Một số nét về công tác phổ biến số liệu thống kê trẻ em trong giai đoạn hiện nay

|

Một số nét về công tác phổ biến số liệu thống kê trẻ em trong giai đoạn hiện nay

Đánh giá chung về công tác phổ biến số liệu thống kê trẻ em hiện nay

Năm 2016 Luật Trẻ em chính thức được ban hành, quy định về quyền, bổn phận của trẻ em; nguyên tắc, biện pháp bảo đảm thực hiện quyền trẻ em; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân trong việc thực hiện quyền và bổn phận của trẻ em.

Ở Việt Nam, tính đến hết năm 2018 có trên 26,3 triệu trẻ em, trong đó có gần 1,4 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, chiếm 5,43% tổng số trẻ em. Hiện nay, các chỉ tiêu thống kê về trẻ em đã từng bước được hoàn thiện và phổ biến. Theo đó, chỉ tiêu thống kê về trẻ em tập trung vào sự bình đẳng và quyền trẻ em đã được hệ thống hóa trong một số văn bản pháp lý, trong đó, các chỉ tiêu trẻ em quan trọng tập trung chủ yếu ở Hệ thống chỉ tiêu Thống kê Quốc gia, được quy định trong Luật Thống kê 2015 và trong Hệ thống chỉ tiêu Dân số, Gia đình và Trẻ em. Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia bao gồm 186 chỉ tiêu, trong đó có 21 chỉ tiêu thống kê về trẻ em liên quan đến sự bình đẳng và quyền trẻ em thuộc các lĩnh vực dân số, giáo dục, y tế, chăm sóc sức khỏe và hoạt động tư pháp. Trong số 21 chỉ tiêu trẻ em, đã phổ biến được 16 chỉ tiêu trong Niên giám thống kê quốc gia. Hệ thống chỉ tiêu Dân số, Gia đình và Trẻ em bao gồm 122 chỉ tiêu, trong đó có 59 chỉ tiêu liên quan đến trẻ em.

Theo đánh giá, hiện nay công tác phổ biến số liệu thống kê về trẻ em đã được thực hiện qua hình thức các ấn phẩm phổ biến số liệu về trẻ em, song những tài liệu này hiện nay chưa nhiều, mới chỉ tập trung vào một số chỉ tiêu trong niên giám thống kê quốc gia và một số ấn phẩm chuyên đề khác có số liệu liên quan đến trẻ em. Cụ thể như: Trong Niên giám Thống kê quốc gia - ấn phẩm được Tổng cục Thống kê xuất bản hàng năm, bao gồm những số liệu thống kê cơ bản phản ánh khái quát động thái và thực trạng kinh tế - xã hội của cả nước, với gần 400 chỉ tiêu thống kê, trong đó có 23 chỉ tiêu thống kê về trẻ em. Theo quy định của Luật Trẻ em năm 2016 thì trẻ em là công dân dưới 16 tuổi. Tuy nhiên, chỉ tiêu cũng khá quan trọng đó là“Dân số trong độ tuổi” để xác định được số trẻ em hiện nay là bao nhiêu và tỷ lệ trẻ em so với dân số lại chưa được phổ biến. Chỉ tiêu này chỉ được phổ biến khi có Tổng điều tra dân số và nhà ở, với chu kỳ 10 năm một lần. Chỉ tiêu này dự kiến sẽ được đưa vào trong Niên giám Thống kê quốc gia từ năm 2018 trở đi.

Ngoài ra, số liệu thống kê về trẻ em cũng được phổ biến trong các ấn phẩm chuyên đề: (1) Kết quả điều tra đánh giá các mục tiêu phụ nữ và trẻ em: Điều tra đánh giá các mục tiêu phụ nữ và trẻ em nhằm thu thập các thông tin trên nhiều lĩnh vực liên quan đến chăm sóc sức khỏe, điều kiện sống và sự phát triển của phụ nữ và trẻ em, (2) Điều tra quốc gia về người khuyết tật: Điều tra đánh giá tình trạng khuyết tật của dân số, bao gồm cả tình trạng khuyết tật của trẻ em và thu thập thông tin, đánh giá điều kiện sống của trẻ em bao gồm tình trạng khuyết tật về mức độ, giáo dục, chăm sóc y tế, tham gia các hoạt động xã hội, bảo trợ xã hội và thái độ đối với trẻ em khuyết tật. (3) Thông tin Thống kê giới tại Việt Nam 2016: Số liệu thống kê về giới phản ánh sự khác biệt và bất bình đẳng trong mọi lĩnh vực cuộc sống, giữa nam và nữ nói chung và giữa trẻ em trai và trẻ em gái nói riêng. Tuy nhiên, những số liệu thuộc các ấn phẩm thống kê này không được phổ biến thường xuyên do các cuộc điều tra này không được tổ chức định kỳ, hoặc mới thuộc chương trình điều tra thống kê quốc gia nên số liệu chỉ có được trong vài năm trở lại đây. Các số liệu về trẻ em thường phụ thuộc vào các điều tra mang tính chuyên đề nên chưa hoặc không có chuỗi số liệu theo thời gian.

Bên cạnh đó, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng phát hành cuốn số liệu “Chỉ tiêu trẻ em Việt Nam”, trong đó tập trung phổ biến phần lớn số liệu trẻ em trong Hệ thống chỉ tiêu Dân số, Gia đình và Trẻ em. Cũng như số liệu trẻ em trong các ấn phẩm được đề cập đến ở trên, số liệu của các chỉ tiêu này không được phổ biến thường xuyên, định kỳ và thường phụ thuộc vào các điều tra chuyên đề hoặc có số liệu nhưng không phổ biến định kỳ hàng năm.

 

Ngoài việc phổ biến trong các ấn phẩm, số liệu thống kê về trẻ em còn được phổ biến trên website và tờ rơi. Tuy nhiên, có thể thấy, hoạt động phổ biến thông tin thống kê về trẻ em nhìn chung vẫn mang tính chất đơn lẻ và bị chia cắt, phân tán. Khi phổ biến thông tin trẻ em trên website thường gắn liền với sản phẩm thống kê nào đó, mà chưa có phần dành riêng cho số liệu thống kê về trẻ em. Hình thức phổ biến thông tin còn đơn điệu nghèo nàn, vẫn chủ yếu tập trung vào các kênh phổ biến truyền thống như ấn phẩm và trên website. Thực trạng đó bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó có nguyên nhân quan trọng là hoạt động phổ biến thông tin thống kê về trẻ em chưa được cụ thể bằng các văn bản chỉ đạo, mà chỉ có văn bản quy định phổ biến thông tin thống kê nói chung. Chưa hình thành được hệ thống thông tin thống kê quốc gia về trẻ em có sự phối hợp, kết nối và phân công, phân nhiệm rõ ràng trong hoạt động phổ biến thông tin giữa các cơ quan, tổ chức thống kê. Các hình thức phổ biến thông tin hiện đại sử dụng infographic và phổ biến qua mạng xã hội hầu như chưa được sử dụng nhiều nên hiệu quả của việc phổ biến số liệu trẻ em đến người dùng tin chưa cao. Cùng với đó, việc nâng cao nhận thức xã hội và dành sự quan tâm của xã hội cho trẻ em thông qua việc phổ biến số liệu trẻ em hiện nay còn chưa nhiều…

Một số đề xuất trong phổ biến số liệu thống kê trẻ em thời gian tới

Từ những phân tích về thực trạng phổ biến số liệu thống kê trẻ em ở trên cho thấy, cần phải nâng cao hơn nữa hoạt động phổ biến số liệu về trẻ em bằng cách đa dạng hóa các hình thức phổ biến. Do đó, giải pháp có tính quyết định đối với việc đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động phổ biến thông tin thống kê về trẻ em là phải xây dựng các kênh phổ biến thông tin thống kê phù hợp với thực tiễn hiện nay. Chính vì thế, trước mắt, cần tiếp tục đẩy mạnh phổ biến số liệu trẻ em, tập trung vào sự bình đẳng và quyền trẻ em trên các ấn phẩm thống kê như: Phổ biến qua Niên giám thống kê, ngoài những số liệu trẻ em đã được phổ biến, có thể lựa chọn thêm một số chỉ tiêu thống kê trẻ em phù hợp để đưa vào niên giám và phổ biến trong thời gian tới; Phổ biến qua các ấn phẩm chuyên đề về trẻ em, tổng hợp, biên soạn sách số liệu về trẻ em từ các cuộc điều tra, xây dựng và phân tích các chuyên đề chuyên sâu về trẻ em, tập trung vào sự bình đẳng và quyền trẻ em. 

Hai là, đẩy mạnh phổ biến thông tin trẻ em trên website: Trang thông tin điện tử của Tổng cục thống kê có thể đặt đường dẫn (link) đến trang thống kê về số liệu trẻ em của UNICEF. Phổ biến số liệu về trẻ em tập trung vào sự bình đẳng và quyền trẻ em trên website, bên cạnh việc đưa thông tin theo cách thức truyền thống dưới dạng file dữ liệu cần đưa thêm thông tin dưới dạng infographic, các clip hình ảnh bắt mắt dễ thu hút. Lựa chọn, chọn lọc các thông tin thống kê trẻ em tập trung vào sự bình đẳng và quyền trẻ em để thiết kế, xây dựng các infographic, các tờ rơi sau khi được biên soạn, thiết kế cũng được phổ biến lên website.

Ba là, đa dạng hóa nội dung phổ biến qua tờ gấp Số liệu về trẻ em được phát tới người dùng tin trong các cuộc hội thảo, họp báo công bố số liệu của Tổng cục Thống kê và phát kèm với những sản phẩm/ấn phẩm thống kê khác. Nội dung phổ biến qua tờ rơi: Mỗi tờ rơi sẽ phát hành cùng một chủ đề chuyên sâu như trẻ em với vấn đề giáo dục, trẻ em và chăm sóc sức khỏe, trẻ em và vấn đề giới… Yêu cầu phổ biến thông tin qua tờ rơi: Các thông tin phổ biến trên tờ rơi đảm bảo ngắn gọn, súc tích, thể hiện được sự nổi bật của sản phẩm, rõ ràng trong ý đồ thể hiện, dễ hiểu, dễ nhớ, giúp người đọc nắm bắt thông tin nhanh, hình ảnh sắc nét và có tính thẩm mỹ cao, sự phối hợp các hình ảnh của tờ rơi là sự phối hợp nhất quán: Màu sắc, phông nền và bố cục có sự thống nhất với hình ảnh.

Bốn là, tăng cường phổ biến bằng infographic: Các infographic về trẻ em phải được thiết kế theo từng chủ đề, trong đó lựa chọn các chỉ tiêu cùng một chủ đề để biểu đạt, lựa chọn các hình ảnh, icons, biểu tượng phù hợp mang một thông điệp nào đó và đạt được hiệu quả giao tiếp mà infographic mang lại. Các infographic sau khi thiết kế, xây dựng xong có thể in bằng giấy màu hoặc điện tử hóa để phổ biến trên website. Phổ biến số liệu trẻ em tập trung vào sự bình đẳng và quyền trẻ em cần phải độc đáo và ấn tượng; đơn giản và dễ hiểu; sáng tạo và đậm nét; ngắn gọn và súc tích; dễ dàng chia sẻ; người thiết kế infographic vừa phải có kiến thức về thống kê, vừa có kiến thức về tin học và hiểu biết về infographic.

Năm là, phổ biến qua mạng xã hội: Để phổ biến thông tin trẻ em qua mạng xã hội đạt hiệu quả cao phải đảm bảo thông tin được thống nhất với những thông tin được phổ biến bằng các hình thức khác; Đảm bảo rõ ràng về nguồn số liệu, các giải thích để tránh gây hiểu lầm hoặc khó hiểu cho người dùng tin; Có quản trị viên để vận hành trang mạng và tương tác với người dùng tin; Không đưa các thông tin khác ngoài thông tin chính thống về trẻ em./.
 
Trần Thị Thu Trang
Vụ Thống kê Tổng  hợp - Tổng  cục Thống kê