Sách hay "ASEAN Key Figures 2019"

|

Sách hay "ASEAN Key Figures 2019"

“ASEAN Key Figures 2019” là xuất bản phẩm lần thứ hai của ấn phẩm mới nhất ASEAN Key Figures do Bộ phận thống kê thuộc Ban Thư ký ASEAN phát hành lần đầu tiên năm 2018, thay thế cho 2 ấn phẩm trước đó đã được dừng xuất bản vào năm 2017 là “ASEAN Economic Community Chartbook” và “ASEAN Community in Figures”.
  
Ấn phẩm “ASEAN Key Figures 2019” gồm một bộ các chỉ tiêu được lựa chọn để phán ánh sự phát triển kinh tế - xã hội khu vực ASEAN trên nhiều khía cạnh khác nhau với cách trình bày dễ hiểu. Đây là một phần trong những nỗ lực không ngừng của Bộ phận thống kê ASEAN nhằm thúc đẩy khả năng cung cấp số liệu thống kê của ASEAN và tăng cường hợp tác thống kê trong khu vực, đồng thời góp phần giám sát sự phát triển kinh tế - xã hội khu vực ASEAN.

Ngoài phần giới thiệu, các biểu đồ và bảng biểu, nội dung ấn phẩm “ASEAN Key Figures 2019” đề cập đến 8 vấn đề gồm: Dân số; Giáo dục; Sức khỏe; Nghèo đói, bất bình đẳng và sự phát triển con người; Lao động; Kinh tế; Thương mại quốc tế và đầu tư; Vận tải, du lịch và truyền thông. Sau đây Tạp chí Con số và Sự kiện giới thiệu một số nội dung chủ yếu của ấn phẩm.
Dân số
Giai đoạn 1980-2018, dân số toàn khu vực ASEAN đã tăng gần 2 lần, từ 355,1 triệu người lên 649,1 triệu người, do sự gia tăng dân số tự nhiên cũng như sự gia nhập một số quốc gia thành viên như: Brunei vào năm 1984, Việt Nam năm 1995, Lào và Myanmar năm 1997 và Cammpuchia năm 1999. Dân số khu vực ASEAN tăng trung bình mỗi năm là 1,6% trong giai đoạn này, tuy nhiên, tăng trưởng dân số hàng năm có xu hướng giảm trong bốn thập kỷ qua, từ hơn 2% trước năm 1992 xuống còn khoảng 1,1-1,2% trong bốn năm gần đây.
 
Cấu trúc tuổi trong dân số ASEAN giai đoạn 2000-2018 có sự thay đổi đáng chú ý. Nếu như năm 2000, nhóm dân số có độ tuổi từ 0-19 tuổi chiếm tới 40,8% tổng số dân số của cả khu vực, thì đến năm 2018 tỷ lệ này chỉ còn 33,9% mặc dù số lượng dân số nhóm tuổi thanh niên tăng lên. Tỷ lệ dân số nhóm tuổi từ 65 tuổi trở lên tăng ở tất cả các nước thành viên ASEAN, đặc biệt là Singapore và Thái Lan. Mặt khác, nhóm dân số trong độ tuổi lao động có xu hướng tăng ở 7 nước thành viên ASEAN là Brunei, Campuchia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines và Việt Nam. Đây là cơ hội lớn để các nước trong khu vực phát triển kinh tế và xóa đói giảm nghèo, song cũng đang tạo ra những áp lực về vấn đề giáo dục, dịch vụ y tế...
 
Năm 2017, tuổi thọ trung bình của các nước ASEAN là 71,4 tuổi, tăng hơn 2,5 năm so năm 2005. Tuổi thọ trung bình của phụ nữ là 74,4 tuổi và của nam giới là 68,6 tuổi. Singapore là quốc gia có tuổi thọ trung bình cao nhất với hơn 83,2 tuổi.
Giáo dục
So với năm 2000, tỷ lệ biết chữ của người lớn tại các nước thành viên ASEAN năm 2017 đã được cải thiện đáng kể. Có tới 7/10 nước ASEAN có tỷ lệ này đạt trên 90%, trong đó Singapore là 97,0%, tiếp theo là Brunei Darussalam 96,6%, Philippines 96,5% và Indonesia 95,5%. Ngoài ra, các nước cũng đạt được tiến bộ trong việc đảm bảo trẻ được đi học tiểu học. Năm 2017, tất cả các nước trong khu vực có tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi tiểu học được đi học tiểu học đạt trên 90%. Singapore là nước có tỷ lệ này đạt cao nhất, đạt 100%. Trong thập kỷ qua, tỷ lệ trẻ ở độ tuổi trung học được đi học đã tăng lên ở các nước song vẫn cần được cải thiện.

Tỷ lệ học sinh - giáo viên phản ánh chất lượng giáo dục trong một quốc gia. Tỷ lệ này càng thấp cho thấy khả năng tiếp cận của học sinh với giáo viên càng cao, cho phép giáo viên chú ý hơn đến từng học sinh, giúp học sinh học tập tốt hơn. Tại các nước thành viên ASEAN, tỷ lệ học sinh - giáo viên ở cấp học tiểu học ngày càng được cải thiện, trong đó Brunei có tỷ lệ thấp nhất 10,2 học sinh/giáo viên; Malaysia là 11,6 và Singapore là 15,1. Tuy nhiên, tại các nước Campuchia, Lào, Myanmar, Philippines và Việt Nam có tỷ lệ tương đối cao với hơn 20 học sinh/giáo viên. Tỷ lệ học sinh - giáo viên ở cấp học trung học cũng đạt được những tiến bộ.
 
Y tế
Giai đoạn 2005-2017, tỷ lệ trẻ em 1 tuổi được tiêm phòng vắc xin sởi ở các nước Brunei, Malaysia, Singapore, Thái Lan và Việt Nam luôn trên 90%. Tỷ lệ trẻ 1 tuổi được tiêm phòng vắc xin sởi tại các nước Campuchia, Lào, Myanmar ở mức thấp hơn song đã có sự cải thiện đáng kể. Bên cạnh đó, tỷ lệ trẻ được tiêm chủng vắc xin ngăn ngừa các bệnh bạch hầu, uốn ván và ho gà (DPT) tại các nước là khá cao. Năm 2017, tỷ lệ này ở Brunei là 100%, Malaysia 99,0%, Singapore 96,0%, Thái Lan 99,0% và Việt Nam 94,4%. Tỷ lệ này tăng lên tại các nước Lào, Myanmar, Campuchia trong giai đoạn 2005-2017.

Tiếp cận nước sạch và vệ sinh là những yếu tố cần thiết trong việc đảm bảo sức khỏe cộng đồng. Năm 2018, tỷ lệ dân số được tiếp cận nước sạch ở Brunei và Singapore là 100%, trong khi đó Việt Nam, Thái Lan, Malaysia và Philippines lần lượt là 98,0%, 97,8%, 96,5% và 92,0%. Các nước thành viên ASEAN còn lại có tỷ lệ tiếp cận nước sạch tương đối thấp song cũng đã có sự tăng lên đáng kể từ năm 2005 đến năm 2017. Cùng với đó, toàn bộ dân số ở Singapore đều được tiếp cận dịch vụ vệ sinh, còn ở Malaysia, Thái Lan và Brunei Darussalam có tỷ lệ dân số được tiếp cận dịch vụ vệ sinh là trên 90%. Các nước có sự cải thiện đáng kể nhất trong vấn đề này là Campuchia, Indonesia, Lào và Việt Nam.
 
Nghèo đói, bất bình đẳng và phát triển con người
Giai đoạn 2005-2017, tất cả các nước thành viên ASEAN (dữ liệu không bao gồm 2 nước Brunei và Singapore) đều có bước tiến triển trong việc giảm nghèo. Trong đó, Myanmar là nước có tỷ lệ dân số sống dưới mức nghèo quốc gia giảm mạnh nhất, từ 48,2% năm 2005 xuống còn 24,8% năm 2017, giảm 23,4 điểm phần trăm. Tiếp theo là Campuchia giảm 19,5 điểm phần trăm và có tỷ lệ dân số sống dưới mức nghèo quốc gia là 13,5% năm 2017; Thái Lan giảm 18,9 điểm phần trăm và đạt tỷ lệ 7,9%. Lào và Việt Nam cũng cho thấy sự tiến bộ rõ rệt với tỷ lệ nghèo giảm tương ứng từ 33,5% và 18,1% năm 2005 xuống còn 23,4% và 9,8% năm 2017.
 
Bất bình đẳng thu nhập trong khu vực cũng ghi nhận những kết quả đáng khích lệ. Đáng chú ý là, năm 2017 Campuchia có hệ số Gini (được sử dụng để đánh giá về mức độ bất bình đẳng thu nhập) dao động thấp nhất ở mức 0,31; cao nhất là Malaysia với hệ số Gini ở mức 0,46 và Singapore 0,45. Giai đoạn 2005-2017, cả 3 nước là Indonesia, Lào và Việt Nam đều có hệ số Gini tăng, cho thấy sự gia tăng bất bình đẳng thu nhập. Ngược lại, các nước Campuchia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan có hệ số Gini giảm.
 
Về phát triển con người, 3 nước Singapore, Brunei và Malaysia nằm trong nhóm quốc gia có chỉ số HDI cao nhất; Thái Lan có chỉ số HDI thuộc hạng cao và 6 nước còn lại nằm trong nhóm các nước có chỉ số HDI ở mức trung bình. Giai đoạn 2000-2017, tất cả 10 nước trong khu vực đều có chỉ số HDI tăng mặc dù có tỷ lệ khác nhau. Trong đó, Campuchia, Myanmar, Lào và Việt Nam có chỉ số HDI tăng nhanh nhất, lần lượt là 17,0%, 15,1%, 13,8% và 11,8%. Tiếp đến là Singapore và Thái Lan, với mức tăng của chỉ số HDI lần lượt là 11,2% và 10,6%. Chỉ số HDI của Indonesia, Philippines và Malaysia tăng khoảng 8% trong 17 năm qua, trong khi Brunei chỉ tăng 3,4%.
 
Lao động
Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động tại hầu hết các nước thành viên ASEAN giai đoạn 2007-2018 khá ổn định, ngoại trừ Lào (có tỷ lệ giảm từ 81,0% năm 2007 xuống còn 62,2% vào năm 2018). Năm 2018, Campuchia là nước có tỷ lệ tham gia lực lượng lao động cao nhất với 84,4%, tiếp theo là Việt Nam 76,8%. Các quốc gia khác có tỷ lệ tham gia lực lượng lao động dao động từ 60,1% đến 69,2% trong năm 2018.
 
Về tỷ lệ thất nghiệp, trong giai đoạn 2005-2017, tỷ lệ thất nghiệp ở tất cả nước trong khu vực được đánh giá là tương đối thấp. Năm 2018, tỷ lệ này thấp nhất ở Lào, Myanmar, Thái Lan và Campuchia với mức dưới 2%, tiếp theo là Việt Nam (2,2%), Singapore (2,9%) và Malaysia (3,3%). Brunei có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất ở mức 9,2%, tiếp theo là Philippines (5,4%) và Indonesia (5,3%).
 
Trong cơ cấu việc làm của các ngành kinh tế chính trong khu vực ASEAN cho thấy, ngành nông nghiệp đóng góp đáng kể việc làm ở Lào và Campuchia với tỷ lệ 71,7% và 54,9%, theo sau là Myanmar (48,8%) và Việt Nam (41,9%). Trong khi đó, ngành du lịch lại tạo ra lượng lớn việc làm trong năm 2018 ở Singapore (83,9%), Brunei (62,4%), Malaysia (51,7%), Indonesia (48,2%) và Philippines (47,9%).
Kinh tế
Năm 2018, tổng GDP của 10 nước thành viên ASEAN là 3,0 nghìn tỷ USD, đưa ASEAN trở thành nền kinh tế lớn thứ năm trên thế giới, sau Hoa Kỳ (có GDP là 20,5 nghìn tỷ USD), Trung Quốc (13,4 nghìn tỷ USD), Nhật Bản (5,0 nghìn USD) và Đức (4,0 nghìn tỷ USD).
 

Mặc dù phải đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008-2009, song GDP khu vực ASEAN vẫn có xu hướng tăng trưởng tích cực trong giai đoạn 2000-2018. Tổng GDP của khu vực năm 2018 tăng gần gấp đôi so với một thập kỷ trước đây (1,6 nghìn tỷ USD năm 2008) và gần gấp năm lần giá trị năm 2000. Trong đó, Indonesia là nền kinh tế lớn nhất trong ASEAN, khi năm 2018 có giá trị GDP chiếm 34,9% tổng GDP của khu vực, tiếp theo là Thái Lan (16,9%), Singapore (12,2%) và Malaysia (12,0%).
 
GDP bình quân đầu người của ASEAN cũng có xu hướng tăng, khi đạt 4.601,3 USD vào năm 2018, cao hơn mức 3.299,3 USD của năm 2010 và gấp gần bốn lần mức 1.195,0 USD của năm 2000. Singapore và Brunei   là 2 quốc gia có GDP bình quân đầu người cao nhất trong năm 2018 với giá trị lần lượt là 64.567,3 USD và 30.645,6 USD, gấp khoảng 14,0 lần và 6,7 lần GDP bình quân đầu người của khu vực (4.601,3 USD). Giai đoạn 2000-2018, tất cả các nước thành viên ASEAN đều có GDP bình quân đầu người tăng lên. Đáng lưu ý, Lào là quốc gia có mức tăng GDP bình quân đầu người lên tới 691,1% giai đoạn 2000-2018, tiếp theo là Myanmar (606,2%) và Việt Nam (531,1%).
 
Thương mại quốc tế và đầu tư
 
Năm 2018, tổng thương mại hàng hóa của khu vực ASEAN đạt hơn 2,8 nghìn tỷ USD, tăng 2,3 lần so năm 2005, trong đó giá trị xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa đều tăng trong giai đoạn này, ngoại trừ năm 2009 2015-2016. Giá trị xuất khẩu hàng hóa có xu hướng cao hơn giá trị nhập khẩu hàng hóa dẫn đến xu hướng tích cực trong cán cân thương mại giai đoạn 2005-2018. Thương mại nội khối ASEAN liên tục chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng thương mại toàn khu vực, năm 2018 có tỷ trọng lên tới 23,0%. Ngoài ra, Trung Quốc, EU- 28 và Hoa Kỳ là 3 đối tác thương mại hàng đầu của ASEAN.

Là một trung tâm thương mại, Singapore là nhà xuất khẩu lớn nhất trong khu vực năm 2018, với giá trị xuất khẩu nước này chiếm tới 28,8% tổng kim ngạch xuất khẩu của ASEAN, tiếp theo là Malaysia (17,3%), Việt Nam (17,0%) và Thái Lan (16,8%). Cùng với đó, Singapore đồng thời là nước nhập khẩu lớn nhất của khu vực khi có giá trị nhập khẩu chiếm 26,8% trong tổng nhập khẩu của toàn khu vực, tiếp đến là Việt Nam (17,1%), Malaysia (15,7%) và Indonesia (14,8%).

Tổng thương mại dịch vụ của khu vực ASEAN đã tăng đáng kể từ 252,2 tỷ USD năm 2005 lên 778,6 tỷ USD năm 2018. Tính riêng, giá trị xuất khẩu dịch vụ của ASEAN tăng gấp gần 4 lần, từ mức 112,5 tỷ USD năm 2005 lên 404,9 tỷ USD năm 2018, trong khi giá trị nhập khẩu dịch vụ của 10 nước thành viên tăng gần 3 lần, từ mức 139,6 tỷ USD lên 373,8 USD giai đoạn 2005-2018.
 
Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào khu vực cũng có xu hướng tăng, từ 41,9 tỷ USD năm 2005 lên 154,7 tỷ USD năm 2018. Trong đó, khu vực dịch vụ tiếp nhận dòng vốn FDI lớn nhất với tỷ lệ 60,7% trong năm 2018, tiếp theo là ngành sản xuất (35,6%).
 
Vận tải, du lịch và truyền thông

Lượng khách quốc tế đến các quốc gia ASEAN bằng đường hàng không đã tăng lên nhanh chóng, từ 98,9 triệu hành khách năm 2005 lên 297,3 triệu hành khách năm 2018 (tăng 300,5%). Năm 2018, lượng khách quốc tế di chuyển bằng được hàng không đến Thái Lan là nhiều nhất (81,3 triệu hành khách), tiếp đến là Singapore (64,9 triệu hành khách), Malaysia (49,8 triệu hành khách) và Indonesia (31,6 triệu hành khách). Trong khi đó, số lượng của hành khách quốc tế di chuyển bằng đường hàng không đến Brunei, Campuchia, Lào và Myanmar khá thấp, chỉ dưới 8 triệu. Indonesia có lượng hành khách hàng không quốc tế tăng trưởng nhanh nhất với tỷ lệ tăng trưởng bình quân mỗi năm là 20,5% trong giai đoạn 2005-2018.

Năm 2018, tổng lượng khách du lịch đến ASEAN đã tăng 263,7% so năm 2005 và đạt 135,3 triệu người, trong đó: Lượng khách đến Thái Lan là 38,3 triệu người, Malaysia 25,8 triệu người, Singapore 18,5 triệu người, Indonesia 15,8 triệu người và Việt Nam 15,5 triệu người. Lượng khách du lịch đến Lào và Myanmar ít hơn 5 triệu lượt người.
 
Số lượng thuê bao internet tại các nước thành viên ASEAN tăng lên nhanh chóng, đặc biệt là trong những năm gần đây. Năm 2018, tỷ lệ số thuê bao internet/100 dân của toàn khu vực là 53,4. Brunei, Singapore và Malaysia có độ bao phủ cao nhất về lượng người sử dụng internet với tỷ lệ 94,6; 88,2 và 81,2. Mặc dù số thuê bao internet/100 dân ở các nước ASEAN còn lại ở mức thấp hơn, song được đánh giá là có sự gia tăng đáng kể so thập kỷ trước./.
 
B.N (tổng hợp)