Điều tra doanh nghiệp năm 2019 – Một số nội dung chủ yếu

|

Điều tra doanh nghiệp năm 2019 – Một số nội dung chủ yếu

Thông tin nhận dạng đơn vị điều tra, bao gồm: Tên doanh nghiệp; Địa chỉ, điện thoại, fax, email; Loại hình doanh nghiệp; Ngành hoạt động SXKD. Thông tin về lao động thu nhập của người lao động, bao gồm: Lao động; Thu nhập của người lao động.

Các chỉ tiêu về sản xuất kinh doanh, bao gồm: Tài sản và nguồn vốn; Kết quả sản xuất kinh doanh; Thuế và các khoản nộp ngân sách; Tiêu dùng năng lượng; Vốn đầu tư.

Thông tin về các cơ sở trực thuộc doanh nghiệp, bao gồm: Tên cơ sở; Ngành hoạt động SXKD; Sản lượng/sản phẩm; Lao động; Doanh thu.

Sử dụng công nghệ trong sản xuất, bao gồm: Tình hình sử dụng công nghệ/máy móc thiết bị sản xuất, công nghệ thông tin và truyền thông; Cơ cấu đầu vào/đầu ra và quan hệ với nhà cung cấp/khách hàng; Các kênh chuyển giao công nghệ; Năng lực đổi mới và cải tiến công nghệ.

Thông tin về công nghiệp hỗ trợ, bao gồm: Thông tin định lượng, định tính về sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, thông tin về khách hàng/nhà cung cấp của doanh nghiệp và thông tin hỗ trợ doanh nghiệp của ba chủ thể (đơn vị sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ - Bên Cung; đơn vị sử dụng sản phẩm công nghiệp hỗ trợ để sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh - Bên Cầu và ý kiến đánh giá tác động chính sách của Chính phủ).

Hàng năm, theo Chương trình điều tra quốc gia, ngành Thống kê đều tiến hành điều tra doanh nghiệp (DN). Thực hiện phương án, điều tra doanh nghiệp năm 2019 được triển khai bắt đầu từ tháng 3/2019, nhằm thu thập thông tin cơ bản phục vụ công tác quản lý, hoạch định chính sách, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, phát triển doanh nghiệp của quốc gia, từng địa phương, các nhà đầu tư và các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, kết quả điều tra còn dùng để tổng hợp các chỉ tiêu trong Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia, các chỉ tiêu trong báo cáo chính thức năm của ngành Thống kê và là nguồn thông tin cơ bản để xuất bản “Sách Trắng doanh nghiệp Việt Nam năm 2020”. Đặc biệt, điểm mới cơ bản của Điều tra doanh nghiệp năm 2019 là thu thập thông tin đánh giá thực trạng về công nghiệp hỗ trợ trong ngành công nghiệp chế biến chế tạo; và dịch vụ Logictics. Đây là 2 chuyên đề đang được Chính phủ, các nhà hoạch định chính sách quan tâm trong việc xây dựng chiến lược phát triển kinh tế xã hội trong thời gian tới.
 
Đối tượng điều tra của cuộc Điều tra doanh nghiệp năm 2019 bao gồm: Các doanh nghiệp được thành lập chịu sự điều tiết bởi Luật Doanh nghiệp; Hợp tác xã/liên hiệp hợp tác xã/quỹ tín dụng nhân dân (gọi chung là hợp tác xã) hoạt động theo Luật Hợp tác xã và các doanh nghiệp được thành lập, chịu sự điều tiết bởi các Luật chuyên ngành như Luật Bảo hiểm, Luật Chứng khoán… hoạt động sản xuất kinh doanh trước thời điểm 01/01/2019 hiện đang hoạt động; Các cơ sở sản xuất kinh doanh trực thuộc doanh nghiệp.
 
Nội dung thông tin điều tra gồm: (i) Các thông tin về lao động; giá trị tài sản, nguồn vốn, sản phẩm dở dang, thành phẩm tồn kho (thu thập thông tin tại hai thời điểm 01/01/2018 và 31/12/2018); (ii) Các thông tin thu thập theo thời kỳ như: Kết quả sản xuất kinh doanh, sản phẩm, chi phí, thuế…sử dụng số liệu chính thức của cả năm 2018.
 
Thời gian triển khai thu thập số liệu từ 01/3/2019 đến 19/5/2019. Cuộc điều tra sử dụng 19 loại phiếu điều tra. Do tính chất phức tạp của nội dung điều tra trình độ của cán bộ kế toán, thống cũng như ứng dụng công nghệ thông tin của các đơn vị điều tra khác nhau, nên áp dụng các phương pháp thu thập số liệu sau đây:
 
Thứ nhất, thu thập trực tiếp: Điều tra viên phỏng vấn trực tiếp kế toán trưởng, cán bộ kế toán hoặc thống kê của doanh nghiệp về nội dung điều tra và ghi vào phiếu điều tra.
 
Thứ hai, thu thập gián tiếp: Tổ chức hội nghị tập huấn cho kế toán trưởng, cán bộ kế toán hoặc thống của doanh nghiệp về phương án điều tra, nội dung điều tra hướng dẫn cách ghi thông tin vào phiếu điều tra, đồng thời quy định địa chỉ nơi nhận, thời gian để các doanh nghiệp tự ghi thông tin vào phiếu điều tra gửi cho cơ quan điều tra.
 
Thứ ba, thu thập số liệu qua bảng hỏi điện tử: Áp dụng cho các doanh nghiệp có điều kiện về công nghệ thông tin như: Máy tính, thiết bị thông minh kết nối internet,… Doanh nghiệp lấy phiếu điều tra điện tử từ trang Web của Tổng cục Thống kê, ghi trực tiếp thông tin vào phiếu và gửi qua đường thư điện tử tới Cục Thống kê nơi doanh nghiệp đóng trên địa bàn.
 
Theo kế hoạch, tháng 10/2019 sẽ công bố kết quả tổng hợp nhanh điều tra doanh nghiệp; Ngày 13 tháng 10 năm 2019, đúng ngày Doanh nhân Việt Nam công bố Bộ chỉ tiêu đánh giá mức độ phát triển doanh nghiệp cả nước và các địa phương; tháng 12/2019, công bố kết quả đầy đủ điều tra doanh nghiệp và Sách Trắng doanh nghiệp Việt Nam năm 2019./.


Theo số liệu thống kê, số doanh nghiệp thành lập mới của cả nước năm 2018 đạt kỷ lục cao nhất từ trước đến nay với 131.275 doanh nghiệp, tăng 3,5% so với năm 2017.
 
Theo loại hình doanh nghiệp, 558 doanh nghiệp nhà nước (trong đó 556 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước) thành lập mới năm 2018, tăng 10,7% so với năm 2017; 2.726 doanh nghiệp có vốn đầu nước ngoài, tăng 3,1% thành lập mới DN nhiều nhất là khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước với 127.991 DN, tăng 3,1%.
 
Theo khu vực kinh tế, Dich vụ là khu vực có số doanh nghiệp thành lập mới năm 2018 nhiều nhất với 94.703 DN, tăng 4,1%, cũng là khu vực có tốc độ tăng số doanh nghiệp thành lập mới cao nhất trong các khu vực; tiếp đến là khu vực doanh nghiệp công nghiệp và xây dựng với 34.725 DN, tăng 2,3%; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản có 1.847 DN, giảm 5,5%.
 
Theo địa phương, có 30/63 địa phương có tốc độ tăng số doanh nghiệp thành lập mới năm 2018 so với năm 2017. Một số địa phương tập trung nhiều doanh nghiệp của cả nước có số lượng doanh nghiệp thành lập mới chiếm tỷ lệ cao trong năm 2018, gồm: Thành phố Hồ Chí Minh 43.230 doanh nghiệp, chiếm 32,9% số doanh nghiệp thành lập mới của cả nước; Hà Nội 25.231 doanh nghiệp, chiếm 19,2%; Bình Dương 5.923 doanh nghiệp, chiếm 4,5%; Đà Nẵng 4.472 doanh nghiệp, chiếm 3,4%; Đồng Nai 3.549 doanh nghiệp, chiếm 2,7%…
 
Tổng vốn đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới năm 2018 là 1.478,1 nghìn tỷ đồng, tăng 14,1% so với năm 2017; vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 11,3 tỷ đồng, tăng 10,2%. Nếu tính cả 2.408,8 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của các doanh nghiệp thay đổi tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung thêm vào nền kinh tế trong năm 2018 là 3.886,9 nghìn tỷ đồng.

ThS. Nguyễn Huy Minh
Phó vụ trưởng Vụ Thống kê Công nghiệp - TCTK