Trong 2 ngày từ ngày 20-21/01/2022, tại Hà Nội, Tổng cục Thống kê (TCTK) đã tổ chức Hội nghị tập huấn nghiệp vụ khảo sát mức sống dân cư năm 2022.
Tham dự Hội nghị trực tiếp tại TCTK có Lãnh đạo và chuyên viên các đơn vị thuộc TCTK; Lãnh đạo Cục và lãnh đạo phòng tại 63 Cục Thống kê tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương, Lãnh đạo các Chi cục thống kê tham dự trực tuyến.
Bà Vũ Thị Thu Thủy, Cục trưởng Cục Thu thập dữ liệu và Ứng dụng CNTT phát biểu khai mạc Hội nghị
Phát biểu khai mạc tại Hội nghị, bà Vũ Thị Thu Thủy, Cục trưởng Cục Thu thập dữ liệu và Ứng dụng CNTT cho biết, khảo sát mức sống dân cư năm 2022 được thực hiện theo Quyết định số 939/QĐ-TCTK ngày 30/8/2021 của Tổng cục trưởng TCTK về việc ban hành Phương án điều tra. Đây là cuộc điều tra được tiến hành hàng năm nhằm thu thập thông tin, tổng hợp và biên soạn các chỉ tiêu thống kê quốc gia về mức sống hộ dân cư; đo lường nghèo và phân hóa giàu nghèo trong cộng đồng dân cư theo hướng tiếp cận đa. Các thông tin của cuộc khảo sát phục vụ hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội cấp quốc gia và các địa phương.
KSMS là cuộc điều tra thống kê được tiến hành hàng năm. Tuy nhiên, đối với các năm chẵn như năm nay, thông tin được yêu cầu thu nhập nhiều hơn so với các năm lẻ, đó là thu thập bổ sung thông tin về chi tiêu của hộ gia đình. Cụ thể, KSMS năm 2022 có một số điểm mới so với năm 2021: (1) Về công tác chọn mẫu, mẫu KSMS 2022 bao gồm: 25% địa bàn được chọn lại từ các địa bàn chỉ được khảo sát trong KSMS 2020, 25% địa bàn được chọn lại từ các địa bàn đã được khảo sát trong cả hai cuộc KSMS 2020 và KSMS 2021, 25% địa bàn được chọn lại từ các địa bàn chỉ được khảo sát trong KSMS 2021 và 25% địa bàn được chọn mới từ dàn mẫu chủ Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019. (2) Về nội dung thu thập thông tin, bổ sung thông tin về Chi tiêu so với năm 2021; thông tin đo lường nghèo đa chiều theo chuẩn mới giai đoạn 2022-2015 theo Nghị định 07/2021/NĐ-CP ngày 27/01/2021 của Chính phủ; thông tin về quản lý canh tác cây lúa và thực hành lấy mẫu lá lúa tại Mục 4B Trồng trọt; Bỏ nội dung về trợ giúp xã hội; Lược bỏ một số câu hỏi không cần thiết nhằm giảm thiểu gánh nặng cho đối tượng điều tra và điều tra viên tại các mục: Việc làm và tiền lương, tiền công; Thông tin truyền thông; Nhà ở; Thiết kế lại một số câu hỏi đảm bảo thống nhất với các cuộc điều tra của ngành thống kê như câu hỏi về giáo dục. (3) Về phương pháp thu thập thông tin, năm 2022, phiếu điều tra điện tử CAPI tiếp tục được sử dụng trong điều tra. Cụ thể, áp dụng bổ sung so với năm 2021 đối với phiếu hộ của các mục: mục nhân trắc học; mục chi tiêu; sử dụng phiếu điện tử đối với phiếu xã. Song song với việc áp dụng phiếu điều tra điện tử, quá trình kiểm tra, hoàn thiện số liệu và tổng hợp biểu kết quả đầu ra sẽ được thực hiện trên Trang Web quản lý, điều hành của cuộc điều tra này.
Kết thúc ngày làm việc đầu tiên, các đại biểu tham dự được nghe giới thiệu phương án điều tra KSMS năm 2022; rà soát, cập nhật bảng kê; phiếu hộ (Danh sách thành viên hộ, Giáo dục, Y tế và chăm sóc sức khỏe, thu nhập, chi tiêu)…
Hội nghị sẽ được tiếp tục vào ngày hôm sau với các nội dung chính: Giới thiệu phiếu hộ (Đồ dùng lâu bền, thông tin truyền thông; Nhà ở; Nhận thức và đánh giá của hộ về tình hình ĐSDC); Hướng dẫn thu thập dữ liệu đánh giá ba đổi mới sáng tạo trong canh tác lúa tại Việt Nam, quy trình chọn mẫu hộ lấy mẫu lá lúa; Giới thiệu phiếu xã; Hướng dẫn sử dụng phần mềm quản lý, giám sát và quy trình điều tra KSMS 2022; Hướng dẫn sử dụng và thực hành phần mềm CAPI…
Toàn cảnh Hội nghị
Thu Hường