Tổng điều tra kinh tế năm 2021- Kết quả hoạt động đầu tư nước ngoài tại Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020

|

Tổng điều tra kinh tế năm 2021- Kết quả hoạt động đầu tư nước ngoài tại Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020

Sau hơn 30 năm mở cửa nền kinh tế và thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu về phát triển kinh tế - xã hội, từng bước hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và thế giới. Trong giai đoạn này, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật đã thu hút, quản lý đầu tư nước ngoài (ĐTNN), tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, tiếp cận với thông lệ quốc tế. Khu vực kinh tế có vốn ĐTNN đã phát triển nhanh và hiệu quả. Hiện nay, khu vực này trở thành một bộ phận quan trọng của nền kinh tế đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Để thấy rõ bức tranh về kết quả hoạt động và sự không ngừng lớn mạnh của khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (khu vực FDI) trong những năm gần đây, Tổng cục Thống kê (TCTK) đã biên soạn và công bố ấn phẩm “Tổng điều tra kinh tế năm 2021- Kết quả hoạt động ĐTNN tại Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020”. Ấn phẩm cung cấp những đánh giá tổng quan và các bảng số liệu phản ánh mức độ phát triển khu vực FDI của cả nước giai đoạn 2016 - 2020.

Ấn phẩm gồm 2 phần: Phần I: Tổng quan hoạt động ĐTNN tại Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020; Phần II: Số liệu về kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020.

Trong tổng quan hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020, khu vực FDI ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam và đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tỷ trọng khu vực FDI đóng góp vào tổng sản phẩm trong nước (GDP) các năm từ 2016 - 2020 lần lượt là: 17,0%; 17,8%; 18,6%; 18,7% và 18,8%. Tốc độ tăng giá trị tăng thêm (VA) của khu vực này luôn cao hơn tốc độ tăng GDP cả nước. Năm 2016, VA của khu vực FDI tăng trưởng 8,7% trong khi GDP cả nước tăng trưởng 6,7%; năm 2017 tốc độ tăng tương ứng là 11,8% và 6,9%; năm 2018 là 12,0% và 7,5%; năm 2019 là 8,1% và 7,4%; năm 2020 là 3,5% và 2,9%.

Khu vực FDI là một bộ phận quan trọng của toàn bộ khu vực doanh nghiệp Việt Nam khi tính đến hết năm 2020, số lượng doanh nghiệp FDI đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh chỉ chiếm 3,3% tổng số doanh nghiệp của cả nước nhưng lại chiếm đến 19,2% vốn sản xuất kinh doanh; 23,0% tài sản cố định và đầu tư dài hạn; 29,8% tổng doanh thu thuần; 48,5% lợi nhuận trước thuế của cả khu vực doanh nghiệp.

Hàng hóa xuất khẩu của khu vực FDI đã trở thành cầu nối, là điều kiện tốt để Việt Nam nhanh chóng tiếp cận và hợp tác với nhiều quốc gia, góp phần từng bước nâng cao thế và lực của Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa. Ấn phẩm cho thấy, xuất khẩu từ khu vực FDI luôn chiếm tỷ trọng cao trên 50% trong tổng trị giá xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam. Nếu năm 2016 chiếm 71,5% thì đến năm 2020 tỷ trọng này đạt 72,3%, góp phần cân bằng cán cân thương mại của cả nước. Bên cạnh đó, khu vực FDI đã tác động tích cực tới việc mở rộng thị trường xuất khẩu sang các nước trong nhóm hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) và các nước châu Âu (EU). Năm 2020, Việt Nam đã xuất khẩu sang các nước APEC chiếm 75,5% tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa, xuất khẩu sang các nước EU chiếm 12,4%.

Ngoài ra, khu vực FDI còn góp phần ổn đinh thị trường trong nước, han chế nhập siêu thông qua việc cung cấp cho thị trường nội địa các sản phẩm chất lượng cao do các doanh nghiệp trong nước sản xuất.

Khu vực FDI cũng đã góp phần tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động, chuyển đổi cơ cấu việc làm và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Năm 2016 tạo được gần 4,2 triệu việc làm và đến năm 2020 tạo được gần 5,1 triệu việc làm, gấp 1,2 lần năm 2016.

Theo kết quả điều tra doanh nghiệp hằng năm của ngành Thống kê, ấn phẩm cũng đưa ra một số kết quả hoạt động của doanh nghiệp FDI giai đoạn 2016 - 2020. Theo đó, bình quân giai đoạn 2016 - 2020, cả nước thu hút 17.612 doanh nghiệp FDI, gấp 1,7 lần so với bình quân giai đoạn 2011 - 2015, bình quân tăng 12,3%/năm. Riêng năm 2020, mặc dù tác động tiêu cực của đại dịch Covid 19 trên toàn cầu nói chung và tại Việt Nam nói riêng, nhưng Việt Nam vẫn có 22.242 doanh nghiệp FDI đang hoạt động, tăng 18,5% so với năm 2019 và gấp 1,6 lần so với năm 2016. Số liệu thống kê này cho thấy, với kinh tế vĩ mô và thể chế chính trị ổn định, môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng và nhiều chính sách thu hút, ưu đãi đối với khu vực FDI Việt Nam đã tạo được niềm tin và sức hút mạnh mẽ đối với các nhà ĐTNN. Đồng thời, đây cũng là năm có tỷ lệ tăng về số lượng doanh nghiệp ấn tượng nhất trong cả giai đoạn 2016 - 2020. Số lao động làm việc trong các doanh nghiệp FDI cũng có sự tăng trưởng. Bình quân giai đoạn 2016 - 2020, tổng số lao động làm việc trong các doanh nghiệp FDI đạt 4.687,4 nghìn người, gấp 1,5 lần so với bình quân giai đoạn 2011 - 2015. Kết quả điều tra cũng chỉ ra rằng, tốc độ tăng trưởng của nguồn vốn cao hơn nhiều so với tốc độ tăng về số lượng doanh nghiệp và số lao động. Bình quân giai đoạn 2016 - 2020 các doanh nghiệp FDI thu hút 7.064,7 nghìn tỷ đồng vốn, gấp 2,1 lần so với bình quân giai đoạn 2011 - 2015. Điều này chứng tỏ ngày càng nhiều dự án FDI có quy mô vốn lớn đến đầu tư và mở rộng sản xuất kinh doanh tại Việt Nam.

Tăng trưởng về doanh thu thuần của các doanh nghiệp FDI tăng mạnh qua các năm. Bình quân giai đoạn 2016 - 2020, doanh thu thuần của doanh nghiệp FDI đạt 6.637,8 nghìn tỷ đồng, gấp 2,2 lần so với bình quân giai đoạn 2011 - 2015.

Trong giai đoạn 2016 - 2020, doanh nghiệp FDI hoạt động ở hầu hết các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, trong đó tập trung nhiều nhất ở vùng Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Hồng và hoạt động hầu hết trong các ngành kinh tế nhưng tâp trung nhiều nhất ở khu vực công nghiệp và xây dựng. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng lớn nhất. Theo số liệu điều tra doanh nghiệp hằng năm của ngành Thống kê, bình quân giai đoạn 2016 - 2020 khu vực công nghiệp và xây dựng thu hút 9.703 doanh nghiệp FDI, gấp 1,5 lần so với giai đoạn 2011 - 2015, bình quân tăng 8,1%/ năm; thu hút 4.260,7 nghìn lao động, gấp 1,5 lần, bình quân tăng 4,9%/năm; thu hút 4.575,7 nghìn tỷ đồng nguồn vốn, gấp 2,3 lần, bình quân tăng 16,2%/năm; tạo ra 5.571,8 nghìn tỷ đồng doanh thu thuần, gấp 2,2 lần, bình quân tăng 13,5%/năm. Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế - xã hội của cả nước, luôn dẫn đầu về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài giai đoạn 2016 - 2020.

Ngoài ra, ấn phẩm cũng cho thấy Vùng Trung du và miền núi phía Bắc đã có khởi sắc về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, trong khi vùng Tây Nguyên chuyển biến chưa mạnh trong giai đoạn 2016 - 2020. Ấn phẩm cũng đưa ra hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp FDI với bao gồm hiệu quả sử dụng lao động, hiệu quả sử dụng vốn đến khả năng sinh lời của doanh nghiệp FDI.

Có thể thấy, đến nay, khu vực kinh tế có vốn ĐTNN trở thành bộ phận quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, được khuyến khích, tạo điều kiện phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh với các khu vực kinh tế trong nước. Khu vực FDI đang đóng góp vai trò quan trọng trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tuy nhiên, vai trò của khu vực FDI chỉ thực sự được nâng lên nếu được đầu tư có hiệu quả và phát triển bền vững. Do đó, việc thu hút đầu tư FDI có chọn lọc lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu. Ưu tiên các dự án có công nghệ cao, quản trị hiện đại, giá trị gia tăng cao, thân thiện môi trường, có khả năng tạo tác động lan tỏa, tạo ngoại ứng tích cực cho doanh nghiệp trong nước, giúp các doanh nghiệp trong nước tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, đảm bảo tính bền vững dài hạn cần được quan tâm trong thời gian tới./.

M.T