vai trò là một trong những ngành công nghiệp đi đầu, nhân tố tác động tích cực thúc đẩy các ngành có liên quan phát triển, có ảnh hưởng lớn đến quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đến nay, phát triển công nghiệp ô tô tại Việt Nam đã gặt hái được một số thành tựu nhất định, tiềm lực phát triển cao nhờ sự quan tâm với những chính sách hỗ trợ ưu tiên của Nhà nước và nhu cầu cao tại thị trường trong và ngoài nước.
Từ khóa: Công nghiệp ô tô, chính sách, hỗ trợ, thị trường, phụ tùng…
Abstract: The automotive industry plays a leading role as one of the key industries, positively influencing the development of related sectors and having a significant impact on the country's industrialization and modernization process. To date, the development of the automotive industry in Vietnam has achieved certain accomplishments, with high development potential thanks to the government's prioritized support policies and strong demand in both domestic and international markets.
Keywords: Automotive industry, policies, support, market, components…
Thực trạng phát triển công nghiệp ô tô tại Việt Nam
Cùng với các chính sách mới của Chính phủ, xu hướng chuyển dịch vốn đầu tư nước ngoài mạnh mẽ, ngành công nghiệp ô tô đang trong giai đoạn có nhiều lực đỡ để phát triển. Tỷ lệ tổng giá trị sản phẩm công nghiệp ô tô tăng lên nhanh chóng trong những năm gần đây, từ 12% vào năm 2018 đã lên 25% vào năm 2023. Doanh nghiệp sản xuất hiện đang tập trung vào xu thế gia tăng giá trị sản phẩm. Thay vì chỉ sản xuất linh kiện phụ tùng riêng lẻ, doanh nghiệp đã tập trung sản xuất cụm linh kiện, bắt đầu sản xuất thiết bị gốc (OEM) và hướng tới sản xuất thương hiệu gốc (OBM).
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, 9 tháng đầu năm 2024, chỉ số sản xuất xe có động cơ tăng 13% so với cùng kỳ năm 2023. Riêng tháng 9/2024, chỉ số sản xuất xe có động cơ ước tính tăng 2,7% so với tháng 8/2024 và tăng 25,7% so với cùng kỳ năm trước. Cũng trong giai đoạn này, Việt Nam sản xuất được 241,4 nghìn xe ô tô, tăng 11,9% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, tháng Chín sản xuất được 34,3 nghìn xe ô tô, tăng 30,3% so với cùng kỳ năm 2023.
Bên cạnh đó, kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng linh kiện về dây điện phục vụ cho sản xuất ô tô của Việt Nam cũng tăng trưởng mạnh mẽ. Năm 2023 kim ngạch xuất khẩu của nhóm linh kiện về dây điện đạt khoảng 1,17 tỷ USD, chiếm 38% giá trị xuất khẩu linh kiện ô tô. Doanh nghiệp Việt Nam khẳng định thế mạnh trong sản xuất các bộ phận linh kiện về điện của ô tô với vị trí thứ 3 thế giới. Sản phẩm dây điện của doanh nghiệp Việt Nam đã trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng vật tư lắp ráp ô tô toàn cầu.
Phát triển công nghiệp Ô tô Việt Nam nhiều thuận lợi nhờ lực đẩy của chính sách và thị trường tiềm năng
Tuy nhiên, công nghiệp ô tô là một trong những ngành công nghiệp tích hợp nhiều phân ngành như cơ khí, điện tử, điều khiển học, công nghệ vật liệu, hóa chất..., đòi hỏi rất nhiều yếu tố để hình thành và phát triển như: Quy mô thị trường, vốn tư bản, trình độ công nghệ, trình độ nguồn nhân lực, kỹ năng quản trị sản xuất... Chính vì vậy, với năng lực sản xuất và cung ứng nội địa như hiện nay, công nghiệp ô tô vẫn cần nỗ lực rất lớn để phát triển xứng tầm với những kỳ vọng đặt ra.
Theo thống kê của Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), Việt Nam hiện có 377 doanh nghiệp sản xuất liên quan đến ô tô; trong đó, có khoảng hơn 40 doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô; 45 doanh nghiệp sản xuất khung gầm, thân xe, thùng xe; 214 doanh nghiệp sản xuất linh kiện, phụ tùng ô tô... Trong tổng số doanh nghiệp sản xuất liên quan đến tô tô tại Việt Nam, doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vẫn chiếm tỉ lệ khá cao với 169 doanh nghiệp, chiếm tỷ lệ 46,43%. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn còn thiếu các cơ chế ràng buộc chặt chẽ để các hãng ô tô nước ngoài nâng cao tỷ lệ nội địa hóa. Do đó, các doanh nghiệp này mới chỉ chú trọng hoạt động theo phương thức lắp ráp, việc chuyển giao công nghệ và sản xuất còn nhiều hạn chế.
Số lượng nhà sản xuất, cung ứng trong nước cho ngành công nghiệp ô tô còn khá khiêm tốn. Tổng số sản phẩm trong ngành này là 1.221, trong đó đa số là sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, hàm lượng công nghệ trung bình và thấp, có giá trị nhỏ trong cơ cấu giá trị của một chiếc ô tô.
Tỷ lệ nội địa hóa đối với xe cá nhân đến 9 chỗ ngồi còn thấp, mục tiêu đề ra là 30-40% vào năm 2020, 40-45% vào năm 2025 và 50-55% vào năm 2030, nhưng con số thực tế hiện nay chưa đạt được. Theo thông tin từ doanh nghiệp, hiện có Thaco đạt khoảng 15-18%, Toyota Việt Nam đạt 37% đối với riêng dòng xe Innova. Con số này thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu đề ra và so với các quốc gia trong khu vực như: Thái Lan, Indonesia và Malaysia.
Bên cạnh tỷ lệ nội địa hóa thấp, ô tô trong nước còn chịu chi phí sản xuất lắp ráp cao hơn các nước trong khu vực. Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho biết, do linh kiện sản xuất trong nước còn ít khiến cho chi phí sản xuất lắp ráp xe tại Việt Nam cao hơn từ 10-20%, điều này khiến cho giá bán xe lắp ráp trong nước bị đẩy cao hơn khoảng 20% so với các nước trong khu vực.
Ngoài ra, sản xuất và tiêu thụ ô tô trong nước cũng gặp phải sức ép cạnh tranh khá gay gắt đến từ lượng xe nhập khẩu. Năm 2023, Việt Nam nhập khẩu khoảng 117,8 nghìn xe ô tô nguyên chiếc với trị giá trên 2,8 tỷ USD. Trong khi đó, đầu năm 2024, Việt Nam đã nhập khẩu khoảng 124,9 nghìn xe ô tô nguyên chiếc, trị giá trên 2,56 tỷ USD, tăng 32,6% về lượng và tăng 16,0% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.
Kỳ vọng phát triển từ lực đẩy của chính sách và nhu cầu thị trường nội địa
Trong hơn 2 thập kỷ qua, Việt Nam đã có nhiều lần xây dựng chính sách phát triển ngành công nghiệp ô tô. Điển hình phải kể đến Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn tới năm 2020” được Chính phủ phê duyệt ngày 3/12/2002; “Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035”, được Chính phủ phê duyệt ngày 16/7/2014. Trong đó, Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035, đặt mục tiêu xây dựng ngành công nghiệp ô tô Việt Nam trở thành ngành công nghiệp quan trọng, đáp ứng nhu cầu thị trường nội địa về các loại xe có lợi thế cạnh tranh, tham gia xuất khẩu, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp khác và nâng cao năng lực cạnh tranh để trở thành nhà cung cấp linh kiện, phụ tùng trong chuỗi sản xuất công nghiệp ô tô thế giới.
Với quyết tâm thúc đẩy ngành ô tô Việt Nam phát triển, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 589/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch cơ cấu lại ngành công nghiệp giai đoạn 2018 - 2020 xét đến 2025, trong đó có nội dung “Khuyến khích các doanh nghiệp lớn đầu tư phát triển ngành công nghiệp ô tô, không phân biệt doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nhằm phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam”.
Ngoài ra, trong những năm gần đây, Chính phủ ban hành một số chính sách cụ thể để hỗ trợ cho sản xuất của Ngành như: Ưu đãi thuế nhập khẩu cho linh kiện, phụ tùng phục vụ sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước; giảm lệ phí trước bạ đối với xe ô tô lắp ráp và sản xuất trong nước… Điều này không chỉ đem lại cơ hội cho người dân được mua ô tô với giá rẻ hơn mà còn có tác dụng kích thích sản xuất và phát triển đối với ngành công nghiệp ô tô. Song song với chính sách ưu đãi thuế đối với doanh nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô trong nước, Chính phủ cũng ban hành các chương trình ưu đãi thuế đối với ngành công nghiệp hỗ trợ ô tô. Qua đó, góp phần thúc đẩy doanh nghiệp tăng thêm năng lực tự chủ, tăng tỷ lệ nội địa hóa cũng như sức cạnh tranh của ngành.
Hiện, Chính phủ đã giao Bộ Công Thương lấy ý kiến dự thảo Chiến lược phát triển công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, Chiến lược sẽ xác định một số chỉ tiêu phát triển về: Sản phẩm, sản lượng, thị phần xe sản xuất trong nước, xuất khẩu và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu; cùng một số định hướng phát triển các dòng xe thay thế xe sử dụng nguyên liệu hóa thạch, thị phần và công nghệ. Chiến lược cũng đánh giá tổng thể thực trạng, từ đó đề ra mục tiêu và giải pháp phát triển trong tương lai.
Các chính sách đều nhằm tiếp tục củng cố thể chế, đem lại sự hỗ trợ tốt hơn, có lợi cho sản xuất, cho doanh nghiệp và người dân. Các doanh nghiệp sản xuất ô tô trong nước ngoài tạo việc làm, còn được khuyến khích mở rộng thị trường, hướng tới xuất khẩu; đổi mới sáng tạo, hợp tác và phân công sản xuất nhằm phát triển hệ sinh thái công nghiệp phụ trợ, đem lại giá trị gia tăng cao hơn cho mỗi chiếc xe sản xuất ở Việt Nam. Ngoài ra, với những chính sách mới đã có hiệu lực, cùng với sự quyết tâm của các doanh nghiệp khi mở rộng nhà máy, dây chuyền lắp ráp, ngành ô tô Việt Nam vẫn đang nỗ lực từng bước thực hiện mục tiêu, tập trung tăng tỷ lệ nội địa hóa trong đầu tư, sản xuất ô tô trong nước.
Ngoài các chính sách kích cầu sản xuất, tiêu dùng của nhà nước, lợi thế từ thị trường nội địa với quy mô 100 triệu dân, thu nhập bình quân đầu người ngày càng tăng, nhu cầu sử dụng phương tiện cá nhân bằng ô tô ngày càng cao cũng hứa hẹn về một thị trường tiềm năng cho công nghiệp ô tô Việt Nam. Theo Viện Nghiên cứu Chiến lược chính sách công thương (Bộ Công Thương), tỷ lệ sở hữu ô tô tại Việt Nam năm 2023 là 63 chiếc trên 1.000 người dân tương ứng với tỷ lệ 6%. Nói cách khác, cứ 100 người Việt thì khoảng 6 người sở hữu ô tô, tỷ lệ tăng trưởng đang dẫn đầu thế giới. Trước đó, xếp hạng của Tổ chức các nhà sản xuất phương tiện cơ giới quốc tế (OICA) cho thấy, với tỷ lệ cơ giới hóa tăng tới 17% mỗi năm giai đoạn 2015-2020, Việt Nam là quốc gia có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới về sở hữu ô tô; tỷ lệ này được thúc đẩy nhờ tầng lớp trung lưu ngày càng mở rộng.
Theo báo cáo bán hàng của VAMA, riêng trong tháng 8/2024, doanh số bán hàng của toàn thị trường đạt gần 25,2 nghìn xe ô tô, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2023. Doanh số xe ô tô bán ra tăng mạnh; đồng thời phản ánh niềm tin của người tiêu dùng về chính sách giảm lệ phí trước bạ của Chính phủ và nỗ lực kích cầu của doanh nghiệp.
Không chỉ tập trung tại thị trường nội địa, Việt Nam bước đầu chạm tay đến khát vọng chinh phục thị trường xuất khẩu, khẳng định tên tuổi và thương hiệu ô tô Việt Nam trên thị trường quốc tế, nhất là với dòng xe điện. Bên cạnh đó, với vị trí thuận lợi, nằm ở trung tâm khu vực Đông Nam Á, Việt Nam được coi là “thỏi nam châm” có lực hút mạnh, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. Đồng thời, vị trí này giúp Việt Nam dễ dàng kết nối với các thị trường lớn như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và các quốc gia ASEAN, từ đó giảm chi phí vận chuyển và tối ưu hóa chuỗi cung ứng cho các doanh nghiệp ô tô.
Để ngành công nghiệp ô tô Việt Nam thực sự chuyển mình mạnh mẽ và có những thay đổi phù hợp, một số giải pháp phát triển trong thời gian tới cần tập trung vào hoàn thiện thể chế môi trường kinh doanh, nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế và phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam theo hướng hiện đại, bền vững. Ngoài ra, cần triển khai các giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu ô tô sản xuất tại Việt Nam sang thị trường nước ngoài. Tăng cường hoàn thiện thể chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, tham gia trong chuỗi cung ứng công nghiệp hỗ trợ. Phát triển thị trường tiêu thụ; song song với thu hút đầu tư, đổi mới công nghệ cho ngành công nghiệp ô tô; phát triển nguồn nhân lực, hạ tầng, phát triển bền vững và xanh hóa ngành công nghiệp ô tô./.
Tài liệu tham khảo:
1. Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý III và 9 tháng năm 2024, Tổng cục Thống kê;
2. Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035, được Chính phủ phê duyệt ngày 16/7/2014;
3. Dự thảo Chiến lược phát triển công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2045, Bộ Công thương.
Duy Hưng