Cụ thể, UBND huyện Thái Thụy trân trọng cảm ơn và tiếp thu ý kiến phản ánh của Nhân Dân điện tử. Trong thời gian tới, để khai thác hiệu quả Khu neo đậu tàu thuyền xã Thái Thượng, UBND huyện Thái Thụy tập trung chỉ đạo, thực hiện một số giải pháp sau:
Xây dựng Đề án Quản lý, khai thác khu neo đậu tránh trú bão theo hình thức hợp đồng O&M quy định tại khoản 9, Điều 3, Nghị định 63/2018/NĐ-CP của Chính phủ hoặc sử dụng tài sản khu neo đậu vào mục đích cho thuê theo Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017 và Nghị định 151/2017/NĐ-CP của Chính phủ để báo cáo UBND tỉnh xem xét, phê duyệt.
Đề nghị Sở NN-PTNT sớm triển khai trồng rừng phi lao chắn gió theo quy hoạch (tại Quyết định số 2221/QĐ-UBND ngày 15-8-2016 của UBND tỉnh Thái Bình về việc phê duyệt điều chỉnh, bổ sung các hạng mục đầu tư).
Tổ chức phát triển các dịch vụ phục vụ hậu cần nghề cá, cung cấp xăng dầu, thu mua chế biến hải sản, sửa chữa tàu thuyền... chung quanh khu vực khu neo đậu nhằm thu hút tàu thuyền ra vào neo đậu. Tiếp tục tuyên truyền, vận động ngư dân đưa tàu thuyền vào nơi neo đậu quy định tránh trú bão.
Như phản ánh của Nhân Dân điện tử, âu thuyền tránh trú bão xã Thái Thượng (huyện Thái Thụy) là công trình dân sinh xã hội, tạo điều kiện cho ngư dân có địa điểm cập bến neo đậu tàu thuyền tránh bão an toàn.
Tuy nhiên, từ năm 2017 đến nay, công trình trị giá hơn 100 tỷ đồng này đang “trơ gan cùng tuế nguyệt” vì không có tàu bè nào dám vào neo đậu do sợ bị lật, đắm.
Nguyên nhân là, âu tàu này được thiết kế quay hướng Bắc, thời điểm mưa bão luôn gặp sóng to, gió lớn, lại không có rừng phi lao che chắn nên gây trở ngại lớn cho các phương tiện vào neo đậu.
* Âu tàu hơn trăm tỷ đồng nằm phơi mưa nắng