Giáo dục - đào tạo có vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, vai trò đó được Đảng và Nhà nước quan tâm chỉ đạo, tiếp tục khẳng định và thể hiện tính nhất quán trong ưu tiên phát triển giáo dục - đào tạo qua các kỳ Đại hội của Đảng. Việc đổi mới giáo dục trong giai đoạn hiện nay đang là mối quan tâm của các cấp, các ngành, các nhà khoa học và toàn xã hội.
Để thấy được kết quả hoạt động giáo dục - đào tạo đối với sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, từ đó có căn cứ cho các chủ trương, chính sách, kế hoạch phát triển giáo dục - đào tạo hiệu quả, Tổng cục Thống kê biên soạn và xuất bản ấn phẩm “Giáo dục, đào tạo Việt Nam - Kết quả đánh giá từ Tổng điều tra kinh tế năm 2021”.
Để thấy được kết quả hoạt động giáo dục - đào tạo đối với sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, từ đó có căn cứ cho các chủ trương, chính sách, kế hoạch phát triển giáo dục - đào tạo hiệu quả, Tổng cục Thống kê biên soạn và xuất bản ấn phẩm “Giáo dục, đào tạo Việt Nam - Kết quả đánh giá từ Tổng điều tra kinh tế năm 2021”.
Ấn phẩm gồm 2 phần:
Phần I: Tổng quan về giáo dục và đào tạo qua kết quả Tổng điều tra kinh tế năm 2021. Trong đó cho biết: Số trường học giảm, cơ sở giáo dục và đào tạo trong doanh nghiệp tiếp tục phát triển; Quy mô và trình độ lao động trong các trường học; Một số chỉ tiêu cơ bản của giáo dục và đào tạo; Kết quả thu, chi của các cơ sở giáo dục và đào tạo; Chi tiêu cho giáo dục trong GDP
Phần II: Các biểu số liệu gồm: Số liệu chung; biểu số liệu của các trường đại học, trường cao đẳng, trường trung cấp, trường phổ thông, trường mầm non và loại hình giáo dục đào tạo khác tính đến 31/12/2021.
Hoạt động giáo dục, đào tạo trong Tổng điều tra kinh tế năm 2021 bao gồm: Các cơ sở có hoạt động giáo dục, đào tạo thuộc đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp và cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể.
Ấn phẩm cho biết, theo kết quả Tổng điều tra kinh tế năm 2021, cả nước có 50,4 nghìn cơ sở giáo dục đào tạo, giảm 1,4% so với thời điểm 31/12/2016. Trong đó, so với năm 2016, cả nước có 396 trường thuộc giáo dục đại học, tăng 26 trường (tăng 7,0%); 395 trường cao đẳng, giảm 61 trường (giảm 13,4%); 358 trường trung cấp, giảm 106 trường (giảm 22,8%); 26,2 nghìn trường thuộc giáo dục phổ thông, giảm 2,5 nghìn trường (8,8%); 8,3 nghìn cơ sở giáo dục khác, tăng 1,8 nghìn cơ sở (tăng 28,8%). Theo đơn vị đào tạo, trong tổng số 50,4 nghìn cơ sở giáo dục đào tạo, có 42,2 nghìn cơ sở thuộc đơn vị sự nghiệp, chiếm 83,7% tổng số, giảm 8,2% so với năm 2016; có 8,2 nghìn cơ sở giáo dục thuộc doanh nghiệp, chiếm 16,3%, tăng 61,28%.
Cả nước có 1,81 triệu lao động làm việc trong hệ thống giáo dục và đào tạo, giảm gần 47 nghìn lao động (giảm 2,5%) so với thời điểm năm 2016. Trong tổng số lao động làm việc trong hệ thống giáo dục và đào tạo, có 1,3 triệu lao động nữ, chiếm 71,9%. Có 1,85 triệu sinh viên đang được đào tạo và 82,6 nghìn giảng viên đang tham gia giảng dạy tại các trường đại học.
Tổng thu của các đơn vị sự nghiệp và doanh nghiệp trong năm 2020 đạt 372,1 nghìn tỷ đồng, tổng chi là 349,1 nghìn tỷ đồng. Lĩnh vực giáo dục - đào tạo luôn được ưu tiên đầu tư lớn từ nguồn ngân sách Nhà nước với tỷ lệ chi hàng năm chiếm khoảng 15-16% tổng chi ngân sách Nhà nước và khoảng 3,0% so với tổng sản phẩm trong nước (GDP). Tuy nhiên, tỷ lệ chi từ ngân sách Nhà nước cho giáo dục - đào tạo có xu hướng giảm đi trong những năm gần đây.
Các kết quả trong Ấn phẩm phản ánh rõ thực trạng số trường học ở hệ thống giáo dục nghề nghiệp và giáo dục phổ thông giảm do thực hiện chủ trương sáp nhập, đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017. Sự phát triển về giáo dục đại học ở các doanh nghiệp tăng qua 2 kỳ Tổng điều tra cho thấy chủ trương xã hội hóa của Đảng, Nhà nước trong hoạt động giáo dục - đào tạo đã bước đầu đạt được kết quả nhất định. Ngoài ra, kết quả Tổng điều tra cũng cho thấy vai trò quan trọng của các đơn vị sự nghiệp công lập trong hệ thống giáo dục - đào tạo của Việt Nam.
Qua đó, Ấn phẩm đề xuất: Để thúc đẩy hệ thống giáo dục đào tạo phát triển, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội thông qua phát triển nguồn nhân lực, Nhà nước cần có chính sách ưu tiên, dành nguồn lực phù hợp và thích đáng cho hoạt động giáo dục, từ đó lan tỏa, khuyến khích, thu hút doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước quan tâm đầu tư cho phát triển nền giáo dục nước nhà./.
Thu Hiền