Họp báo Công bố Lệnh của Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam công bố Luật đã được Quốc hội khóa XV, kỳ họp bất thường lần thứ nhất thông qua

|

Họp báo Công bố Lệnh của Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam công bố Luật đã được Quốc hội khóa XV, kỳ họp bất thường lần thứ nhất thông qua

Sáng ngày 24/01/2022, tại Phủ Chủ tịch, Văn phòng Chủ tịch nước đã tổ chức Họp báo Công bố Lệnh của Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam công bố Luật đã được Quốc hội khóa XV, kỳ họp bất thường lần thứ nhất thông qua.

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Phạm Thanh Hà chủ trì Họp báo. Tham dự và đồng chủ trì họp báo có: Thứ trưởng Bộ Tư Pháp Phan Chí Hiếu, Ủy viên thường trực UBKT của Quốc hội Nguyễn Mạnh Hùng; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc Hội Đỗ Đức Hồng Hà; Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông và một số lãnh đạo các bộ, ngành và đông đảo cơ quan thông tấn báo chí.

Tại buổi Họp báo, thừa lệnh của Chủ tịch nước, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Phạm Thanh Hà đã công bố Lệnh số 01/2022/L-CTN ngày 15/01/2022 của Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam công bố Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự đã được Quốc hội khóa XV, kỳ họp bất thường lần thứ nhất thông qua ngày 11/01/2022.
 
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Phạm Thanh Hà
công bố Lệnh số 01/2022/L-CTN ngày 15/01/2022 của Chủ tịch nước

Trình bày phạm vi, bố cục và nội dung cơ bản của Luật, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu cho biết, về phạm vi, bố cục, Luật có 11 điều, gồm: 09 điều sửa đổi, bổ sung một số điều của 09 luật hiện hành, 01 điều quy định về điều khoản chuyển tiếp và 01 điều quy định về hiệu lực thi hành.

Về nội dung cơ bản, đối với Luật Đầu tư công, Luật đã sửa đổi, bổ sung điểm b, c và d khoản 4 Điều 17, bổ sung khoản 5a vào sau khoản 5 Điều 17 và sửa đổi, bổ sung khoản 8 Điều 25, khoản 4 Điều 82, khoản 1 Điều 83 Luật Đầu tư công theo nguyên tắc phân quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ cho người đứng đầu cơ quan chủ quản đối với các dự án đầu tư nhóm B và nhóm C sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, quyết định phê duyệt dự án hỗ trợ kỹ thuật sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài để chuẩn bị dự án đầu tư do cơ quan, tổ chức mình quản lý.
 
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu trình bày phạm vi, bố cục và nội dung cơ bản của Luật

Đối với Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật đã sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 2 Điều 12 theo hướng: (i) Quy định thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án có tổng mức đầu tư tương đương dự án nhóm A theo quy định của pháp luật về đầu tư công sử dụng vốn ngân sách trung ương do Bộ, cơ quan Trung ương quản lý hoặc sử dụng vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài; (ii) Phân quyền quyết định chủ trương đầu tư cho Bộ trưởng, người đứng đầu cơ quan Trung ương, cơ quan khác; Hội đồng nhân dân cấp tỉnh đối với các dự án sử dụng vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài có tổng mức đầu tư tương đương dự án nhóm B và C theo quy định của pháp luật về đầu tư công.

Về Luật Đầu tư, với mục tiêu tăng cường phân quyền chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án xây dựng nhà ở, khu đô thị cho các địa phương, Luật đã sửa đổi, bổ sung điểm g và bổ sung điểm g1 vào sau điểm g khoản 1 Điều 31; sửa đổi, bổ sung điểm b và bổ sung điểm b1 vào sau điểm b khoản 1 Điều 32. Luật đồng thời bổ sung số thứ tự 132a vào sau số thứ tự 132 Phụ lục IV Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.

Đối với Luật Nhà ở, Luật đã sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 32 theo hướng quy định về hình thức sử dụng đất để đầu tư xây dựng dự án nhà ở thương mại là nhà đầu tư có quyền sử dụng đất thuộc một các trường hợp cụ thể để thực hiện hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về đất đai, trừ trường hợp thuộc diện Nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng và các trường hợp thu hồi khác theo quy định của pháp luật. Luật cũng bổ sung quy định trách nhiệm của nhà đầu tư thực hiện việc chuyển mục đích sử dụng đất đối với dự án có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất và thực hiện các nghĩa vụ tài chính có liên quan theo quy định của pháp luật về đất đai, để bảo đảm tính minh bạch, chặt chẽ, không thất thoát ngân sách nhà nước.

Đối với Luật Đấu thầu, nhằm bảo đảm tính thống nhất, thúc đẩy giải ngân, đưa dự án hoàn thành đúng thời hạn, đẩy nhanh tiến độ lựa chọn nhà thầu mua sắm hang hóa, dịch vụ, xây lắp trong các dự án ODA, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, Luật đã sửa đổi, bổ sung 02 sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 1 Điều 34 và bổ sung Điều 33a để quy định các hoạt động thực hiện trước đối với các dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi. Đồng thời giao Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Đối với Luật Điện lực, để thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về thu hút, xã hội hóa đầu tư lưới điện truyền tải đáp ứng yêu cầu thực tiễn, Luật đã sửa đổi, bổ sung khoản 2 và bổ sung khoản 2a vào sau khoản 2 Điều 4. Đồng thời, bổ sung điểm d1 vào sau điểm d khoản 1 Điều 40 quy định quyền của đơn vị truyền tải điện; bổ sung điểm h1 vào sau điểm h khoản 2 Điều 40 quy định nghĩa vụ của đơn vị truyền tải điện.

Đối với Luật Doanh nghiệp, để tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý về quản trị doanh nghiệp, tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, Luật đã sửa đổi, bổ sung Điều 49, 50, 60, 148 và 158. Luật cũng sửa đổi, bổ sung điểm d khoản 1 Điều 109 của Luật Doanh nghiệp nhằm giảm bớt chi phí, thời gian cho doanh nghiệp và bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật trong thực hiện công bố thông tin doanh nghiệp.

Đối với Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật bổ sung điểm i khoản 4 Mục I Điều 7 về Biểu thuế tiêu thụ đặc biệt của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt theo hướng giảm thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt so với mức hiện hành trong 05 năm đầu và điều chỉnh mức tăng thuế suất đối với xe ô tô điện chạy pin từ năm thứ 6 trở đi, nhằm khuyến khích đầu tư sản xuất, kịp thời nắm bắt cơ hội để phát triển xe ô tô điện chạy pin, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường từ khí thải phương tiện giao thông, giảm phát thải khí nhà kính, định hướng sản xuất, tiêu dung theo phướng phát triển công nghiệp sạch, bảo vệ môi trường.

Đối với Luật Thi hành án dân sự, Luật sửa đổi, bổ sung Điều 55, 56 và 57 của Luật thi hành án dân sự theo hướng làm rõ hơn trường hợp “ủy thác thi hành án từng phần” trên cơ sở luật hóa các nội dung trước đây giao Chính phủ quy định chi tiết; đồng thời bổ sung cơ chế ủy thác xử lý tài sản.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự có hiệu lực thi hành từ ngày 01/3/2022. Để xử lý các quan hệ pháp luật phát sinh trước thời điểm Luật này có hiệu lực, Điều 11 của Luật quy định chuyển tiếp đối với các quy định của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở và Luật Thi hành án dân sự.
 
Toàn cảnh buổi họp báo

Họp báo cũng dành thời gian để các đại biểu trao đổi, làm rõ thêm các nội dung của Luật. Một nội dung quan trọng được Thứ trưởng Bộ Tư Pháp Phan Chí Hiếu nhấn mạnh đó là, Luật này đã sử dụng kỹ thuật lập pháp mới là một Luật sửa bổi, bổ sung một số điều của nhiều Luật. Kỹ thuật này được sử dụng trong trường hợp cần thiết với yêu cầu cấp bách, đặc biệt sử dụng trong các lĩnh vực có quan hệ xã hội gần nhau. Trong thời gian tới, Bộ Tư pháp sẽ tiến hành hợp nhất các văn bản quy phạm pháp luật để các tổ chức, cá nhân hiểu rõ Luật và dễ áp dụng Luật vào thực tiễn./.

 
Tin, ảnh: B.N