Ngày 04/01/2023, tại trụ sở Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã diễn ra Hội nghị tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023 của Bộ. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.
Hội nghị được trực tuyến đến điểm cầu 63 tỉnh, thành phố. Tham dự Hội nghị tại điểm cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư có lãnh đạo các bộ, ngành, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư và lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ.
Trình bày Báo cáo tổng kết công tác năm 2022; triển khai nhiệm vụ năm 2023, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, năm 2022 mặc dù có nhiều khó khăn thách thức, nhưng nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự điều hành linh hoạt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tình hình kinh tế - xã hội nước ta đã phục hồi tích cực và đạt những kết quả quan trọng, khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực; ước cả năm đạt và vượt 13/15 chỉ tiêu kế hoạch đề ra, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng kinh tế phục hồi tích cực, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) ước cả năm khoảng 3,15%. Tăng trưởng GDP ước cả năm đạt khoảng 8,02% (mục tiêu là 6-6,5%).
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị. Ảnh: MPI
Cùng với đó, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và 3 chương trình mục tiêu quốc gia được tích cực chỉ đạo triển khai thực hiện. Công tác an sinh xã hội được triển khai thiết thực, kịp thời, hiệu quả; quốc phòng, an ninh được tăng cường; độc lập, chủ quyền quốc gia được giữ vững; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm… Đạt được kết quả nêu trên là nhờ có sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc của các Bộ, ban ngành Trung ương và các địa phương, trong đó có sự đóng góp quan trọng của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Với chức năng là cơ quan tham mưu, tổng hợp về kinh tế - xã hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ động tham mưu, đề xuất các giải pháp, cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng các kịch bản tăng trưởng, tranh thủ thời cơ phục hồi và tạo động lực mới cho phát triển kinh tế đất nước. Đánh giá những mặt được, chưa được đối với từng lĩnh vực công tác, các đơn vị thuộc Bộ đã kiểm điểm một cách nghiêm túc.
Về triển khai, điều hành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã làm tốt công tác quản lý nhà nước về kế hoạch, đầu tư và thống kê; thường xuyên cập nhật, dự báo tình hình, xây dựng kịch bản tăng trưởng kinh tế; tập trung tham mưu tổng hợp về xây dựng cơ chế, chính sách, giải pháp lớn; soạn thảo nhiều đề án, báo cáo quan trọng giúp Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ kịp thời chỉ đạo, điều hành bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội trong bối cảnh mới; đổi mới mô hình, nâng cao chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh quốc gia; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, tranh thủ thời cơ phục hồi và phát triển nền kinh tế mạnh mẽ sau giai đoạn khó khăn do dịch Covid-19.
Thứ trưởng Trần Quốc Phương trình bày Báo cáo tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023. Ảnh: MPI
Về triển khai, điều hành kế hoạch đầu tư công năm 2022, căn cứ các Nghị quyết của Quốc hội và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ đã hướng dẫn các bộ, cơ quan trung ương và địa phương triển khai phân bổ kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2022 theo đúng mục tiêu, định hướng đề ra.
Về xây dựng danh mục và mức vốn cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội Căn cứ Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội, Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ, Bộ đã chủ trì xây dựng, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ 36 danh mục, mức vốn cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận; Tham mưu cho Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tình hình triển khai thực hiện và dự kiến danh mục, mức vốn bố trí cho nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; Trình Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch đầu tư vốn NSTW của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; Trình Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao kế hoạch đầu tư vốn NSTW của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (lần 2); Tham mưu cơ chế, chính sách phát triển kinh tế - xã hội các địa phương và vùng lãnh thổ.
Để góp phần tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, trong năm 2022, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 10/01/2022 về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022.
Bộ đã chủ trì tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn NSTW giai đoạn 2021-2025; Bộ đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về tăng trưởng xanh tại Quyết định số 1044/QĐ-TTg ngày 05/9/2022 và ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo tại Quyết định số 1051/QĐTTg ngày 07/9/2022; tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 882/QĐ-TTg ngày 22/7/2022 phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030…
Về ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, theo Báo cáo Chỉ số đánh giá chuyển đổi số cấp bộ, cấp tỉnh năm 2021 (DTI 2021) do Bộ Thông tin và Truyền thông công bố, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xếp thứ 02 trên tổng số 17 bộ, cơ quan ngang bộ cung cấp dịch vụ công. Tiếp tục kế thừa và phát huy kết quả đó, trong năm 2022, Bộ đã ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong giải quyết công việc nội bộ và đạt được một số kết quả nổi bật như: 100% các đơn vị phân văn bản điện tử trên Hệ thống quản lý văn bản; Lãnh đạo Bộ đã thực hiện ký điện tử; tổ chức 155 cuộc họp trực tuyến; các thông tin chỉ đạo điều hành của Lãnh đạo Bộ, Đảng ủy, Công đoàn và các đơn vị được ứng dụng Hệ thống Quản lý thông tin tổng thể của Bộ...
Về triển khai nhiệm vụ năm 2023, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, để phấn đấu phát huy tối đa các mặt tích cực, kết quả đạt được trong những năm qua và khẩn trương, kiên quyết, kiên trì khắc phục những mặt còn hạn chế, bất cập, quyết tâm nỗ lực hoàn thành vượt mức các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2023 của ngành Kế hoạch và Đầu tư, tiếp tục khẳng định, nâng cao vị thế trong công tác tham mưu, tổng hợp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần tập trung vào các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể.
Hình ảnh tại Hội nghị. Ảnh: MPI
Tiếp tục cụ thể hóa, triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng XIII và các Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương về đổi mới mô hình tăng trưởng, thực hiện hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, phát triển kinh tế tư nhân, định hướng thu hút đầu tư nước ngoài và Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư. Tổ chức thực hiện hiệu quả Chiến lược quốc gia về Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư. Khẩn trương ban hành ngay chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP năm 2023 của Chính phủ, tiếp tục chỉ đạo sát sao, đôn đốc việc triển khai thực hiện có hiệu quả các đề án, báo cáo theo Chương trình công tác đã đăng ký, phát huy và nâng cao hơn nữa chất lượng công tác phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan trong thực thi công vụ, bảo đảm hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao.
Tiếp tục đổi mới phương thức chỉ đạo, điều hành, bám sát tình hình kinh tế thế giới và trong nước để kịp thời tham mưu giải pháp, chính sách phù hợp nhằm thực hiện có hiệu quả mục tiêu, nhiệm vụ của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 đã đề ra. Tiếp tục rà soát cơ chế chính sách để kịp thời tham mưu điều chỉnh, xử lý những vấn đề thực tiễn đặt ra trong quản lý đầu tư công, rà soát, sửa đổi theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phân công, phân nhiệm bảo đảm quản lý thống nhất, hiệu lực, hiệu quả hoạt động; đồng thời phát huy tính chủ động, sáng tạo, đề cao tinh thần trách nhiệm của từng cấp, từng ngành gắn với cơ chế kiểm soát quyền lực hiệu quả.
Tiếp tục chủ trì tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thực hiện các mục tiêu dài hạn về cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, đẩy mạnh thực hiện ba đột phá chiến lược, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, khuyến khích khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.
Tiếp tục đặt trọng tâm vào tháo gỡ các rào cản để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và hỗ trợ cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước cho phát triển kinh tế. Thúc đẩy các giải pháp về chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo mục tiêu giảm phát thải ròng về không vào năm 2050 theo cam kết của Việt Nam tại COP26, lồng ghép các 27 mục tiêu về phát thải khí nhà kính vào các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế xã hội hằng năm.
Tiếp tục nghiên cứu, cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh để tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp và nhà đầu tư dễ dàng gia nhập thị trường theo quy định của pháp luật. Phối hợp với địa phương về chuyển đổi số trong lĩnh vực đăng ký kinh doanh; có các giải pháp tích cực khuyến khích, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ đăng ký kinh doanh qua mạng điện tử; tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý về đăng ký doanh nghiệp. Đẩy mạnh thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong các lĩnh vực do Bộ quản lý; thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, gắn liền với công tác đánh giá, quy hoạch, bổ nhiệm, điều động và luân chuyển cán bộ.
Nghiên cứu, tham mưu các mô hình kinh tế mới và xây dựng các quy định về cơ chế thử nghiệm các mô hình kinh tế này trình cấp có thẩm quyền ban hành. Tổ chức đánh giá giữa kỳ đối với các nội dung: (i) tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025; (ii) kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; (iii) tình hình thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025; (iv) tình hình thực hiện Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025; (v) việc thực hiện Đề án “Định hướng thu hút, quản lý và sử dụng vốn ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài giai đoạn 2021-2025” tại Quyết định số 2109/QĐ-TTg ngày 15/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ.
Chủ động trong xây dựng nội dung và chủ trì tổ chức các cuộc họp Tổ điều phối kinh tế vĩ mô (Tổ 1317) nhằm kịp thời phân tích, đánh giá diễn biến tình hình kinh tế thế giới (tăng trưởng, tỷ giá, giá cả, lạm phát, sự điều chỉnh chính sách của các nước lớn, các đối tác chủ yếu...) cũng như tình hình kinh tế vĩ mô trong nước; đánh giá các tác động cũng như triển vọng của nền kinh tế Việt Nam và đề xuất, kiến nghị các kịch bản ứng phó, các giải pháp kịp thời trong công tác chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Tiếp tục điều tra, tổng hợp và cung cấp thông tin thống kê phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Đảng, nhà nước và Chính phủ; phục vụ đánh giá giữa kỳ tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 5 năm 2021-2025. Triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ của Chiến lược phát triển Thống kê Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Tiếp tục phối hợp với bộ, ngành và địa phương triển khai Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 và Chiến lược quốc về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn 2050. Triển khai thực hiện đúng tiến độ và bảo đảm chất lượng đối với các đề án, nhiệm vụ được giao, trong đó, tập trung vào một số đề án, nhiệm vụ trọng tâm.
Tăng cường công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng, nghiêm túc triển khai Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị và Kết luận số 21- KL/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương. Nâng cao hiệu quả công tác quản lý đảng viên; tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Đảng cho bí thư chi bộ và cấp ủy viên. Tiếp tục phát huy hiệu quả công tác dân vận và lãnh đạo các tổ chức đoàn thể, quần chúng. Phối hợp với chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội vận động cán bộ công chức, viên chức, người lao động phát huy truyền thống đoàn kết, ý thức trách nhiệm, tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội XII Công đoàn Việt Nam và Nghị quyết Đại hội V Công đoàn Viên chức Việt Nam.
Tiếp tục chỉ đạo sát sao, đôn đốc việc triển khai thực hiện có hiệu quả các đề án, báo cáo theo Chương trình công tác đã đăng ký, phát huy và nâng cao hơn nữa chất lượng công tác phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan trong thực thi công vụ, bảo đảm hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao./.
Theo https://www.mpi.gov.vn/Pages/tinbai.aspx?idTin=56431&idcm=188