Tổng cục Thống kê thảo luận về việc làm phi chính thức

|

Tổng cục Thống kê thảo luận về việc làm phi chính thức

Chiều ngày 13/7/2021, tại Hà Nội, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (TCTK) Nguyễn Thị Hương đã có buổi làm việc với Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) và Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) thảo luận về một số vấn đề trong đó có lao động việc làm phi chính thức tại Việt Nam.

Tham dự buổi làm việc có ông Nguyễn Trung Tiến – Phó Tổng cục trưởng TCTK; đại diên Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Lao động thương binh và xã hội (Bộ LĐTB&XH); bà Valentina Barucci – Quyền Giám đốc ILO và đại diện lãnh đạo và chuyên viên các đơn vị liên quan của TCTK, Ban Kinh tế Trung ương, Bộ LĐTB&XH và ILO

 

Tổng cục trưởng TCTK Nguyễn Thị Hương phat biểu tại buổi làm việc

 Phát biểu tại buổi làm việc Tổng cục trưởng TCTK Nguyễn Thị Hương cho biết, từ năm 2010, TCTK bắt đầu có những nghiên cứu về lao động phi chính thức và đến năm 2017, TCTK đã thống nhất cùng với Bộ LĐTB&XH và ILO đưa ra khái niệm, định nghĩa về lao động phi chính thức. Dựa trên những khái niệm được thống nhất, TCTK đã tính toán lại các chỉ tiểu về lao động phi chính thức từ các năm 2014 đến năm 2016 và được công bố tại Hội thảo “Kết quả điều tra lao động phi chính thức” vào năm 2017. Từ đó đến nay hàng quý TCTK công bố số liệu về tình hình lao động việc làm trong đó có cả lao động phi chính thức. Nguồn số liệu lao động việc làm phi chính thức được tính từ điều tra mẫu về lao động việc làm tiến hành trên 63 tỉnh, thành phố với gần 58 nghìn hộ/quý và gần 230 nghìn hộ/năm. Số liệu mẫu đảm bảo mức độ đại diện đến cấp vùng đối với quý và cấp tỉnh với năm.

Theo Tổng cục trưởng TCTK Nguyễn Thị Hương, hiện đang có sự khác biệt giữa cách tính lao động phi chính thức giữa ILO và Việt Nam do đó buổi làm việc này nhằm hướng tới lao động phi chính thức được quan tâm và sử dụng đúng mức trong nghiên cứu đo lường hoạt động kinh tế và các vẫn đề xã hội của Việt Nam.

 

Toàn cảnh buổi làm việc

Theo TCTK, hiện khái niệm về lao động phi chính thức được hiểu là những lao động có việc làm bấp bênh, thiếu ổn định, thu nhập thấp, không có hợp đồng lao độnghoặc có nhưng không được đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, không được chi trả các chế độ phụ cấp và các khoản phúc lợi xã hội khác. Từ năm 2013, dãy số liệu về lao động có việc làm phi chính thức được tính toán và cung cấp theo khung khai niệm đưa ra.

Hiện đang có sự khác biệt giữa cách tính của ILO và Việt Nam như: Đối với loại hình hợp tác xã (HTX) trong khung khái niệm của ILO thì loại hình kinh tế này có cả ở khu vực chính thức và phi chính thức, còn ở Việt Nam HTX là phải đăng ký theo Luật HTX nên chỉ xuất hiện ở khu vực chính thức. Do đó đối với xã viên HTX ở Việt Nam căn cứ vào BHXH (xã viên HTX  có BHXH bắt buộc là lao động có việc làm chính thức, xã viên HTX không có BHXH bắt buộc là lao động có việc làm phi chính thức). Còn ILO căn cứ vào khu vực chính thức hay khu vực phi chính thức (xã viên HTX ở khu vực chính thức là lao động có việc làm chính thức, còn xã viên HTX ở khu vực phi chính thức là lao động có việc làm phi chính thức. Hai là trong việc tính chỉ tiêu lao động phi chính thức ILO tính bao gồm cả lao động trong hộ nông, lâm nghiệp và thủy sản không có đăng ký kinh doanh trong khi Việt Nam loại bỏ những lao động này ra khỏi phạm vi tính lao động phi chính thức.

Phát biểu tại buổi làm việc, đại diện Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, về mặt lý luận, số hóa và pháp chế hóa là 3 điểm này chúng ta đã có bước tiến rất lớn. Hiện còn một số điểm khác nhau không lớn trong cách tính về lao động phi chính thức giữa ILO và Việt Nam nhưng nếu ta thống nhât câu chữ, thống nhất cách làm sẽ khắc phục được.

Bà Valentina Barucci, đại diện ILO cảm ơn đã được làm đối tác lâu năm với TCTK trong vấn đề lao động phi chính thức. Qua các ý kiến trao đổi, bà Valentina Barucci cho rằng, có 2 cấp độ ở đây một là quy chuẩn Việt Nam với ILO và quy chuẩn các cơ quan ban ngành có đặc trưng khác biệt khác. Trong 3 chủ để thảo luận về lao động phi chính thưc, khu vực phi chính thưc và về tỷ lệ thất nghiệp đã có sự thống nhất rất lớn giữa TCTK và ILO. Vấn đề ở đây là bước tổng hợp tính toán chỉ số sẽ lưa chọn phương pháp như thế nào để tính toàn các chỉ số về việc làm phi chính thức. So với các năm 2016 -2017 có sự thay đổi về  mục tiêu phát triển bèn vững của Liên Hợp quốc có đưa Nông, lâm nghiệp và thủy sản vào trong chỉ số. do đó ILO đề xuất đưa thêm khu vực Nông, lâm nghiệp và thủy sản để phù hợp với bộ chỉ tiêu chung trong tính toán đánh giá. Bà Valentina Barucci nhất trí dữ liệu về lao động phi chính thức sẽ giúp phục vụ hoạch định chính sách nếu có thông tin cụ thể sẽ giúp cơ quan nhà nước có định hướng tốt hơn trong đưa ra hoạt động quản trị của mình.  Theo bà Valentina Barucci điểm quan trọng nhất là nhìn vào yếu tố khả năng tiếp cận với các quyền lợi công việc, việc làm của ngươi lao động như thế nào để mở rộng phạm vi bảo trợ xã hội. 

Đại diện Bộ LĐTB&XH cho rằng, cần thiết phải có sự thống nhất trong khái niệm lao động phi chính thức để giúp Bộ LĐTB&XH thuận lợi hơn trong việc ban hành các chính sách. Hiện tại đang có sự khác biệt trong cách tính giữa Việt Nam và ILO trong việc thêm về khu vực nông nghiệp nhưng đây là xu hướng chung của thế giới vì thế Việt Nam sẽ hướng tới.

 

Phó Tổng cục trưởng TCTK - Nguyễn Trung Tiến phát biểu tại buổi làm việc

Ông Nguyễn Trung Tiến - Phó Tổng cục trưởng TCTK, nhất trí với ý kiến đóng góp của các đại biểu tại buổi làm việc. Theo ông cần sơm có sự thống nhất trong khái niệm và cách tính về lao động việc làm phi chính thức giữa Việt Nam và ILO trong thời gian tới  trên cơ sở đảm bảo phù hợp với khái niệm chung của quốc tế.

Phát biểu kết thúc buổi làm việc Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương cảm ơn ILO làm cầu nối cho TCTK với các đơn vị để thống nhất một số điểm như để cùng hành động có sự thống nhất trong các cơ quan liên quan cần có sự chuẩn hóa về khái niệm, định nghĩa. Sau khi chuẩn hóa, TCTK sẽ biên soạn thành tài liệu giúp các đơn vị có thể sử dụng sản phẩm để tham khảo trong thực hiện nhiệm vụ và hành động. Tổng cục trưởng khẳng định sẽ theo khái niệm chuẩn của quốc tế. Bà bày tỏ mong muốn trong thời gian tới ILO tiếp tục hỗ trợ giúp đỡ TCTK trong phát hành lan tỏa các sản phẩm của TCTK./.

M.T